Kẻ độc tài Disney
Kẻ độc tài Disney
Những chuyện thâm cung bí sử nào còn ẩn giấu đằng sau toà lâu đài lấp lánh ước mơ của đế chế Disney?

Steve Jobs đã trao đổi gì với Roy Disney (cháu gọi Walt Disney bằng chú) qua điện thoại sau khi Đi tìm Nemo nhận được 4 đề cử Oscar vào đầu năm 2004 và phá vỡ mọi kỷ lục của phim hoạt hình? Câu chuyện không đơn giản chỉ là một cuộc điện thoại chúc tụng thành công, vì ngay khi bộ phim trở thành huyền thoại mới của nhân loại, thì liên minh tạo ra nó, Disney - Pixar, đã sụp đổ. Bí mật của sự sụp đổ ấy được tiết lộ trong cuốn sách Cuộc chiến Disney, với lời thừa nhận của Steve Jobs: “Tôi không thể nào ký hợp đồng với Disney nếu Michael Eisner vẫn còn ở đó.”

 

Michael Eisner, vị CEO đã cứu Disney thoát khỏi thảm cảnh bị chia thành từng phần đem bán, rốt cuộc là ai mà khiến cho Jobs phải gay gắt đến mức ấy?

 

Từ trái qua phải: Michael Eisner, Steve Jobs, Roy Disney

Eisner đã nhận tiếp quản Disney khi công ty gặp nhiều khó khăn nhất, cho ra đời những bộ phim chi phí cao gấp đôi các hãng đối thủ, còn cổ phiếu thì bị những ông trùm thôn tính thâu tóm, đặt Disney dưới nguy cơ đổi chủ. Eisner, lúc đó đã thành công ở Paramount về cả nghệ thuật lẫn thương mại bằng chiến lược chỉ làm những phim ý tưởng thật sự tốt bằng ngân sách thấp, trở thành ứng viên sáng giá để vực dậy Disney. Và quả thực, trong 20 năm cầm quyền của Eisner từ 1984 đến 2005, Disney đã gia tăng thư viện phim ảnh từ 158 lên đến 900 phim, tăng giá trị doanh nghiệp 32 lần đến ngưỡng 69 tỷ đô năm 2005, tăng giá cổ phiếu cũng với sức mạnh gần như vậy từ 1.33 đô lên 28.25 đô.

 

Nhưng mặt khác, Eisner vốn chưa bao giờ được lòng đồng nghiệp cả. Ông đã mời người cộng sự lâu năm Jerrey Katzenberg về Disney, và Katzenberg đã vực dậy xưởng hoạt hình Disney, đưa nó từ nguy cơ bị xóa sổ đến đỉnh cao sản xuất ra những phim kinh điển như Nàng tiên cá hay Người đẹp và quái vật, nhưng đồng thời ông cũng để đổ vỡ mối quan hệ hợp tác lâu năm với Eisner. Mâu thuẫn giữa hai người lên đỉnh điểm khi Eisner không để Katzenberg giữ chức giám đốc điều hành như từng hứa hẹn mà muốn tự mình kiêm nhiệm, dẫn đến những lời đồn đoán từ cả hai phía. Cuối cùng, mối giao hảo suốt 19 năm của họ lại hoá ra chết yểu trước cả tình yêu của nàng tiên cá Ariel với chàng trai cô mới gặp vài ngày.

 

Steve Jobs của Pixar có mối quan hệ tốt với đội ngũ quản trị ở Disney, trừ Eisner. Ông đã từng trò chuyện riêng với nhiều người trong số họ để than phiền về Eisner. “Hôm nay ông ta nói một kiểu, ngày mai nói một kiểu, ngày kia thì ông ta phủ nhận hết những gì đã nói,” Jobs phàn nàn với Roy Disney. Và đó cũng là điều giúp mối quan hệ giữa hai người này thêm khăng khít, khi bản thân Roy, người mà Eisner đã chiếm được lòng tin tuyệt đối khi mới bước vào Disney, cũng có những lấn cấn tương tự về Eisner.

 

Vấn đề là ở chỗ Eisner chưa bao giờ coi Pixar như một đối tác ngang hàng. Eisner có lẽ vẫn nghĩ về mối quan hệ giữa Disney và Pixar như thuở bắt đầu năm 1991, khi Pixar chẳng có chút danh giá nào để so với đại gia Disney, và thoả thuận hợp tác chỉ là Pixar sẽ nhận được một khoản cố định để sản xuất phim do Disney phân phối và thu lợi nhuận. Dù rằng từ sau thành công của Câu chuyện đồ chơi (1995), Pixar đã ở vị thế có thể ký hợp đồng chia đôi lợi nhuận của phim hợp tác trong tương lai với Disney, nhưng Eisner vẫn luôn khó chịu với Pixar và những lời tán dương họ nhận được từ giới truyền thông. Buổi chiếu thử lần thứ hai của Đi tìm Nemo gây thất vọng cho ông, và ông không hài lòng với bộ phim ngay cả khi đã công chiếu.

 

Sự hợp tác Disney - Pixar đã mang lại nhiều bộ phim hoạt hình vĩ đại

Sai lầm của Eisner trong mối quan hệ đối tác với Pixar cũng là sai lầm mà ông lặp lại ở mọi mối quan hệ. Những cộng sự và đối tác làm việc cùng Eisner không cảm thấy được coi trọng. Roy Disney còn cho rằng Eisner “khư khư giữ lấy quyền lực như một kẻ quẫn trí.” Ở một công ty như Disney, một công ty gắn liền với hình ảnh một con người cụ thể, ở đây là nhà sáng lập Walt Disney, không ngạc nhiên khi người đứng đầu cho rằng mình có thể áp đặt màu sắc cá nhân lên việc điều hành. Có điều, Eisner làm điều đó bằng cách lấn át tất cả đồng nghiệp, bao gồm cả người mang họ Disney.

 

Eisner đã tự biến mình thành một kẻ độc tài, mà không nhận ra rằng có những giới hạn trùm độc tài cũng phải tuân theo. Đánh mất sự ủng hộ của những thành viên chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo chính là tự sát.

 

Người tiền nhiệm Ron Miller (con rể Walt Disney), dù không phải kẻ độc tài như Michael Eisner, nhưng cũng đã có một cuộc thoái vị không mấy êm thấm. Sau thành công của Splash, bộ phim dành cho đối tượng người lớn gây nhiều tranh cãi trong trong nội bộ, Roy Disney đã gửi đơn từ chức thành viên hội đồng quản trị. Nhưng phần sở hữu của Roy lại tăng lên sau khi mua lại số cổ phần của ông trùm thâu tóm để cứu Disney, khiến các thành viên hội đồng quản trị phải kiêng dè và mời ông trở lại, cùng với hai thành viên khác thuộc phe cánh của ông. Họ đã yêu cầu thay đổi ban giám đốc như một cách hiệu quả nhất để tránh cảnh bị thôn tính, và Miller phải từ chức.

 

Sai lầm của Eisner là đã buộc Roy Disney thôi việc. Chỉ trong vài tháng, Roy lại đã chiến thắng trong chiến dịch SaveDisney (Cứu lấy Disney), thuyết phục được hội đồng quản trị thay đổi ban lãnh đạo. Cuối tháng 9/2005, Michael Eisner rời khỏi Disney. Tháng 1/2006, Disney, dưới quyền điều hành của người kế nhiệm Robert Iger, đã thành công trong việc đàm phán mua lại Pixar.

 

Phù thuỷ xứ Oz: Người dân vui mừng trước cái chết của mụ phù thuỷ

Roy Disney nhìn nhận sự ra đi của Eisner trong Cuộc chiến Disney như một sự giải phóng có thể so sánh với cảnh phim Phù thuỷ xứ Oz “khi Munchkins được giải phóng khỏi mụ phù thuỷ độc ác và reo mừng, ‘Tính tang, mụ phù thuỷ tiêu đời rồi.’” Tất nhiên, trong mắt Roy thì Eisner, hay bất kỳ ai khác toan trở thành hiện thân của Walt Disney, chính là mụ phù thuỷ. Roy không tự cho mình là Walt, nhưng với chữ Disney trong tên, ông nghiễm nhiên nghĩ mình phải là người thừa hưởng di sản của Walt. Những kẻ chen vào giữa ông và quyền lực Disney sẽ phải bị loại bỏ.

Thanh Huệ - Trạm Đọc