TẠI SAO TÔI CHỌN BỀ BỘN KHI MỌI NGƯỜI LUÔN CỐ GỌN GÀNG?
TẠI SAO TÔI CHỌN BỀ BỘN KHI MỌI NGƯỜI LUÔN CỐ GỌN GÀNG?
Chúng ta đang cố giữ mạng lưới xã hội của mình thật sạch sẽ và gọn gàng bằng cách tìm kiếm những người giống hệt như mình, lúc nào cũng cố gắng tuân theo nguyên tắc nhất định! Đừng quá cầu toàn, quá quy tắc như thế, hãy nghĩ thoáng hơn rằng, đôi khi sự lộn xộn cũng mang đến những kết quả tuyệt vời.

Thế giới hiện đại đầy ắp những cơ hội để gặp gỡ những người mới. Nhưng chúng ta ít khi tận dụng được chúng. Chúng ta rụt rè chọn người hẹn hò, người để thuê vào làm, thậm chí cả người nào nói chuyện phiếm cùng ở các buổi gặp gỡ mở rộng mạng lưới. Về nguyên tắc, thế giới hiện đại đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội chưa từng thấy để tạo dựng mối quan hệ không chỉ với những người có vẻ ngoài, lối hành xử hoặc suy nghĩ giống như ta. Chi phí đi lại rẻ hơn, liên lạc miễn phí và tức thời, nhiều công cụ ra đời cho phép chúng ta vượt qua những ngăn cách xã hội mà tưởng như không thể trước đây. Nhưng chúng ta đã làm gì với những cơ hội đó? Chúng ta đang cố giữ mạng lưới xã hội của mình thật sạch sẽ và gọn gàng bằng cách tìm kiếm những người giống hệt như mình, lúc nào cũng cố gắng tuân theo nguyên tắc nhất định! Đừng quá cầu toàn, quá quy tắc như thế, hãy nghĩ thoáng hơn rằng, đôi khi sự lộn xộn cũng mang đến những kết quả tuyệt vời. Nếu bạn không tin thì ngay lúc này hãy tìm đến với cuốn sách Messy – Sáng tạo từ sự lộn xộn của Tim Harford – cuốn sách sẽ cho bạn thấy rằng sự lộn xộn ở mức độ nhất định sẽ có tác động to lớn đến nhường nào!

Mỗi chương của cuốn sách khai thác một khía cạnh khác nhau của sự lộn xộn, cho bạn thấy cách nó có thể khuyến khích sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự phục hồi và khai phá những điều tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta. Thành công mà chúng ta mong muốn thường tạo nên từ những nền tảng lộn xộn – những nền tảng thường bị che khuất.

 

 

1. Sáng tạo

Những tình huống lộn xộn đôi khi là mảnh đất nuôi dưỡng sự sáng tạo. Vì vậy mà những cú sốc ngẫu hứng cho một dự án có thể tạo ra hiệu ứng tuyệt vời, thậm chí kì diệu! Tại sao vậy? Người ta có thể mong đợi câu trả lời nằm ở phản ứng tâm lí của chúng ta trước những “cú bóng xoáy này”. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần.

Con người luôn muốn cải thiện chính mình và điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có bản năng của một nhà leo núi. Dù cố gắng làm chủ một sở thích, học một ngôn ngữ, viết một bài luận hay tạo dựng một doanh nghiệp riêng, ai cũng mong muốn sự thay đổi sẽ dẫn tới một kết quả tốt đẹp hơn. Nhưng cũng giống như những thuật toán giải quyết vấn đề, chúng ta dễ lâm vào bế tắc nếu kiên quyết không chịu đi xuống núi. Con người có ý thức tôn trọng những gì đã trở nên quá quen thuộc, họ không muốn thay đổi vì họ sợ rằng sự thay đổi ấy sẽ buộc họ phải làm lại từ đầu. Và như thế họ sẽ có một đống rắc rối cần giải quyết! Tuy nhiên, bạn có nhận ra rằng việc thay đổi điều bạn đã cho là quy luật, điều bạn vẫn rập khuôn từ trước tới nay sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn không?

Tất cả những gì bạn cần là một cú sốc không mong đợi, buộc bạn phải tìm kiếm điều gì đó tốt hơn! Những đổ vỡ xáo trộn sẽ có sức mạnh lớn nhất khi được kết hợp với kĩ năng sáng tạo. Sự đổ vỡ đưa một nghệ sĩ, nhà khoa học hoặc một giáo sư vào tình thế không mấy tiềm năng – một thung lũng sâu chứ không phải là một đỉnh đồi quen thuộc. Nhưng khi đó, tài năng của họ được phát huy và họ tìm ra được cách leo lên cao hơn. Sau cuộc leo núi, họ dừng bước ở một đỉnh cao mới, có thể là thấp hơn đỉnh cũ, nhưng có lẽ là cao hơn mong đợi.

 

2. Hợp tác

Phần lớn mọi việc đều đòi hỏi sự kết hợp giữa ràng buộc và bắc cầu. Khoảnh khắc cảm hứng loé sáng để nhận ra cách tiếp cận đúng và sự chăm chỉ đến từ làm việc nhóm quên mình để biến nó thành sự thật. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa ràng buộc và bắc cầu – sẵn sàng cho sự lộn xộn thâm nhập vào đội nhóm vốn quy củ.

Ví dụ đơn giản có thể thấy là nếu bạn muốn tìm hiểu cụ thể về bản chất của làm việc nhóm trong thế kỉ XXI thì thiết kế trò chơi trên máy tính không phải là một lựa chọn tồi. Thiết kế trò chơi đòi hỏi sự kết hợp rất nhiều kĩ năng – các chuyên gia hình ảnh, âm thanh, cốt truyện làm việc cùng những kĩ sư phần mềm tài giỏi, bên cạnh các phòng ban thương mại như tài chính và marketing. Năng lực công nghệ không ngừng biến đổi, vì thế họ cần tận dụng triệt để công nghệ hiện đại nhất. Giống như một bộ phim Hollywood, mỗi trò chơi là một dự án kéo dài nhưng chỉ là sự liên kết tạm thời giữa những người làm việc tự do (freelancer) và các nhóm ngẫu nhiên. Vậy nên khi ba nhà xã hội học muốn tìm kiếm trường hợp điển hình để nghiên cứu cách mà các đội nhóm đưa ra những sản phẩm vừa độc đáo, vừa thành công về mặt thương mại, họ nhắm tới ngành công nghiệp sản xuất trò chơi trên máy tính. Giống như sự hợp tác trong thiết kế trò chơi, kết cấu đội nhóm trong bất kì lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự gắn bó, tập trung, tin tưởng và cam kết không có chỗ cho những kẻ ăn bám hay bồng bột. Khi nhìn nhận dưới góc độ khác, nó còn đòi hỏi cả sự kết nối: kết hợp thông minh giữa các ý tưởng đơn lẻ được sắp xếp một cách lộn xộn. Trò chơi điện tử thành công nhất được tạo ra bởi sự kết hợp giữa những đội nhóm gắn kết chặt chẽ và cả một mạng lưới trải rộng phong phú. 

Ngày nay, đa số mọi người đều thừa nhận sự đa dạng nhận thức là công thức đem tới sự sáng tạo và cũng là thuốc giải cho chứng tư duy tập thể hay tư duy nhóm (groupthink). Ai cũng mong muốn duy trì không khí thân thiện trong nhóm, bởi vậy đa số chúng ta đều e ngại khi đưa ra những quan điểm và thường tự kiểm duyệt hoài nghi của mình mà không dám tranh cãi. Chúng ta coi tư duy, quyết định được đa số mọi người chấp nhận thì đó là quan điểm đúng. Hoàn toàn không phải như thế! Chỉ cần một tiếng nói bất đồng vang lên là đủ để phá vỡ tình trạng đó, những người trong nhóm sẽ dễ dàng biểu đạt ý kiến của mình hơn.

Logic phía sau những kết luận này là

 

 

khi giải quyết một vấn đề phức tạp, ngay cả những người giỏi nhất cũng có thể bế tắc.

 

 

Bổ sung một cách nhìn nhận mới hoặc một nhóm kĩ năng mới có thể giúp ta thoát khỏi chỗ mắc kẹt đó, ngay cả khi quan điểm đó rất dị thường hoặc các kĩ năng chỉ ở mức trung bình. Sự khác biệt rất có ích! Cho nên khi bàn luận trong nhóm, chúng ta nên tìm kiếm những người có cách suy nghĩ khác, có trình độ, trải nghiệm khác nhau và khác cả vẻ bề ngoài nữa. Những người này sẽ đem tới các ý tưởng mới mẻ và hữu ích. Ngay cả nếu không làm được như vậy, họ sẽ khiến chúng ta cố gắng hơn – dù có thể chỉ bằng cách khiến chúng ta cảm thấy kì cục và buộc chúng ta phải tập trung hơn. Quá trình lộn xộn và đầy thử thách đó rất đáng được đón nhận.

 

 

3. Nơi làm việc

Le Corbusier và Steve Jobs là những gã khổng lồ về văn hoá và đồng thời cũng là hai trong số những người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc xác lập thị hiếu suốt 100 năm qua. Nhưng trong khi cả hai đều rất độc đáo thì niềm đam mê với không gian tối giản, gọn ghẽ đã rất phổ biến trong các tập đoàn. Hệ thống “5S”: sàng lọc (Sort), sắp xếp (Straighten), sạch sẽ (Shine), săn sóc (Standardise) và sẵn sàng (Sustain) – từ lâu đã đồng nghĩa với sự gọn ghẽ và đồng bộ. Hệ thống 5S bắt nguồn từ các không gian sản xuất chính xác, ở đây sự lộn xộn không được khuyến khích vì chúng có thể gây ra lỗi hoặc làm chậm công việc. Nhưng bằng cách nào đó, 5S đã lan từ các dây chuyền sản xuất xe hơi, phòng phẫu thuật và nhà máy sản xuất bộ phận bán dẫn – nơi phù hợp với 5S, sang các khoang văn phòng – nơi 5S không hợp lí chút nào.

Không may thay, các chuyên gia chính trị lại không ngớt ca ngợi “văn phòng tinh gọn” chỉ bởi một lí do đơn giản chính là họ muốn tạo ấn tượng tốt với khách. Điều đó có đúng không? Liệu khách hàng tới thăm có thực sự ấn tượng với sự gọn gàng quá mức như thế không? Câu trả lời là không! Bởi dễ thấy điều khiến một không gian nào đó trở nên thoải mái và dễ chịu, đồng thời để đáp ứng mối quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay thì không gian ấy phải truyền cảm hứng và phải có hiệu quả, không phải là một cái vỏ bóng mượt hoặc nội thất thiết kế tinh tế. Đừng nghĩ kiểu văn phòng tinh gọn với một không gian nghiêm túc, sạch sẽ, một chiếc bàn trống không với ghế xoay, bút chì và giấy sẽ là một không gian làm việc lí tưởng. Không phải là vậy đâu, thực tế cho thấy, chúng cho bạn cảm giác gò bó, khiến bạn không thể thư giãn khi ở trong đó. Văn phòng thành công nhất mà Tim Harford muốn nhắc tới là văn phòng “trao quyền” – văn phòng mà nhân viên có thể trang trí bất cứ thứ gì mình muốn – họ có quyền lựa chọn. Văn phòng này giúp mọi người làm việc nhiều hơn 30% so với văn phòng tinh gọn và 15% so với văn phòng được trang trí thêm.

 

 

4. Ứng biến

Chỉ với 16 phút kể chuyện, Martin Luther King đã khiến hơn 250.000 người nghe đứng lên chống lại nạn phân biệt sắc tộc da. Ông đã làm điều đó như thế nào? Để có được một bài phát biểu trôi chảy như vậy, ông đã dành 15 tiếng để soạn mỗi bài thuyết pháp. Có vẻ như rõ ràng khi đứng trước đám đông, chúng ta cần chuẩn bị kĩ càng như Martin vậy! Nhưng điều ngược lại thì sao? Điều gì xảy ra khi chúng ta ứng biến nhiều hơn, chấp nhận mạo hiểm và nói ra những gì nảy sinh trong tâm trí lúc đó? Việc chuẩn bị là vô cùng quan trọng, nhưng đôi khi, chúng ta nên đón nhận sự hỗn độn của ứng biến. Tốc độ - Sự tiết kiệm và Linh hoạt – ba lợi thế này đủ để thuyết phục chúng ta rằng chính quá trình ứng tác lộn xộn cũng có những lợi thế so với các phương án gọn gàng theo kịch bản có sẵn. Hơn thế, một tia lửa thần kì mà trước đó chưa từng lộ diện sẽ loé lên trong đầu bạn. Chấp nhận sự lộn xộn, Miles Davis đã có một bản thu bất hủ “Kind of Blue”. Nhưng cũng chỉ bằng vài câu nói đùa quá đà, Gerald Ratner người từng tạo nên một đế chế trang sức lại tự huỷ hoại sự nghiệp của chính mình. Vậy nên, chẳng có gì khó hiểu khi chúng ta luôn ngại ứng biến. Chẳng có gì khó hiểu khi chúng ta sợ buông lỏng. Phải, ứng biến có thể nhanh chóng, tiết kiệm, linh hoạt trước các tình huống, mang tính đối thoại, sáng tạo ngoạn mục. Nhưng nó thực sự mạo hiểm!

Tuy nhiên, không ứng biến cũng mạo hiểm không kém! Ứng biến không khiến chúng ta phải đối mặt với các rủi ro mới, nhưng chuẩn bị kĩ càng cũng chẳng thể giúp loại bỏ rủi ro! Vậy chúng ta cần làm gì để ứng biến thành công? Có 4 yếu tố giúp bạn đạt được điều đó:

1. Luyện tập – giao tiếp giữa người với người – điều ta phải luyện tập cả đời.

2. Khả năng sẵn sàng thích nghi với các tình huống hỗn loạn.

3. Khả năng thực sự lắng nghe.

4. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro và buông lỏng.

 

5. Chiến thắng

Trong bối cảnh cạnh tranh, bạn chiến thắng bằng cách đánh bại đối thủ. Đôi khi đối thủ chỉ có vai trò như một điểm ngưỡng để bạn vượt qua. Một vận động viên chạy nước rút 100m có thể hoàn toàn quên đi đối thủ và lao tới đích. Nhưng trong nhiều tình thế cạnh tranh khác như kì thủ cờ vua, võ sĩ đấm bốc, chỉ huy quân sự, giám đốc doanh nghiệp hay chính trị gia thì bạn không thể bỏ qua đối thủ được. Chỉ còn một cách để giành được chiến thắng là tạo điều kiện cho đối thủ thất bại mà thôi. Hãy tạo ra một tình thế hỗn loạn và chiến thắng bằng cách định hướng trong sự hỗn loạn tốt hơn bất kì ai trên chiến trường! Cũng cần nhớ rằng, các cơ hội thường chỉ xuất hiện thoáng qua và sự hỗn loạn được tạo ra khi hai bên cố nắm lấy chúng – đó là cái giá đáng để mạo hiểm – đặc biệt là khi sự hỗn loạn sẽ đem lại lợi thế cho bên thích nghi tốt hơn! Điều này không chỉ phát huy tác dụng trên chiến trường mà nó đặc biệt hữu ích trong cả kinh doanh và chính trị nữa!

Để làm được, hãy nhớ tới thuật ngữ OODA: Observe (Quan sát) – Orient (Định hướng) – Decide (Quyết định) – Act (Hành động). Nói bằng ngôn ngữ thông thường thì nó có nghĩa là: Hiểu chuyện gì đang xảy ra, sau đó phản ứng lại. Nếu bạn có thể đưa ra quyết định nhanh, như thế là tốt. Nếu bạn nắm rõ những gì đang xảy ra, như thế cũng tốt. Nhưng quan trọng hơn, nếu bạn có thể khiến đối phương mất phương hướng, buộc phải dừng lại để xem chuyện gì đang xảy ra, bạn đã nắm chắc được lợi thế trong tay. Và nếu bạn luôn làm được điều này, đối phương của bạn sẽ bối rối đến mức gần như tê liệt. Như vậy, bạn không chỉ nắm được lợi thế mà thực chất, số phận đối phương đã nằm trong tay bạn. Donald Trump đã đắc cử vị trí tổng thống của Đảng cộng hoà chính bằng cách này!

 

6. Động cơ

Bất cứ ai đang sống trên đời này đều có mục tiêu cho riêng mình.

Nhưng đôi khi, mục tiêu ấy lại phản ánh những vấn đề hôm qua chứ không phải hôm nay.

Thế giới thường thay đổi nhanh hơn tốc độ mà các cơ quan có thể bắt kịp. Điều này gây ra nhiều vấn đề cho những tổ chức gắn chặt vào một hệ thống tính toán hiệu quả mà không có sự thay đổi. Hãy tưởng tượng một công ty đặt mục tiêu giải quyết các khiếu nại của khách hàng gọi tới tổng đài nhưng lại không có mục tiêu cho việc giải quyết vấn đề thông qua trang web. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra? Không ai đoán trước được! Nhưng một điều có thể chắc chắn là công ty ấy sẽ không tồn tại được lâu. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề mục tiêu quá gọn gàng và đơn giản như thế? Một cách tiếp cận mới là khiến các mục tiêu trở nên tinh xảo hơn, bao quát nhiều khía cạnh hơn và tập trung hơn vào chi tiết! 

 

7. Tự động hoá

Không ai có thể phủ nhận được lợi ích của tự động hoá. Nó đã làm rất tốt vai trò của mình – trở thành trợ thủ đắc lực của con người. Nhưng chính sự điều khiển tự động này cũng có những hạn chế của nó – vấn đề này có một cái tên riêng: nghịch lý tự động hoá. Thuật ngữ này xuất hiện trong nhiều bối cảnh: từ những người vận hành nhà máy điện nguyên tử, tổ lái tàu biển đến việc chúng ta không thể nhớ được số điện thoại nữa vì tất cả đã được lưu trong danh bạ điện thoại di động, chúng ta khó khăn khi tính nhẩm vì xung quanh toàn máy tính điện tử. Các hệ thống tự động càng tốt thì con người sẽ càng có ít cơ hội luyện tập và những tình huống họ đối mặt sẽ ngày càng bất thường, gây khó khăn rất lớn trong việc tự xử lý.

Các hệ thống tự động có thể rất tuyệt vời nhưng nếu tin tưởng quá vào nó, con người sẽ phải chịu hậu quả. Minh chứng dễ thấy là chuyến bay 447 của hãng hàng không Air France đã lao xuống Đại Tây Dương khiến tất cả mọi người gồm 228 hành khách và tổ lái thiệt mạng ngay lập tức chỉ vì quá tin tưởng vào hệ thống điều khiển điện tử (fly – by – wire). Cho nên hãy thật sự thận trọng! Thế giới này là một chốn hỗn loạn. Số đó là 1 hay 7, chữ L hay chữ I? Một chiếc xe không chuyển động: nó đang đỗ hay bị tắc đường? Người kia là kẻ cắp trong siêu thị hay anh em sinh đôi với gã đó? Một tổ chức có cái tên kì lạ có phải là băng nhóm giết người hay một hiệp hội các học giả có tư tưởng quốc tế? Trong một thế giới hỗn loạn, sai lầm là không thể tránh khỏi. Vậy nên, nếu thỉnh thoảng bạn cần sử dụng kĩ năng con người để giải quyết một tình huống vô cùng rắc rối, có lẽ sẽ hợp lí hơn khi chúng ta tự tạo nên một mớ hỗn độn nho nhỏ, chỉ để giúp con người luôn chú tâm thay vì phụ thuộc vào tự động hoá.

 

8. Sự bền bỉ

Trong nền kinh tế đa dạng hiện nay, câu ngạn ngữ cổ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” (Jack of all trades, master of none) không thực sự còn đúng trong mọi hoàn cảnh, đôi khi nó lại chính là nguyên nhân, là rào cản ngăn bản thân khỏi những gì bạn có thể đạt được khi nhắm tới sự đa dạng trong kĩ năng thay vì chỉ lựa chọn một lĩnh vực chuyên môn hoá. Điều này có thể đúng với một cá nhân nhưng lại không đúng với một thành phố hoặc một đất nước. Những nền kinh tế sản xuất đa dạng sản phẩm thường rất tốt – đó là con đường đưa đến sự thịnh vượng và trong một thế giới không thể đoán trước, đó cũng là con đường dẫn tới sự bền vững. Sự thật là chính những thành phố thành công lại là những mớ hỗn độn vĩ đại được tạo ra từ cái cũ và cái mới của những văn phòng, cửa hiệu, ngôi nhà. Đó cũng là nơi mà người giàu và người nghèo có thể chung sống cùng nhau. Chính sự hỗn loạn đã khiến những thành phố đó trở thành nơi an toàn, sáng tạo và có lẽ trên hết là sự bền vững.

 

9. Cuộc sống

Ít ai ngờ rằng, Benjamin Franklin – người từng là giám đốc bưu điện đầu tiên của Mỹ, đại sứ Mỹ ở Pháp, thống đốc tiểu bang Pennsylvania lại có một điểm yếu rất lớn – điều ông chưa bao giờ làm chủ - đó chính là mục tiêu trật tự. Điều lạ là, những giấy tờ quan trọng bậc nhất với ông lại bị vứt lung tung trên mặt bàn và dưới sàn nhà, ngôi nhà của Franklin vẫn luôn trong tình trạng bề bộn bất chấp 60 năm cố gắng của con người quyết tâm nhất trong lịch sử này. Tuy thế, Franklin vẫn luôn tin rằng gọn gàng là một đức tính không thể bàn cãi. Đáng ngạc nhiên hơn, ông đã hoàn thành gần như mọi thứ mình đặt ra, vậy tại sao ông chỉ thất bại trong việc này? Có lẽ, ông vô thức nhận ra sự bề bộn không hề cản trở thành công. Tuy thế, nhiều người chưa nhận ra điều này trong gần như mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật: sắp xếp giấy tờ, công việc và thời gian; tìm kiếm tình yêu; mở rộng mối quan hệ; nuôi dạy con cái. Sai lầm của Franklin là điều mà tất cả chúng ta có thể học hỏi mỗi ngày trong cuộc sống.

 

Kết luận

Gọn gàng là thói quen cần thiết. Theo bản năng, chúng ta thường hướng đến sự gọn gàng trong mọi thứ, từ tư duy đến lối sống. Nhưng tiếc thay, đôi khi sự trật tự lại chính là yếu tố giết chết sự sáng tạo. Qua các nghiên cứu tâm lí học và thực tế, Tim Harford đã chỉ ra sự kết nối bất ngờ giữa lộn xộn và sáng tạo trong 8 chương cuốn sách. Hy vọng Messy – Sáng tạo từ sự lộn xộn sẽ như một cú hích thôi thúc bạn chọn sự lộn xộn khi thói quen gọn gàng vẫn đang chiếm ưu thế. Hãy tin chắc rằng, mọi thứ sẽ tốt hơn nếu chúng ta chấp nhận sự lộn xộn ở một mức độ nào đó.

 

Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy

Tags: