Phát động dự án ‘Khuyến đọc Việt Nam’
Phát động dự án ‘Khuyến đọc Việt Nam’
Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - dự án này là ngọn cờ tiên phong cho ý tưởng và mục tiêu phát triển văn hóa đọc.

Từng đi nhiều quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam - nhận thấy so với nhiều nước, tỷ lệ đọc sách của người Việt còn rất thấp.

 Theo ông, một quốc gia muốn phát triển, người dân phải có tri thức. Đọc sách là con đường ngắn và tốt nhất để dẫn tới tri thức, làm giàu vốn hiểu biết.

Hướng tới mục tiêu đó, ngày 22/2, tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng phát động dự án “Khuyến đọc Việt Nam”.

“Đây sẽ là một trong những sự kiện mở màn cho chuỗi chương trình thúc đẩy văn hóa đọc sôi nổi, ý nghĩa diễn ra trên cả nước trong năm 2022 và nhiều năm tiếp theo”, ông Hùng nói.

 

Các đại biểu bấm chuông khởi động dự án "Khuyến đọc Việt Nam". Ảnh: Thu Huệ.

 

Khởi động tinh thần đọc sách

Để hoạt động khuyến đọc có thể lan tỏa mạnh mẽ và có sức tác động lớn đến đông đảo mọi người, trước hết, phải kết nối các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành một khối tổng thể.

Là người đưa ra ý tưởng và khởi xướng thực hiện dự án “Khuyến đọc Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra câu hỏi: “Nếu văn hóa đọc không phát triển, ngành sách sẽ đi về đâu? Nếu ngành sách đóng cửa, đất nước sẽ đi về đâu?”. Do đó, mục tiêu quan trọng là khuyến đọc.

“Cha mẹ đọc cùng con, vợ đọc cùng chồng, sếp đọc cùng nhân viên, thầy cô đọc cùng học trò, như thế sẽ tạo nên hiệu ứng nhà nhà đọc sách. Dự án này được thực hiện nhằm khởi động tinh thần đọc sách cho người dân”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng tại sự kiện, ông đại diện Thái Hà Books trao tặng 222 triệu đồng cho các hoạt động khuyến đọc tại Việt Nam. Ông cho rằng đây chỉ là con số mang tính tượng trưng, không quá lớn, nhưng lại là hạt giống đầu tiên để cùng nhau khích lệ và tìm mọi cách khuyến đọc.

Theo ông, có nhiều cách thúc đẩy văn hóa đọc như: Tổ chức các chương trình đọc sách; nói chuyện, giao lưu về sách; viết review sách; hay khuyến khích mở câu lạc bộ sách, ATM tủ sách… Càng bắt đầu sớm, chúng ta sẽ càng sớm nhận được những tín hiệu khởi sắc của văn hóa đọc.

Những cuốn sách cổ, quý, bản đặc biệt tại một gian trong Bảo tàng Sách và Văn hóa đọc Thái Hà Books. Ảnh: Vũ Thủy.

Ngọn cờ tiên phong của ngành

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc hoàn thành mục tiêu của toàn ngành xuất bản: Phát triển văn hóa đọc. Ý tưởng này vừa thể hiện mong muốn của Hội Xuất bản Việt Nam, vừa là ngọn cờ tiên phong cho chuỗi hoạt động khuyến đọc.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - nói lâu nay, các đơn vị làm sách rất nhiều, thị trường sách đa dạng, nhưng ngành xuất bản vẫn chưa đạt được kỳ vọng đề ra bởi văn hóa đọc trong nước chưa thực sự phát triển.

Theo ông Nguyên, sách là con đường dẫn đến trí tuệ và dự án “Khuyến đọc Việt Nam” chính là tiền đề cho việc chấn hưng toàn ngành và đưa đất nước phát triển phồn vinh.

“Tôi tin tới đây, sẽ có nhiều đơn vị hưởng ứng và thực hiện dự án tương tự để lan tỏa thói quen đọc sách rộng hơn tới người dân. Giới xuất bản phải làm sao để vừa làm sách, vừa đạt được mục tiêu mở rộng thị trường đọc”, ông Nguyên bày tỏ.

Với dự án “Khuyến đọc Việt Nam” lần này, CEO Thái Hà Books mong muốn tinh thần đọc sách sẽ lan rộng. Ông Hùng nhận định nếu duy trì, phát triển được các hoạt động khuyến khích người dân đọc sách, sau khoảng 10-20 năm nữa, văn hóa đọc chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch tích cực.

“Việc dù nhỏ nếu nhiều người làm sẽ thành lớn. Còn việc dù lớn đến đâu nếu nhiều người làm thì sẽ trở thành việc nhỏ. Mục tiêu phát triển văn hóa đọc cũng thế. Tuy là việc lớn, nếu chúng ta cùng chung tay hành động thì sẽ sớm hoàn thành”, ông Hùng nói thêm. 

 

 Theo Zing News

 

Tags: