Sách điện tử (ebook): Vì sao độc giả kém mặn mà?
Sách điện tử (ebook): Vì sao độc giả kém mặn mà?
Sách điện tử (ebook) đang được xem là xu thế của thời đại. Tuy nhiên, thực tế là độc giả và ngay cả các tác giả sách cũng chưa thật sự mặn mà với loại hình này. Nhiều người tỏ ra thờ ơ, thậm chí “không có nhu cầu tiếp cận”.

Sách điện tử (ebook) được xem là xu thế, nhưng vì sao độc giả kém mặn mà? Cần phải làm gì để khai thác được tiềm năng từ thị trường sách điện tử?

Cùng trò chuyện với nhà văn, nhà báo Phong Điệp – một người viết sách và là tác giả của rất nhiều đầu sách – xung quanh câu chuyện này:

Nhà văn Phong Điệp: Sách điện tử của chúng ta hiện mới hoạt động cầm chừng ở mức “cho có”

PV: Thưa nhà văn Phong Điệp! Hiện nay, bên cạnh các trang web, các sàn giao dịch sách online, chợ sách trực tuyến… những người yêu sách có cơ hội tiếp cận thêm một loại hình sách, đó là sách điện tử (ebook). Là một người viết sách, tác giả của rất nhiều đầu sách, chị nghĩ sao về xu hướng này?

Nhà văn Phong Điệp: Bản thân tôi trước đây tôi cũng từng được một công ty sách điện tử mời đến dự lễ khai trương với tư cách là tác giả. Và từ đấy đến giờ thì tôi vẫn luôn theo dõi sự phát triển của sách điện tử. Có thể thấy không chỉ các công ty tư nhân mà bây giờ bản thân các Nhà xuất bản cũng có kênh khai thác sách điện tử. Tuy nhiên tôi có cảm giác là sách điện tử của chúng ta hiện nay mới hoạt động cầm chừng ở mức “hoạt động cho có”, còn tính hiệu quả của nó thì thực tế là không.

Ngay như khi tôi ngồi với Phó Giám đốc NXB Trẻ - một đơn vị rất mạnh trong xuất bản, thì anh ý cũng phải thừa nhận rằng mảng sách điện tử của NXB Trẻ cũng phát triển không được như kỳ vọng, không tương xứng với tầm vóc, với sự đầu tư của NXB.

PV: Thực tế là các hoạt động liên quan đến sách hiện nay đã và đang diễn ra khá phổ biến trên môi trường mạng, tuy nhiên phần lớn vẫn là sách truyền thống, trong khi số lượng sách điện tử chiếm một tỷ lệ khá hạn chế. Phải chăng các đơn vị xuất bản và cả các tác giả vẫn chưa thực sự mặn mà với loại hình này? Hoặc chưa nhìn thấy được tiềm năng từ thị trường sách điện tử? 

Nhà văn Phong Điệp: Tôi nghĩ ở đây có rất nhiều vấn đề, có những nguyên nhân về quản lý, nguyên nhân về tâm lý tiêu dùng, tâm lý thị trường…

Về phía các tác giả thì thực ra cũng có những tác giả rất mặn mà, có những tác giả còn chưa hiểu thế nào nên còn từ từ “để xem xem đã”. Ví dụ một số nhà văn mà tôi biết như chị DiLi, anh Nguyễn Đình Tú hay một số nhà văn trẻ khác họ rất hợp tác với sách điện tử. Ví dụ chị DiLi, anh Nguyễn Đình Tú vào thời điểm tôi dự khai trương công ty sách điện tử thì họ đã đồng ý chuyển toàn bộ đầu sách của họ cho bên công ty đó khai thác, tuy nhiên hiệu quả về mặt thực tế khiến cho họ thất vọng. Và sau đó thì hình như sự hợp tác đó cũng chấm dứt. Để nói rằng các tác giả họ có quan tâm không? Có quan tâm. Nhưng hiệu quả không được như mong muốn.

Chưa kể bây giờ, như tôi, khi ký hợp đồng với một đơn vị sách, một NXB nào thì trong hợp đồng đều có điều khoản là chuyển bản quyền để xuất bản sách giấy và sách điện tử. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi đồng thời có thể khai thác bản quyền của mình trên cả 2 hình thức. Nhưng thực tế lâu nay tôi mới chỉ được nhận bản quyền của mình trên sách in truyền thống thôi. Có nghĩa là bản thân sách điện tử nó chưa tiếp cận được với thị trường, chưa hiệu quả.

PV: Phát triển sách điện tử liệu có khiến các nhà quản lý gặp khó khăn trong vấn đề bản quyền, sách lậu… thưa chị?

Nhà văn Phong Điệp: Sách điện tử hiện giờ có rất nhiều các trang sách lậu ở trên mạng, nó khiến cho các trang sách có bản quyền khó sống. Thì đây là cái mà bản thân các NXB, các đơn vị kinh doanh sách điện tử cũng như là các tác giả đều rất mong muốn các nhà quản lý phải có những công cụ đủ mạnh, hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Nếu vẫn còn tình trạng sách lậu thì sách điện tử có bản quyền mà các tác giả được hưởng lợi từ đó họ cũng sẽ nản. Bởi vì họ thấy rằng là cứ đầu tư rất nhiều, thậm chí truyền thông cũng rất hưởng ứng, rất hỗ trợ cho một loại hình đọc sách mới, nhưng mà trên thực tế những nỗ lực đó vẫn chưa đạt được kỳ vọng của mọi người. Và có lẽ chúng ta cần phải có một nghiên cứu thật kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp cho câu chuyện này.

PV: Vậy liệu có thể kỳ vọng cho một bước đột phá đối với loại hình này trong tương lai? Nhất là trong bối cảnh hiện nay – như chúng ta vẫn nói với nhau là “thời của công nghệ số”?

Nhà văn Phong Điệp: Thực ra liệu có thể tạo đột phá hay không thì tôi không dám nói nhưng tôi phải khẳng định đó là loại hình của tương lai. Việc ứng dụng công nghệ số trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là điều tất yếu và trong lĩnh vực xuất bản cũng thế thôi. Việc chuyển sang sách điện tử là đương nhiên. Thế còn để hướng đi thực sự có hiệu quả cần sự vào cuộc của mọi phía: đơn vị xuất bản, tác giả, đặc biệt là sự hợp tác của công chúng cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà quản lý.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Phong Điệp về cuộc trò chuyện!./.

Tags: