Trong cuốn “Sự sống sau cái chết”, tiến sĩ Raymond Moody đã đi tiên phong trong việc khám phá những trải nghiệm cận tử (TNCT) và kể từ đó đã có nhiều tác phẩm khác viết về hiện tượng bí hiểm này. Jeffrey Long là một bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Houma, Louisiana, người đã tích cực tham gia nghiên cứu về TNCT, mà ông định nghĩa là "những sự kiện xảy ra khi một người sắp chết hoặc thực sự đã chết lâm sàng."
Năm 1998, ông thành lập Quỹ nghiên cứu trải nghiệm cận tử trên trang www.nderf.org và trong suốt 10 năm, ông đã thu thập thông tin từ hơn 1,300 người đã có TNCT. Thuộc mọi chủng tộc, tín ngưỡng và màu da từ khắp nơi trên thế giới, họ đã chia sẻ kinh nghiệm qua một bảng câu hỏi dài 100 trang. Ông tin rằng một sợi chỉ chung gắn kết các cá nhân này lại với nhau: Đối mặt với một bi kịch lớn lao, họ bị đẩy vào trạng thái bí ẩn, kỳ diệu và tràn ngập tình yêu, từ đó thay đổi mãi mãi cuộc sống của họ.
Trong cuốn sách Sự sống bất tử, ông thảo luận về 12 yếu tố của TNCT và câu chuyện từ những người đã từng trải qua chúng. Chúng bao gồm:
1. Trạng thái xuất ra khỏi cơ thể
2. Tăng tiến năng lực giác quan
3. Tràn ngập cảm xúc tích cực sâu sắc
4. Đi vào, hay xuyên qua một đường hầm
5. Bắt gặp một nguồn sáng chói lòa hoặc nhiệm màu
6. Gặp những người thân/bạn bè quá cố, hay những sinh vật huyền ảo
7. Cảm giác vượt khỏi giới hạn không gian hay thời gian
8. Hồi tưởng về cuộc đời đã qua
9. Đến với thế giới bên kia (thiên đường)
10. Lĩnh ngộ sự hiểu biết đặc biệt
11. Thấy mình ở lưng chừng hay ở một ranh giới
12. Nhập ngược trở lại cơ thể ngoài ý muốn hoặc theo chủ đích
Kết quả cuối cùng của tất cả các lời khai này, theo ông, đó là "có sự sống sau khi chết". Một sự sống hoàn toàn khác với những trải nghiệm thường ngày: mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn, tràn đầy năng lượng hơn.
Ví dụ, đây là một lời mô tả đầy xúc động của một bệnh nhân tim đã ngừng đập khi phẫu thuật. Cô kể rằng: “Tôi ở trên cao nhìn xuống các bác sĩ đang thao tác trên thân thể tôi. Thay vì sợ hãi, lúc đó tôi hết sức hào hứng. Việc họ khẩn trương cấp cứu làm tôi thấy buồn cười, vì tôi không còn bất cứ đau đớn nào. Sau đó, tôi bị kéo ngược vào trong một đường hầm, ở đó có cánh cửa mở ra một luồng sáng đầy màu nhiệm. Thứ ánh sáng chói lòa, nhưng không hề khó chịu! Tôi đi xuyên qua nó và cảm nhận sự ấm áp, tình yêu thương, sự thấu hiểu và trí tuệ – sự thông tuệ về vạn vật.
Mọi thứ thật tỏ tường, sống động; màu sắc mỗi lúc sáng hơn và sắc nét hơn. Tất thảy là một sự bình yên và tĩnh lặng, cứ thế tôi đi vào lòng nguồn sáng ấy... Tôi muốn ở lại chốn thảo nguyên đó và không muốn trở về, bởi tôi biết rằng tất cả bình an, ấm áp và ánh sáng sẽ không đi cùng tôi về nơi trần thế. Tôi cố mọi cách để đến dòng suối nhưng bị lôi ngược trở lại cánh cửa đường hầm. Tôi đã rời bỏ hơi ấm của ánh sáng và lòng trĩu nặng nỗi buồn bởi mọi hiểu biết và sự bình an không còn nữa, giác quan của tôi mờ nhạt dần, khung cảnh trước mắt tôi trở nên quá tăm tối so với miền thảo nguyên rực rỡ kia.”
Một trải nghiệm mà rất nhiều bạn đọc có thể đồng cảm khi đọc tác phẩm này là sự thay đổi cuộc đời sâu sắc của những con người từng phải đối mặt với thần chết. Cảm giác sắp phải từ bỏ sự sống mạnh mẽ đến nỗi họ không thể tiếp tục sống cuộc đời như trước kia. Họ học cách yêu thương cha mẹ, trân trọng hiện tại nhiều hơn, và theo đuổi những đam mê mình đã chôn giấu bấy lâu.
Chúng ta sống như thể mình vẫn còn rất nhiều thời gian, cho đến khi bạn chợt nhận ra cuộc đời rất ngắn ngủi thì mọi chuyện đã quá muộn. Và chính những người đứng trên ranh giới mong manh này lại hiểu rõ bài học nhất. Suy cho cùng, nếu bạn biết mình chỉ có một cơ hội, bạn sẽ làm hết sức mạnh để tận dụng cơ hội "trời cho" này.
Norman Kusin viết "Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống". Đừng để khi gặp thần chết mới xin ngài một cơ hội khác để quay lại cuộc đời.
>> Đọc thêm Trích Đoạn: Trải nghiệm cận tử: Cảm giác khi thực sự đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết
Trạm Đọc tổng hợp