"Sách người lớn cho là hay, nhưng trẻ em không đọc" vẫn là thực tế?
Sách thiếu nhi gần đây khá phong phú với nhiều thể loại, nhưng nếu đi sâu tìm hiểu, không ít người băn khoăn, mảng đề tài này vẫn còn thiếu những tác phẩm hấp dẫn

Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà văn Lê Phương Liên, người có 50 năm kinh nghiệm viết sách cho thiếu nhi, bà từng giữ chức vụ Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951 tại Hà Nội (Ảnh: NXB Kim Đồng).

Thưa nhà văn Lê Phương Liên, với kinh nghiệm 50 năm viết cho thiếu nhi, theo bà, viết cho thiếu nhi có những đặc thù nào, người viết cho thiếu nhi cần những yếu tố gì?

Trước khi có dự định viết một văn bản nào, tôi tự đặt câu hỏi: "Viết cho ai? Viết điều gì? Viết như thế nào?". Nếu đã có câu trả lời viết cho thiếu nhi, thì mình lại tìm hiểu thêm thiếu nhi hiện nay ra sao? Trẻ em hiện nay đang muốn đọc gì? Nên chọn đề tài nào là các em yêu thích, nên viết bằng giọng văn như thế nào (vui vẻ hóm hỉnh, ngọt ngào tình cảm, hấp dẫn bay bổng…).

Mỗi người viết đều có tư chất riêng, thật là khó để tìm một đặc thù chung, tuy nhiên người viết cho thiếu nhi thường là người yêu thích và biết cách vui chơi với trẻ em, yêu thích và biết cách kể chuyện, đọc thơ cho trẻ em khiến các em chú ý lắng nghe. Tôi hi vọng các tác giả mới hiện nay sẽ tìm ra con đường mới đến với trái tim của trẻ em hiện nay.

Sách cho thiếu nhi luôn nhận được sự quan tâm không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của toàn xã hội, từng giữ chức vụ Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, bà có đánh giá như thế nào về thực trạng các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi hiện nay?

Đúng là sách thiếu nhi luôn luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, gần đây trên thị trường sách thiếu nhi tôi có thấy một "hiện tượng lạ". Sách do người Việt viết bằng tiếng Việt, xuất bản ở Việt Nam cho trẻ em Việt Nam đọc, thế mà câu chuyện trong sách lại lấy khung cảnh nước ngoài với sinh hoạt của trẻ em nước ngoài với những tình cảm tâm lý, văn hóa ẩm thực hoàn toàn của người nước ngoài.

Tôi đọc mà tưởng như đang đọc sách dịch? Có người cho rằng đấy là tác giả viết theo lối giả tưởng? Phải chăng hiện nay cuộc sống hiện đại đã khiến trẻ em càng ngày càng xa quá khứ của dân tộc, với những cảnh làng quê, cây đa, bến nước, sân đình…? Các em chú ý nhiều hơn đến đời sống thế giới hiện đại và có nhu cầu hội nhập đa văn hóa với những quốc gia có đời sống phát triển cao hơn Việt Nam?

Hiện nay đang có nhiều tác giả mới tích cực tham gia viết, vẽ sách cho thiếu nhi. Tôi hi vọng rằng trong thời gian tới sẽ xuất hiện các sáng tạo mới độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam, lan tỏa sức sống Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay trẻ em xem điện thoại, mạng xã hội nhiều nên thờ ơ với sách. Cũng có người lại nhận định do chúng ta làm chưa tới, các tác phẩm cho thiếu nhi chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của các em? Xin bà hãy chia sẻ quan điểm của mình?

So với 50 năm về trước, trẻ em hiện nay thật sự có nhiều lựa chọn văn hóa giải trí hơn tuổi thơ xưa. Sự lo lắng cho ngành xuất bản sách thiếu nhi đã có từ thời xuất hiện các máy vô tuyến truyền hình đầu tiên thâm nhập vào đời sống nước ta. Từ bấy đến nay tôi thấy các nhà xuất bản vẫn tồn tại và làm ăn phát triển vững mạnh. Dẫu cho tất cả các phương tiện đọc, xem, nghe, nhìn… đang không ngừng có phát minh mới mẻ vẫn không thể nào thay thế được vị trí của sách trong đời sống văn hóa con người hiện đại.

Tôi đã được dự một số cuộc hội thảo sách quốc tế, các chuyên gia nhiều nước phát triển cao đã khẳng định điều trên. Trong thực tế nước ta, nhiều năm qua tác giả Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn mỗi khi ra sách luôn luôn được bạn đọc thanh thiếu nhi đón nhận nhiệt tình. Tôi mong rằng trong thế kỷ XXI sẽ có các tác giả khác vượt lên những thành công của thế hệ đi trước.

Thời gian qua, đã có nhiều cuộc vận động sáng tác sách cho thiếu nhi nhưng chưa hiệu quả. Nhiều cuốn sách người lớn cho rằng hay nhưng trẻ không đọc, theo bà nguyên nhân do đâu?

Theo tôi, việc "sách người lớn cho là hay, nhưng trẻ em không đọc" vẫn luôn luôn xảy ra trong thực tế xuất bản và tiêu thụ sách thiếu nhi hiện nay. Ở đây có một vấn đề tồn tại đã lâu ở nước ta, đó là việc xây dựng Lý luận Văn học thiếu nhi Việt Nam. Nếu giới học thuật, sáng tác ở các Hội chuyên môn, Viện nghiên cứu và giới biên tập xuất bản, phát hành truyền thông có được một sự đồng thuận cao về "Chuẩn thẩm mỹ" tác phẩm văn học thiếu nhi thì những khác biệt giữa cảm thụ của người lớn và trẻ em sẽ có khả năng bớt xa cách. Tuy nhiên theo tôi nghĩ việc đó là câu chuyện khó trong thực tế. Tuy nhiên với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tôi hi vọng việc này sẽ có chủ trương thực hiện có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm nhiều năm viết sách cho thiếu nhi, xin bà đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng các tác phẩm dành cho thiếu nhi trong thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu của các độc giả nhí?

Tôi nghĩ rằng nếu người viết yêu tuổi thơ của bạn đọc hôm nay như yêu tuổi thơ của mình trong ký ức thì sẽ thành công. Người viết sẽ biết "hóa thân" vào nhân vật mang tâm hồn bạn đọc hôm nay. Tôi luôn tâm niệm rằng, phải viết làm sao để tác giả là người đọc và người đọc cũng rung cảm với câu chữ của trang sách như là tác giả vậy.

Tôi hy vọng, với sự quan tâm tích cực của Hội Nhà văn Việt Nam và toàn thể xã hội, những năm tháng sắp tới văn học thiếu nhi sẽ khởi sắc.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp sư phạm Toán Lý và từng đi dạy học khi mới ra trường. Năm 1970, bà viết truyện ngắn đầu tay "Câu hỏi trẻ thơ" cũng từ chính trải nghiệm của một cô giáo trẻ bắt đầu tập sự. Truyện đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi viết về "Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ngoài ra, bà còn giành được Giải thưởng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huy chương Vì Thế hệ trẻ (1981) cho tác phẩm "Những tia nắng đầu tiên" và "Khi mùa xuân đến", Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật năm 1997.

Theo Báo Dân Trí

Tags: