Sếp của bạn là người lãnh đạo độc đoán hay người lãnh đạo phục vụ?
Sếp của bạn là người lãnh đạo độc đoán hay người lãnh đạo phục vụ?
Ngay từ những trang đầu, tác giả cuốn sách “10 sai lầm lớn nhất của người lãnh đạo”, Hanz Finzel đã kể lại câu chuyện của chính bản thân mình. Khi vừa tốt nghiệp đại học và sau đại học, anh đã sẵn sàng cho một sự nghiệp rực rỡ trên con đường mình lựa chọn. Trái tim anh chứa đầy những ước mơ về viễn cảnh anh sẽ thay đổi thế giới ra sao.

Tuy vậy, sau 5 năm đi làm, người lãnh đạo mất niềm tin vào anh và anh cũng không đặt niềm tin vào sếp của mình như những ngày đầu. Anh rơi từ đỉnh cao đầy hứa hẹn xuống vực sâu tuyệt vọng bởi những hành động và sự thờ ơ của ông ta.

 

10 sai lầm lớn nhất của người lãnh đạo

 

Theo nghiên cứu không chính thức của tác giả, mọi người đến với vị trí lãnh đạo phần nhiều vì tình cờ hơn là cố ý. Và sau khi bị cuốn vào vòng xoáy lãnh đạo, họ có xu hướng làm những gì tự nhiên mách bảo. Chẳng hạn, như con người thường có xu hướng đối xử với nhân viên như những đứa trẻ, trong khi sẽ tốt hơn rất nhiều nếu đối xử với họ như những người trưởng thành, như nguồn lực mang đến thành công cho bạn.

Vì thế, những ai được chỉ định để làm lãnh đạo, sợ hãi với nhiệm vụ này hoặc đang phải chịu đựng sự lãnh đạo của người khác thì đây thực sự là một cuốn sách hữu ích cho họ. Bạn có thể áp dụng kiến thức trong cuốn sách này vào tất cả mọi lĩnh vực, cho dù bạn đang lãnh đạo một công ty, một cơ quan, một trung đội, một hội đồng hay chính gia đình bạn. Đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường dành cho các thủ lĩnh.

Dưới đây là 10 sai lầm mà các nhà lãnh đạo hay mắc phải:

  1. Thái độ từ trên xuống dưới: Kiểu lãnh đạo gây khó chịu nhất
  2. Đặt chỉ tiêu công việc lên trên mối bận tâm về nhân sự: Lời thú nhận của một người có tính cách thuộc Tuýp A
  3. Thiếu sự ghi nhận: Điều gì hấp dẫn hơn cả việc tăng lương?
  4. Không có chỗ cho những kẻ nổi loạn: Họ là những người mở đường tới tương lai
  5. Sự độc tài trong quyết định: Vượt qua sự ngạo mạn: “Tôi biết hết giải pháp cho mọi vấn đề”’
  6. Giao việc thiếu minh bạch: Từ chối nới lỏng sự kiểm soát
  7. Nhiễu sóng truyền thông nội bộ: Làm sao để “trăm miệng một lời”
  8. Lỗ hổng văn hoá doanh nghiệp: Kẻ thù giấu mặt của số đông các nhà lãnh đạo
  9. Sẽ không có thành công nếu thiếu người kế nhiệm: Hãy chuẩn bị kỹ càng cho sự ra đi ngay khi bạn đảm đương vai trò lãnh đạo
  10. Thất bại trong việc tập trung cho tương lai: Hãy chuẩn bị sẵn sàng – Nó muộn hơn là bạn nghĩ

 

 

Đâu là sai lầm lớn nhất trong các sai lầm của nhà lãnh đạo?

 

Sai lầm lớn nhất của các nhà lãnh đạo là kiểu lãnh đạo độc đoán từ trên xuống dưới. Những người lãnh đạo theo kiểu này có cách làm rất khó chịu: sử dụng kiến thức – thực ra là sự thiếu kiến thức – để ổn định tổ chức và cấp dưới của mình. Đây từng là cách người da trắng dùng để thống trị người da đen. Tác giả lý giải rằng, các nhà độc tài nhận ra rằng, tri thức của người khác chính là kẻ thù lớn nhất của họ. Vì thế, họ tìm mọi cách giữ cho người da đen luôn sống trong bóng tối ngu dốt. Khi đó, những người da đen gần như không có ý đồ nổi dậy, chống lại kẻ thống trị tàn bạo. 

Trải qua hết thế hệ này sang thế hệ khác, kiểu lãnh đạo đó vẫn tồn tại là vì những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, đây là thực tế phổ biến nhất ở hầu hết các quốc gia.

Thứ hai, việc ra lệnh cho người khác vẫn dễ hơn nhiều so với việc thử các kiểu lãnh đạo hiệu quả khác.

Thứ ba, lãnh đạo, khống chế người khác đã trở thành bản năng của con người.

Một lý do nữa xuất phát từ trong bản chất tội lỗi của con người. Chính điều này đã đẩy chúng ta vào việc áp bức người khác bằng bất cứ cách nào có thể.

Đối lập với kiểu chuyên quyền từ trên xuống là kiểu lãnh đạo phục vụ. Lý thuyết về kiểu lãnh đạo này cho rằng, công việc sẽ trở nên thú vị và nhân viên có thể cống hiến hết mình khi cấp trên tin rằng, họ có khả năng tạo động lực cho bản thân khi làm việc. Các nhà lãnh đạo nên để cấp dưới của mình tự định hướng, tự kiểm soát công việc và khiến họ cảm thấy mình được lãnh đạo tin tưởng và tôn trọng.

Để hình dung rõ hơn kiểu lãnh đạo phục vụ, tác giả Hanz Finzel đưa ra ví dụ về một ngày làm việc của ông như sau: Ông dành không biết bao nhiêu thời gian để giúp người khác làm việc hiệu quả bằng cách cung cấp cho họ số liệu, năng lượng, nguồn lực, mạng lưới, thông tin và bất cứ thứ gì họ cần để làm việc hiệu quả… Thỉnh thoảng ông dành hàng giờ ngồi cạnh người khác, làm những công việc lặt vặt, tỉ mỉ để hoàn thành công việc của họ. Mới đây, ông còn dành nửa giờ rà soát lại toàn bộ ổ cứng để tìm một tập tin mà người thư ký rất cần. Dù là sếp nhưng ông vẫn làm việc này là bởi ông nắm rõ nhất cách tìm tập tin trên chiếc máy tính đó. Cuối cùng thì ông đã tìm được và mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Bản chất của lãnh đạo phục vụ là quan tâm tới người khác hơn cả bản thân bạn. Đó là lòng trắc ẩn của tất cả những ai đang phục vụ tổ chức. Lãnh đạo phục vụ buộc chúng ta phải ngồi xuống khóc than với những ai đang khóc. Nó buộc chúng ta sẵn sàng lấm bẩn khi phải hoàn thành những công việc chân tay nặng nhọc.

Truyền thuyết xưa đã đưa ra minh hoạ hoàn hảo về tầm quan trọng của lãnh đạo phục vụ thầm lặng như sau:

Khi bắt đầu xây dựng một nhà thờ lớn, một thiên thần xuất hiện và hứa thưởng cho người có đóng góp nhiều nhất vào việc hoàn thành điện thờ. Sau khi xây dựng xong, người ta bắt đầu dự đoán ai sẽ đoạt giải thưởng. Kiến trúc sư? Nhà thầu? Người xẻ gỗ? Người thợ thủ công lành nghề chuyên về vàng, sắt, đồng và kính? Hay người thợ mộc được giao nhiệm vụ điêu khắc bàn thờ tỉ mỉ? Bởi từng người trong số họ đã làm hết sức mình nên nhà thờ này đã trở thành một kiệt tác. Nhưng đến giờ trao giải, mọi người đều ngạc nhiên. Giải thưởng được trao cho một bà nông dân nghèo ăn mặc xuềnh xoàng. Vậy bà ấy đã làm gì? Mỗi ngày bà đều cần mẫn đem cỏ đến cho con bò kéo viên đá hoa cương đến chỗ chiếc máy cắt đá.

Minh Phương

Tags: