Sách phi giả tưởng: Kỷ lục xuất bản và cú hit mang tên Sapiens
Sách phi giả tưởng: Kỷ lục xuất bản và cú hit mang tên Sapiens
Ngày nay, người ta có xu hướng tìm đến những tác phẩm phi hư cấu sâu sắc hơn, triết lý hơn, như một chiếc phao cứu sinh để giữ mình tỉnh táo giữa thời đại hỗn loạn này.
Đây là câu chuyện về một cuốn sách đã trở thành hiện tượng, khi liên tục được in thêm trước sự ngỡ ngàng của các nhà xuất bản và của chính tác giả viết ra nó. Để tìm hiểu lý do vì sao tác phẩm tưởng chừng khó nhằn này lại thu hút độc giả đến vậy, chúng tôi đã vén lên bức màn bí mật về vai trò của thời đại ngày nay trong lịch sử, của văn hóa đọc và bộ mặt của cả nền xuất bản trong đó. Cuốn sách ấy chính là Sapiens: Lược sử loài người.

 

 

Kỷ lục xuất bản và sự xuất hiện của một trào lưu mới

 

 

Được chắp bút bởi học giả người Isarel Yuval Noah Harari, Sapiens ra đời năm 2011 và chính thức được xuất bản tại Anh Quốc 3 năm sau đó. Cuốn sách tóm lược những bước phát triển quan trọng trong lịch sử nhân loại qua những khảo nghiệm cặn kẽ về khả năng cộng sinh của loài người. Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã được xếp vào hàng những cuốn sách được độc giả ưa thích, đặc biệt khi phát hành ấn bản bìa mềm (paperback) vào mùa hè năm 2015.

Điều đáng chú ý là tốc độ bán ra của Sapiens không có vẻ gì là suy giảm theo thời gian. Trong hai năm rưỡi đầu tiên, nó đã bán được 200,000 ấn bản, chỉ tính riêng ở thị trường xứ sương mù. Khi tác giả Harari cho ra đời cuốn tiếp theo – Homo Deus – vào 2017, Sapiens: Lược sử loài người đã tiêu thụ hơn nửa triệu cuốn, đưa tựa sách này đứng đầu danh sách những tác phẩm bán chạy nhất trong một thời gian dài. Sapiens thực sự đã trở thành hiện tượng xuất bản và thành công rực rỡ của nó đã dấy lên một trào lưu tiêu thụ sách mới: sự ưa chuộng những tác phẩm phi hư cấu đậm chất trí tuệ, đòi hỏi độc giả phải “xoắn não” để tư duy.

Sapiens là làn sóng dẫn đầu cho sự trở lại của dòng sách phi giả tưởng

Sự lên ngôi của dòng sách này cũng đồng thời đánh dấu sự suy giảm sức hút của loại ấn phẩm từng một thời làm mưa làm gió trên các kệ sách – tiểu sử về những người nổi tiếng. Giờ đây người đọc đã dần quay lưng trước những câu chuyện hào nhoáng nhưng vô thưởng vô phạt của giới showbiz, mà thay vào đó hướng tới những tác phẩm sâu sắc, có phần trầm lắng hơn, như một cách để định hình bản thân trong cuộc sống. Bằng chứng là khi các chuyên gia của Nhà xuất bản Bookseller tiến hành phân tích dữ liệu trong vòng 5 năm qua, họ nhận thấy những series sách phi hư cấu được ưa chuộng hơn rõ rệt. Các tác phẩm này thường xoay quanh những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế, lịch sử hay y dược, thách thức người đọc phải tìm tòi và suy nghĩ.

Kiera O’Brien, một chuyên viên xử lý dữ liệu tại Bookseller, cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu trên cho rằng diện mạo chung của ngành xuất bản đã thay đổi trong vài thập kỷ qua. “Thật hiếm khi các tác phẩm phi giả tưởng lại có tốc độ bán ra lớn như vậy” – cô nói – “Thông thường chỉ có các tiểu thuyết hư cấu mới làm được điều này, nhất là khi chúng được chuyển thể thành phim. Nhưng khi độc giả nhận thấy dòng sách phi hư cấu thường mang đậm hơi thở của thời đại, khuôn mẫu đó đã bị phá vỡ”.

 

 

Tiếng nói của xã hội hiện đại

 

 

Thời đại ngày nay là thời đại của sự bấp bênh khó đoán định, khi xã hội phải đối mặt với những thách thức và khó khăn mới từng ngày. Đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, khủng hoảng người nhập cư hay biến đổi khí hậu. Mark Richards, tổng biên tập tại nhà phát hành sách John Murray cho rằng sự trở lại của các tác phẩm phi hư cấu sâu sắc chính là tiếng nói, là linh hồn của thời đại. “Chúng ta giờ đây đang sống trong một thế giới thay đổi không ngừng, dù chỉ là so với 2 năm về trước. Vì bản chất của loài người là luôn khao khát nắm bắt thông tin và để khám phá các khía cạnh khác nhau của vấn đề, sách chính là phương án tối ưu dành cho chúng ta”.

Quan điểm của Richards là hoàn toàn có cơ sở nếu ta nhìn vào số đầu sách phi hư cấu được bán ra liên tục trong những năm gần đây. Từ ung thư, lịch sử thương mại cho tới sự diệt chủng, từ Siddhartha Mukherjee cho tới Atul Gawande, những cuốn sách phi giả tưởng đã và đang cung cấp cho chúng ta lượng kiến thức chi tiết trên nhiều lĩnh vực khác nhau – điều mà ta thường không nhận được khi tiếp xúc với những phương tiện truyền thông khác.

Nhưng có lẽ lý do ấy không đủ biến những cuốn sách hóc búa trên trở thành hiện tượng. Bà Karolina Sutton - đại diện của nhiều nhà văn nổi tiếng như Malala Yousafzai hay Thomas Friedman - cho rằng có nhiều hơn một yếu tố thúc đẩy xu hướng đọc sách này: “Trong những tác phẩm lớn thuộc trường phái phi hư cấu hiện đại, độc giả sẽ thấy hai trường phái chính: Một là sự giải mã ý nghĩa cuộc sống trong thế giới vốn có quá nhiều sự bất ổn. Hai là tiếng nói của những nhà văn kiêm nhà hoạt động nhân quyền hoặc chính trị, họ bất mãn và muốn thay đổi thực tại để đòi quyền lợi cho chính mình. Những cuốn sách này đều táo bạo, hấp dẫn, được viết bởi người trẻ và dành cho người trẻ”.

Sách phi hư cấu còn là tiếng nói của các nhà hoạt động xã hội

Cho dù về chủ đề chính trị, chủng tộc hay nữ quyền, chúng là tiếng nói về những vấn đề vốn bị lãng quên trong những năm tháng tươi đẹp trước kia, cái thời mà khi nhắc đến Jordan, người ta sẽ nghĩ ngay đến một cầu thủ bóng rổ chứ không phải một quốc gia bất ổn vùng Trung Đông. Giờ đây, bối cảnh địa-chính trị phức tạp không cho phép người ta đứng ngoài những vấn đề lớn của thế giới. Và những cuốn sách phi giả tưởng, được viết bởi những tác giả giàu kinh nghiệm và kiến thức chính là phương tiện cung cấp cho chúng ta quan điểm về các vấn đề đó.

     

 

Và bàn tay quyền lực của những gã phát hành sách khổng lồ

 

 

Sapiens: Lược sử loài người đang tiến rất gần tới vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của Amazon, với cả hai hình thức sách giấy và sách điện tử. Điều này càng đáng chú ý hơn khi dòng sách phi giả tưởng vốn không được người dùng Kindle ưa chuộng. Rõ ràng công nghệ đề xuất sách cùng chủ đề của Amazon đã phát huy tác dụng, khi không chỉ Sapiens đạt được thành công đột phá mà còn hàng loạt những cuốn sách tư duy khác của Jared Diamond hay Daniel Kahneman cũng trở nên phổ biến.

Bên cạnh Amazon, không thể không nhắc tới sự hỗ trợ của gã khổng lồ phát hành sách mang tên Waterstones. Không điên cuồng chạy theo những yếu tố vụ lợi, Waterstones – từ sau khi được tiếp quản bởi James Daunt năm 2011 – đã tạo một cuộc cách mạng ngoạn mục khi khai phá những tác phẩm tiềm năng - dù với chủ đề trừu tượng - từ các nhà xuất bản nhỏ lẻ và đưa chúng trở lại vị thế mà chúng xứng đáng trên bảng xếp hạng. Ban đầu, Sapiens chỉ kỳ vọng phát hành được vài nghìn ấn bản. Nhưng việc xuất hiện trên chuyên mục Cuốn sách của tháng tại Waterstones đã tạo nên cú hích ban đầu cho tác phẩm và chỉ trong thời gian ngắn, nó đã đạt được thành công ngoài tưởng tượng. Giờ đây sau 3 năm phát hành, Sapiens vẫn nằm trong tốp những cuốn sách được bán chạy nhất và mới tăng số lượng bán ra từ 8000 lên 11000 cuốn/tháng, ngay sau khi tác giả của nó cho ra đời tựa sách tiếp theo.

Cả sách giấy và sách điện tử đều có ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất bản

James Daunt đồng tình rằng việc lựa chọn Cuốn sách của tháng có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động xuất bản. Một trong những thay đổi then chốt mà ông đã gây dựng chính là việc các nhà xuất bản không còn có thể tác động tới sức ảnh hưởng của một tác phẩm bằng những chiêu trò cũ rích. Đây chính là lý do vì sao  các cuốn sách tiểu sử của những người nổi tiếng lại từng bán chạy đến thế, chúng là con bài hốt bạc và những nhà xuất bản và phát hành trước giờ chỉ chăm chăm vào lăng xê chúng. Nhưng giờ đây khi “luật ngầm” đã bị phá bỏ, Waterstones có thể quảng bá những ấn phẩm mạo hiểm hơn. “Sapiens chính là một điển hình như vậy”, Daunt chia sẻ, “Nó là một tác phẩm thiết yếu và nhiều giá trị, nhưng không phải là loại mà người ta kỳ vọng sẽ được trưng bày ở kệ trên cùng của các nhà sách. Sự đột phá này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho các hoạt động quảng bá về sau”.

Tạm kết: Tại thời điểm mà tình hình chính trị ngày càng bất ổn, công nghệ dần xâm chiếm và thuốc men định hình đời sống của tất cả chúng ta, sách là câu trả lời để ta khai phá và làm chủ thế giới. Đây là thời đại của sự hành động, và thời đại ấy cần những tác phẩm như Sapiens – những cuốn sách tư duy “xoắn não”.

Theo The Guardian

Vân Anh (biên dịch)

Hãy comment để lại số điện thoại dưới post này hoặc đăng ký mua sản phẩm tại http://bit.ly/Đây-là-FLASHBOOK-SAPIENS hoặc comment #email và #số_điện_thoại, nhân viên của Trạm đọc sẽ liên hệ đến bạn ngay lập tức!

Tags: