Chỉ vài tuần sau đó, tình bạn giữa chúng tôi phai nhạt dần. Không có chuyện gì “tồi tệ” xảy ra. Cũng không hề có gì kịch tính như trong phim truyền hình. Càng không tồn tại cảm xúc tổn thương. Chỉ là chúng tôi dần xa nhau và tiếp tục cuộc sống riêng của mỗi người.
Tôi đã không nhận ra là tôi và cô bạn ấy đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của nhau.
Trong những tuần tình cảm còn tốt đẹp, chúng tôi thường nói chuyện rất nhiều về các mối quan hệ thất bại gần đây của cả hai. Tôi bắt đầu lờ mờ cảm nhận được điều quan trọng về cách bắt đầu cũng như kết thúc các mối quan hệ của mình. Chuyện tình cảm của cô ấy và tôi cũng giống hệt nhau, bọn tôi đều quyết định rời đi để ngẫm nghĩ kĩ liệu có muốn tiếp tục hay lựa chọn buông tay.
Bạn tôi càng nói về chuyện tình cảm trước đây của cô ấy, tôi càng thấy cô ấy là một người ngây thơ. Cô ấy rõ ràng không phù hợp với đối phương và lẽ ra đã phải dừng lại. Lúc đó thì không để ý, nhưng lâu dần tôi nhận ra tình huống của cô ấy như tấm gương phản chiếu câu chuyện của chính tôi. Do đó lời khuyên tôi dành cho cô ấy thực chất là dự đoán về những điều sớm hay muộn tôi cũng sẽ phải nghe.
Chúng tôi không vô tình gặp gỡ, có một thứ gì đó thuộc về tâm lý đã kéo chúng tôi lại gần nhau. Khi nhìn lại những mối quan hệ bạn bè của mình, tôi nhận rađó là một vòng lặp đáng sợ.
Trong bóng tối suy nghĩ vô thức, chúng ta thích thú một mối quan hệ mà trong nó không cần thiết phải tồn tại những yêu cầu như ổn định tài chính, vẻ ngoài thu hút hay có khiếu ăn nói. Thứ ta tìm kiếm có thể chỉ là sự phản ánh nhu cầu sâu sắc nhất trong trái tim.
Ví dụ, người sống trong một gia đình có cha mẹ ly dị thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân đồng thời mất niềm tin vào một cuộc hôn nhân tốt đẹp kéo dài. Không phải bởi vì họ bị cha mẹ ghét bỏ, mà sự chia ly bằng cách nào đó đã trở thành một phần trong nhận thức về tình yêu. Thứ đầu tiên họ biết ở tình yêu là sự chia ly và sự từ bỏ, do vậy nó trở thành quan niệm của họ về tình yêu, ngay cả khi thực tế không phải lúc nào tình yêu cũng như thế.
Điều này giải thích lý do vì sao người có cha mẹ nghiện rượu thường khi lớn lên sẽ bắt đầu mối quan hệ với một kẻ cũng nghiện rượu. Theo phản xạ vô thức, ý định của họ có thể là muốn chữa lành vết thương cho người bạn đời của mình bởi trong quá khứ họ đã chẳng thể làm gì cho cha mẹ mình. Hoặc, họ có thể không nhận ra bản thân đã vô tình liên kết hành vi nghiện với sự thoải mái trong mối quan hệ tình cảm.
Theo lý thuyết này, thứ ta tìm kiếm trong quan hệ giữa người với người không phải là tình yêu mà là sự quen thuộc. Điều này đúng một cách hoàn hảo với tình bạn.
Không phải trùng hợp ngẫu nhiên khiến bạn gắn kết với một ai đó ngoài kia. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có nhiều điểm chung với bạn thân của mình hơn bạn nghĩ. Bạn thường bị cuốn hút bởi những người có chung vấn đề với mình, bạn mong muốn được chữa lành nhưng lại không biết cách.
Khi mối quan hệ đó gặp thách thức và bạn cảm thấy thất vọng về hành vi của bạn mình, đó có lẽ là lúc bạn đang quan sát hình ảnh phản chiếu của mình. Chỉ là bạn chưa nhận ra thôi.
Chúng ta thường không nhận thức được hành vi của mình, nhưng lại chăm chú quan sát hành vi của người khác, chỉ trích và đưa ra đánh giá về mọi người dựa trên những hành vi đó. Nó có thể trở thành nỗi ám ảnh, là gốc rễ của mối quan hệ yêu ghét, hạt giống của sự ghen ghét, cạnh tranh và đố kị. Đặc điểm khiến gây khó chịu nhất ở người khác có thể sẽ cho chúng ta thấy rõ đặc điểm tính cách của chính mình.
Khi gặp một người có tổn thương tương tự, bản thân có thể cảm nhận được. Có điều gì đó ở họ na ná khiến chúng ta muốn giúp họ tống khứ nó đi. Vấn đề là khi đang cố gắng chữa lành cho một người cũng chính là lúc bản thân cần được ai đó đưa tay ra giúp đỡ.
Nhiều người nghĩ rằng họ có một tình bạn thật tệ hại. Họ không kết giao với người có cùng sở thích, biết cách tôn trọng lẫn nhau mà quen với người có hành vi xấu – tấm gương vô thức của chính họ. Thay vì thừa nhận mỗi người đều phải chịu trách nhiệm riêng trong mối quan hệ, họ cố gắng làm lớn vấn đề, giám sát và kiểm soát hành vi của đối phương với mong muốn tạo ra sự thay đổi theo ý mình.
Tuy nhiên, cố gắng thay đổi một cá nhân không phải cách giúp chữa lành tâm hồn. Điều đó không làm bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Những chuyện như thế xảy ra không phải do trùng hợp.
Các mối quan hệ sẽ trở thành người thầy vĩ đại nhất cho tâm trí. Nghe thì có vẻ vô vị, nhưng đúng. Người bạn quen cũng như điều bạn trải nghiệm là cơ hội tốt nhất để thấu tỏ bản thân, hiểu bản thân là ai và quan tâm đến thứ gì, xác định được điều bạn muốn trân trọng và điều bạn muốn thay đổi.
Vậy nên thay vì cố gắng điều khiển cuộc đời của người khác bằng cách cố sửa lỗi hoặc phán xét họ, hãy xem xét lại liệu hành vi của họ có phải đã vô tình chạm đến những vết thương ở sâu thẳm con tim bạn, là sự phản ánh của chính bạn. Có lẽ những gì bạn nghĩ về họ lại chính là điều bạn muốn nói với bản thân mình.
Theo Medium
Kim