Tại sao bạn phải ăn nếu muốn đưa ra quyết định sáng suốt?
Tại sao bạn phải ăn nếu muốn đưa ra quyết định sáng suốt?
Hẳn là có những lúc bạn đứng mê man trước tủ quần áo vì chẳng quyết định được bộ nào, hay dành cả tiếng cuộc đời để nghĩ xem tối nay ăn gì, nấu món gì. Việc phải liên tục chọn lựa cứ thế bòn rút sức lực và ý chí mà chính bạn không hề nhận ra. Nhưng yên tâm, bạn không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề này đâu.

3 người đàn ông đang trong thời gian cải tạo tại các nhà tù ở Israel mới đây đã xuất hiện trước hội đồng ân xá bao gồm một thẩm phán, một nhà tội phạm học và một nhân viên xã hội. 3 người tù nhân này đã hoàn thành ít nhất 2/3 số câu trả lời của họ, nhưng hội đồng ân xá chỉ trao trả tự do cho một người trong số họ. Hãy đoán xem:

Trường hợp 1 (được nghe thấy vào lúc 8h50 sáng): một người Israel gốc Ả Rập đang thi hành án tù 30 tháng vì tội trộm cắp.

Trường hợp 2 (được nghe thấy vào lúc 3h10 chiều): một người Israel gốc Do Thái đang thi hành án tù 16 tháng vì tội tấn công.

Trường hợp 3 (được nghe thấy vào lúc 4h25 chiều): một người Israel gốc Ả Rập đang thi hành án tù 30 tháng vì tội trộm cắp. 

Quyết định của hội đồng ân xá được dựa trên một khuôn mẫu nhất định, nhưng nó không liên quan tới lí lịch chủng tộc, tội danh hay bản án của các tù nhân. Bằng cách phân tích hơn 1100 quyết định trong vòng 1 năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, tất cả dựa trên thời gian ngồi tù. Những thẩm phán, người lắng nghe lời kháng cáo của tù nhân và sau đó tham khảo ý kiến từ những thành viên khác trong hội đồng, chấp nhận ân xá khoảng 1/3 số trường hợp, nhưng khả năng được ân xá khá chênh lệch trong một ngày. Những tù nhân xuất hiện sớm vào buổi sáng nhận được ân xá khoảng 70% số lần, trong khi những người xuất hiện muộn hơn trong ngày được ân xá ít hơn 10%.

Người tù nhân xuất hiện lúc 8h50 sáng được ưa thích hơn – và thực tế là anh ta đã nhận được sự ân xá. Nhưng cho dù người tù nhân Israel gốc Ả Rập đang thực hiện cùng án tù với cùng tội danh – trộm cắp – anh ta lại không được chấp thuận khi xuất hiện (vào một ngày khác) vào lúc 4h25 chiều. Anh ta bị từ chối ân xá, cũng như người tù nhân Israel gốc Do Thái vào lúc 3h10 chiều, người mà án lĩnh ngắn hơn của người đàn ông đã được thả. Họ chỉ là yêu cầu được ân xá sai thời điểm trong ngày.

Thẩm phán đấy không có  thù oán gì với phạm nhân hay thậm chí  hành vi bất thường, Jonathan Levav từ đại học Stanford và Shai Danziger từ đại học Ben-Gurion đã báo cáo như vậy đầu năm nay. Phán xét thất thường của thẩm phán là vì rủi ro nghề nghiệp, như George W. Bush đã từng một lần đề cập đến, “người quyết định”. Công việc đậm tính cân não này khiến họ kiệt sức. Kiểu mệt mỏi về các quyết định có thể khiến đội trưởng nhóm tấn công (trong bóng đá) có xu hướng lựa chọn mơ hồ và những giám đốc tài chính dễ rề rà công việc vàokhoảng chiều muộn. Nó cứ thế bẻ cong phán xét của tất cả mọi người, người điều hành và người không điều hành, người giàu và người nghèo, sự thực là, nó có thể đặc biệt gây hại đến người nghèo. Tuy nhiên chỉ ít người nhận thức được điều đó, và những nhà nghiên cứu mới đang bắt đầu hiểu tại sao nó xảy ra và làm thế nào để chống lại nó.

Mệt mỏi về các quyết định (decision fatigue) giúp giải thích tại sao những người có óc xét đoán thường tức giận với đồng nghiệp và gia đình, dành rất nhiều tiền để mua quần áo, mua đồ ăn vặt tại siêu thị và không thể kháng cự lại đề nghị của đại lí để chống gỉ cho chiếc xe mới của họ. Bất kể bạn cố gắng trở nên lý trí và cao thượng đến mức nào, bạn không thể đưa ra hết quyết định này đến quyết định khác mà không phải trả một cái giá về mặt sinh học. Nó khác với sự mệt mỏi về mặt thể chất thông thường – bạn không nhận thức được mình mệt mỏi – nhưng bạn đang bị suy giảm năng lượng tinh thần.

