Andreas Stoffers - Tác giả người Đức viết sách bằng tiếng Việt
Tác giả Andreas Stoffers là người Đức, hiện là giám đốc quỹ FNF tại Việt Nam, do đó ông đang sinh sống tại Hà Nội cùng với vợ của mình là người Việt Nam. Ông từng là sĩ quan quân đội, cán bộ ngân hàng, doanh nhân, và giáo sư đại học; đôi khi đảm nhận cùng lúc nhiều vị trí.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Ông đã viết và xuất bản 8 cuốn sách, đồng thời là “Coacher” tại nhiều quốc gia. Ông theo đuổi việc học tập trọn đời, viết sách, coaching, chăm sóc gia đình, đóng góp cho quê hương Đức, và những năm gần đây là Việt Nam, quê hương thứ hai của ông.
Được viết bởi tác giả Đức hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cuốn sách có sự kết hợp những suy nghiệm phương Tây với hoàn cảnh đặc thù của người Việt Nam. Nhờ đó, khác với nhiều cuốn cẩm nang được dịch từ tiếng Anh, trong đó những ví dụ từ Mỹ, Anh hoặc Đức không hẳn phù hợp với môi trường sống tại nước ta, cuốn “Refresh! 20 NGÀY LÀM MỚI BẢN THÂN” cung cấp thế giới quan đa dạng, với những ví dụ mang màu sắc của Việt Nam và cả phương Tây. Nhờ đó, các bạn độc giả sẽ cảm thấy vừa thân thuộc, lại vừa mới mẻ, và trên hết là đặc biệt thực tế và hữu ích.
Đúng như cái tên “20 ngày làm mới bản thân”, cuốn sách bao gồm 20 “tiết học” cùng bài tập thực hành cụ thể, xoay quanh các chủ đề:
20 ngày để tin tưởng vào bản thân và cố gắng phát huy tối đa năng lực của mình
Xuyên suốt cuốn sách của mình, tác giả Andreas Stoffers đưa đến cho độc giả thông điệp tốt đẹp về việc tin tưởng vào chính bản thân mình. Theo đó, ông khuyến khích bạn đọc dám mơ lớn - “Hãy là đại bàng, đừng là con vịt”. Theo ông, mơ lớn đôi khi sẽ nhận lại đau thương, nhưng ngay cả khi bạn không thành công như mong muốn, thì ít nhất bạn cũng đã nỗ lực hết sức mình.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, tin tưởng vào bản thân đồng nghĩa với việc cần có bản lĩnh đưa ra quyết định. Từ chuyện đơn giản đến phức tạp, dù muốn hay không, bạn đều phải đưa ra chọn lựa và lựa chọn giúp bạn phát triển. Có lúc bạn hài lòng với lựa chọn của mình, nhưng cũng có lúc bạn phải thốt lên “giá như”. Tuỳ mức độ quan trọng của sự việc mà bạn phải đánh đổi cái gì. Cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn hay cứ bị xoay vòng vòng, tuỳ thuộc vào bạn.
20 ngày để hiểu về chính mình, vượt qua giới hạn và tạo đà phát triển
Theo Andreas Stoffers, việc loại bỏ điểm yếu hay phát triển điểm mạnh thực ra không đóng vai trò cốt yếu. Điều thực sự quan trọng mà chúng ta nên tập trung vào là làm thật tốt những điều mà chúng ta có thể làm và tốt hơn hết là có sự tập trung vào một lĩnh vực trọng tâm để thực sự trở nên nổi trội.
Trong con đường đạt đến mục tiêu lớn nhất của mình, nhiều lúc, chúng ta bắt buộc phải can đảm vượt qua giới hạn bản thân, rời khỏi vùng an toàn để sẵn sàng đột phá. Mỗi người lại có một vùng an toàn khác nhau, có thể là sức khoẻ, gia đình, phát triển bản thân, thái độ sống, mối quan hệ xã hội, hay sự nghiệp. Trong trường hợp này, chúng ta cần xác định được đâu là rào cản lớn nhất và quan trọng nhất cần phải vượt qua, từ đó từng bước lập kế hoạch để vượt lên chính mình.
Khi đã đủ hiểu mình và sẵn sàng vượt qua giới hạn, chúng ta cần phải tạo đà phát triển cho chính mình. Tạo đà phát triển (Momentum) là điều mà bạn đạt được khi bạn cố gắng thiết lập một cái gì đó để nó chuyển động và sau đó nó sẽ tiếp tục vận hành. Trên thực tế, khởi đầu lúc nào cũng khó khăn nên nhiều người e ngại rằng mình sẽ không thể làm được. Tuy nhiên, sau khi thuận lợi tạo được đà phát triển, đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ nhận ra, mọi việc đều thuận lợi và dễ dàng.
20 ngày để xây dựng mối quan hệ (Gia đình, bạn bè và xã hội)
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ vốn không chỉ bó hẹp tại chốn văn phòng. Bên cạnh mục tiêu thành công trong sự nghiệp, tìm kiếm hạnh phúc và nuôi dưỡng tình cảm gia đình, bạn bè đồng thời củng cố các mối quan hệ xã hội cũng đáng được lưu tâm.
Theo tác giả, bạn không thể chọn gia đình của mình, nhưng bạn có thể chọn thái độ của bạn đối với họ, và do đó, ông khuyến khích người đọc luôn lưu tâm đến việc xây dựng và chăm sóc cho tình bạn và gia đình.
Về khía cạnh giao thiệp xã hội, tác giả đưa ra lời gợi ý về một số nguyên tắc cơ bản để trở nên tốt đẹp hơn trong các mối quan hệ như: đề xuất phương án mang tính xây dựng khi người khác gặp khó khăn, khuyến khích họ hành động tích cực, hiếu kì một cách lành mạnh, tránh thái độ ngoan cố và kiêu ngạo, không bao giờ nói những điều tiêu cực về người khác, giữ im lặng khi không nói được gì tích cực, không quá nghiêm trọng hóa bản thân và thể hiện sự đồng cảm, chú ý lắng nghe, mạnh dạn xin lỗi khi mắc phải sai lầm, và quan trọng hơn nữa là luôn bao dung và tha thứ cho người khác.
Đồng thời, tác giả cũng cho rằng trong tương lai, bạn nên cố gắng ở gần những người mà bạn có thể tiếp tục học hỏi và phát triển không ngừng. Hình mẫu không phải là tấm đề can có thể dễ dàng sao chép. Những hình mẫu bạn noi theo cũng có thể có những mặt tiêu cực, tuy nhiên ảnh hưởng tích cực sẽ chiếm ưu thế hơn. Quan sát họ, bạn có thể hình dung được bức tranh tổng thể, sau đó bạn có thể sắp xếp, chọn lọc mọi thứ để áp dụng cho cuộc sống và môi trường xung quanh mình. Vì vậy, hãy kết giao với những người phù hợp, và tốt nhất là với những người có cùng hình mẫu với bạn.
20 ngày để bắt đầu theo đuổi lối sống lành mạnh và tử tế
Giáo sư Andreas cho rằng theo đuối lối sống lành mạnh và tử tế đồng nghĩa với việc chúng ta trở nên khiêm tốn, biết bao dung và luôn cảm thấy biết ơn cuộc đời này.
Khiêm nhường: Rốt cuộc, chúng ta sinh ra cũng chỉ là người thường, có thể xuất sắc ở mảng này, nhưng lại mịt mờ ở mảng khác. Chính vì vậy, giữ thái độ khiêm nhường, sẵn sàng học hỏi chính là cách tốt nhất để bản thân không bị thụt lùi và trở thành chú ếch ngồi đáy giếng.
Bao dung và tử tế: “Khi tất cả mọi người liên quan đều rõ ràng về vai trò của mình và bắt đầu hành động, chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và đầy sự hào phóng”. Bên cạnh đó, hãy đừng quên chúng ta cũng nên rộng lượng với chính mình.
Chánh niệm - tập trung vào hiện tại: “Đối với tôi, tiền bạc, danh dự, vinh quang và sự sung túc vật chất không phải là những giá trị mà tôi theo đuổi. Đối với tôi, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi tôi được sống và làm việc để phục vụ cho các mục tiêu: Thiên Chúa, Quê hương, Đất nước và gia đình. Tôi hạnh phúc vì được phục vụ. Đây là điều làm tôi hân hoan và hạnh phúc nhất trong cuộc sống”.
Trở thành một người cá tính: Hãy làm theo trái tim mách bảo khi bạn muốn đạt được điều gì đó và gắn bó với nó. 2. Giáo dục có thể giúp hình thành tính cách con người. 3. Kiến thức giáo dục con người, nhưng tính cách quyết định một người có trở thành một nhà lãnh đạo hay không.
“Refresh! 20 ngày làm mới bản thân” trong mắt các doanh nhân
“Trong cuốn sách Refresh! 20 ngày làm mới bản thân, Andreas Stoffers cho thấy: những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, dù tích cực lẫn tiêu cực chủ yếu là kết quả của những suy nghĩ. Nếu chúng ta muốn cải thiện cuộc sống của mình, thì chúng ta phải thay đổi cách nhìn và có những suy nghĩ mới mẻ hơn. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình nhưng không sẵn sàng thay đổi suy nghĩ, bạn sẽ thất bại. Đức Phật Thích Ca, người sáng lập Phật giáo dạy rằng: “Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi tâm trí của chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ. Thành quả của hôm nay bắt nguồn từ những suy nghĩ của hôm qua. Và những suy nghĩ của hôm nay tạo nên cuộc sống của ngày mai”. Cuốn sách của Andreas Stoffers có thể thay đổi cuộc đời bạn”. - Tiến sĩ Rainer Zitelmann - Tác giả cuốn "Quái kiệt làm điều khác biệt".
“Tôi thực sự thích những gì tôi đọc, đơn giản nhưng đúng và truyền cảm hứng, không chỉ cho những người đang tìm kiếm nó, mà cho những người đã trải qua để không bị lãng quên.” - Bình Lê, Nhà Sáng Lập & Tổng Giám Đốc Công Ty Tư Vấn Thương Vụ ASART.
- Trạm Đọc -