Đối với một loại quả “thần kỳ” như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một phần ba lượng nước ép từ loại táo này được một chính trị gia mua trọn, hay nếu muốn ăn món súp táo thượng hạng được làm từ táo Kimura phục vụ trong nhà hàng Pháp ở Tokyo, thực khách cần phải đặt lịch trước cả năm trời.
Những câu chuyện đồn đại phía trên nói về “quả táo thần kỳ” của ông Kimura – quả táo được ông đánh đổi bằng gần mười năm thử nghiệm và thất bại đầy cay đắng.
Người đi ngược lại số đông
Mỗi người có một lý do riêng để bắt đầu hành trình đạt được giấc mơ của mình. Giấc mơ ban đầu của ông Kimura không phải là làm nông mà là làm kỹ thuật. Là con thứ trong nhà, vốn dĩ ông không cần phải kế nghiệp gia đình. Thế nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, ông quay trở lại mảnh đất quê hương gánh vác 4 mảnh vườn trồng táo.
Thời đó, trồng táo ở Iwaki là một nghề đem lại thu nhập khá giả cho nông dân trong vùng. Muốn có năng suất cao, người nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều lần trong một năm. Kimura cũng đã từng có giai đoạn chăm sóc táo giống như mọi người, phun thuốc trước mỗi mùa bệnh dịch tràn đến. Khốn nỗi thay, vợ ông lại có thể trạng yếu đuối mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Vì tình yêu với vợ, ông quyết định làm một việc vô cùng điên rồ, trái phương pháp thông thường: trồng táo không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.
Chuyện này không hề dễ dàng một chút nào. Sau khi ngưng dùng thuốc, vườn táo của ông cứ từ từ kiệt quệ dần. Cho dù cố gắng thử nhiều biện pháp thay thế thuốc từ nguyên liệu thiên nhiên, vườn táo vẫn bị sâu bệnh phá hại. Táo không còn lá chẳng thể kết nổi hoa, và lẽ dĩ nhiên làm gì còn quả. Từ một gia đình sống dựa vào nguồn cung từ sản xuất táo, giờ đây trong nhà có gì giá trị ông đều phải đem bán hết.
Những năm đầu tiên, được sự cổ vũ của bố vợ, ông còn có niềm tin mãnh liệt vào quyết định của mình. Thế nhưng chứng kiến vườn táo chết dần chết mòn vì bệnh tật, ông đâm hoang mang. Liệu có khi nào việc cố sống cố chết bám víu vào niềm tin táo có thể phát triển mà không cần dùng thuốc của ông là sai rồi không? Những người nông dẫn khác coi Kimura như người điên rồ. Họ gọi ông là kẻ phá gia chi tử, khiến cả gia đình lâm vào cảnh nghèo túng chỉ vì sự cố chấp của mình. Đến đứa con gái ông cũng nói ra những câu giận dỗi đầy đau đớn: “Con không thích. Vì cái gì mà chúng ta phải nghèo khổ như thế này? Ước mơ của bố từ khi nào lại trở thành ước mơ của con.”
Không biết nên bám víu vào điều gì, Kimura quyết định quyên sinh để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Vậy nhưng, ngay vào khoảnh khắc ông muốn buông xuôi từ bỏ tất cả, lại là lúc ông tìm ra cách cứu được cả vườn táo, ý chí lại cuộn trào mạnh mẽ đưa ông trở về với nơi ông bắt đầu mọi thứ. Hóa ra vấn đề của cây táo không nằm ở bệnh dịch mà nằm ở đất trồng, ở mối tương quan giữa cây táo với thiên nhiên, với những loài côn trùng, động vật sinh sống xung quanh.
Trong tự nhiên, không có sâu hại, cũng không có thiên địch. Ngược lại, đến cả ranh giới giữa sinh vật và vật vô tri vô giác cũng mơ hồ. Đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời, rồi gió. Những thứ không mang sinh mệnh, rồi vi khuẩn hay vi sinh vật, côn trùng, rồi cỏ dại, từ cây ăn quả đến thú, sinh mệnh vạn vật đều liên quan đến nhau, tạo thành tự nhiên. Phải giao tiếp với toàn thể tự nhiên đó, Kimura nghĩ thế. Tự nhiên dệt nên một tấm vải gọi là hệ sinh thái, làm cho sinh mệnh của những cây táo hòa hợp với tấm vải dệt đó là công việc của bản thân ông.
Kimura bắt đầu chuyển hướng, thay vì nhổ cỏ, trừ sâu, ông để mọi thứ được phát triển tự nhiên như nó vốn dĩ. Đến năm thứ chín, một trong số hơn 400 cây táo của ông nở ra được 7 bông hoa, 2 bông kết thành quả. Hai trái táo năm đó ngon đến kinh ngạc, dường như cây táo đã lắng nghe lời thỉnh cầu của ông để rồi cho ra những “trái táo thần kỳ”.
Khi được hỏi làm sao có thể không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn trồng được táo, Kimura với nụ cười móm mém trả lời đầy thành thật “Chắc là thấy tôi ngốc nghếch quá thể nên cây táo nó cũng sốc quá mà cho quả.”
Câu chuyện của ông Kimura chưa bao giờ được ông đem ra làm triết lý sống cho người khác. Ông chỉ là một nông dân kiên trì theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp không hóa chất. Tuy thế, cách suy nghĩ có phần kì lạ rằng mỗi người “ít nhất hãy làm kẻ ngốc một lần” của ông bằng cách nào đó lại truyền cảm hứng cho những con người đang bế tắc trong việc hiện thực hóa giấc mơ của mình.
“Quả táo thần kỳ của Kimura” là một câu chuyện hiện thực đầy ắp khó khăn nhưng cũng lãng mạn như một cuốn tiểu thuyết vì cái kết trọn vẹn cho một con người sống hết mình vì lý tưởng của bản thân. Cuốn sách cũng chứa đựng những kiến thức nông nghiệp lý thú, triết lý tìm về với nguyên bản tự nhiên, thấm đượm tình nghĩa giữa người với người.
Đây là món quà dành cho những ai đang mải miết tạo ra lẽ sống của riêng mình. Nếu muốn thành công, bạn cần phải kiên định trải qua gian khổ, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên và thành thật đối diện với tiếng lòng của chính mình.
Kim