Ma thuật, bùa chú và tục Việt vu kê bốc trong tín ngưỡng dân gian
Ma thuật, bùa chú và tục Việt vu kê bốc trong tín ngưỡng dân gian
"Ma thuật" và "bùa chú" là những từ ngữ mà hầu hết chúng ta đều biết đến nhưng để hiểu và hiểu rõ như cách làm của GS Kiều Thu Hoạch là điều ít người làm được.
Ma Thuật, Bùa Chú Và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngưỡng Dân Gian Của Người Việt
(3 lượt)

"Ma thuật" trong tiếng Việt (hay magic trong tiếng Anh) bắt nguồn từ một từ Hán Việt là phù thuật, với cách thực hành vu thuật vốn là tín ngưỡng phù thủy (witchcraft trong tiếng Anh).

Cho đến nay, ma thuật vẫn hiện hữu trong tín ngưỡng lên đồng của người Việt và bùa chú (chính xác hơn là bùa và chú) vẫn tồn tại trong vô số nghi lễ thờ cúng trong văn hóa dân của nhiều tộc người ở Việt Nam.

Mặc dù có tên gọi mang đặc trưng của những từ Hán Việt nhưng cách thực hành loại hình tín ngưỡng này lại chủ yếu tồn tại trong văn hóa dân gian của người Việt hàng nghìn năm qua. Chính tình trạng “đầu Ngô mình Sở” này đã khiến cho ma thuật và bùa chú, vốn mơ hồ, càng trở nên khó nắm bắt.

Tuy nhiên, với cách dẫn dắt chúng ta đi từ cách gọi tên theo từ nguyên học đến các minh chứng bằng một tập tục từng tồn tại lâu đời ở Việt Nam là “Việt vu kê bốc” (bói chân gà), ở Phần 1, tác giả Kiều Thu Hoạch đã giúp người đọc hiểu rõ về bản chất của ma thuật và bùa chú. Từ đó, ông giúp người đọc kết nối với Nghi lễ và bùa chú; Truyền thống ma thuật; Ma thuật và kinh nghiệm; Ma thuật và khoa học; Ma thuật và tôn giáo từ góc nhìn lý thuyết nhân loại học của phương Tây ở Phần 2.

Một phần rất quan trọng của cuốn sách này được tác giả đưa ra với nhiều bằng chứng như văn tế âm hồn, văn chiêu hồn, tục thờ tam phủ, họa phù chú, bùa sát quỷ trừ tà… ở phần Phụ lục.

Có vẻ như tác giả muốn người đọc tự tìm hiểu thêm bằng nhãn quan của mình qua những gợi ý của ông trong phần này. Cá nhân tôi đánh giá cao ý tưởng của cuốn sách và cách làm việc vô cùng cẩn trọng của ông, một học giả có gần 70 năm làm việc miệt mài với độ phủ rộng khắp từ Hán học đến văn hóa dân gian, từ tôn giáo đến nghệ thuật học.

Ở độ tuổi 90, ông vẫn miệt mài bên những trang sách với một tinh thần cống hiến và một phong cách làm việc vô cùng khoa học mà nhiều người trẻ như chúng tôi khó có thể bì kịp.

Nguồn: Zing News

Tags: