Cuốn sách Những thách thức của nhà lãnh đạo bao gồm 13 chương, chia thành 4 phần rõ ràng với những mục đích khác nhau.
Ở chương này, tác giả đề cập đến hai câu chuyện trải nghiệm lãnh đạo tâm đắc nhất. Đó chính là những minh họa cho cách áp dụng 5 hành vi của Tấm gương Lãnh đạo. Câu chuyện thứ nhất là về Brian Alink với việc hỗ trợ tinh chỉnh cơ chế cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng của tập đoàn tài chính Capital One. Câu chuyện thứ hai là của Anna Blackburn khi bà bắt đầu làm việc tại Beaverbrooks the Jewellers, một công ty trách nhiệm hữu hạn bán lẻ đá quý thuộc sở hữu gia đình tại Anh. Có thể hai câu chuyện không trùng nhau về thời điểm hay lĩnh vực nhưng vẫn tồn tại những điểm giống nhau then chốt. Có thể thấy hai người đều bước vào công việc trong hoàn cảnh công ty đang gặp khó khăn vì cơ chế hoạt động cũ. Tuy nhiên điều đó lại là cơ hội để họ thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, đồng thời gặt hái được những thành công vang dội về sau. Và chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, hai nhà lãnh đạo có những tư tưởng tương tự nhau như cách cố gắng tìm hiểu được tình hình cấp dưới, lắng nghe các vấn đề của công ty. Câu nói của Brian đã thể hiện rõ điều này:
Khi bắt đầu một cuộc hành trình, việc cần làm là phải hiểu những người đồng hành trên cương vị những người bạn
Cùng với suy nghĩ đó, bà Anna cũng có phát biểu nhằm “hướng đến mục tiêu phát huy sức mạnh của bản thân”:
Tất cả quy về những điều cơ bản nhất, đơn giản nhất. Nguyên nhân lớn nhất khiến một chiến lược thất bại là bởi bạn không thể liên kết được với những đối tượng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong tổ chức. Họ cần phải hiểu và nhìn nhận được tầm ảnh hưởng của chính mình
Hai câu chuyện trên chỉ là số ít trong vô vàn những câu chuyện tâm đắc của các nhà lãnh đạo. Mỗi người đều có thể trở thành những người giống họ, viết lên những câu chuyện tương tự về chính kĩ năng lãnh đạo của mình. Cũng vì sự ngộ nhận về “tố chất” lãnh đạo như tác giả đề cập mà khiến nhiều người chùn bước. Tanvi Lotwala, kế toán viên tại Bloom Energy đã có kết luận về vấn đề này được rất nhiều người đồng tình:
Tố chất lãnh đạo luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Bạn chỉ cần rèn luyện rồi phát huy nó mà thôi. Phát triển năng lực lãnh đạo là một quá trình liên tục và bạn sẽ không thể tiến bộ nếu không biến quá trình ấy thành thói quen hằng ngày
Sau những kết luận như vậy, mỗi người chúng ta sẽ có cho mình niềm tin về bản thân, lấy đó làm động lực cố gắng rèn luyện, bởi vì khả năng lãnh đạo không phải là thiên bẩm.
Sau khi đưa ra hai câu chuyện, tác giả kết luận được 5 hành vi của Tấm gương Lãnh đạo qua trải nghiệm của các nhà lãnh đạo. Đó là Định hướng, Hoạch định tầm nhìn chung, Thay đổi lối mòn, Khuyến khích hành động và Khơi gợi cái tâm. Với mỗi mục, tác giả đưa ra những dẫn chứng thực tế cụ thể vô cùng kết hợp với những câu nói tâm đắc khiến cho cuốn sách trở nên thú vị. Đó chính là điểm nhấn của cuốn sách thu hút bạn đọc. Nó không hề khó hiểu như tôi nghĩ. Ngược lại, vô cùng hấp dẫn đối với một cuốn sách kĩ năng. Tóm lại, phần đầu tiên của cuốn sách đã gây được sự chú ý và gợi mở cho người đọc vào vấn đề. Nó đã thực hiện rất tốt mục đích của phần mở.
Trong chương này, cuốn sách đề cập đến phẩm chất được đánh giá cao của người lãnh đạo xét theo quan điểm của cấp dưới và dẫn lời giải thích. Một khi am hiểu được cấp dưới mong đợi điều gì, những người dẫn đầu sẽ biết cách để hoàn thiện bản thân, trở nên hoàn hảo hơn.
…khả năng lãnh đạo chính là khả năng thiết lập mối quan hệ giữa người nỗ lực dẫn đường và những người lựa chọn đi theo. Bạn sẽ không thể nào chỉ có một trong hai. Để dẫn đường hiệu quả, bạn sẽ phải tạo dựng được mối quan hệ khăng khít giữa lãnh đạo-cấp dưới. Một mối quan hệ được xây dựng trên nỗi sợ hãi và nghi ngờ sẽ không bao giờ đạt được kết quả lâu dài, trong khi một mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau sẽ vượt qua được những khó khăn và mang về thành quả lớn lao
Cùng với nhận định trên, tác giả đưa ra câu chuyện của Bobby Natinpour để tăng tính thuyết phục. Một công ty đang gặp khủng hoảng khi các bộ phận đều chán nản và cạnh tranh nội bộ. Điều đó dẫn đến việc Bobby-một nhà lãnh đạo khi ấy hiểu rằng, nhiệm vụ của mình chính là khiến mọi người tin tưởng lẫn nhau. Ông đã thực hiện nhiều phương pháp để đạt được điều đó như ngồi nói chuyện với từng cá nhân để hiểu điều họ mong muốn hay đặt câu hỏi và lắng nghe họ nói. Và năng lực lãnh đạo tốt của Bobby đã đem lại thành quả rất lớn cho công ty.
Có thể nói, sự tín nhiệm là một yếu tố nòng cốt đối với mỗi nhà lãnh đạo mà cuốn sách đã chỉ ra. Trong một mối quan hệ bình thường, sự tin tưởng là chất keo gắn kết, còn đối với một nhà lãnh đạo thì nó càng được đòi hỏi cao hơn. Bên cạnh niềm tin, cuốn sách cũng đưa ra một danh sách gồm 20 đặc điểm và gọi chúng là Tư chất của Lãnh đạo Đáng Ngưỡng mộ (CAL). Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên, chúng ta chỉ rút lại còn 4 tư chất mà phần đông mọi người mong muốn ở một nhà lãnh đạo: Trung thực, Có năng lực, Truyền cảm hứng và Nhìn xa trông rộng.
Tựu chung lại, thông qua khảo sát, tác giả đã xây dựng được Định luật Kouzes-Posner về Lãnh đạo:
Nếu không tin tưởng người trao thông điệp, bạn sẽ không tin tưởng thông điệp đó
Chữ tín là điều mà tất cả những người muốn trở thành lãnh đạo cần dốc hết mình bảo vệ.
Theo tác giả thì chương 1 và chương 2 nên đọc theo thứ tự, vì đây là những phần quan trọng cần phải nắm bắt để hiểu được linh hồn cuốn sách. Tuy nhiên, đến 10 chương tiếp theo thì việc đọc theo thứ tự không còn quan trọng, chúng ta có thể chọn bất cứ phần nào mà cảm thấy thú vị và phù hợp với bản thân. Vẫn là văn phong gần gũi như cách mở đầu cuốn sách, tôi tin rằng 10 chương sách tiếp sẽ gây được hứng thú với người đọc.
10 chương được chia vào 5 nhóm, cũng chính là 5 hành vi được tác giả nhắc tới ở phía trên. Với mỗi chương, tác giả lại đưa ra những dẫn chứng cụ thể và lời giải thích, vừa khiến cho mỗi lời khuyên trở nên linh động và khéo léo, lại vừa tăng tính thuyết phục cho nhận định của mình.
Có thể lấy ví dụ về hành vi Thay đổi lối mòn, trong chương chương 8-Thử nghiệm và mạo hiểm, tác giả cho rằng:
Mỗi câu chuyện Trải nghiệm lãnh đạo ấn tượng nhất đều nhắm tới việc phải sẵn sàng mạo hiểm với những ý tưởng táo bạo. Bạn sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì mới mẻ hay phi thường nếu cứ tiếp tục đi theo lối mòn. Phải thử nghiệm những chiến lược chưa được kiểm chứng, phải vượt ra khỏi những ranh giới đã định, thám hiểm bên ngoài ranh giới bạn tự đặt ra cho mình và cho người khác, thử sức với những điều mới lạ và đừng bỏ lỡ cơ hội
Nhận định trên được tác giả rút ra từ câu chuyện của Cathryn Meyer, khi cô phải vượt qua rất nhiều thử thách để hoàn thành một dự án mới hoàn hảo hơn. Một điểm đặc biệt của cuốn sách không thể bỏ qua chính là những lời khuyên ở cuối mỗi chương. Ở chương này, tác giả đã đưa ra những điều cần làm của một nhà lãnh đạo phi thường:
- Chinh phục từng mục tiêu nhỏ: xây dựng tâm lí vững vàng; chia nhỏ và tập trung vào tiến độ.
- Rút ra bài học kinh nghiệm: chủ động học hỏi; tạo không gian học tập.
Sự phân tách rõ ràng thành những mục nhỏ khiến người đọc dễ dàng theo dõi cũng là một ưu điểm của cuốn sách. Cùng với đó là hàng loạt những trích dẫn khiến cho cuốn sách thực sự sinh động và lôi cuốn.
Đây cũng chính là chương cuối cùng khép lại cuốn sách. Ở chương này, tác giả nêu rõ mục đích của mình là muốn thuyết phục người đọc lấy trách nhiệm cá nhân làm kim chỉ nam cho hành trình lãnh đạo của mình. Và sau tất cả các ấn bản, tác giả đã đưa ra một kết luận ngắn gọn mà súc tích:
Làm lãnh đạo không những cần dùng cái đầu, mà cần cả cái tâm
Thật đúng là như vậy, cũng giống như chúng ta thường nghe nói “Có tâm ắt có tầm”. Một nhà lãnh đạo có tâm huyết thì chắc chắn cũng là một nhân vật tầm cỡ. Cũng trong chương này, tác giả cho rằng lãnh đạo có trong bản thân mỗi người, quan trọng là chúng ta phải biết rèn luyện nó.
Chúng tôi phải làm rõ trước một điều. Khả năng lãnh đạo không phải là một tố chất bí ẩn mà chỉ vài người mới có. Nó không nằm trong gien, và cũng không phải là một tính cách. Không hề có bằng chứng xác đáng nào cho thấy khả năng lãnh đạo ăn sâu vào AND chỉ của vài cá nhân nhất định
Từ đó, chúng ta có thể tự tin hơn vào khả năng của bản thân, hy vọng nhiều hơn một chút vào con người lãnh đạo trong chính mình. Đương nhiên quá trình rèn luyện không thể không gặp những khó khăn trở ngại, vấn đề là bạn có đủ ý chí và quyết tâm để theo đuổi hay không thôi. Một tinh thần hăng say học hỏi cùng với sự kiên trì bền bỉ, có khi là cả đời để thực sự làm chủ tài năng của mình.
Trước khi kết thúc cuốn sách, tôi thấy khá ấn tượng với những dòng viết về việc lãnh đạo bản thân trước tiên. Chúng ta thường hay nghĩ lãnh đạo là “chỉ tay năm ngón” sai khiến người khác nghe theo mà không để ý rằng, để làm chủ được khả năng lãnh đạo, trước tiên phải làm chủ chính bản thân.
Kỹ sư được trang bị máy tính, họa sĩ được hỗ trợ bởi khung tranh và bút vẽ, nhạc sĩ có nhạc cụ bên mình. Người lãnh đạo không có những thứ đó mà chỉ có chính bản thân họ. Trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể đồng nghĩa với việc bạn trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính bản thân. Vì vậy, có thể nói cốt lõi của việc phát triển khả năng lãnh đạo chính là phát triển bản thân
Đó là một câu nói hay, có thể trở thành châm ngôn sống cho mỗi người.
Khi đọc xong cuốn sách, có thể bạn cũng sẽ như tôi, cảm thấy một nguồn cảm hứng tích cực truyền vào cơ thể khiến bạn muốn hành động. Và đó là lí do bạn nên có Những thách thức của nhà lãnh đạo trong tủ sách của mình. Như tôi từng nói, văn phong của cuốn sách cực kì dễ đọc và lôi cuốn khi kết hợp những thành ngữ quen thuộc, những câu chuyện thực tế từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Một cuốn sách đáng đọc dành cho những ai đã, đang và sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Review chi tiết bởi: Mai Trang, Bookademy