Tại sao số 1 là con số cô đơn nhất
Tại sao số 1 là con số cô đơn nhất
Hay từ khi nào cô độc trở thành cô đơn.
“Thánh thần ơi, cuộc đời là một nỗi cô đơn đúng nghĩa”.

 

Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Sylvia Plath đã từng tuyên bố như thế trong cuốn nhật ký của bà.

Mặc cho những nụ cười vô hồn mà ta vẫn trao đi mỗi sáng, không bàn tới những cơn khoái lạc nhờ chất kích thích lúc đêm khuya, thì sự cô đơn vẫn luôn tồn tại, trong thẳm sâu tâm hồn. Thật chẳng dễ dàng, để một kẻ cô đơn từ bỏ được tâm trạng u hoài. Dẫu cho đã tìm được người tri kỷ, người mà họ tin tưởng có thể giãi bày những suy tư thầm kín, kẻ cô đơn sẽ phải ngạc nhiên, vì những lời nói mà họ có thể thốt ra. Chúng thô ráp, vô nghĩa, xấu xí và yếu ớt, vì đã bị giam cầm quá lâu trong trí óc, hệt như một tù nhân với đôi mắt chói lòa khi lần đầu bước ra ánh nắng.

 

 

Một đại dịch Cô-đơn

 

 

Cô đơn là một sự tổng hòa phức tạp, của những cảm xúc khác nhau trong mỗi con người như giận dữ, sợ hãi, lo âu, buồn bã hay tủi hổ. Và ngày nay, người ta chẳng lấy gì làm xa lạ với nó. Xã hội gán nó với những cụm từ thật kinh khủng như “đại dịch”, “căn bệnh dịch hạch thầm lặng” của xã hội văn minh. Mới đầu năm nay, việc thành lập “Bộ về các vấn đề Cô đơn” ở Vương quốc Anh, đã một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này.

 

 

Người ta nói cô đơn đã trở thành đại dịch

 

Sự cô đơn, xét cho cùng chẳng phải là một tình trạng phổ quát mà ai ai cũng gặp, nhưng ngược lại, không thể đánh đồng nó như những cảm xúc vụn vặt của vài cá thể người. Nỗi cô đơn chịu những ảnh hưởng nhất định từ xã hội và tình hình chính trị. Và nó cũng có sự chuyển biến dần dần theo thời gian, xoay quanh những ý niệm về bản thân, Chúa trời (thần linh) và thế giới tự nhiên. Sự cô đơn, như mọi hiện tượng khác trên đời, cũng có một lịch sử phát triển riêng của nó.

 

 

Từ sự cô độc đến nỗi cô đơn

 

 

Khái niệm Cô đơn - Loneliness xuất hiện trong tiếng Anh khá muộn, được ghi nhận lần đầu vào khoảng những năm 1800. Trước đó, từ sát nghĩa nhất tồn tại trong Anh ngữ là Cô độc - Oneliness, đơn thuần ám chỉ trạng thái con người đang ở một mình. Tương đương với nó là từ Solitude, vốn xuất phát từ Solus trong tiếng Latin.

 

Xét về mặt ý nghĩa, Oneliness hay Solitude đều chỉ bàn tới sự hiện diện về mặt lý tính, chứ không mang hàm nghĩa gì về sự thiếu hụt trong tình cảm. Xã hội thời kỳ đó cũng không quan niệm Cô độc là một điều gì đáng lo ngại, hay cần hạn chế. Đó là khoảng không gian mà một người cần có để đối diện với Chúa trời, với những ý nghĩ ẩn sâu trong tâm trí. Vì Chúa luôn hiện diện ở bên người đó, nên thực chất họ không bao giờ thực sự cô độc. Nhưng chỉ vài thế kỷ sau, sự cô đơn - trạng thái trống rỗng và thiếu hụt những quan hệ xã hội - đã nhanh chóng trở nên phổ biến và lấn át hoàn toàn Oneliness. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

 

Cô đơn chưa chắc đã là cô độc, và ngược lại (tranh: Ed Vebell)

 

 

 

Những ảnh hưởng thời đại

 

 

Quan niệm hiện đại về nỗi cô đơn vốn bắt nguồn từ những biến đổi về văn hóa và kinh tế trong xã hội Tây phương thời kỳ công nghiệp. Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, nền kinh tế tiêu dùng ngày càng chi phối xã hội sâu sắc, trong khi tôn giáo lại có bước thụt lùi. Ngành sinh học tiến hóa cũng có những bước phát triển vượt bậc.

 

Tất cả những thay đổi đó, đã dẫn bước cho một quan điểm mới rằng mỗi con người, mỗi cá thể, mới là điều thực sự quan trọng. Lối tư duy đặt nặng xã hội truyền thống, với mỗi cá nhân chỉ là một thành phần nhỏ trong đó - đã dần lui vào dĩ vãng.

 

Xã hội công nghiệp đi cùng với lối tư duy đề cao cá nhân

 

Trong thời đại Victoria sau đó, thuyết nghiên cứu về Chọn lọc tự nhiên của Darwin đã được nhiều nhà triết học sử dụng, để lý giải mưu cầu tiền tài cá nhân của những người dân thời bấy giờ. Các nghiên cứu trên lĩnh vực y học lúc này cũng nhấn mạnh vào vai trò cốt yếu của não bộ, trong việc hình thành cảm xúc và trải nghiệm của mỗi cá nhân. Việc phân loại tình trạng cơ thể theo hai mức “bình thường” và “bất thường” đã củng cố nhận định này. Bốn loại tính khí cơ bản (lãnh đạm, lạc quan, cáu giận và u uất), vốn được y học Tây phương sử dụng suốt hơn 2000 năm nhằm phân loại loài người, đã bị thay thế bằng một mô hình sức khỏe mới, đánh giá dựa trên cơ chế sinh học và thể chất của mỗi cá nhân.

Sang tới thế kỷ 20, các bộ môn khoa học nghiên cứu về thế giới trí óc, thế giới tinh thần lần lượt ra đời, tiêu biểu là tâm lý học và tâm thần học. Chúng chiếm vai trò ngày càng quan trọng - nếu không muốn nói là mấu chốt - trong việc phân tích những cảm xúc lành mạnh và không lành mạnh của con người. 

 

Sự tiến bộ của khoa học đã cung cấp cái nhìn khác về cảm xúc con người

 

 

 

Những cái nhìn kì thị

 

 

Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ là người đầu tiên xây dựng hai khái niệm tính cách Hướng nộiHướng ngoại trong tác phẩm Phân loại Tâm lý học (1921). Tính hướng nội, dần được gắn kết với chứng loạn thần và nỗi cô đơn, trong khi hướng ngoại thường đi cũng với quan niệm về tính chan hòa, thích tập thể nhưng có khả năng độc lập cao. Tại Mỹ, những quan niệm này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khi nó được gắn với những phẩm chất cá nhân tiêu biểu “đậm chất Hoa Kỳ” như luôn cố gắng tự hoàn thiện mình, có tinh thần độc lập và quyết đoán để thực hiện “giấc mơ”.

 

Quan niệm gán sự hướng nội với các yếu tố tiêu cực đã góp phần lý giải vì sao xã hội lại có cái nhìn đầy kỳ thị với sự cô đơn. Thực tế khá rõ ràng: Những người cô đơn hiếm khi muốn thừa nhận, hay nhìn nhận về bản thân mình như vậy. Trong khi nỗi cô đơn có thể làm người ta nảy sinh sự đồng cảm, thì cũng có những kẻ cô đơn khác lại trở thành đối tượng bị khinh miệt và né tránh. Khá dễ thấy rằng những người hướng ngoại, có kết nối bạn bè rộng rãi thường có xu hướng tránh né những người ngược lại với mình. Người ta đang đối xử với cô đơn như một căn bệnh truyền nhiễm theo đúng nghĩa đen, hệt như những gì nó đang được ví von.

 

Cô đơn chẳng phải là điều tích cực, nhưng xã hội có nên kỳ thị nó như dịch bệnh? (minh họa: Wikipedia Commons)

 

Thực chất, việc sử dụng những cụm từ tiêu cực như “dịch bệnh của thời hiện đại” chẳng giúp xã hội giải quyết tốt hơn thực trạng cô đơn đang ngày một gia tăng. Ngược lại, nó còn giúp reo rắc sự sợ hãi lên toàn xã hội và gây thêm nhiều tranh cãi. Việc nhìn nhận nỗi cô đơn như một thứ mang tính lây truyền, nhưng lại thuộc về phạm trù cảm xúc của mỗi cá nhân, khiến cô đơn trở thành một khái niệm rất khó định hình hay phân loại. Mà đã như thế, thì càng khó có thể phân tích, hay nói xa hơn, là khắc phục nó.

 

 

Liên kết cộng đồng là nhu cầu tất yếu, nhưng...

 

 

Trong suốt hàng thế kỷ, văn học nhân loại đã không ít lần thừa nhận mối liên kết vô hình giữa sức khỏe tinh thần của con người với khả năng gắn kết cộng đồng của họ. Khi con người sống trong xã hội và thực hiện vai trò của mình đối với cộng đồng, điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng đang đáp ứng cho nhu cầu của chính bản thân.

 

Trong tác phẩm Tiểu luận về con người (1734), Nhà thơ Alexander Pope đã từng chắp bút: “Tình yêu của con người đối với bản thân, và tình yêu đối với xã hội chẳng có gì khác biệt”. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên, khi ta nhận ra rằng nỗi cô đơn cũng đóng một vai trò nhất định, nhằm thực hiện các chức năng về mặt sinh lý và xã hội, như nhà thần kinh học John Cacioppo từng tranh biện: Giống như nạn đói, nó báo hiệu một mối nguy hại tới sự bình yên của chúng ta, nảy sinh từ sự bài trừ trong cộng đồng xã hội.

 

Không có ai là hòn đảo, nhà thơ John Donne đã từng viết như thế trong bài thơ Chuông nguyện hồn ai. [...] Mỗi người là một mẩu của lục địa/ Một mảnh của đại dương/ Nếu một hòn đất bị biển khơi lấy mất/ Châu Âu sẽ nhỏ hơn. [...] Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt/ Bởi tôi là một phần của loài người.

(Chuông nguyện hồn ai, bản dịch của Vũ Hoàng Linh)

 

Một số người nhạy cảm sẽ cho rằng những vần thơ của Donne là một lời mỉa mai cay đắng vượt thời đại, với câu chuyện Brexit khi nước Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu; hay tổng thống Mỹ Donald Trump với câu chuyện người nhập cư trái phép. Phép ẩn dụ của Donne về những đảng phái chính trị bị loại trừ tàn bạo, nay lại tương đồng đến kỳ lạ với nỗi cô đơn, khi bị coi là tai ương của thời hiện đại.

(minh họa: Daniel Rutter)

 

 

Nỗi cô đơn chẳng tương đồng

 

 

Chúng ta cần khẩn trương xây dựng những căn cứ thẩm định về cô đơn, chẳng hạn như thế nào thì bị đánh giá là cô đơn, khi nào và tại sao. Nỗi cô đơn luôn bị các nhà chức trách có thẩm quyền e ngại, vì nó đồng nghĩa với những khoản chi đắt đỏ trong ngân sách.

 

Với những nước phát triển và có nền dân số già, nỗi cô đơn thực sự là một cơn ác mộng. Nghiên cứu đã chỉ ra, những người cô đơn thường dễ mắc bệnh hơn, chẳng hạn như ung thư, bênh tim hay trầm cảm, và có nguy cơ qua đời sớm hơn tới 50% những người còn lại. Nhưng thực tế, chẳng có gì là chắc chắn rằng chúng ta sẽ phải đối diện với một xã hội tương lai cô đơn và già nua, ngay cả ở Anh và Mỹ - những nơi không có truyền thống chăm sóc cho người già trong gia đình như hầu hết các quốc gia EU. Ở đây, mối liên kết giữa sự cô đơn và chủ nghĩa kinh tế cá nhân mới là mấu chốt.

Chủ nghĩa kinh tế cá nhân là một trong những yếu tố hình thành nên sự cô đơn

Cho đến những năm 1830 ở Anh, những người già vẫn thường được chăm sóc chu đáo bởi hàng xóm, bạn bè, gia đình cũng như giáo xứ. Nhưng rồi Quốc hội phê chuẩn Luật mới về đói nghèo, và mọi thứ thay đổi. Đó là một cuộc cải cách xóa bỏ viện trợ tài chính cho người dân, trừ những người già và ốm yếu; hạn chế giúp đỡ những đối tượng trong trại tế bần; và khẳng định việc xóa đói giảm nghèo thực chất chỉ là những khoản nợ, được quản lý bằng một chế độ quan liêu. Khi xu hướng đô thị hóa ngày một gia tăng, các cộng đồng địa phương dần đi đến suy tàn, và những người nghèo khổ bị tách biệt riêng một chỗ, xã hội lại càng phát sinh thêm nhiều người già cô độc.

Xã hội hiện đại ngày càng phân hóa và tách biệt sâu sắc (minh họa: Penny Davenport)

Với các nước mà chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng rõ rệt (như Mỹ, Nam Phi, Anh, Đức và Úc), người dân sẽ có những trải nghiệm khác biệt về cô đơn so với những nước vốn đề cao văn hóa tập thể (như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Guatemala, Argentina hay Brazil). Nỗi cô đơn dù cùng chung một tên gọi, nhưng mỗi người lại có những trải nghiệm khác biệt tùy vào thời gian, hay không gian địa lý, tùy vào xã hội, và tùy vào thời đại.

 

 

Tạm kết

 

 

Xin đừng hiểu nhầm, những lời viết trên không nhằm mục đích khơi gợi sự xót thương với lối sống cộng đồng, hay khẳng định rằng trước thời Victoria, sự tách biệt xã hội là không tồn tại. Thay vào đó, bài viết này muốn làm rõ một điều, rằng xúc cảm con người là một thứ chịu ảnh hưởng rõ nét của xã hội, kinh tế hay tư tưởng thời kỳ mà họ sống.

 

Người ta không thể phê phán chính đáng bất cứ điều gì, nếu nó không được soi chiếu với niềm tin của chính họ vào cái đúng và cái sai, và với trách nhiệm của chính bản thân họ. Tương tự như thế, khái niệm cô đơn tồn tại, vì nó ở trong một thế giới mà con người đang được nhìn nhận như những cá thể tách rời, chứ không phải là một phần trong bức màn xã hội. Có một điều không thể phủ nhận là, sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân đã làm mai một đi những liên kết xã hội, và đưa đến một định nghĩa Cô-đơn hoàn toàn mới, vốn không tồn tại trước những năm 1800.

Khi các nhà triết học đưa ra câu hỏi: “Làm sao để sống một cuộc đời ý nghĩa?”, thì trọng tâm của xã hội đã ngầm dịch chuyển. Nó đã trở thành câu hỏi về sự lựa chọn, về những khao khát và thành tựu của mỗi cá nhân. Chẳng phải là ngẫu nhiên, khi mà khái niệm Chủ nghĩa cá nhân - Individualism chỉ được sử dụng lần đầu từ những năm 1830 với hàm nghĩa chẳng lấy gì làm tích cực. Khi nỗi cô đơn được xã hội thừa nhận, đó cũng là lúc chủ nghĩa cá nhân dần được hình thành. Nếu cô đơn - như người ta nói - là một đại dịch của thời hiện đại, thì nguyên nhân ra đời của nó cũng mang tính thời đại không kém. Và một nhận thức đúng đắn về lịch sử của nó, có lẽ là thứ duy nhất có thể giúp chúng ta.

 

Theo Aeon

Vân Anh (biên dịch)

Ảnh bìa: Edward Hopper

 

Tags: