Đó là lý do tại sao ta cứ phải mua những thứ mình vốn không cần đến, ngủ với những người ta có lẽ không yêu, và cố gắng làm việc chăm chỉ để nhận được sự công nhận từ những con người mà ta không hề ưa.
Sao lại phải làm thế? Thành thật mà nói thì tôi không quan tâm đến lý do chính xác. Tôi chẳng phải một nhà khoa học. Tất cả những gì tôi biết là nó có liên quan đến lịch sử, văn hóa, truyền thông, kinh tế, tâm lý học, chính trị, thời đại thông tin và cả những thứ khác nữa. Cái danh sách này kéo dài vô tận.
Chúng ta chỉ là chính mình mà thôi.
Hãy chấp nhận điều đó. Hầu hết mọi người cứ thích đi phân tích lý do người khác không hạnh phúc hoặc không sống một cách trọn vẹn. Tôi không cần thiết phải quan tâm đến nó. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc ta có thể thay đổi như thế nào. Chỉ mới vài năm trước đây thôi, tôi đã làm mọi thứ chỉ để theo đuổi hạnh phúc.
Thế nhưng đến cuối ngày, nằm trên chiếc giường êm ấm của mình (một mình hoặc cùng người bạn đời), bạn thầm nghĩ: “Mình phải làm gì tiếp theo để theo đuổi hạnh phúc đây?”
Chà, để tôi trả lời luôn cho bạn biết nhé. Bạn phải tìm kiếm một mục tiêu mới, gì cũng được, khiến bạn tin rằng mình sẽ hạnh phúc nếu bạn đạt được nó.
Tất cả đều chỉ là ở bề ngoài thôi. Dối trá hết. Một câu chuyện mà tự bản thân bạn tạo dựng nên.
Aristotle có lừa chúng ta không khi nói:
Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, mục tiêu và đoạn cuối của sự tồn tại nhân loại.
Tôi nghĩ chúng ta phải xem xét câu nói đó trên một góc độ khác. Bởi vì khi đọc nó, bạn sẽ nghĩ rằng hạnh phúc là yếu tố chính, và là tất cả những gì câu trích dẫn muốn hướng đến.
Nhưng vấn đề là: Làm thế nào để có được hạnh phúc?
Hạnh phúc, bản thân nó, không thể là một mục tiêu được. Vậy nên nó không phải điều có thể đạt được. Tôi tin rằng hạnh phúc chỉ là một sản phẩm phụ của cảm giác có ích.
Để nhắc về khái niệm này, tôi luôn cảm thấy rất khó để mở lời với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Nhưng tôi sẽ thử nói ở đây xem sao nhé. Hầu hết những điều ta làm trong cuộc đời này là hoạt động và trải nghiệm.
Những điều này sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc phải không? Nhưng chúng không có ích. Bạn chẳng tạo ra được thứ gì cả. Bạn chỉ đang tiêu thụ thôi. Và điều đó cũng là chuyện bình thường ấy mà.
Đừng hiểu sai ý của tôi. Đôi khi tôi cũng thích đi nghỉ mát hoặc mua sắm. Nhưng nói thật thì, nó không phải những thứ đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Điều thật sự làm tôi hạnh phúc là khi tôi thấy mình có tác dụng gì đó trong cuộc đời này. Khi tôi tạo ra một thứ gì đó mà người khác có thể sử dụng. Hoặc ít nhất thì tôi có thể tạo ra được một thứ gì đó mình có thể sử dụng.
Trong một khoảng thời gian rất dài, tôi cảm thấy thật khó để giải thích khái niệm về cảm giác có ích và hạnh phúc. Cho đến khi tôi đọc được một câu của Ralph Waldo Emerson, mọi thứ dường như đã được kết nối lại với nhau.
Emerson nói rằng:
Mục đích của cuộc đời không phải là hạnh phúc. Mà là cảm giác bản thân có ích, xứng đáng được tôn trọng, có tấm lòng thương cảm và tạo ra những khác biệt khẳng định rằng bạn không chỉ sống mà còn sống tốt.
Tôi đã chẳng hề hiểu điều đó trước khi tôi có ý thức hơn về những gì tôi đang làm với cuộc đời mình. Mọi thứ tôi làm cứ luôn nặng nề và chung chúng. Trong khi thật ra nó rất đơn giản.
Tựu chung lại: Bạn đang làm gì để tạo nên sự khác biệt?
Bạn đã làm những gì có ích cho cuộc đời? Chẳng cần phải thay đổi thế giới hay làm gì đó tương tự thế. Chỉ cần khiến thế giới tốt hơn một chút so với khi bạn vừa mới chào đời là được. Nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, thì đây là một số gợi ý nhé.
Đó là một số thứ tôi thích làm. Bạn có thể tự lên danh sách những việc có ích muốn làm của riêng mình.
Bạn thấy không? Chẳng có việc nào là việc lớn cả. Nhưng khi bạn làm những việc có ích, dù nhỏ thôi, mỗi ngày, nó sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Một cuộc sống thật sự quan trọng. Điều cuối cùng tôi muốn làm là nằm trên chiếc giường của mình và chẳng quan tâm tới việc liệu mình có còn tồn tại hay không.
Dạo gần đây tôi đọc Not Fade Away của Laurence Shames và Peter Barton. Cuốn sách nói về Peter Barton, người sáng lập ra Liberty Media, người đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cái chết có liên quan tới ung thư.
Đó là một cuốn sách có thể sẽ khiến bạn bật khóc. Trong đó, ông ấy viết về cách ông ấy sống và đã tìm thấy tiếng gọi của cuộc đời. Mặc dù từng học trường kinh doanh nhưng đây là suy nghĩ của ông về những người bạn học MBA cùng mình:
Mấu chốt ở đây: Họ là những con người mặt mũi sáng sủa những sẽ không bao giờ thực sự làm điều gì hay đóng góp thêm gì cho xã hội, khi chết đi cũng không để lại được thứ gì. Tôi thấy điều này thật đáng buồn, bởi lãng phí tài năng luôn là một điều đáng tiếc.
Bạn có thể thấy câu nói đó đúng với tất cả chúng ta. Sau khi nhận ra điều đó ở độ tuổi ba mươi, ông ấy thành lập công ty riêng và biến mình thành một triệu phú.
Một người khác luôn cố gắng trở nên có ích đó là Casey Neistat. Tôi đã theo dõi anh ấy được một năm rưỡi và mỗi khi xem kênh Youtube của anh ấy, tôi lại thấy một thứ mới mẻ. Anh ấy luôn nói về những thứ anh ấy muốn sáng tạo. Thâm chí anh ấy còn xăm lên cánh tay mình dòng chữ “Do More.” (Hãy làm nhiều hơn).
Hầu hết mọi người sẽ nói “Nhưng mà tại sao chúng ta lại phải làm việc nhiều hơn cơ chứ?” rồi quay trở lại với Netflix để xem nốt các tập phim Daredevil.
Lối tư duy khác biệt.
Trở nên có ích là một kiểu tư duy. Và giống như các kiểu tư duy khác, nó cần bắt đầu bằng một quyết định. Một ngày nọ, tôi thức giấc và chợt nghĩ: Tôi đang làm được gì cho thế giới này? Câu trả lời là chẳng gì cả.
Đó cũng là ngày tôi bắt đầu viết lách. Đối với bạn, đó có thể là vẽ tranh, tạo ra một sản phẩm, giúp đỡ người già, hoặc bất cứ điều gì bạn cảm thấy thích.
Đừng đặt nặng. Đừng quá nghĩ ngợi. Chỉ cần làm điều có ích thôi. Bất cứ điều gì.
Theo Medium
Kim