Cú Hích - Tại sao bạn thường có những quyết định không phải là tốt nhất đối với mình?
Cú Hích - Tại sao bạn thường có những quyết định không phải là tốt nhất đối với mình?
Cú hích được hiểu là bất kỳ phương diện nào của kiến trúc lựa chọn giúp thay đổi hành vi của con người theo một cách có thể đoán trước mà không phải cấm đoán bất cứ phương án lựa chọn nào của họ.
Cú hích - Phiên bản cuối cùng (Tái bản)
(3 lượt)
Cuộc đời của con người thường gắn liền với những sự lựa chọn. Từ những lựa chọn tưởng chừng vô cùng đơn giản hàng ngày như: Ăn gì? Mặc gì? Đi đâu?... Cho tới những lựa chọn mang tính quyết định như sự nghiệp và cuộc đời. Một vài người trong số chúng ta có thể biết mình nên đưa ra lựa chọn thế nào một cách hợp lý và nhanh chóng, nhưng cũng có không ít người vẫn có thể rơi vào những tình huống bối rối, chẳng hạn khi đứng trước một phép chia có nhiều chữ số, hoặc lớn hơn là quyết định chọn ngành nghề hay bước đi tiếp theo cho cuộc đời mình… 

Hàng ngàn công trình nghiên cứu đã xác nhận rằng các dự đoán của con người là không hoàn hảo và đầy định kiến, một hay nhiều quyết định mà họ đưa ra cũng không khá hơn là bao. Bên cạnh những người đưa ra quyết định tạo nên kỳ tích đáng kinh ngạc, thì vẫn có không ít những người rơi vào những lựa chọn sai lầm và ngớ ngẩn. 

Theo cuốn sách Cú hích - Phiên bản cuối cùng của bộ đôi tác giả Richard H. Thaler Cass R. Sunstein, những gì bạn cần là một “cú hích”. Cú hích được hiểu là bất kỳ phương diện nào của kiến trúc lựa chọn giúp thay đổi hành vi của con người theo một cách có thể đoán trước mà không phải cấm đoán bất cứ phương án lựa chọn nào của họ

Ví dụ, bạn có thể khuyến khích học sinh ăn những thực phẩm lành mạnh hơn chỉ bằng cách thay đổi cách bố trí các quầy hàng trong căng tin thay vì đưa ra lệnh cấm đoán. Đây được coi là một ví dụ cụ thể về cú hích. 

Nói cách khác, Cú hích - Phiên bản cuối cùng là cuốn sách nghiên cứu về hành vi và cách thức các chủ thể tư duy và tương tác với nhau dưới góc nhìn kinh tế học và cách sử dụng các tác động thúc đẩy để giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn ở cấp độ cá nhân, quốc gia và toàn cầu. 

Với những đóng góp trong ngành kinh tế học hành vi, tác giả Richard H. Thaler đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2017, trong khi đó tác giả Cass R. Sunstein là giám đốc chương trình kinh tế Hành vi và chính sách công. Hai tác giả với dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế học hành vi sẽ mang đến cho bạn những phân tích chi tiết về lợi ích tài chính của cú hích, mức độ từ phạm vi cá nhân, hộ gia đình, và cả xã hội. 

Ngay từ khi ra mắt ấn bản đầu tiên, Cú hích đã nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách hấp dẫn và kích thích tư duy nhất. Với phiên bản cập nhật mới và đầy đủ này, đây là cuốn sách phải đọc đối với những ai muốn nhìn thấy trí tuệ con người và xã hội của chúng ta vận hành hiệu quả hơn. Chắc chắn nó sẽ nâng tầm các quyết định của bạn và làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. 

 

Có gì ở “Cú hích - Phiên bản cuối cùng”?

 

Cú hích - Phiên bản cuối cùng là bản cập nhật mới và đầy đủ nhất của hai tác giả Richard H. Thaler Cass R. Sunstein. Phiên bản đầu tiên của cuốn sách ra mắt bạn đọc vào năm 2008 và đã nhanh chóng tạo tiếng vang với hơn 2 triệu bản được bán ra. 

Tựa sách này đã đi vào vốn từ vựng của các doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách, những công dân năng nổ và người tiêu dùng ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

Cú hích - Phiên bản cuối cùng giúp chúng ta nắm bắt và hiểu rõ hơn về cụm từ "kiến trúc lựa chọn" - một khái niệm độc đáo được các tác giả tạo ra. Điều này giúp mỗi cá nhân có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein đã loại bỏ những lĩnh vực hiện được coi là lỗi thời do những tiến bộ công nghệ kể từ khi cuốn sách này được viết lần đầu tiên. Ngoài ra, cuốn sách còn bổ sung và cập nhật nhiều chủ đề mới để giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về các vấn đề quan trọng như sức khỏe, tài chính, kinh tế, môi trường... Điều này giúp độc giả hiểu sâu hơn và áp dụng những kiến thức mới nhất vào cuộc sống hàng ngày của mình.

Cú hích - Phiên bản cuối cùng đưa ra những ví dụ và phương pháp giúp bạn đọc vận dụng thuần thục cả những động lực kinh tế và cú hích, nhằm nâng cao khả năng cải thiện cuộc sống và góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội. Không những vậy, chúng ta có thể làm điều đó trong khi vẫn bảo đảm được quyền tự do lựa chọn của mọi người. 

 

Kinh tế học hành vi, Kiến trúc lựa chọn và Cú hích

 

Kinh tế học truyền thống cho rằng con người là sinh vật có lý trí và đưa ra những quyết định tối ưu để tối đa hóa lợi ích của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường xuyên đưa ra những quyết định sai lầm do một số nguyên nhân như sai sót về nhận thức, cảm xúc bốc đồng, thiếu thông tin hoặc khả năng tự chủ. Với Cú hích - Phiên bản cuối cùng, bạn đọc sẽ hình dung ra được vai trò của Kinh tế học hành vi, bởi nó kết hợp giữa kinh tế học và tâm lý học để giúp chúng ta hiểu lý do và cách mọi người cư xử trong thế giới thực.

Bộ não của chúng ta thường sử dụng một loạt các phương pháp phỏng đoán hoặc lối tắt tinh thần để đưa ra quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, những điều này có thể dẫn đến những thành kiến ​​và sai lầm ngớ ngẩn. Trong Cú hích - phiên bản cuối cùng hai tác giả đã phân tích đầy đủ và đưa ra các ví dụ dễ hình dung về định kiến cùng sai lầm của không ít cá nhân và tổ chức. 

Bên cạnh việc đưa ra những quyết định vội vàng, không ít lần chúng ta đưa ra những quyết định tồi tệ do đầu hàng trước cám dỗ và bị chi phối bởi sự thiếu tự chủ và suy nghĩ. Một ví dụ đơn giản được Richard H. Thaler Cass R. Sunstein đưa ra trong cuốn sách này chính là: Bạn có thể đã lên kế hoạch chạy bộ nhưng cuối cùng lại không thể tránh khỏi cám dỗ của các chương trình trên TV. 

Cuối cùng, các quyết định của chúng ta còn bị tác động mạnh mẽ bởi những ảnh hưởng xã hội. Con người dễ dàng bị người khác thúc đẩy bằng áp lực ngang hàng và ảnh hưởng xã hội. Mọi người tuân theo số đông ngay cả khi họ biết rằng số đông ấy có thể sai. 

Cú hích - phiên bản cuối cùng đưa ra những phân tích cụ thể về các sai lầm của con người trong việc đưa ra lựa chọn và quyết định, để từ đó làm rõ lợi ích khi sử dụng những cú hích giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn trong khi vẫn giữ được quyền tự do lựa chọn. 

Một số công cụ khác nhau dành cho kiến trúc lựa chọn mà hai tác giả đề cập đến trong cuốn sách này, có thể kể đến như: sự giám tuyển, thời gian nghỉ ngơi, sự tiết lộ thông minh, hệ thống ước lượng… 

Để độc giả không lạc lối trong các lựa chọn một lần nữa, hai tác giả Richard H. Thaler Cass R. Sunstein đã đề xuất Chủ nghĩa gia trưởng tự do là cách tiếp cận lý tưởng. Đây là cách kết hợp chủ nghĩa tự do (trao quyền tự do lựa chọn) và chủ nghĩa gia trưởng (tác động đến hành động của mọi người theo những cách giúp cuộc sống của họ tốt hơn). 

Bằng việc đưa ra những cú hích có khả năng giúp đỡ và ít có khả năng gây tổn hại nhất, Cú hích - phiên bản cuối cùng hai tác giả sẽ giúp mỗi cá nhân có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất - đây cũng chính là những lựa chọn mà họ có thể tự đưa ra nếu họ có thông tin hoàn hảo, sự chú ý, khả năng tự chủ và không có thành kiến.. 

Cuốn sách còn đưa một khái niệm mới - Bùn lắng. Để chỉ bất kỳ phương diện nào của kiến trúc lựa chọn có chứa lực cản khiến người ta khó đạt được một kết quả tốt đẹp. Ví dụ như: Quan liêu, thủ tục rườm rà, thành phần bị ẩn giấu, vấn đề tuyển sinh đại học, không gian mạng, thuế… 

 

Áp dụng cú hích như thế nào cho hiệu quả?

 

Theo hai tác giả Richard H. Thaler Cass R. Sunstein cú hích có thể được sử dụng bởi cả chính phủ và các tổ chức tư nhân, mặc dù chúng có tác động mạnh nhất đến các chính sách và quy định công.

Thaler và Sunstein đã sử dụng nhiều nghiên cứu điển hình để minh họa cách áp dụng những cú hích cho những thách thức trong thế giới thực, cùng với những quan sát của họ về những gì hiệu quả, những gì không và một số tình huống khó xử mà các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết.

Cuốn sách được hai tác giả thảo luận về cách chính phủ có thể giúp người dân tiết kiệm khi nghỉ hưu, quản lý nợ và tự bảo hiểm một cách thông minh . 

Xã hội/Môi trường: Thúc đẩy vì lợi ích rộng lớn hơn 

Có hai vấn đề lớn được Richard H. Thaler Cass R. Sunstein đề cập đến trong cuốn sách phiên bản đầy đủ này, đó là vấn đề về hiến tạng và bảo vệ môi trường. 

Theo hai tác giả, trong nhiều trường hợp, việc chọn tham gia mặc định có thể là một trong những động lực hiệu quả nhất để thu hút mọi người tham gia điều gì đó có lợi cho họ. Tuy nhiên, việc hiến tạng là một ngoại lệ vì nó liên quan đến 3 nhóm bên liên quan chính khác nhau (bệnh nhân, người hiến tặng và gia đình họ) và rất nhạy cảm. Các tác giả thảo luận về nhiều cách tiếp cận khả thi khác nhau cũng như ưu/nhược điểm của chúng, bao gồm cả những động lực mang tính đổi mới được một số quốc gia như Singapore và Israel áp dụng. 

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây và cũng là một trong những thách thức phức tạp nhất mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt. Các tác giả đã sử dụng kinh tế học hành vi để giải thích tại sao cho đến nay lại có rất ít việc bảo vệ môi trường được thực hiện. Thật không may, chỉ những cú hích không thể giải quyết được vấn đề. Do đó, các tác giả đề xuất cách tiếp cận “tất cả các công cụ sẵn có” với sự kết hợp giữa các quy định, ưu đãi, hình phạt và biện pháp can thiệp. 

Thúc đẩy để phục vụ những điều tốt đẹp hơn

Về cơ bản, việc lựa chọn chủ động không phải lúc nào cũng khả thi và cũng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất. Cú hích rất hữu ích trong việc hướng dẫn mọi người theo một hướng nhất định. Tuy nhiên, những người kiến ​​tạo sự lựa chọn không phải là không thể sai lầm, vì vậy điều quan trọng là để mọi người có quyền tự do đưa ra lựa chọn cuối cùng bất cứ khi nào có thể. Theo hai tác giả, đôi khi, các biện pháp khuyến khích, ủy thác và lệnh cấm cũng có thể cần thiết đối với các vấn đề nghiêm trọng hoặc phức tạp. 

Cú hích - phiên bản cuối cùng cung cấp nhiều thông tin chi tiết mới, cho cả những người đã yêu mến phiên bản đầu tiên và những người đọc mới, về nhiều vấn đề khác nhau mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống hàng ngày như: Covid-19, sức khỏe, tài chính cá nhân, tiết kiệm hưu trí, nợ thẻ tín dụng, nhà ở, thế chấp, chăm sóc y tế, hiến tạng, biến đổi khí hậu và “bùn lắng”. Tất cả những vấn đề ấy được trình bày cụ thể, với những ví dụ dễ hiểu và phương pháp cụ thể nhằm mục đích duy nhất là nâng tầm chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, cho đến cộng đồng và toàn xã hội. 

“Cú hích đã thay đổi thế giới. Bạn có thể không nhận ra điều đó, nhưng nhờ những phát hiện của nó, bạn có thể sống lâu hơn, nghỉ hưu giàu có hơn và thậm chí có thể cứu được mạng sống của người khác.” - The Times (London)

Theo Minh Hằng

Tags: