Thông qua câu chuyện giả lập giữa hai nhân vật, một là nhân viên Ryo và hai là vị trưởng phòng Dora, tác giả Ogura Hiroshi lần lượt giới thiệu với độc giả khái niệm tâm lý học Adler, cũng như từng bước giúp họ nhận biết và tháo gỡ được các vấn đề tâm lý của bản thân như: dù đã tự thúc đẩy bản thân nhưng vẫn không có được động lực, mệt mỏi vì phải giả vờ hoạt bát, mặc cảm thất bại vì thành tích thua kém…
Alfred Adler là nhà tâm lý học sinh năm 1870 mất năm 1937 trong thời gian từ giữa Thế chiến thứ nhất đên trước khi Thế chiến thứ hai bắt đầu. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi cùng với Sigmund Freud và Carl Gustav Jung. Tâm lý học Adler gói gọn trong 2 cụm từ “lòng can đảm” và “ý thức cộng đồng”. “Tôi chỉ có thể can đảm khi tôi nghĩ mình có giá trị. Tôi nghĩ mình có giá trị khi những hành động của tôi hữu ích với những người xung quanh”.
Bằng việc giúp cho nhân vật Ryo nhận ra bản thân mình có thể đóng góp cho những người xung quanh (ý thức cộng đồng),nhân vật Dora đã giúp Ryo nhận ra mình có giá trị và có sự can đảm để nỗ lực hành động, thay đổi bản thân, mang lại sự đóng góp đáng kể cho cộng đồng xung quanh, khẳng định được bản thân và trở nên hạnh phúc.
“Tâm lý học trong đời sống” phát triển câu chuyện dựa trên hai phần cốt lõi, là “lòng can đảm” và “ý thức cộng đồng” với các từ khóa khác có liên quan. Nửa đầu của cuốn sách này nói về “lòng can đảm”. Và nửa sau tập trung vào “ý thức cộng đồng”. Dù chỉ hai từ khóa đơn giản, nhưng Adler có thể giúp mỗi đến một cuộc sống hạnh phúc, giống như hai bánh của một chiếc xe ô tô. Như nhân vật Ryo từ một người nhút nhát, tự ti trong công việc,cuộc sống, không có bạn gái cuối cùng đã trở thành một chủ doanh nghiệp và có một gia đình hạnh phúc nhờ áp dụng những nguyên tắc cốt lõi trong thuyết tâm lý của Alder vào công việc và cuộc sống
Như Adler đã nói: “Cuộc sống vốn dĩ không phức tạp. Chính bạn đang làm cho cuộc sống của bạn phức tạp.” Sự tập trung tích cực của tâm lý học Adler là trao sự chú ý đến “việc bạn đã hoặc có thể làm” thay vì “việc bạn đã hoặc không thể làm”.
“Đừng giết chết những cảm xúc tiêu cực. Đừng miễn cưỡng ép bản thân giả vờ là tích cực. Hãy nhìn vào điểm tiêu cực của bản thân. Và trên hết, hãy nhìn vào mặt tích cực lâu hơn.”
Tác giả cuốn sách "Tâm lý học đời sống" Ogura Hiroshi đã có 20 năm kinh nghiêm tư vấn hướng dẫn đào tạo, đồng thời là chủ tịch tại công ty do ông sáng lập, phát triển. Với tư cách là cố vấn tâm lý theo trường phái Adler, ông đã tư vấn cho nhiều doanh nhân trên con đường phát triển sự nghiệp và cuộc sống của mình.