 


Bạn càng có nhiều lựa chọn trong ngày, não bạn càng khó quyết định, và cuối cùng, nó tìm đến lối tắt, thường theo một trong 2 cách. Một là trở nên liều lĩnh: hành động một cách bốc đồng thay vì hao phí năng lượng để nghĩ về hậu quả trước mắt (Như kiểu: Thôi, cứ làm vậy đi, chắc không chết ai đâu mà!). Hai là tiết kiệm năng lượng cuối cùng: không làm gì cả. Thay vì khổ sở đau đớn thì sẽ tránh né bất kì lựa chọn nào. Né tránh quyết định thường tạo ra những vấn đề lớn hơn trong tương lai nhưng ở hiện tại, nó làm giảm áp lực tinh thần. Bạn bắt đầu kháng cự bất cứ thay đổi nào, bất cứ bước chuyển biến nào tiềm tàng rủi ro – ví dụ như phóng thích một tù nhân mà sẽ có thể phạm tội tiếp. Chính vì vậy, vị thẩm phán mệt mỏi trong hội đồng ân xá chọn lựa một cách dễ dàng hơn, và người tù tiếp tục ngồi tù thực hiện bản án.

Mệt mỏi về các quyết định là khám phá mới nhất bao gồm một hiện tượng được gọi là suy giảm bản ngã (ego depletion), một thuật ngữ được tạo ra bởi nhà tâm lí học xã hội Roy F. Baumeister trong sự tôn kính với một giả thuyết của Freud. Freud thảo luận rằng cái tôi, hoặc bản ngã, phụ thuộc vào những hoạt động tinh thần bao gồm sự chuyển hóa năng lượng. Cho dù vậy, ông ấy còn mơ hồ về một số chi tiết, và bị sai một vài ý ( như là ông ấy cho rằng những người nghệ sĩ “làm thăng hoa” tác phẩm của họ bằng năng lượng tình dục, ngụ ý rằng giới nghệ sĩ không nên ngoại tình ). Mô hình năng lượng bản ngã của Freud nhìn chung bị lờ đi cho đến cuối thế kỉ, khi Baumeister bắt đầu tìm hiểu kỉ luật tinh thần qua một loạt các thí nghiệm, đầu tiên tại Case Western và sau đó tại Đại học bang Florida.

Những thí nghiệm này chứng minh rằng có một nguồn dự trữ năng lượng tinh thần có hạn dùng cho việc tự kiểm soát. Khi họ tránh né được cám dỗ của bánh M&M hay bánh quy sô cô la vừa mới ra lò, nhưng sau đó lại ít có khả năng kháng cự những cám dỗ khác. Khi họ tự ép mình kìm nén cảm xúc suốt một bộ phim đau xé lòng, sau đó họ sẽ từ bỏ nhanh chóng hơn những nhiệm vụ phòng thí nghiệm mà đòi hỏi tính tự kỉ luật, giống như giải một câu đố hình học hoặc ép chặt dụng cụ cầm tay. Ý chí hóa ra không chỉ là một khái niệm dân gian hay ẩn dụ. Nó thực sự là một dạng năng lượng tinh thần mà có thể bị cạn kiệt. Những thí nghiệm quan niệm ở thế kỷ 19 đã ví ý chí như một loại cơ bắp có thể bị yếu đi trong quá trình sử dụng, một lực nội tại có thể được duy trì bằng cách tránh những cám dỗ. Để nghiên cứu quá trình suy giảm bản ngã, các nhà nghiên cứu tập trung đầu tiên vào những hành động bao gồm tự kiểm soát – loại kỉ luật liên quan khá chặt chẽ với ý chí (chẳng hạn từ chối một hũ kem ngon lành). Họ không quan tâm tới việc đưa ra quyết định hàng ngày, như là chọn sô cô la hay vanilla - một quá trình tinh thần mà họ chắc rằng nó khác biệt và ít áp lực hơn nhiều. Lựa chọn giữa sô cô la và vanilla thuộc về trực giác chứ không đòi hỏi đến ý chí.

Nhưng sau đó một vị đồng nghiệp, Jean Twenge, bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm của Baumeister ngay sau khi lên kế hoạch cho đám cưới của cô ấy. Khi Twenge tìm hiểu kết quả của những thí nghiệm suy giảm bản ngã, cô ấy nhớ lại mình đã kiệt sức như thế nào vào buổi tối cô và vị hôn phu của mình đi chọn đồ. Họ muốn món đồ sứ màu trắng trơn hay có hoa văn? Nhãn hàng dao nào? Bao nhiêu cái khăn tắm? Loại ga trải giường nào?

“Giờ đây ông đã có thể thuyết phục tôi bất cứ điều gì”, Twenge nói với người đồng nghiệp mới của mình. Những triệu chứng nghe có vẻ quen thuộc với họ, và khiến họ nảy ra một ý tưởng. Một cửa hàng bách hóa gần đó đang tổ chức đại hạ giá, chính vì vậy những nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến để lấp đầy thùng xe với những sản phẩm đơn giản - không hẳn là quà cưới lấp lánh nhưng đủ thu hút các sinh viên quan tâm. Khi đến phòng thí nghiệm, sinh viên được nói rằng họ sẽ được giữ một món đồ vào cuối cuộc thí nghiệm, nhưng đầu tiên họ phải đưa ra một loạt lựa chọn. Họ thích cái bút hay cây nến hơn? Cây nến hương vanilla hay cây nến hương hạnh nhân? Một cây nến hay một chiếc áo phông? Áo phông màu đen hay áo phông màu đỏ? Trong khi đó, một nhóm kiểm soát, hay gọi là những người không quyết định đã dành một khoảng thời gian dài tương đương để nhìn ngắm tất cả những sản phẩm này mà không phải đưa ra bất cứ lựa chọn nào. Họ được yêu cầu chỉ cần đưa ra ý kiến của họ về mỗi sản phẩm và báo cáo mức độ thường xuyên sử dụng trong vòng 6 tháng vừa qua.

Sau đó, tất cả những người tham dự được đưa cho một trong những bài kiểm tra kinh điển nhất về vấn đề tự kiểm soát: để tay trong nước lạnh lâu nhất có thể. Phản ứng thông thường của cơ thể là rút tay ra khỏi chậu nước, chính vì vậy lúc này ta cần đến khả năng kiểm soát để giữ tay dưới nước được lâu. Những người ra quyết định từ bỏ nhanh hơn, họ giữ được trong 28 giây, ít hơn một nửa mức trung bình 67 giây của những người không ra quyết định. Phải lựa chọn quá nhiều thứ trên rõ ràng đã làm mòn ý chí của họ, và đó không phải là hiệu ứng tách biệt. Nó đã được xác minh trong những thí nghiệm khác về sinh viên sau khi họ trải qua quá trình đăng kí môn học cho kì tiếp theo trên mạng portal của trường.

Để thực hiện thí nghiệm trong thực tế cuộc sống về học thuyết của họ, những nghiên cứu viên phòng thí nghiệm bước vào “lãnh địa to lớn” của việc đưa ra quyết định: trung tâm mua sắm ngoại ô. Họ phỏng vấn những người mua sắm về trải nghiệm của họ trong những cửa hàng ngày hôm đó và sau đó yêu cầu họ giải một vài phép toán số học đơn giản. Những nghiên cứu viên lịch sự yêu cầu họ làm càng nhiều càng tốt nhưng cũng nói rằng họ có thể từ bỏ bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, những người mua sắm, người mà đã đưa ra phần lớn quyết định từ bỏ nhanh nhất. Khi mà bạn mua đồ đến mức rã rời chân tay, ý chí của bạn cũng bị rơi rụng theo.

 

 


Bất cứ quyết định nào, cho dù là nên mua quần gì, hay có nên bắt đầu chiến tranh, có thể được chia nhỏ thành thứ mà những nhà tâm lí học gọi là mô hình các giai đoạn hành động Rubicon, để tưởng niệm dòng sông đã phân tách Ý từ xứ Gaul. Khi Caesar đến sông Rubicon vào năm 49 trước Công nguyên, trên đường về nhà sau khi chinh phục xứ Gaul, ông ta biết rằng một tướng lĩnh quay trở lại Rome bị cấm mang quân đoàn qua sông cùng với ông ta bởi việc đó bị coi như là xâm chiếm Rome. Khi chờ bên bờ phía Gaul của dòng sông, ông ta đã ở “giai đoạn tiền-ra-quyết-định” khi suy ngẫm về rủi ro và lợi ích của việc bắt đầu một cuộc nội chiến. Sau đó ông ta ngừng tính toán và băng qua sông Rubicon, chạm vào “giai đoạn sau-khi-ra-quyết-định”, mà Caesar định nghĩa một cách vui vẻ hơn nhiều: “Gạo đã thành cơm”.

Toàn bộ quá trình có thể làm cạn kiệt ý chí của bất kì ai, nhưng giai đoạn nào của quá trình ra quyết định là mệt mỏi nhất? Để tìm ra câu trả lời, Kathleen Vohs, người đồng nghiệp cũ của Baumeister bây giờ đang làm việc tại Đại học Minnesota, thực hiện một thí nghiệm sử dụng website tự phục vụ của hãng máy tính Dell. Một nhóm trong thí nghiệm cẩn thận tìm hiểu những lợi ích và bất lợi của những đặc trưng đa dạng sẵn có cho một máy tính – loại màn hình, kích thước ổ cứng, etc - mà không thực sự đưa ra quyết định cuối cùng rằng nên chọn cái nào. Nhóm thứ hai được đưa cho một danh sách những thông số kĩ thuật được định trước và được yêu cầu lên cấu hình một chiếc máy tính bằng cách cần mẫn, từng bước một định vị các tính năng đã quy định giữa hàng loạt lựa chọn và sau đó click vào cái thích hợp. Mục đích của việc này là sao chép mọi thứ xảy ra ở giai đoạn "sau-khi-ra-quyết-định" khi đã lựa chọn xong. Nhóm thứ ba phải tự tìm ra đặc điểm nào mà họ muốn cho máy tính của mình và thực hiện quá trình lựa chọn chúng, họ không chỉ đơn giản là cân nhắc các lựa chọn (giống như nhóm 1) hoặc hoàn thành lựa chọn của người khác (như nhóm 2). Họ phải thực sự làm “gạo nấu thành cơm”, và điều này trở thành nhiệm vụ mệt mỏi nhất trong tất cả. Khi đo đạc độ tự kiểm soát, họ là những người bị kiệt sức nhiều nhất. 

Thí nghiệm đã chỉ ra rằng băng qua sông Rubicon mệt mỏi hơn nhiều so với bất cứ chuyện gì xảy ra hai bên sông, đau đớn về tinh thần nhiều hơn so với ngồi bên bờ phía Gaul suy nghĩ về các chọn lựa hay diễu hành tại Rome khi đã băng qua. Kết quả là, những ai không có ý chí của Caesar sẽ có khả năng “dậm chân tại chỗ”. Với một thẩm phán cực kì mệt mỏi, từ chối ân xá dường như là quyết định dễ dàng hơn, không chỉ vì nó bảo tồn hiện trạng và loại bỏ rủi ro người được ân xá tiếp tục phạm tội mà nó còn để lại nhiều lựa chọn mở: thẩm phán giữ lại lựa chọn ân xá tù nhân một ngày nào đó trong tương lai mà không phải bỏ qua lựa chọn giữ anh ta an toàn trong tù ngay bây giờ. Một phần kháng cự lại việc đưa ra quyết định đến từ nỗi sợ phải từ bỏ lựa chọn.

Một khi bạn kiệt sức về tinh thần, bạn trở nên miễn cưỡng với những cuộc trao đổi, một dạng đặc biệt cấp tiến và khó khăn của việc đưa ra quyết định. Trong thế giới động vật, không có nhiều cuộc thương lượng kéo dài giữa kẻ săn mồi và con mồi. Thỏa hiệp là một khả năng phức tạp của con người và cũng là một trong những thứ đầu tiên suy giảm khi ý chí bị mòn rút. Bạn trở thành thứ mà những nhà nghiên cứu gọi là “người keo kiệt có nhận thức” đang tích trữ năng lượng của mình. Nếu bạn đang mua sắm, bạn có khả năng nhìn vào chỉ một khía cạnh, ví dụ như giá cả: hãy đưa cho tôi cái rẻ nhất. Hoặc tự nuông chiều bản thân bằng cách nhìn vào chất lượng: Tôi muốn cái tốt nhất (một chiến lược đặc biệt dễ dàng khi một ai đó khác chứ không phải là bạn, trả tiền). Mệt mỏi vì quyết định khiến bạn dễ bị “tấn công” bởi những người làm marketing, người biết cách định thời gian buôn bán, như Jonathan Levav, giáo sư đại học Stanford, chứng minh trong thí nghiệm về những bộ com lê hàng thiết kế và những chiếc xe hơi mới.

[…]

Thí nghiệm với những bộ com lê hàng thiết kế cũng có kết quả tương tự: một khi chứng mệt mỏi vì quyết định kéo đến, con người có xu hướng miễn cưỡng quyết định lựa chọn được đề xuất. Khi mới bắt đầu mà họ phải đối mặt với những quyết định khó nhằn nhất – những quyết định với nhiều lựa chọn, ví dụ như 100 mẫu vải cho bộ com lê – họ nhanh chóng mệt mỏi và ít hứng thú tận hưởng mua sắm hơn.

Mua sắm có thể trở nên cực kì căng thẳng cho người nghèo, người mà phải chật vật liên tục với những trao đổi, thương lượng. Phần lớn người Mỹ không dành nhiều thời gian để lo lắng xem liệu có đủ tiền để mua xà bông không, nhưng nó có thể là một lựa chọn suy đi tính lại trong vùng nông thôn tại Ấn Độ. Dean Spears, một nhà kinh tế học tại Princeton, trao tặng cho người dân tại 20 làng ở Rajasthan vùng Tây Bắc Ấn Độ cơ hội để mua một vài thanh xà bông “xịn” có giá trị ít hơn 20 xu. Giá đấy thấp hơn cả thông thường, tuy nhiên thậm chí như vậy con số trên vẫn là một gánh nặng cho người dân ở trong 10 ngôi làng nghèo nhất. Dù họ có mua xà bông hay không, việc quyết định tính toán khiến họ còn lại ít ý chí nhất, như đã đo được sau đó trong một bài kiểm tra xem họ có thể ép một dụng cụ cầm tay trong bao lâu. Trong những ngôi làng giàu có hơn một chút, ý chí của những người dân không bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi vì họ có nhiều tiền hơn, họ không phải dành nhiều công sức cân nhắc lợi ích của xà bông so với thức ăn hay thuốc men.

Spears và những nhà nghiên cứu khác tranh luận rằng chứng mệt mỏi vì quyết định này là một yếu tố phổ biến và bị lờ đi cho đến nay – trong việc bẫy con người vào nghèo khó. Bởi vì tình trạng tài chính của họ buộc họ phải đưa ra quá nhiều đánh đổi, họ có ít ý chí hơn để cống hiến cho trường học, công việc và những hoạt động khác mà có thể đưa họ lên tầng lớp trung lưu. Thật khó để biết chính xác yếu tố này quan trọng như thế nào, nhưng chắc chắn rằng ý chí là một vấn đề đặc biệt với người nghèo. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ tự kiểm soát thấp có tương quan tới thu nhập thấp cũng như một loạt các vấn đề khác, bao gồm thành tích học tập thấp ở trường học, ly hôn, tội phạm, nghiện rượu và sức khỏe yếu.

Sa sút trong khả năng tự kiểm soát dẫn tới khái niệm “undeserving poor” (những người nghèo không đáng khen) – được tóm lược bằng hình ảnh một người mẹ với chế độ hưởng phúc lợi sử dụng tem phiếu để mua đồ ăn vặt – tuy nhiên Spears thúc giục sự đồng cảm cho những người phải ra quyết định suốt cả ngày với hầu bao eo hẹp. Trong một nghiên cứu, ông ấy nhận thấy rằng, khi người nghèo và người giàu đi mua sắm, những người nghèo dường như hay ăn uống hơn trong suốt chuyến đi. Điều này có vẻ giống như lời xác nhận cho tính cách yếu ớt của họ - đáng lẽ, họ có thể tiết kiệm tiền và cải thiện dinh dưỡng của họ bằng cách ăn những bữa ăn tại nhà thay vì việc mua những loại đồ ăn vặt có sẵn như Cinnabons, thứ mà gây tỉ lệ béo phì gia tăng ở người nghèo. Nhưng nếu đi siêu thị là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi vì quyết định với người nghèo nhiều hơn người giàu – bởi vì mỗi lần mua lại phải cân đo đong đếm – thì khi họ đến được quầy thanh toán, họ sẽ còn lại rất ít lí trí.

Và đó không phải là lí do duy nhất những đồ ăn vặt được trưng bày một cách nổi bật tại quầy thanh toán. Chỉ khi những người mua sắm bị cạn kiệt sức lực sau tất cả những quyết định của họ tại các gian hàng và ý chí của họ bị giảm sút, họ khó chối từ các loại cám dỗ, đặc biệt với kẹo và soda và bất cứ thứ gì có một chút đường. Trong khi những siêu thị biết điều này từ rất lâu thì chỉ mới gần đây những nhà nghiên cứu mới khám phá được lí do tại sao.

[…]

Bộ não, cũng giống như những bộ phận  khác, nhận năng lượng từ gluco, loại đường hầu như có trong tất cả các loại đồ ăn. Để thiết lập nguyên nhân và ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Baumeister cố gắng tiếp nhiên liệu cho bộ não trong một thí nghiệm bao gồm nước chanh pha với đường hoặc là một viên giả vị đường. Nước chanh có đường cung cấp lượng gluco dồi dào, và ảnh hưởng của nó có thể thấy ngay lập tức; loại không đường tuy có mùi vị tương tự nhưng không cung cấp cùng lượng gluco. Luôn là thế, đường giúp dự trữ ý chí, nhưng chất giả vị ngọt thì không có tác động gì. Gluco có thể ít nhất làm dịu bớt mức độ suy giảm bản ngã và thỉnh thoảng đảo ngược hoàn toàn nó. Ý chí được dự trữ cải thiện khả năng tự kiểm soát của con người cũng như chất lượng những quyết định của họ: họ kháng cự những thiên vị vô lý khi chọn lựa. Khi được yêu cầu đưa ra quyết định tài chính, họ có khả năng lựa chọn những chiến lược dài hơi tốt hơn thay vì lợi ích trước mắt. Ảnh hưởng của suy giảm bản ngã thậm chí được chứng minh với chó trong hai thí nghiệm tiến hành bởi Holly Miller và Nathan DeWall tai Đại học Kentucky. Sau khi tuân lệnh ngồi nghỉ ngơi trong 10 phút, những chú chó thể hiện tệ hơn trong những bài kiểm tra mức độ tự kiểm soát và có xu hướng đưa ra những quyết định nguy hiểm như thách thức lãnh địa của những con chó khác. Nhưng một liều gluco đã khôi phục ý chí của chúng.

Dù vậy, những nhà nghiên cứu não vẫn còn khá e dè về mối liên hệ gluco. Một số người hoài nghi rằng tổng năng lượng não sử dụng luôn duy trì cùng mức độ bất kể người đó đang làm gì. Trong số những người hoài nghi có Todd Heatherton, người làm việc với Baumeister từ khi bắt đầu sự nghiệp và cuối cùng kết thúc tại Dartmouth, nơi ông trở thành người tiên phong trong lĩnh vực khoa học thần kinh xã hội: nghiên cứu mối liên kết giữa tiến trình của não bộ và hành vi xã hội. Ông tin vào sự suy giảm bản ngã, nhưng ông lại không nhận ra quá trình thuộc về thần kinh này có thể được gây ra dễ dàng bởi sự biến đổi lượng gluco như thế nào.

 


 Để quan sát quá trình và xem xét liệu nó có thể bị đảo ngược bởi gluco hay không, ông và cộng sự tuyển 45 phụ nữ ăn kiêng và chụp lại hình ảnh bộ não của họ khi họ phản ứng với những bức tranh về đồ ăn. Sau đó, những người ăn kiêng xem một đoạn video hài hước trong khi tự ép bản thân nín cười – một tiêu chuẩn khắc nghiệt để làm cạn kiệt năng lượng tinh thần và suy giảm bản ngã. Sau đó họ lại đưa ra những bức tranh về đồ ăn và những bản quét não ở lần mới này tiết lộ ảnh hưởng của suy giảm bản ngã: vùng nhân não phải hoạt động nhiều hơn và phần hạch hạnh nhân có nhiệm vụ kiểm soát xung động theo đó mà suy giảm. Đồ ăn trở nên hấp dẫn hơn khi xung động kiểm soát yếu đi – điều này quả thật không tốt cho bất cứ ai đang ăn kiêng. Nhưng giả sử những người trong tình trạng thiếu hụt bản ngã này được tiếp thêm một liều gluco thì sao? Bản quét não bộ của họ sẽ tiết lộ điều gì?

Kết quả của thí nghiệm được công bố vào tháng Một, trong bài phát biểu của Heatherton nhân dịp nhận chức lãnh đạo của tổ chức gồm những nhà tâm lí xã hội học lớn nhất trên thế giới - Nhân cách và Hành vi Xã Hộị. Heatherton báo cáo rằng việc cung cấp gluco hoàn toàn đảo ngược những thay đổi gây ra bởi sự thiếu hụt trong não – một khám phá mà khiến ông ấy cũng rất ngạc nhiên. Kết quả này không chỉ xác nhận chắc chắn rằng gluco là một phần thiết yếu của ý chí, mà còn giúp giải quyết thắc mắc về việc gluco hoạt động như thế nào mà không có sự thay đổi chung trong tổng năng lượng não bộ sử dụng. Rõ ràng suy giảm bản ngã khiến một số phần của bộ não hoạt động nhiều hơn và một số phần khác lại hoạt động ít đi . Não của bạn không ngừng làm việc khi lượng gluco thấp. Nó chỉ ngừng làm một vài thứ và bắt đầu làm những thứ khác. Nó phản ứng mạnh mẽ tới những phần thưởng trước mắt và ít chú ý hơn tới những triển vọng lâu dài.

Những khám phá về gluco giúp giải thích tại sao ăn kiêng là bài kiểm tra khó khăn độc nhất với khả năng tự kiểm soát – và tại sao thậm chí những người với ý chí mạnh mẽ phi thường đến khi về già lại có những khoảng thời gian giảm cân khó khăn . Họ bắt đầu với khí thế hừng hực, kháng cự lại bánh sừng bò vào bữa sáng và tráng miệng vào bữa trưa, nhưng mỗi hành động kháng cự này lại càng làm giảm đi ý chí của họ. Khi ý chí của họ yếu dần đi vào cuối ngày, họ cần “đổ đầy” nó. Tuy nhiên để tái cung cấp nguồn năng lượng đó, họ cần phải nạp gluco vào cơ thể. Họ bị mắc kẹt trong bẫy dinh dưỡng Catch – 22 (một tình huống nghịch lí mà các cá nhân không thể thoát khỏi bởi các quy định mâu thuẫn, thuật ngữ được đưa ra bởi Joseph Heller và được sử dụng trong quyển tiểu thuyết Catch-22 xuất bản vào năm 1961 của ông).

  1. Để không ăn, một người ăn kiêng cần có ý chí.
  2. Để có ý chí, một người ăn kiêng cần phải ăn.

Khi cơ thể sử dụng hết lượng gluco, nó nhanh chóng thèm khát đường để nạp đầy năng lượng. Sau khi thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi khả năng tự kiểm soát tại phòng thí nghiệm, người ta có xu hướng ăn nhiều đường hơn chứ không phải những loại đồ ăn vặt khác như khoai tây chiên mặn. Chỉ là kì vọng của việc phải gắng sức tự kiểm soát khiến con người ham muốn đồ ngọt. Một hiệu ứng tương tự giúp giải thích tại sao rất nhiều phụ nữ thèm ăn sô cô la và những đồ ăn có đường khác ngay trước giai đoạn hành kinh: cơ thể của họ đang tìm kiếm thứ gì đó thay thế khi lượng gluco dao động. Một túi đồ ăn vặt hoặc thức uống có đường sẽ cải thiện nhanh chóng việc tự kiểm soát (đó là lí do tại sao nó lại thuận tiện để sử dụng trong những thí nghiệm), nhưng nó chỉ là một giải pháp tạm thời. Vấn đề là đường không giúp được nhiều trong cả ngày khi mà nguồn cung cấp gluco ổn định hơn đến từ những đồ ăn có chất đạm và những thức ăn có nhiều dinh dưỡng khác.

Lợi ích của gluco là chắc chắn đúng trong nghiên cứu về hội đồng ân xá người Israel. Vào giữa buổi sáng, thường là trước 10h30 một chút, hội đồng ân xá sẽ nghỉ ngơi và những thẩm phán sẽ được phục vụ một chiếc bánh sandwich và một vài miếng hoa quả. Những người tù xuất hiện trước thời gian nghỉ ngơi sẽ chỉ có khoảng 20% cơ hội được ân xá, nhưng những người xuất hiện ngay sau khi thời gian nghỉ ngơi kết thúc có khoảng 65% cơ hội. Xác suất lại giảm một lần nữa khi buổi sáng tiếp tục, và những người tù có lẽ không muốn xuất hiện ngay trước bữa trưa đâu: cơ hội được ân xá vào thời điểm này chỉ là 10%. Sau bữa trưa, nó vọt lên 60%, nhưng chỉ rất nhanh chóng. Bạn còn nhớ người tù Israel gốc Do Thái người xuất hiện lúc 3h10 chiều và bị từ chối ân xá cho lỗi tấn công của anh ta không? Anh ta bị vận xui là do anh ta trường hợp thứ 6 kể từ sau bữa trưa. Nhưng người tù Israel gốc Do Thái khác đang thi hành bản án tương tự, với một tội danh tương tự đủ may mắn để xuất hiện lúc 1h27 chiều, trường hợp đầu tiên sau bữa trưa, và anh ta được trao tặng ân xá. Với anh ta nó hẳn là một ví dụ đẹp đẽ của hệ thống công lý tại nơi làm việc, nhưng có lẽ nó liên quan nhiều hơn tới lượng gluco của vị thẩm phán.

Có vẻ dễ hình dung những cải cách cho hội đồng ân xá tại Israel – như là, hạn chế ca làm việc của mỗi thẩm phán xuống nửa ngày, tốt hơn hết là vào buổi sáng, được xen kẽ với những khoảng giải lao ăn uống nghỉ ngơi thường xuyên Tuy nhiên, việc cần phải làm với chứng mệt mỏi quyết định, thứ mà ảnh hưởng tới phần lớn xã hội lại không rõ ràng. Thậm chí nếu chúng ta có thể làm việc nửa ngày, cuối cùng ta vẫn sẽ cạn kiệt nguồn ý chí suốt ngày dài, giống như Baumeister và đồng nghiệp của ông ta phát hiện ra khi họ đến một cánh đồng tại Würzburg vùng trung tâm nước Đức. Những nhà tâm lí học đưa những chiếc điện thoại BlackBerry đã được cài đặt trước cho hơn 200 người để bắt đầu ghi lại những thói quen hàng ngày trong 1 tuần. Những chiếc điện thoại kêu lên vào những khoảng thời gian ngẫu nhiên, giục giã mọi người báo cáo xem liệu họ có đang ham muốn hay thèm thứ gì không. Bài nghiên cứu dẫn đầu bởi Wilhelm Hofmann, sau đó tại trường đại học Würzburg, đã tập hợp được hơn 10000 báo cáo trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến tận nửa đêm.

Ham muốn hóa ra là lẽ thường, chứ không phải ngoại lệ gì nữa. Một nửa số người cảm thấy ham muốn khi điện thoại của họ kêu lên – thèm đồ ăn vặt, ham muốn được lười biếng, được bày tỏ cảm xúc thực sự của họ với sếp – và một phần tư khác nói rằng họ cảm thấy đã thấy khao khát thứ gì đấy trong vòng nửa tiếng vừa qua. Rất nhiều trong số những ham muốn này là thứ mà những người đàn ông và phụ nữ cố gắng để kháng cự, và càng nhiều ý chí họ hao phí, càng có nhiều khả năng họ đầu hàng cám dỗ tiếp theo. Khi đối mặt với một ham muốn mới mẻ, thứ mà tạo ra một loại xung động tôi-muốn-nhưng-tôi-thực-sự-không-nên bên trong, họ chấp nhận từ bỏ một cách dễ dàng hơn nếu họ đã phòng thủ trước những cám dỗ từ trước đó, đặc biệt nếu những cám dỗ mới mẻ này đến ngay sau cái đã được ghi nhận.

Những kết quả gợi ý rằng con người nên dành từ ba đến bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày để kháng cự lại những cám dỗ. Nói cách khác, nếu bạn vỗ nhẹ ba hay bốn người vào những khoảnh khắc ngẫu nhiên trong ngày, một trong số họ có thể đang sử dụng ý chí để kháng cự ham muốn. Ham muốn được kháng cự phổ biến nhất trong bài nghiên cứu điện thoại là ăn và ngủ, sau đó là khao khát được nghỉ ngơi, ví dụ như giải lao giữa giờ làm việc bằng cách chơi một câu đố hay chơi game thay vì viết một bản ghi nhớ. Ham muốn tình dục ở vị trí tiếp theo, và sau đó là ham muốn những loại tương tác khác, ví dụ như lướt facebook. Để “tự vệ” trước những cám dỗ, những người tham gia dùng những chiến lược khác nhau. Cách phổ biến nhất là tìm kiếm thứ khác gây xao nhãng hoặc tham gia một hoạt động mới mẻ, cho dù thỉnh thoảng có những người cố gắng kìm nén hay khó nhọc vượt qua nó. Mức độ thành công của họ khác biệt rõ rệt. Họ khá giỏi kháng cự cơn buồn ngủ, quan hệ tình dục hay ham muốn tiêu xài, nhưng không giỏi chống lại sức cám dỗ của TV hay những trang web hoặc ham muốn chung chung là thư giãn thay vì làm việc.

 


Chúng ta không có cách nào để biết tổ tiên của chúng ta đã luyện tập kiểm soát bản thân nhiều như thế nào trong thời kì chưa có BlackBerrry và những nhà tâm lí học xã hội, nhưng có vẻ như là rất nhiều trong số họ trải qua ít căng thẳng về suy giảm bản ngã hơn. Khi có ít lựa chọn thì sẽ bớt mệt mỏi vì phải đưa ra quyết định hơn. Ngày nay, chúng ta cảm thấy choáng ngợp bởi ta có quá nhiều sự lựa chọn. Cơ thể của bạn có lẽ có nghĩa vụ phải báo cáo để làm việc đúng giờ, nhưng tâm trí bạn có thể trốn thoát bất cứ lúc nào. Một người sử dụng máy tính thông thường nhìn vào hơn ba tá webtise mỗi ngày và mệt mỏi bởi phải liên tục đưa ra các quyết định – liệu có nên tiếp tục dự án, kiểm tra TMZ, theo dõi một kênh trên Youtube hay mua thứ gì đó trên Amazon. Với 10 phút mua sắm online, bạn đủ đánh chìm ngân sách còn lại trong năm của bạn.

Ảnh hưởng tích tụ của những cám dỗ và quyết định này không rõ ràng về mặt nhận thức. Hầu như không có ai cảm thấy việc ra quyết định mệt mỏi như thế nào. Quyết định lớn, quyết định nhỏ, tất cả đều tích dần lại. Lựa chọn đồ ăn sáng, địa điểm nghỉ mát, người giúp việc, bao nhiêu tiền nên tiêu – tất cả những thứ này làm cạn kiệt trí lực và không có triệu chứng báo hiệu khi nào nó ở mức thấp.

Suy giảm bản ngã xuất hiện không giống một dạng cảm giác mà như một khuynh hướng trải nghiệm mọi thứ một cách mạnh mẽ hơn. Khi khả năng điều khiển của bộ não yếu đi, cảm giác khó chịu dường như tồi tệ hơn bình thường. Khao khát ăn uống, tiêu xài và nói những thứ ngớ ngẩn cảm giác như quyền lực hơn (và chất cồn khiến khả năng tự kiểm soát suy giảm nhiều hơn nữa). Giống như những chú chó trong thí nghiệm, những người suy mòn bản ngã có khả năng bước vào những cuộc chiến vô ích để giành lãnh địa. Trong việc đưa ra quyết định, họ đi những đường tắt phi logic và có xu hướng ưa chuộng lợi ích ngắn hạn và chi phí trì hoãn. Giống như những thẩm phán trong hội đồng ân xá cạn kiệt sức lực, họ có xu hướng chọn những lựa chọn an toàn và dễ dàng hơn, thậm chí lựa chọn đó có thể gây hại cho người khác.

“Khả năng đưa ra quyết định đúng đắn không phải là một đặc tính của con người, tức là nó không cố hữu mà có xu hướng xao động”, Baumeister nói. Những nghiên cứu của ông chỉ ra rằng những người có khả năng tự kiểm soát tốt nhất là những người biết cách sống để bảo tồn ý chí. Họ không lên lịch cho những buổi gặp mặt liên tu bất tận. Họ tránh những cám dỗ như những bữa buffet, và họ thiết lập những thói quen khiến họ không phải lựa chọn quá nhiều. Thay vì quyết định mỗi buổi sáng có nên thúc ép bản thân để tập thể dục hay không, họ lên lịch những cuộc hẹn thường xuyên để tập thể dục với một người bạn. Thay vì dựa vào chút ý chí còn lại trong ngày, họ “bảo tồn” nó để luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp và những quyết định quan trọng.

“Thậm chí những người sáng suốt nhất cũng sẽ không đưa ra được những quyết định khôn ngoan khi họ không được nghỉ ngơi hoặc lượng gluco thấp”, Baumeister nói. Đó là lí do tại sao người sáng suốt thực sự không định hình lại cơ cấu công ty của họ lúc 4h chiều. Họ không đưa ra những cam kết quan trọng trong tiệc cocktail. Và nếu có một quyết định phải đưa ra vào cuối ngày, họ biết rằng không nên làm điều đó với một cái dạ dày trống rỗng. “Người đưa ra quyết định tốt nhất”, Baumeister nói, “là những người biết rằng khi nào thì không nên tin chính bản thân họ”.

Trạm Đọc

Theo The New York Times Magazine 

 

 

Tags: