Các nhà văn viết truyện giả tưởng phải bảo vệ tác phẩm của họ trước con mắt mô phạm của các nhà phê bình. Tương tự như vậy, độc giả phải đối mặt với việc bị coi là 'buồn tẻ' hoặc 'ngu ngốc' vì chọn đọc những cuốn sách không được mọi người cho là phù hợp.
Tôi đã quen với những quan niệm như vậy từ khi còn nhỏ và cũng nhận ra được vai trò của những định kiến này trong việc định hình một con người, cùng với đó là cách chúng ảnh hưởng tới tôi như thế nào nếu không có sự hướng dẫn đúng nơi, đúng thời điểm.
Quá trình tự do hóa kinh tế của Ấn Độ, bắt đầu từ những năm 1990, mang theo hứa hẹn về sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng. Thật không may, chất lượng sách dành cho trẻ em ở trường tôi thì không được như vậy.
Một góc thư viện trường chất đầy những cuốn sách bìa cứng to bằng lòng bàn tay, không được quan tâm, bìa đã mục và trên bìa chỉ là một trong hai cái tên: Enid Blyton hoặc Edward Stratemeyer.
Số khác là các tác phẩm như A Tale Of Two Cities, The Hound Of The Baskervilles, Oliver Twist, Moby Dick, Alice's Adventures In Wonderland, A Christmas Carol, v.v.
Nhưng càng đọc những gì được cung cấp trong thư viện trường, tôi càng thấy ghét việc đọc hơn.
Thời gian qua đi, những người Ấn Độ trưởng thành vẫn như vậy. Tôi nhận ra rằng không chỉ học bạ, mà cả những lựa chọn đọc của tôi đang được sử dụng để phân loại trí thông minh. Nói cách khác, tôi không được coi là thông minh nếu như tôi chưa ngấu nghiến hết chỗ sách của Enid Blyton hoặc Edward Stratemeyer đã nói ở trên, hoặc không biết đến nhân vật Ahab trong trò Ebenezer.
Khi người lớn và các bạn cùng lớp biết về thói quen đọc của tôi, chúng tôi chẳng thể có những cuộc nói chuyện dài. Bởi một cậu bé không đọc sách giống như mọi người đã làm thì rõ ràng là trí tuệ cậu ta không được tốt cho lắm, và tốt hơn hết là không nên chơi cùng. Đây là điều đã ám ảnh phần lớn thời thơ ấu của tôi.
Thật may là tôi có ba mẹ đều là những người mê sách và bất chấp bảng điểm không tốt của tôi, họ vẫn hướng dẫn tôi đọc sách. Sau khi tích lũy được một thư viện nhỏ tại nhà, họ cho tôi đọc sách của các tác giả như Clive Cussler, A.J. Quinnell, Tom Clancy, Robert Ludlum, Lawrence Sanders, và nhiều người khác nữa.
Tất cả đã giúp nuôi dưỡng trí tưởng tượng của tôi theo cách mà phần lớn văn học thời đó không làm được. Vốn từ vựng và cách suy nghĩ của tôi tiến bộ với tốc độ nhanh hơn so với các bạn cùng trang lứa. Và đột nhiên tôi lại trở thành người giúp đỡ những học sinh lớn hơn để họ hiểu về ngữ pháp và cách hiểu từ.
Sự tiến bộ nhanh chóng này cũng kéo theo những mặt trái. Định kiến của mọi người về lựa chọn đọc của tôi đã khiến tôi bị hiểu lầm và tệ hơn, bị làm lơ. Đã nhiều lần, tôi phải hứng chịu cái nhìn chằm chằm trống rỗng từ một giáo viên không đồng quan điểm hoặc một người bạn không có hứng thú với tôi.
Nhưng ở nhà, tôi luôn được thấu hiểu. Ba mẹ, những người đã tạo thói quen đọc sách cho tôi, luôn nỗ lực để hiểu những gì tôi đang đọc và cách tôi lĩnh hội kiến thức. Tâm trí cởi mở của họ với các thể loại sách đã ngăn khoảng cách thế hệ không trở thành vực thẳm.
Ba mẹ hiểu tôi qua việc lựa chọn sách của tôi, và tôi hiểu họ qua cách họ hướng dẫn tôi. Cho đến ngày nay, cả ba mẹ và tôi vẫn đều săn đón những ấn bản mới của Asterix hoặc Tintin. Vì điều đó, tôi rất biết ơn và thấy mình thật may mắn.
Ngay cả ở trường học, trong khi những tác giả như Charles Dickens và Arthur Conan Doyle được khen ngợi vì nghiên cứu về thân phận con người, thì Oscar Wilde, Colette và Vladimir Nabokov chưa bao giờ được thảo luận.
Một lần, tôi hỏi thủ thư về cuốn Lolita, bà ấy đã trao cho tôi ánh nhìn như thể là của Anubis dành cho những linh hồn đang chờ được phán xét. Cuối cùng, tôi rời thư viện với tâm trạng “hú hồn cái hồn còn nguyên”.
Bỏ qua những lựa chọn sách của tôi, ba mẹ tôi luôn ủng hộ tính ham học hỏi của con ngay cả khi nói đến những chủ đề như tình dục, đồng tính luyến ái, lạm dụng, ma túy, nghiện rượu – những chủ đề mà nhiều bạn cùng trang lứa với tôi không thể thảo luận cởi mở ở nhà với ba mẹ họ.
Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng có thái độ cởi mở với tính tò mò của trẻ là một chuyện, nhưng thực hiện điều đó một cách có trách nhiệm lại là chuyện khác. Thỏa mãn trí tò mò không phải là cái cớ để phơi bày những ý tưởng và khái niệm cho những bộ óc chưa sẵn sàng tiếp nhận.
Cũng giống như khi ba mẹ tôi hướng dẫn tôi tìm sách phù hợp. Tôi sẽ lấy việc đọc cuốn Bố già của Mario của tôi làm ví dụ cho điều này.
Tôi đã từng xem bộ phim này và biết những đặc điểm tính cách của nhân vật Sonny Corleone và khuynh hướng ngoại tình của anh ta. Những khoảnh khắc thân mật thể xác xuất hiện, tôi đã không ngần ngại hỏi ba mẹ về chúng. Và họ cũng không ngần ngại trả lời rằng dù đó là những mô tả về tình dục, nhưng tôi không nên cảm nhận sự thân mật thể xác giữa hai người như những gì được viết.
Mặc dù tôi có nhiều câu hỏi hơn nhưng tôi đã nhận được lời hứa rằng họ sẽ hướng dẫn khi tôi đến một độ tuổi thích hợp. Và họ đã giữ lời.
Sự nuông chiều có trách nhiệm đảm bảo rằng không có bất kỳ khoảnh khắc khó xử nào giữa chúng tôi khi xem phim hoặc các chương trình truyền hình. Những khoảnh khắc được chia sẻ là tiếng cười, cảm giác thân thiết như những người bạn - điều mà tôi nhận thấy rằng nhiều trẻ em lúc bấy giờ còn thiếu.
Tôi tin rằng sự khác biệt giữa ‘kiểm duyệt’ và ‘giám sát’ là mong muốn được giải thích. Để mặc trẻ em (thậm chí cả người lớn) với một thiết bị nào để để tìm hiểu các chủ đề phức tạp cũng là một hành động vô trách nhiệm như việc không hướng dẫn chúng những chủ đề đó ngay từ đầu. Nhờ thói quen đọc sách say mê và có kiểm soát mà tôi đã học được rằng một quan điểm khác biệt có thể làm suy yếu lập luận của mình, nhưng đồng thời cũng củng cố kiến thức cho tôi. Tôi cũng học được rằng có thể sẽ có ai đó đọc nhiều nhưng vẫn dốt.
Tôi đã được cứu thoát khỏi con đường ngu dốt và méo mó nhờ ba mẹ và một số giáo viên, những người sẵn sàng chiều theo tính tò mò của tôi đối với văn học nói riêng và cuộc sống nói chung.
Không bị các định kiện ràng buộc, tôi có thể nhìn nhận về mọi thứ giúp tôi hiểu cuộc sống và sống trọn vẹn. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc đào tạo học thuật và những lợi ích của nó, nhưng tôi không bao giờ bị thúc ép phải theo đuổi học thuật mà đánh đổi việc đọc và trí tưởng tượng của mình.
Trong quá trình theo đuổi học thuật, vai trò của trí tưởng tượng thường bị xem nhẹ. Như Robin Williams đã nói trong Dead Poets Society - “Chúng ta không đọc và viết thơ vì nó dễ thương. Ta đọc và làm thơ vì ta là thành viên của loài người. Và loài người thì đầy đam mê. Y học, luật, kinh doanh, kỹ thuật, đây là những mục tiêu cao quý và cần thiết để tồn tại. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, sự lãng mạn, tình yêu, đó là những gì giúp chúng ta sống.”
Văn học, hay sách, là công cụ định hình tính cách và trí tưởng tượng của chúng ta. Việc có định kiến về sự phù hợp của nó cũng giống như việc bỏ lỡ một ốc đảo giữa sa mạc vì tưởng rằng đó là ảo ảnh. Việc mù quáng về nhận thức có thể bỏ qua, nhưng mù trí tuệ thì không.
- Theo: Arjun Iyer trên The Curious Reader.
- Đọc bài viết gốc tại đây!