Mình nói gì khi nói về “duy mỹ”?
Để có khởi đầu cho cuộc thảo luận về cách sống duy mỹ, chúng ta chỉ cần mở rộng định nghĩa này, để nó nói cụ thể về dạng hoạt động của con người mà theo đó chúng ta gặp gỡ cái đẹp ở mức độ tập trung nhất là nghệ thuật: Tinh thần duy mỹ bao gồm cả lòng sùng kính và theo đuổi cái đẹp, cùng với kinh nghiệm sâu sắc và gu thẩm mỹ tinh tế đối với tác phẩm nghệ thuật.
Được coi như là một dạng thái độ hiện sinh, người theo chủ nghĩa duy mỹ quan niệm rằng việc sống có phong cách, có gu thẩm mỹ tinh tế, với cảm giác “nhảy múa với một đôi chân nhẹ nhàng trong đời”, cùng với cảm giác đầy ý nghĩa, là điều then chốt.
Hoặc nói cụ thể hơn về vai trò của con người: Chủ nghĩa duy mỹ có niềm tin rằng kinh nghiệm nghệ thuật (trên hết là kinh nghiệm của những người sáng tạo ra tác phẩm) phản ánh thân phận của con người một cách rất đặc biệt. Nếu con người phải TỰ TẠO RA cuộc đời của họ, phải tự sáng tác ra giá trị sống của bản thân (hay ít nhất cắt nghĩa những giá trị truyền kiếp) thì cách sống của nghệ sĩ trong một ý nghĩa nào đó là mẫu mực của thử thách hiện sinh ta đương đầu.
Hoặc nói theo cách khiêu khích hơn một chút, chủ nghĩa duy mỹ quan niệm rằng nghệ thuật không chỉ tồn tại để giải trí mà còn để biểu hiện những điều cốt lõi về bản thân và về thế giới xung quanh - các khía cạnh của cuộc đời mà những cách tiếp cận thế giới khác như khoa học hay lẽ thường không thể nào san bằng. Như nhà văn Áo Karl Kraus từng nói: “Ai có tài năng biến cách giải quyết trở thành câu hỏi bí ẩn, mới có thể được coi là nghệ sĩ đích thực”. Trong một ý nghĩa nào đó, Nghệ thuật (hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ) khiến cho những điều mà theo thói thường được đánh giá cao vì có ích cụ thể cho ta có gì đó đáng ngờ, ngay cả khó hiểu. Tầm quan trọng của nghệ thuật, Kraus nghĩ mà không cần nói, nằm chính ở chỗ đó.
Hoặc nói cao hứng hơn nữa, kinh nghiệm nghệ thuật thậm chí là tinh hoa của cuộc sống, là cách truyền ý nghĩa vừa tinh tế vừa tuyệt đời nhất. Nhà triết học Đức Nietzsche nổi tiếng là người có quan điểm rằng “Không có âm nhạc thì cuộc đời chỉ có thể coi là lỗi lầm” (Quả là một quan điểm mà sự phổ biến của văn hoá karaoke ở Việt Nam là minh chứng kỳ lạ!) Và kẻ theo chủ nghĩa duy mỹ có thể nói là người nghĩ rằng châm ngôn của Nietzsche không chỉ đúng với âm nhạc mà còn đúng với các thể loại nghệ thuật nói chung.
Mở rộng tầm nhìn duy mỹ này đến vô cực, Nietzsche đã từng hăng hái thông báo là “Ta coi thế giới như hiện tượng mỹ thuật, nó và tồn tại của con người mới có nguyên do vĩnh viễn". Có thể cắt nghĩa lời nói cô đọng này thế này: Chỉ khi ta nhìn những điều ta trải nghiệm bằng con mắt của một nhà văn, chỉ khi ta xem những cảnh xung quanh bằng con mắt của một hoạ sĩ hay người sáng tác phim - khi và chỉ khi ta ngừng lại không khẳng định bản thân nữa, không nỗ lực thực hiện sự mong muốn - thì ta mới sống duy mỹ được. Và chỉ khi ta làm những điều đó, ta chấp nhận cái phù du ở đời như ta chấp nhận cái phù du ở nhân vật trong tiểu thuyết, hình ảnh trên bức tranh hay giai điệu trong bài hát thì cuộc sống mới vừa đẹp, vừa có ý nghĩa thật sự.
Chắc hẳn bạn đã để ý từ tôi lặp đi lặp lại nhiều lần để xác định ý nghĩa của “cuộc sống duy mỹ", cùng với từ “đẹp", chính là từ “ý nghĩa". Có thể nói, chủ nghĩa duy mỹ là quan điểm theo đó cái đẹp và cái có ý nghĩa mà ta trải nghiệm được trong nghệ thuật, là hai điều xứng đáng để lấy làm nguyên tắc hàng đầu trên đời. Đó là điều có thể được phản ánh, phải được phản ánh, trong cách riêng của ta, cách sống trên đời của ta.
Sống duy mỹ mới hay, mới ý nghĩa thật. Vậy thì câu hỏi hóc búa là sống duy mỹ cụ thể thế nào?
Nghệ thuật và hơi thở thời đại
Trong một chừng mực nào đó, nghệ thuật nói riêng và xu hướng “sống cho đẹp" nói chung rõ ràng đang phát triển xung quanh ta. Ở Việt Nam ngày nay (tôi đoán khá chắc) có một số người không nhỏ sẽ tán thành với chuỗi ý kiến tôi vừa nêu - đặt giá trị cao vào nghệ thuật và việc hưởng thụ cái đẹp. Xã hội Việt Nam đã có một sự thay đổi khá lớn chắc là ai để ý sẽ nhận ra: câu thành ngữ truyền thống của người Việt theo đó “xướng ca vô loài" không còn đúng với cuộc sống trong thế kỷ 21 này.
Hài kịch Việt Nam được trình diễn trên các sân khấu như Idecaf hay Paris By Night không chỉ đầy sáng tạo và sinh động. Nó thể hiện óc hài hước rất Việt Nam, và còn lan tỏa sang nhiều chương trình tivi phổ biến có đối tượng là quần chúng. Khi giới kịch nghệ Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sỹ xuất chúng, thì âm nhạc gần như trở thành không khí của cuộc sống hàng ngày của người Việt.
Có một số loại âm nhạc không chỉ có giá trị thương mại mà còn có ý nghĩa về mặt văn hoá. Nó sử dụng một số loại nhạc lý, nhạc cụ, nhạc tố truyền thống một cách độc đáo (như Lê Cát Trọng Lý), một số khác pha lẫn những yếu tố “nhập khẩu" và địa phương để làm lộ ra những sắc thái ngấm ngầm của đời sống người Việt dưới hình thức rất mới (như Suboi).
Xã hội và kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, ngày càng mở, thì nghệ thuật ứng dụng trang trí ngày càng sôi động. Thế hệ 8X, 9X có cách suy nghĩ cởi mở, rất trọng tinh thần duy mỹ đối với thời trang, mà không thể chỉ coi là xu hướng chạy theo Hàn Quốc. Nói chung, những người có trình độ học ngày càng quan tâm đến các yếu tố thẩm mỹ ở môi trường đô thị, bao gồm cả kiến trúc lẫn nội thất. Nhìn xa một chút thì cũng dễ dự đoán là kiến trúc sư và nhà thiết kế Việt Nam mà có tầm nhìn thẩm mỹ tinh tế sẽ có một tương lai sáng sủa.
Còn những ý kiến nhạt nhẽo về giới trẻ Việt Nam sống ảo đến độ mất phương hướng hay bác bỏ “bản sắc văn hoá Việt" có vẻ khá phiến diện nếu nhìn từ góc độ thẩm mỹ. Những dự án do chính người trẻ Việt Nam tổ chức, như Dệt Nên Triều Đại (Vietnam Centre) hay Sài Gòn Có Mưa, diễn ra thường xuyên và thu hút sự chú ý của khá nhiều người.
Rõ ràng ở Việt Nam ngày càng nhiều người có sở thích và nhạy cảm với nghệ thuật. Nhưng rõ ràng không kém, hoạt động mỹ thuật tấp nập này chưa liên quan lắm đến tư duy duy mỹ dưới quan điểm là cách nhìn nghệ thuật như tinh hoa của cuộc sống con người hay kỳ vọng trở thành người thật am hiểu. Vai trò của nghệ thuật trong xã hội ngày càng rộng thì đúng, nhưng một điều nữa cũng không tranh cãi được là nghệ thuật trong xã hội ngày nay về cơ bản được coi là phương pháp giải trí. Còn vẻ đẹp, quần áo đẹp, giọng hát đẹp, nhiều khi chỉ được xem là đường đến thành công.
Nếu nhìn chủ nghĩa duy mỹ từ góc nhìn xã hội, thì lại xuất hiện một nghịch lý liên quan đến văn hoá toàn cầu (đến sự thật là một phần lớn nghệ thuật ta tiếp xúc là sản phẩm mang tính toàn cầu) mà Việt Nam – cũng như những đất nước khác - phải đối phó. Số lượng nghệ thuật có sẵn trong môi trường sống của ta ngày nay đã lớn đến mức chưa từng có trong cả lịch sử loài người. Nhưng trong từng ấy năm lịch sử, loài người cũng chưa có thời nào tạo ra lượng sản phẩm nghệ thuật có tính chất nghệ thuật đích thị ít đến như vậy. Trong vòng một thế kỷ trở lại đây, vai trò của nghệ thuật trong văn hoá con người đã thay đổi gần như hoàn toàn, trên một vài khía cạnh theo hướng tích cực, trên nhiều khía cạnh lại theo hướng khá đáng ngờ.
Một mặt, có vẻ như ngày nay nghệ thuật ở khắp nơi chung quanh ta. Đồ vật nào cũng được thiết kế rất tỉ mỉ theo một phong cách nào đó. Không những nhà cửa hay quần áo phải có “style" mà bất cứ sản phẩm nào ta mua được, từ chai nước khử mùi đến gói thức ăn cho mèo, đều được “thẩm mỹ hoá" nhất định. Phần lớn những thứ mà ông bà ta chắc chỉ nhìn từ góc nhìn thực tế đã được tân trang theo chiều duy mỹ một cách triệt để, chủ yếu để chúng nổi bật trên thị trường.
Nghệ thuật đã lan từ những nhà xưởng, thư viện, phòng hoà nhạc nhỏ, v.v... tới cuộc sống hàng ngày, ở mọi chỗ công cộng và riêng tư. Đường phố được trang trí bằng những bảng quảng cáo sặc sỡ, quán cà phê được trang bị TV và hệ thống âm thanh khuếch đại, chưa nói đến phòng ngủ của ta đầy ắp thiết bị nhằm giúp ta trải nghiệm cái đẹp dưới mọi hình thức. Đồng thời số lượng tác phẩm nghệ thuật đã được sưu tập, sửa soạn và tích luỹ có thể được tiếp cận trong những thư viện, viện bảo tàng và chỗ công cộng khác đã tăng nhanh chóng. Nếu tính thêm những hình ảnh, clip, đoạn ghi âm và văn bản điện tử được lưu lại trên mạng thì có thể nói số lượng sản phẩm nghệ thuật ta có thể tiếp xúc được đã tăng vô hạn chỉ trong vòng 2, 3 thập niên vừa rồi.
Đến đây thì chắc là sự phân tích nghe hay hay. Nhưng vấn đề ở chỗ là điều kiện sáng tác tác phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của người theo chủ nghĩa duy mỹ (tinh vi và có chiều sâu) đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với quá khứ. Ý nghĩa của nghệ thuật đã và đang thay đổi. đến độ việc giữ lập trường duy mỹ là điều thật khó.
Để hiểu tình trạng khó khăn ấy, hãy thử đặt một câu hỏi: Điều kiện xã hội nào đã giúp tạo ra những tuyệt tác lịch sử có sẵn ở ngoài đời và trên Internet?
Nói về những hoạ sĩ, thợ chạm, thợ gốm, v.v... thì phải suy nghĩ lại mối quan hệ giữa nghệ thuật và nghề thủ công. Phần lớn những người đã sáng tác ra các tuyệt tác nghệ thuật hiện thực, nghệ thuật trang trí đã học tập và làm việc trong môi trường thủ công, chủ yếu trong nhóm nhỏ, tức giữa một số người đã đắm mình trong một số nhỏ phong cách và những phương pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện chúng.
Nói về những nhà văn, nhạc sĩ xuất sắc đã sáng tác nên những tác phẩm tầm cỡ lịch sử thì cái nổi bật nhất từ góc nhìn xã hội là họ không hề sản xuất cho thị trường đại chúng (chính vì thị trường đại chúng trước nửa thế kỷ 19 chưa được hình thành). Thay vào đó họ sáng tác chủ yếu dựa theo cảm hứng bản thân. Nghệ sĩ mà không sáng tác vì nhu cầu của riêng mình thì chỉ nghĩ tới sở thích của một số độc giả, khán giả tương đối nhỏ, có thể là người bảo trợ, một số người sành điệu nhất định, một nhóm người bạn hay một cộng đồng xã hội trực tiếp.
Còn nói về tác phẩm của nghệ thuật biểu diễn thì rõ ràng một số dàn diễn viên, đoàn nhạc được nhiều người ưa chuộng, nhưng rõ ràng không kém là gốc rễ của nghệ thuật của họ thường là cộng đồng địa phương. Như hầu hết tất cả những nghệ sĩ “vô loài" trình diễn âm nhạc truyền thống Việt, nghệ sĩ biểu diễn khắp thế giới từng phát triển năng khiếu của họ gần gũi với khán giả, vì thế họ mới phản ánh sự nhạy cảm và sở thích của họ tường tận.
Tua thêm vài ba thế kỷ đến tận bây giờ, thì phải hỏi lại, nghệ thuật thường được sản xuất và cảm thụ như thế nào? Câu trả lời là trong một thế giới đang toàn cầu hoá nhanh, văn hoá về cơ bản chỉ là một trong số những khu vực kinh tế khác nhau. Việc sản xuất nghệ thuật, ít nhất cho thị trường đại chúng, nên được cấu tạo như hoạt động sản xuất các loại hàng hoá khác. Nếu có thể, từng giai đoạn của quá trình được tách ra và giao cho một nhóm nhân viên mỹ thuật có kỹ năng chuyên môn, toàn bộ quá trình được tổ chức lại để có lợi ích kinh tế theo quy mô. Từng loại tác phẩm một được thay thế nhanh chóng bởi dòng sản phẩm mới. Và công việc của những người làm PR không còn là yếu tố “thêm vào" mà là trọng tâm của quá trình sản xuất. Nói chung, động lực kinh tế thị trường khá dễ nhận ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ “nền công nghiệp” âm nhạc, đến “nền công nghiệp” xuất bản và điện ảnh (tính máy móc và kinh tế của phần lớn nghệ thuật hiện đại, lộ ra rất rõ trong cụm từ này).
Còn xét về mục đích, phần lớn nghệ thuật đương đại được tạo ra để có tác động tức thời trên thị trường. Chúng không còn nhằm định hình thẩm mỹ cho chân lý hay lý tưởng, và nhất định không đặt câu hỏi tinh tế, bí ẩn kiểu Kraus. Khi được hỏi về động lực của họ, phần lớn những nghệ sĩ, cả ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài, thường nói đến đam mê, mặc dù chuyện sáng tác nghệ thuật chủ yếu vì sự cam kết cá nhân hoà hợp được thế nào với việc thu hút càng nhiều người tiêu thụ vô danh càng tốt trên thị trường đại chúng thì khá khó hiểu.
Nói chung, phần lớn tác phẩm nghệ thuật được sản xuất dưới những điều kiện kinh tế này có tính chất của một thứ hàng “ăn liền". Hậu quả là nếu nó không nhanh chóng tìm được thị trường thì khả năng nó bị chìm dần vào quên lãng là rất cao, dù nó có đặc tính thẩm mỹ hay ho thế nào chăng nữa.
Sống duy mỹ giữa thời đại xô bồ
Ta muốn giúp cho xã hội sống thực sự duy mỹ hơn trong thời kỳ toàn cầu hoá, thì điều thứ nhất nên làm là củng cố vai trò của ba nhân vật có xu hướng bị lu mờ - khi nghệ thuật được sáng tác dưới điều kiện của nền thị trường đại chúng quốc tế.
Nhân vật đầu tiên là người sành điệu, nói đúng hơn là cá nhân nào muốn có sự hiểu biết sâu sắc về một (hay nhiều) loại nghệ thuật. Họ không khao khát cái mới đến độ không đủ kiên nhẫn để khám phá lại cái cũ, và đủ sáng suốt để ủng hộ những nghệ sĩ mới làm việc thực sự sáng tạo mà không sản xuất những tác phẩm chỉ để dễ tiếp cận với quần chúng.
Nhân vật thứ hai là nhà phê bình, tức người không chỉ có hiểu biết và thị hiếu thẩm mỹ như người sành điệu. Họ còn biết đánh giá những tác phẩm mới một cách tự tin, đến độ có thể giúp cho người khác phát triển gu của họ, thậm chí giúp nghệ sĩ có một góc nhìn mới về công việc của mình. Nhìn chung, công việc của nhà phê bình nghệ thuật là điều dễ gây hiểu lầm ở Việt Nam ngày nay. Bài review trên báo có khá nhiều, nhưng xem kỹ thường chỉ là thông tin mang tính chủ quan mà công ty sản xuất bỏ tiền ra để đăng, gần như quảng cáo trá hình. Trên mạng thì có đủ loại ý kiến về tác phẩm mới, có fan hâm mộ hăng hái khen ngợi, có anti-fan nhiệt tình ném đá, nhưng phản hồi của cư dân mạng thường bát nháo đến mức khó có thể nói về một “văn hoá phê bình" theo đúng nghĩa.
Nhân vật thứ ba là thầy cô giáo chuyên môn, tức những người thành thạo một loại nghệ thuật và có kỹ năng thực tế. Họ có thể vừa thúc đẩy năng khiếu của nghệ sĩ trẻ, vừa nuôi dưỡng một gu thẩm mỹ tinh tế ở những thế hệ mới. Hiện giờ việc dạy những nguyên tắc cơ bản về phần lớn các loại hình nghệ thuật hoàn toàn thiếu trong hầu hết các ngôi trường ở Việt Nam. Hậu quả là gu thẩm mỹ vốn có của nhiều học sinh không được hình thành, khả năng thưởng thức ban sơ không được bổ sung, bởi thiếu cơ hội thực hành và thiếu kiến thức cụ thể.
Nếu chủ nghĩa duy mỹ về cơ bản là nỗ lực nhận ra và nuôi dưỡng cái đẹp dưới tất cả các hình thức của nó, cùng với cố gắng tạo điều kiện cho sự phát triển của tất cả kiểu đẹp thì phải nói nữa về vài ba thử thách lớn.
Một người có hứng thú sống duy mỹ theo đúng nghĩa phải dứt khoát nói không với những tác phẩm nhạt nhẽo của loại “mỹ thuật công nghiệp” được sản xuất đại trà và quần chúng, được thúc đẩy mua thông qua việc PR. Không phải mọi sản phẩm của “công nghiệp văn hoá" đều vô vị và sáo rỗng, nhưng ai muốn sống trong tinh thần duy mỹ cần phân biệt rõ tác phẩm nào có nội dung và phong cách thật sự nghệ thuật, tác phẩm nào nghèo tưởng tượng mà được bỏ thêm một số đặc tính mỹ thuật quèn (với mục đích chính là kiếm tiền cho một tập đoàn lớn nào đó).
Thứ hai là nếu mỗi người chúng ta muốn giúp cho người khác sống duy mỹ hơn, thì hãy quan tâm đến môi trường giáo dục. Hãy cổ động cho nền giáo dục về nghệ thuật, để biến nó trở thành phần không thể thiếu của các chương trình học ở bất kỳ cấp độ nào. Nghệ thuật hiện thực như hội hoạ, nghệ thuật biểu diễn như kịch nghệ, âm nhạc đều là môn học cấp 1, 2 ở các nước như Singapore mà Việt Nam thường lấy làm gương khi nói đến việc cải cách giáo dục. Cũng không có lí do nào mà học sinh cấp 3 không nên được đào tạo “nghệ thuật phản biện", tức được khuyến khích bày tỏ ý kiến về phim, hay các chương trình TV họ quan tâm.
Thách thức thứ ba là tạo ra những “mô hình xã hội", những câu lạc bộ, diễn đàn (ở ngoài đời chứ không chỉ trên mạng) có thể coi là nơi tụ tập để bàn bạc và thưởng thức nghệ thuật chung. Một ví dụ điển hình là phim. Theo tôi được biết, không có thành phố lớn nào ở Việt Nam có cinematheque, tức một trung tâm điện ảnh nơi người dân có thể đi xem phim đương đại hay cổ điển được những người sành điệu khắp thế giới đánh giá cao – kiểu phim có thể làm khán giả động não.
Về mặt cá nhân thì cũng có vài ba thử thách lớn mà mọi người muốn sống duy mỹ có thể sẽ đối mặt. Ai muốn mở rộng năng khiếu hay thị hiếu của mình thực sự có chiều sâu thì nên ra sức tạo điều kiện phát triển mà cuộc sống đương thời ngày càng thiếu. Trên hết sống duy mỹ cần đến thời gian rảnh và sự yên tĩnh, hay ít nhất một môi trường hợp với việc quan sát, lắng nghe, đọc hiểu và học tập. Hai điều kiện nữa là khả năng cảm thụ và khả năng suy ngẫm mà nhiều phương diện cũng trái ngược với nhịp sống đương thời.
Nhưng chắc chắn sẽ có những người muốn đi xa hơn nữa nếu tinh thần duy mỹ - như Nietzsche từng nói - không chỉ đơn giản là việc sáng tác hay hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật đẹp, mà còn thách thức ta coi thế giới như hiện tượng mỹ thuật. Nếu chủ nghĩa duy mỹ đòi hỏi ta có thái độ phóng khoáng đối với cảnh trước mặt, hay người ngồi đối diện, không những cố gắng áp đặt ý chí lên trên, vội vàng phán xét cái vừa bắt gặp (hay làm lơ nó một cách vô tư vì cặm cụi nghịch điện thoại) thì nó buộc ta đương đầu với một thử thách lớn nữa.
Suy cho cùng, chủ nghĩa duy mỹ không đồng nghĩa với việc xã hội này nọ có một giới nghệ thuật sôi động hay một số nghệ sĩ được nhiều người nhiệt tình hâm mộ. Gu thẩm mỹ đích thực không chỉ chung quy ở cách ăn vận hợp thời; một người có gu thẩm mỹ thật sự chắc chắn sẽ thấy một phụ nữ đẹp rực rỡ mà bước đi lẹp xẹp hoặc một đàn ông điển trai mà có vẻ để quên não ở nhà, vừa thú vị vừa lố lăng cùng lúc.
Thay vào đó nó có nghĩa là mình tự thử thách bản thân trở thành người có cách ăn nói xuôi tai, có phong cách viết văn hay, có cả một cách đi đứng đẹp. Nó bao gồm cả việc trau dồi toàn bộ theo cách riêng của mình.
Nhưng nó cũng không chỉ là điều của riêng mình thôi. “Thẩm mỹ", “duy mỹ" ở đây cũng có nghĩa là cách cư xử với người khác một cách “đẹp", hoà nhã, hào phóng, là gác qua một bên những gì mình cần ở họ, những gì mình mong muốn ở họ.
Nó bao hàm một nhu cầu cao về cái đẹp, nhưng dứt khoát không phải cái đẹp một chiều, vốn phổ biến khắp thế giới ngày nay như trong ngành công nghiệp văn hoá hay ngành công nghiệp làm đẹp.
Nói tóm lại, chủ nghĩa duy mỹ là nhu cầu về cái đẹp ba chiều.
Hoặc có thể nói theo kiểu này. Nó là nhu cầu về cái đẹp trên số chiều vô hạn: Nó nằm ngay trong trí tưởng tượng do con người mở ra.
Cameron Shingleton
Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây.