Stephen Hawking - Người đàn ông may mắn nhất Vũ trụ?
Stephen Hawking - Người đàn ông may mắn nhất Vũ trụ?
Dẫn nhập ngắn về khoa học là lựa chọn sáng suốt nhất cho bất kỳ ai muốn truy cập nhanh và hiệu quả vào kho kiến thức khổng lồ. Khai thác thông tin khoa học khách quan từ những nguồn xác tín. Sử dụng phong cách truyện tranh hài hước, bộ sách độc đáo này sẽ mở ra con đường sáng rõ nhất để tìm đến những ý tưởng khoa học đột phá của nhân loại.
Tập Stephen Hawking trong bộ Dẫn Nhập Ngắn Về Khoa Học là bức phác họa về cuộc đời của nhà vật lý thiên văn lừng danh Hawking cùng các công trình khoa học nổi tiếng của ông. Và thật tình cờ, chúng đều được gợi mở từ các bậc tiền bối của ông, cũng là hai trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất lịch sử nhân loại: Newton và Einstein. Mời các bạn cùng đón đọc một trích đoạn ngắn từ tập sách này!

Ngày 19 tháng 10 năm 1994, tác giả cuốn sách này đã phỏng vấn Giáo sư Stephen Hawking. Ông bắt đầu bằng một câu hỏi táo bạo, nếu không muốn nói là hơi hỗn xược. Liệu Giáo sư Hawking có cho rằng bản thân gặp may?

Hỏi như vậy thì thật là...! Bị giam cầm trên xe lăn hơn hai mươi năm, chẳng nói chẳng viết được gì... mà gọi là may mắn? Ai mà chấp nhận nổi...

Chắc trừ Stephen Hawking ra!

Tôi đồng ý rằng mình đã gặp may trong mọi sự, trừ việc bị bệnh thần kinh vận động. Nhưng ngay cả nó cũng chưa phải là quá tệ. Nhờ có nhiều người giúp đỡ, tôi đã xoay xở để không bị căn bệnh làm ảnh hưởng. Tôi thấy thỏa mãn vì đã thành công bất chấp bệnh tật.

Thực sự tôi thấy hạnh phúc hơn cả trước khi phát bệnh. Không thể nói căn bệnh này có lợi, nhưng tôi cũng may vì nó không bất lợi đến thế.

 

Có lẽ chúng ta nên quay lại câu chuyện...

Dường như ai ai cũng biết về vận hạn của Hawking. Sự thể bắt đầu vào một buổi trưa mùa xuân năm 1962 khi ông không thể buộc được dây giày. Ông biết cơ thể đang có vấn đề nghiêm trọng. Năm đó, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án ở Oxford, trở thành nghiên cứu sinh trường Cambridge. Nhưng một thời gian sau, ông bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (amyotropic lateral sclerosis – ALS), ảnh hưởng đến thần kinh vận động. Căn bệnh hiểm nghèo và vô phương cứu chữa này khiến bác sĩ tiên lượng rằng ông chỉ còn hai năm thời gian. 

Suốt mấy tháng trời, Hawking rầu rĩ thu mình trong ký túc xá, chỉ biết nốc rượu và nghe nhạc Wagner, đúng như báo chí và giới viết tiểu sử đã nói. Cay đắng hơn, ông còn được báo rằng thầy hướng dẫn của mình không phải nhà vũ trụ học nổi tiếng Fred Hoyle (sinh năm 1915), lý do ông chọn Cambridge.

Nhưng đúng như người xưa vẫn nói: “không ai biết được chữ ngờ”. Đêm giao thừa năm 1962, ông gặp thiếu nữ tên Jane Wilde thật lòng thích mình. Khoa Vật lý Đại học Cambridge cũng phân công Giáo sư Dennis Sciama (sinh năm 1926) – người có kiến thức sâu rộng và cố vấn nghiên cứu nhiệt tình nhất trong ngành vũ trụ học tương đối – làm cố vấn học tập cho ông.

Căn bệnh ALS nghiệt ngã thực sự đã gây ra nhiều khó khăn trong khả năng vận động của người thanh niên Stephen William Hawking. Tuy nhiên, hàng loạt những chuyển biến tích cực vào đầu năm 1960 đã giúp ông hoàn thành sứ mệnh trở thành nhà vũ trụ học hàng đầu thời hiện đại.

Đầu tiên, ta phải xét về chuyên ngành Hawking đã chọn – vật lý lý thuyết. Ngành này chỉ cần ông sử dụng bộ óc – hoàn toàn không bị căn bệnh ảnh hưởng – đến mức tối đa. Ông có người bạn đời luôn sát bên là cô Jane Wilde và một cố vấn học tập luôn cảm thông là Giáo sư Sciama.

Không lâu sau, ông gặp Roger Penrose (sinh năm 1931). Nhà toán học đại tài nghiên cứu về lỗ đen này đã dạy cho Hawking nhiều phương pháp phân tích đột phá trong vật lý. Penrose cũng giúp ông giải một bài toán trong nghiên cứu không chỉ giúp ông bảo vệ được luận án tiến sĩ, mà còn đưa ông thẳng vào danh sách các nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng đương thời.

Xét cho cùng, ít ai trợ giúp Hawking trong khoảng thời gian ngặt nghèo ấy nhiều hơn ba người kể trên.

Cũng vào thời gian đó, vận mệnh lại đưa đẩy ông một lần nữa. Khi ấy, Thuyết Tương đối Rộng do Einstein đề ra gần năm mươi năm trước mới dần được áp dụng vào các vấn đề thực tiễn trong vũ trụ học. Thuyết này đem lại những dự đoán rất kỳ quặc, đến nỗi hàng thập kỷ sau người ta mới bắt đầu công nhận chúng. Vào những năm đầu thập niên 1960, thời hoàng kim của nghiên cứu vũ trụ học dựa trên Thuyết Tương đối Rộng đang mở ra. Định mệnh đang chờ đợi Stephen Hawking. Lúc này, nhà vật lý lý thuyết nhiều tham vọng – dù hơi khiếm khuyết về thể chất – của chúng ta đã sẵn sàng. Tuy không rõ mình còn bao nhiêu thời gian trên đời – nhưng ông biết rõ thiên thời và địa lợi đã đến.

Chắc là thằng cha này may thật.

Trạm đọc tặng bạn mã giảm giá "doccungtram" giảm giá thêm 10% khi đặt mua bộ sách tại link sau: https://etsdata.vn/products/tron-bo-dan-nhap-ngan-ve-khoa-hoc

Trạm Đọc

Tags: