Sức hút của tác phẩm văn chương được chuyển thể thành phim
Sức hút của tác phẩm văn chương được chuyển thể thành phim
“Cánh đồng bất tận”, “Thương nhớ đồng quê” hay những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đã đi sâu vào lòng khán giả.

Mới đây, loạt phim kinh điển mang đậm dấu ấn trong lòng công chúng một thời được phát sóng lại trên ứng dụng Galaxy Play.

 Bên cạnh đó, kênh YouTube “Viện Phim Việt Nam” và Netflix cũng liên tiếp cho phép khán giả xem lại những bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh trong nước được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng. Khi không thể ra rạp, xem phim ngay tại nhà được cho là lựa chọn lành mạnh.

Tiểu thuyết Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Ảnh: Đức Trung.

Cầu nối giữa văn học và điện ảnh

Ở nhà nhiều hơn trong những ngày giãn cách, người yêu sách và mê phim có thể tìm đến một hình thức giải trí phù hợp: Xem những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của các cây bút tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...

Sự đa dạng về đề tài cũng giải thích cho nhu cầu xem phim chuyển thể, vì nó đi từ chính luận, tình cảnh xã hội, gia đình đến những tâm tư của giới trẻ.

“Ở thời điểm giãn cách, nhu cầu giải trí tăng cao là điều dễ hiểu, vì con người có nhiều thời gian rảnh hơn. Ở nhà, tôi cũng xem phim hàng ngày”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết.

Cánh đồng bất tận của chị là một trong những bộ phim chuyển thể ghi dấu ấn của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Tác phẩm kể về cuộc sống lênh đênh sông nước của ba cha con ông Tư với hai đứa trẻ Nương và Điền. Những mảnh đời không lành lặn trôi dạt, họ gặp nhau nhưng lại chẳng thể tạo nên mảnh ghép hoàn hảo chỉ vì những mặc cảm cá nhân.

Có thể thấy, những bộ phim kinh điển được chuyển thể không chỉ là kho tư liệu quý của điện ảnh Việt Nam, mà còn là cây cầu nối hai loại hình nghệ thuật: Văn học và điện ảnh.

Sau 29 năm ra mắt, tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim điện ảnh ăn khách. Ảnh: Đoàn phim

Cuộc gặp gỡ giữa đạo diễn và nhà văn

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thành công khi viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm đa thể loại. Tên tuổi ông gắn liền những tiểu thuyết, truyện ngắn làm say lòng độc giả.

Dung dị, gần gũi, chứa đựng kỷ niệm tuổi thơ là những yếu tố tạo nên sức hút trong những tác phẩm của ông.

Chất văn ấy được giới làm “nghệ thuật thứ bảy” đặc biệt chú ý. Minh chứng là ông có tới 9 tác phẩm được chuyển thể thành những bộ phim truyền hình và điện ảnh ăn khách, đặc biệt là những bộ phim của “đạo diễn trăm tỷ” Phan Gia Nhật Linh hay Victor Vũ những năm gần đây như Mắt biếcCô gái đến từ hôm quaTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Mắt biếc (khởi chiếu tháng 12/2019) của đạo diễn Victor Vũ là một ví dụ. Chỉ hơn một tháng sau khi ra rạp, doanh thu phòng vé của bộ phim đã đạt 180 tỷ đồng.

Sự kết hợp vẻ đẹp thuần khiết trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh cùng cách dựng hình tỉ mẩn, mãn nhãn của đạo diễn Victor Vũ tạo nên sức hút lớn trong lòng công chúng. Ngay sau đó, bộ phim được chọn làm tác phẩm đại diện điện ảnh nước nhà dự tranh hạng mục Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar 2021.

Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ trên trang cá nhân: “Tôi khó tính và kỹ lưỡng trong từng bối cảnh đến từng chi tiết nhỏ nhất của mỗi bộ phim. Tôi phải quy tụ được dàn giao hưởng 30 người ở châu Âu để thể hiện được bản phối Có chàng trai viết lên cây hoàn chỉnh nhất trong Mắt biếc, thậm chí sẵn sàng dời ngày phát sóng cho đến khi hoàn thiện bản dựng chỉn chu nhất”.

Nhắc đến tựa phim, người ta nghĩ ngay tới chuyện tình nhiều cung bậc xúc cảm của Hà Lan với đôi mắt trong veo, biêng biếc và thầy giáo Ngạn hiền lành, chân quê. Câu chuyện còn khiến người đọc thương cảm cho mối tình nhen nhóm của Trà Long. Đặc biệt, bối cảnh phim được dựng từ chính nguyên quán của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ở Thương nhớ đồng quê, đạo diễn Đặng Nhật Minh đảm bảo được khung cảnh làng quê Bắc Bộ mang nhiều hoài niệm.

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cuối thập niên 1980 cũng trở thành một hiện tượng khiến các nhà làm phim nhanh chóng tìm thấy ở ngòi bút này một chất liệu điện ảnh tinh xảo.

Trong số những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Tướng về hưu (1987) được coi là hiện tượng văn học chuyển thể nhanh chóng bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, vì chỉ sau một năm khi tác phẩm ra đời, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã dựng thành phim.

“Hiện tượng chuyển thể tác phẩm văn học thành điện ảnh là một sự đồng cảm khi cùng phát hiện những câu chuyện mang tính thời sự của xã hội. Mỗi bộ phim được dựng từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đều mang một dấu ấn nhất định, phần nào thể hiện được tinh thần của tác phẩm gốc”, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn đánh giá.

Theo anh, xem lại các bộ phim xếp vào hàng giá trị cao của điện ảnh là thói quen thường xuyên diễn ra. Bên cạnh đó, anh cho rằng công chúng luôn muốn quan sát kỹ lưỡng hơn giai đoạn mà nông thôn Việt Nam đứng trước những thách thức lớn khi vừa mở cửa.

Ở Thương nhớ đồng quê (1995) của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cho rằng ngoài dựa trên chất liệu văn chương gốc, đạo diễn đã có những tìm tòi, sáng tạo đặc biệt ở ngôn ngữ điện ảnh, khiến tác phẩm có nhiều cảm xúc hơn.

“Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Nhật Minh có sự đồng cảm khi nhìn nhận về cuộc sống người dân đồng bằng Bắc Bộ trong giai đoạn đổi mới. Bên cạnh đó, họ đều triển khai tác phẩm của mình dựa trên việc dùng ngôi thứ nhất (nhân vật Nhâm) để kể chuyện.

Đạo diễn đã lựa chọn được những khung cảnh ấn tượng ở vùng nông thôn, phần nhiều trùng hợp với lời văn miêu tả của Nguyễn Huy Thiệp, đảm bảo được không gian Bắc Bộ mang nhiều hoài niệm vốn có trong truyện ngắn”, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhận xét.

Chữ nghĩa, số phận nhân vật cùng thi pháp biến hóa khôn cùng của Nguyễn Huy Thiệp là chất văn mà một kịch bản điện ảnh cần có.

“Đó là lý do ở Thương nhớ đồng quê, người ta nói bút pháp Nguyễn Huy Thiệp và tài dựng phim của Đặng Nhật Minh đã thực sự gặp nhau”, Mai Anh Tuấn nói thêm.

Theo Zing News

Tags: