“Các em sẽ bớt tiêu thụ lại nếu ngồi yên và đọc sách.” - Mustapha Mond nói với một nhóm trẻ khi họ tham quan “Hatchery and Conditioning Center” (Trung tâm Ấp trứng và Điều kiện hóa) ở London vào năm 2540 sau Công nguyên. Quan điểm của ông có một phần đúng, và nếu bạn đọc những cuốn sách như “Thế giới mới nhiệm màu, có thể bạn sẽ muốn tiêu dùng ít đi.
Xuất bản vào năm 1932, “Thế giới mới nhiệm màu” đã đi trước thời đại hàng thập kỷ, và so với người anh em “1984”, một trong hai tác phẩm quan trọng nhất vẽ nên viễn cảnh về một thế giới hiện đại đầy u ám. Tuy nhiên, khác với “1984”, con người trong “Thế giới mới nhiệm màu” là nô lệ của khoái lạc, chứ không phải đau đớn.
Tác giả Aldous Huxley sống trong thời kỳ chính trị cực kỳ bấp bênh, giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến nên ông vừa bị cuốn hút bởi ý tưởng về sự ổn định (thậm chí đến mức hy sinh nền dân chủ) vừa kinh hoàng bởi những gì mà sự thống trị dưới bất kỳ hình thức nào có thể mang lại. Ông đã đến Mỹ vào thập niên 20 náo nhiệt, và văn hóa tiêu dùng, ma túy, phóng túng, và tiệc tùng đã khiến ông hoảng sợ.
Kết quả là “Thế giới mới nhiệm màu” là một cuốn sách đầy mâu thuẫn, mở ra nhiều cách diễn giải, và sau khi bán được hàng triệu bản trong gần 100 năm tồn tại, cuốn sách vẫn đang được diễn giải theo nhiều cách mới mỗi ngày. Chỉ riêng trong năm 2020, một chương trình truyền hình mới đã được sản xuất, và mỗi năm, các thanh thiếu niên tại Mỹ vẫn đọc cuốn sách này như một phần của chương trình học trung học.
Có thể nói, đây vừa một tác phẩm trào phúng, vừa là một lời tiên tri. Sau đây là ba bài học có thể rút ra từ tác phẩm kinh điển này:
1/ Một thế giới hoàn hảo nơi bạn có thể có mọi thứ chắc chắn sẽ không có ý nghĩa gì
Trong lời tựa cho ấn bản năm 2007 của cuốn sách, Margaret Atwood đã viết: “Trong một thế giới mà mọi thứ đều có sẵn, không có gì có ý nghĩa cả”. London được mô tả trong cuốn sách là một thế giới như vậy.
Con người được nuôi dưỡng trong những chiếc bể để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định khi cần thiết, từ những Alpha tinh anh đến những Epsilon “nửa ngu ngốc”. Ngay từ khi sinh ra, con người đã ngủ yên trong những môi trường điều kiện hóa để duy trì đẳng cấp của mình, có thể dễ dàng chỉ ra những ví dụ như như “soma”, loại ma túy hoàn hảo, và cứ thế, tình dục và sức tiêu dùng ngày một nhiều. Kết quả là, mọi người đều dễ dãi, tuân phục, và liên tục chìm trong cảm giác thăng hoa từ loại thuốc này, cái mà ta gọi là khoái cảm - và không ai bao giờ cô đơn.
Hai nhân vật chính của cuốn sách, nhà tâm lý học Bernard Marx và nhà văn Helmholtz Watson, nhìn thấu bức màn của sự thỏa mãn rẻ tiền này. Bernard khao khát một mối quan hệ truyền thống, một vợ một chồng - điều cấm kỵ trong xã hội anh đang sống, và người anh muốn kết đôi là Lenina Crowne, cô công nhân xinh đẹp nhưng không thể rời xa nhà Ấp trứng. Trong khi đó, Helmholtz cảm nhận một tiếng gọi đối với việc viết lách của mình, nhưng anh không thể tiếp cận "sức mạnh tiềm tàng" khi viết những bài văn vô nghĩa mà công việc yêu cầu:
“Nếu bạn sử dụng đúng cách, câu từ có thể giống như tia X, chúng sẽ xuyên qua mọi thứ. Bạn đọc và bạn bị đâm trúng. [...] Nhưng lợi ích gì khi bị đâm trúng bởi một bài báo về một buổi Hát Cộng đồng, hoặc về sự cải tiến mới nhất trong các cơ quan khứu giác cơ chứ?"
Khi bạn có thể có mọi thứ chỉ bằng một cái búng tay, thì cuộc sống không còn điều gì để phấn đấu nữa. Không có mục tiêu. Không có nơi nào để đi. Và, sớm muộn gì, không có một đích đến trong cuộc sống sẽ khiến chúng ta bồn chồn. Con người sinh ra là để di chuyển, và không chỉ về mặt thể chất. Bộ não của chúng ta cần vận động sự sắc bén. Tâm hồn chúng ta khao khát sự sáng tạo và cái đẹp, và không chỉ để chiêm ngưỡng chúng, mà còn để tạo ra chúng.
Một trạng thái thỏa mãn liên tục cũng là một loại nhà tù, và đó là nhà tù mà Bernard và Helmholtz hy vọng sẽ thoát ra. Một người ih vọng đưa người phụ nữ trong mơ của mình vào một chuyến phiêu lưu, người kia thì mong muốn viết những dòng táo bạo và đọc chúng cho học sinh của mình. Tất nhiên, cả hai đều gặp rắc rối vì phá vỡ khuôn mẫu, điều này dẫn chúng ta đến bài học thứ hai…
2/ Chúng ta ghét việc không được hòa nhập, nhưng ngay cả trong những nhóm đồng nhất nhất, vẫn luôn tồn tại những khác biệt
Không giống như Helmholtz, người quá thông minh đến mức có hại cho bản thân nhưng vẫn là một ví dụ hoàn hảo của một Alpha, Bernard hơi thấp hơn so với dự định - một sự cố trong quá trình “ấp nở” - và kết quả là anh thường bị chế giễu bởi phụ nữ, đồng nghiệp, và thậm chí là cả những người cấp dưới. Thêm vào đó là xu hướng một vợ một chồng của anh ấy, và người ta thường mong anh “đừng quá kỳ quặc”, bao gồm cả Lenina.
Dù Bernard cố gắng đến mức nào để bù đắp, anh vẫn không thể tìm thấy sự hòa nhập. Những kỳ nghỉ "soma" do ma túy gây ra của anh không bao giờ kéo dài, và ngay cả khi tham dự “Solidarity Service” (Dịch vụ Hòa nhập) cũng không mang lại sự giải thoát lâu dài.
May mắn thay, Lenina đồng ý đi cùng Bernard trong một chuyến đi lãng mạn đến khu bảo tồn thiên nhiên ở New Mexico. Ở đó, họ không chỉ chứng kiến con người sống theo cách truyền thống: sinh con, uống rượu, thực hành các nghi lễ tôn giáo, săn bắn kiếm ăn, già đi, than khóc cho người chết - mà còn gặp John, "Người man rợ."
Hóa ra, John là con ngoài giá thú của giám đốc Nhà Ấp và và Linda, một người phụ nữ mà ông đã đưa đến khu bảo tồn nhiều năm trước và vẫn sống ở đó. Cũng giống như Bernard, John bị bộ tộc người Mỹ bản địa xa lánh vì ngoại hình khác biệt. Tự nhiên, Bernard vui mừng khi gặp được người có cùng cảm giác "không phù hợp" như mình.
Tự nhiên, Bernard vui mừng khi gặp được người có cùng cảm giác "không phù hợp" như mình. Mặc dù John và Bernard là những ví dụ nổi bật nhất, nhưng càng đọc sâu hơn vào cuốn sách, bạn càng nhận ra: Tất cả các nhân vật chính đều có điều gì đó khác biệt so với nhóm mà họ đáng lẽ phải phù hợp, và đây là nguồn gốc lớn nhất của sự đau khổ của họ.
Helmholtz muốn viết thơ thực sự, nhưng anh không được phép. Lenina cũng bí mật khao khát sự chung thủy, điều làm người bạn Fanny của cô khó chịu. Giám đốc Nhà Ấp mất chức sau khi mọi người nhận ra rằng ông đã có con. Thậm chí Mustapha Mond, Người kiểm soát Thế giới, ban đầu là một nhà khoa học đặt quá nhiều câu hỏi - và đó là lý do khiến ông trở thành Người kiểm soát, chọn sự đau khổ thay vì bị đày ải.
Ít có nỗi đau nào sâu hơn sự đau khổ khi không được hòa nhập và bị đồng loại từ chối, nhưng dù chúng ta cố gắng thế nào để giống nhau, con người luôn khác biệt với nhau. Thực ra, những khác biệt của chúng ta chính là sức mạnh lớn nhất của loài người - nhưng chỉ khi chúng ta chấp nhận, trân trọng và tận dụng chúng.
Lần tới khi bạn cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn, hãy nhớ rằng sự đồng nhất chỉ là một huyền thoại. Chúng ta không thể, và không bao giờ nên, giống nhau hoàn toàn. Điều quan trọng là có những người bạn, gia đình, và đồng nghiệp mà bạn có thể kết nối, nhưng sự bình đẳng của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta đều là con người, chứ không phải ở bất kỳ tập hợp đặc điểm, hành vi hay khả năng nào.
3/ Để có hạnh phúc thực sự, chúng ta cũng phải đối mặt với khả năng chịu đựng đau khổ
Vì bị giám đốc cơ sở ấp đe dọa sẽ đày sang Iceland vì hành vi kỳ lạ của mình, Bernard đã nghĩ ra một kế hoạch tuyệt vời: Anh sẽ đưa Người Hoang Dã và Linda trở lại London, lợi dụng họ để làm mất mặt giám đốc và khiến lời đe dọa đó không còn hiệu lực. Ban đầu kế hoạch thành công và thậm chí khiến Bernard trở nên nổi tiếng, vì giờ đây anh ta là người bảo hộ cho Người Hoang Dã bí ẩn mà ai cũng muốn gặp.
Ban đầu, John cũng rất hào hứng, không chỉ vì anh thích Lenina, mà còn vì trước khi rời khỏi khu bảo tồn, anh đã thốt ra câu nói của Shakespeare: “Ôi thế giới mới tươi đẹp có những con người như thế. Hãy bắt đầu ngay lập tức.” Tuy nhiên, niềm vui và sự kỳ diệu nhanh chóng biến mất.
“Không có gì ở đây đủ giá trị cả,” John kết luận, khát khao trở thành người hùng trong một vở kịch của Shakespeare hơn là trở thành một cá thể vô hồn và tê liệt. “Tôi không muốn sự thoải mái. Tôi muốn Chúa, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thực sự, tôi muốn tự do, tôi muốn sự tốt lành. Tôi muốn tội lỗi.” - anh nói với Mustapha Mond.
Khi biết mẹ mình là Linda đang chết dần vì liên tục uống soma kể từ khi đến đây, John chạy vội đến bệnh viện, gây ra một cảnh náo loạn. Cuối cùng, anh và Helmholtz đã đánh nhau với một nhóm Epsilon, cố gắng lấy đi liều soma của họ, nhằm “giải phóng” họ. Bernard cố gắng can ngăn cuộc chiến, nhưng cuối cùng cả ba đều bị đưa ra trước Mustapha Mond.
Bernard và Helmholtz bị kết án lưu đày, điều mà Bernard ghét nhưng Helmholtz lại mong đợi. Thậm chí Mond còn gọi đó là phần thưởng, vì trên các hòn đảo, tất cả những người thông minh, cá tính đều tập trung, cách xa xã hội bị điều kiện hóa. “Bạn phải chịu đau khổ và sự khó chịu, nếu không bạn sẽ không thể nghĩ ra những câu chữ thực sự hay, sâu sắc, như kiểu tia X xuyên thấu,” Helmholtz giải thích, chọn quần đảo Falkland làm nơi lưu đày, nghĩ rằng thời tiết xấu ở đó sẽ truyền cảm hứng cho việc viết lách của mình. Trong khi đó, Người Hoang Dã bị buộc phải ở lại, dù trong một cuộc tranh luận dài, Người Kiểm Soát cũng thừa nhận anh ta có lý khi nói: “Tôi đòi quyền được bất hạnh.” Chính phủ đã chọn hy sinh nghệ thuật, khoa học và tôn giáo để đổi lấy hạnh phúc hời hợt nhưng ổn định mà giờ đây anh ta nhìn thấy xung quanh mình, Mond thừa nhận:
“Hạnh phúc thực sự luôn trông thật tồi tàn khi so với sự bù đắp thái quá cho đau khổ. Và tất nhiên, sự ổn định không thể nào ngoạn mục bằng sự bất ổn. Và sự hài lòng không có chút hào quang nào của một trận đấu chống lại nghịch cảnh, không có chút hình ảnh tuyệt đẹp nào của một cuộc đấu tranh với cám dỗ, hoặc một sự sụp đổ bởi đam mê hay nghi ngờ. Hạnh phúc không bao giờ là vĩ đại.”
Hạnh phúc trong “Thế giới mới nhiệm màu” là giả tạo vì nó không phải là kết quả của việc sống thật sự, cũng không phải là phần thưởng cho sự chịu đựng. Đó chỉ là một mức độ thỏa mãn nhân tạo, và đó là lý do tại sao, đối với chúng ta cũng như đối với các nhân vật chính, nó không thực sự thỏa mãn.
Helmholtz muốn buồn để có thể viết tốt hơn. John muốn đấu tranh cho tình yêu của Lenina. Thậm chí Người Kiểm Soát cũng mong muốn có thể khám phá khoa học thay vì bãi bỏ nó: “Thật thú vị biết bao,” ông nghĩ tại một thời điểm, “nếu không phải nghĩ đến hạnh phúc!”
Cuối cùng, John nhận được điều mình mong cầu.
Trong một khoảng thời gian, anh sống yên bình một mình trong một ngọn hải đăng, thậm chí đôi khi tự đánh mình để chuộc tội. Tuy nhiên, khi người dân London biết chuyện, họ kéo đến nhà anh, và sự phẫn nộ sau đó lên đến đỉnh điểm. Sáng hôm sau, John treo cổ tự tử, không thể đối mặt thêm với thực tế rằng mọi người xung quanh anh đều đang đối phó không ngừng.
Hạnh phúc không phải là thứ chúng ta có thể “sản xuất”, dù cố gắng đến đâu. Nó thường là kết quả, đôi khi là phần thưởng xứng đáng, nhưng hạnh phúc thực sự không bao giờ là thứ chúng ta có thể nhận được từ một nút nhấn hay bằng cách uống một viên thuốc. Nếu chúng ta từ chối khả năng chịu đựng đau khổ, chúng ta cũng từ chối khả năng có được hạnh phúc thực sự. Và đó có lẽ là bài học mạnh mẽ nhất mà cuốn sách có thể dạy cho chúng ta.
- Theo Four Minute Books