Tôi nhận được một email từ một người bạn lâu lâu rồi không nói chuyện, cũng là một nhà văn. Cô cần vài lời khuyên, và tôi nhiệt tình giúp cô. Sau đó cô gửi tôi một lời hồi đáp rất dễ thương - những điều nhỏ nhặt nhưng dí dỏm đến mức tự nhiên, ấn tượng đến mức ngốc nghếch mà tôi biết chắc rằng chẳng có ai viết ra được ngoài cô.
Và ở cuối chiếc email sâu sắc của cô, Google gợi ý cho tôi ba câu trả lời nhanh trong ứng dụng iOS của Gmail:
Cảm ơn!
Không có gì đâu!
Nghe tuyệt đấy!
Chỉ cần một cái chạm, tôi có thể điền tự động một email trả lời cho cô. Cũng giống như trên Allo Messenger của Google hay iMessage của Apple, tôi có thể để phần mềm trả lời email hoặc tin nhắn không phải bằng một lời hồi đáp độc đáo, mà bằng một cú chạm nhanh để nói gì đó kiểu như “haha,” “lol,” hay “nói chuyện sau nhé.”
Việc đó đôi khi rất hấp dẫn! Đôi khi - nhất là khi xử lý những email công việc ngoài giờ - tôi đã dùng những nút trả lời nhanh ấy. Nhưng tôi cũng biết rằng việc đó rất có hại cho tôi, và có hại cho chúng ta, một giống loài sáng tạo. Ngày nay, ta đối mặt với một trong những lời hứa hẹn của Thung lũng Silicon: hứa hẹn đo đếm chúng ta. San bằng cái cá nhân của chúng ta ra thành một con số trung bình. Luyện ra một mẫu cho tất cả những cái trung bình của tập thể, tạo ra câu trả lời trung bình tối ưu. Cung cấp sự tiện lợi của việc không còn phải nói chuyện một cách độc đáo nữa.
Google không công bố chính xác họ đang làm gì với những dữ liệu này. Chúng ta không biết Google sẽ học được gì từ công sức lao động miễn phí này của con người, có thể đoán chừng là để phục vụ lại chúng ta dưới dạng một sản phẩm, theo cách họ vẫn dùng những kho dữ liệu khổng lồ để tăng sự chính xác cho những dịch vụ của Google. Nhưng Quick, Draw! và ma trận của những bức vẽ giống hệt nhau củng cố một suy nghĩ rập khuôn của Thung lũng Silicon: rằng hành vi con người quá là bình thường và nhàm chán. Vậy thì cứ đưa cho AI chìa khoá xe bạn, hay mật mã tài khoản Creative Cloud của bạn, và máy móc có thể làm việc tốt hơn và giúp bạn tiết kiệm được thời gian.
Thử xem thí nghiệm vẽ vời còn lại của Google, Autodraw, mà xem. Autodraw đẩy ý tưởng của Quick, Draw! đi còn xa hơn. Bạn nguệch ngoạch một bức vẽ. Google phân tích nó, tìm hiểu xem bạn đang cố gắng thảm hại để minh hoạ cái gì, và thay thế bức vẽ của bạn bằng một mẫu clipart chung chung. Autodraw như là Adobe có nút hoàn thành tự động vậy. Thật là tiến bộ!
Tôi biết bạn đang nghĩ gì: “Tôi vẽ không đẹp, nên Autodraw rất tuyệt cho tôi đấy chứ!” Hay có lẽ, “Nếu tôi đằng nào cũng định gõ “lol” thì ai quan tâm chuyện Google gõ chứ không phải tôi?”
À, thế hệ tương lai của loài người biết nghĩ sẽ quan tâm. Thử nhớ đến việc các nhà khoa học, qua phân tích từ ngữ đặc sắc dùng trong sách từ năm 1800, phát hiện ra rằng vốn từ của người biết đọc trung bình đã giảm dần trong hai thế kỷ như thế nào. Để đổi lấy những công nghệ xịn như tivi, tin nhắn, và ứng dụng tên “Yo,” ứng dụng để bạn gõ một từ duy nhất (và chỉ cần thế cũng gọi được 1,5 tỷ vốn đầu tư), chúng ta đang từ từ cho đi hết những cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Còn về lời hứa hẹn của việc cá nhân hoá dựa trên dữ liệu của bạn, ngay cả những người trong Google cũng nói với tôi rằng Google dùng thuật toán hầu hết theo cách tổng hợp. Ví dụ, bạn góp một lượng dữ liệu nhỏ, như là chia sẻ vị trí của xe bạn với Google Maps, và kết quả bạn nhận được là một bản đồ giao thông thời gian thực quanh thành phố. Bạn có lợi từ dữ liệu tổng hợp, nhưng nó không hẳn là dành cho riêng bạn. Bản đồ đó là như nhau cho mọi người. Con đường bạn đi qua là phần cá nhân.
Khi ta giao tiếp bằng ngôn ngữ, ta không phải luôn tìm con đường tối ưu vượt qua dòng xe cộ. Thực tế là, những quãng đi vòng - những câu đùa, cách dùng từ, hay một chuyển động cụ thể của cây bút - mới là điều làm một người đặc biệt.
Một khi chấm phẩy đã vào đúng chỗ, những điểm khác biệt nhỏ nhặt trong cách ta giao tiếp chính là điều làm ngôn ngữ trở nên thật đáng quý.
Nghe có vẻ hơi quá đà nhỉ? Google đang đe doạ những nghệ sĩ của chúng ta! Nhưng tôi muốn bạn nghĩ đến tác giả hay nghệ sĩ yêu thích của bạn, những người đã cưỡng lại chuẩn mực xã hội để mở ra một kỷ nguyên mới của biểu hiện cá nhân và ý nghĩa. Bây giờ thử tưởng tượng, thay vì tạo ra tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của mình, họ ngồi gõ điện thoại trong một buổi chiều với những cảm xúc được hoàn thành tự động.
Điên rồ, đúng không? Nhưng bạn có thể làm được gì trong kỷ nguyên của máy móc này? Vo tròn tất cả nỗi cay đắng của bạn và cho tôi biết lựa chọn nào dưới đây là thích hợp nhất:
Cảm ơn!
Không có gì đâu!
Nghe tuyệt đấy!
Trạm Đọc