Một chủ đề nóng hổi được các nhà lãnh đạo quan tâm trong cả các tổ chức công và tư nhân là tư duy hệ thống. Giáo sư Peter Senge, tác giả của cuốn sách kinh điển Nguyên lý thứ năm, đã từng nói, "Tư duy hệ thống là một bộ khung khái niệm, một tập hợp kiến thức và công cụ đã được phát triển trong 50 năm qua, để giúp chúng ta nhìn nhận rõ toàn bộ mô hình và tìm ra cách thay đổi hiệu quả".
Đã từ rất lâu, những người đứng đầu đã thấm nhuần các phương pháp quản trị khoa học cổ điển để ứng dụng cho việc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, thay đổi và cải tiến. Mặc dù các quy trình này rất hữu ích đối với một số hoạt động nhất định, đặc biệt là nghiên cứu và kiểm soát, chính bản chất của chúng (nhấn mạnh vào việc kiểm tra, giám sát) lại cản trở họ nhìn thấy bức tranh đầy đủ và chân thực.
Nói một cách đơn giản, tư duy hệ thống khuyến khích một cá nhân xem xét không chỉ các thành phần quan trọng, mà cả các mối quan hệ của chúng ở ngay trong hệ thống và với các hệ thống khác. Như nhà khoa học hệ thống C. West Churchman đã tuyên bố rất rõ: "Đó là một trong những cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc cơ bản rằng tất cả các khía cạnh của thế giới con người nên được gắn kết với nhau trong một sơ đồ hợp lý lớn, giống như các nhà thiên văn học tin rằng toàn bộ vũ trụ gắn liền với nhau bởi một bộ luật thống nhất."
Tư duy hệ thống sinh ra để nhắc nhở chúng ta rằng các tổ chức giống như tảng băng trôi, phần lớn đều không thể nhìn thấy!
Một bộ công cụ giúp các công ty chuyển đổi sang lối tư duy toàn diện này được phát triển bởi 2 tiến sĩ Gerald Nadler và Shozo Habino sẽ được trình bày chi tiết trong cuốn "Tư duy đột phá" (Breakthrough Thinking). Tư duy đột phá được mô tả là "một cách tiếp cận mới mang tính cách mạng trong giải quyết vấn đề sáng tạo" và "một phương pháp để tìm ra những câu trả lời thực sự mới mẻ, có ích lợi lâu dài, không chỉ giải quyết vấn đề ngay tức thời mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau”.
Nó bao gồm năm giai đoạn trực quan. Thứ nhất là xác định mục đích: Bạn muốn giải pháp này đạt được điều gì? Thứ hai là tìm ra các giải pháp khả thi: Nếu không có ràng buộc về tài nguyên, thời gian, tính khả thi thì bạn có thể sáng tạo những giải pháp như thế nào? Thứ ba là cụ thể hóa kế hoạch: Chắc lọc các ý tưởng trong giai đoạn 2 và chọn một giải pháp lý tưởng nhất. Thứ tư là chi tiết hóa tấm bản đồ: Xác định từng bước đi và chuẩn bị trước những bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình triển khai kế hoạch. Thứ năm là áp dụng và đánh giá: Các bước chuẩn bị cho việc thực hiện có thể bao gồm mô phỏng và thử nghiệm, phát triển các cấu phần, lên chi tiết khung thời gian và các tiêu chí để đánh giá hiệu quả.
Trong khi thực hiện các quy trình này, hãy lưu ý bảy nguyên tắc mà hai tiến sĩ dành phần lớn cuốn sách để giải thích.
1. Tính độc đáo: Mỗi vấn đề hay tình huống đều khác nhau. Tiếp cận nó bằng cách nhớ lại sự khác biệt, thay vì sao chép các giải pháp từ người khác.
2. Mục đích: Khám phá mục đích tối cao để tập trung vào đúng vấn đề. Tránh sửa chữa một vấn đề gì đó mà hóa ra lại không bao giờ tồn tại.
3. Giải pháp tiếp theo là gì: Tập trung vào đáp án, không tập trung vào vấn đề.
4. Hệ thống: Tư duy hệ thống để tạo ra một góc nhìn toàn diện và bao quát mọi vấn đề.
5. Thu thập thông tin một cách hạn chế: Tránh thu thập dữ liệu không cần thiết, lãng phí nguồn tài nguyên của công ty.
6. Thiết kế con người: Cho phép tất cả những người sẽ bị tác động bởi kế hoạch một cơ hội để tham gia vào quá trình.
7. Tối ưu khung thời gian: Chuẩn bị một lịch trình để tiếp tục thay đổi và cải tiến, và tận dụng các giải pháp dài hạn.
Bảy nguyên tắc để tư duy đột phá nói trên dù được xem xét riêng lẻ hoặc cùng lúc, ngày nay thường được các chuyên gia chấp nhận mà không phải bàn cãi. Nhưng khi lập kế hoạch trong đời thực, chúng thường không được tuân theo vì: (1) Thiếu vắng một chiến lược được định hướng rõ ràng, nhắm tới mục đích tổng quát; (2) Tư duy làm việc theo hướng nghiên cứu khoa học cũ đã không còn phù hợp. Lối suy nghĩ “Descartes Thinking”, nhắm vào việc tìm ra các sự thật (facts), không thực sự có ích trong kinh doanh; và (3) Ngại đổi mới vì muốn mọi chuyện diễn ra như trước đây. Hơn nữa, nhiều chuyên gia lại còn tin rằng lập kế hoạch là điều không thể, rằng điều tốt nhất họ hy vọng đạt được là sự sống sót qua ngày.
Về nguyên tắc, cuốn sách "Tư duy đột phá" chỉ đơn giản giúp chúng ta sáng tạo ra các phương cách mới để đạt được mục đích mong muốn, và chọn giải pháp nào tạo ra ít vấn đề nhất có thể. Chiến lược này nhấn mạnh vào các cách để hoàn thành tốt nhất một sứ mệnh thay vì tập trung phân tích điều gì đã làm sai. Chỉ riêng yếu tố đó đã là một lợi ích quan trọng của phương pháp này.
Các mô hình tư duy truyền thống vẫn có thể được sử dụng khi thích hợp và sẽ thật sai lầm khi loại bỏ hoàn toàn các cách làm cũ. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt hiện nay, có lẽ chỉ có "Tư duy đột phá" để giải quyết bài toán sáng tạo mới có thể giúp doanh nghiệp của bạn tiếp tục đứng vững trên thương trường.
>> Đọc thêm Trích Đoạn: Sức mạnh của tư duy đột phá: 7 nguyên tắc vàng để giải quyết bất cứ vấn đề nào
Trạm Đọc/William Bozeman and Associates