Tình cảnh không còn quan trọng nữa. Một ngày, cảm giác rỗng tuếch và hối hận nhấn chìm ta. Rồi, tựa như một cơn thuỷ triều, nó dần rút xuống và biến mất. Nhưng rồi đến cuối cùng nó vẫn trở lại, bất khả kháng, và nàng chẳng thể rũ bỏ nó.
Từ thăm thẳm lãng quên có lẽ là cuốn sách đi theo một mạch thẳng nhất trong số những cuốn sách kể trên, theo một cấu trúc: chàng trai gặp cô gái nọ, giành được nàng, nàng rời bỏ chàng, chàng tìm thấy nàng rất nhiều năm sau đó. Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ấy (cũng như trong nhiều tiểu thuyết khác của Modiano) chủ yếu là những người trẻ, trong tuổi vừa mới hai mươi. Họ bị chia tách khỏi cha mẹ mình, tách rời khỏi gốc gác lịch sử, vì cần phải thế hoặc vì chính lựa chọn của riêng mình. Họ, như chính họ vẫn thường nhắc nhở ta, trôi dạt vô mục đích, gắng gượng kiếm tìm cuộc đời của chính mình, hoặc trốn thoát khỏi chúng. Họ cô độc và tách biệt khỏi xã hội mà họ sống, tựa như một giống loài lạ lùng. Tựa như những lời ca của Like a Rolling Stone của Bob Dylan đã sống dậy trong những cuộc đời ấy: chẳng có lấy một căn nhà, hoàn toàn vô danh tính.
Người dẫn chuyện, không được đặt lấy một cái tên, làm bạn với một cặp đôi mình gặp tại một quán cà phê, Jacqueline và Gérard Van Bever. Chàng trai ấy kiếm sống bằng việc bán những cuốn sách cũ, và Van Bevers thì kiếm sống cho hai người họ bằng cá độ. Cả ba người họ đều là những kẻ dạt nhà, sống trong một khu tồi tàn mạt hạng của Paris. Gérard đóng một vai trò mờ nhạt và được phác hoạ ít ỏi; Jacqueline trở thành hình tượng trung tâm, nhưng nàng vẫn cứ là một bí ẩn.
Giống như Nana của Jean-Luc Godard trong Vivre sa vie. Cả hai người phụ nữ ấy xuất hiện trong cái Paris của những quầy cà phê, máy pinball, và những khách sạn dâm ô. Jacqueline rời Van Bever với chẳng mấy nghĩ suy hay chần chừ, giống như Nana đã bỏ lại chồng con. Jacqueline mơ về trốn thoát tới Majorca; Nana ước trở thành một diễn viên. Họ sống trong một thực tế đầy vây hãm, chẳng thể làm gì ngoài tưởng tượng mình có tiền và rời Paris. Cả hai người phụ nữ ấy đều xuất hiện một cách thản nhiên và tách biệt với chính mình, trừ ngưỡng vọng hoàn thiện những viễn cảnh về cuộc đời họ. Cả hai người đều sống cuộc đời mình bằng mọi cách họ có thể. Jacqueline làm điều ấy bằng cách tiến từ người đàn ông này sang người đàn ông khác.
Một ngày nọ, Jacqueline gợi ý anh đột nhập vào căn hộ của Cartaud và trộm đi một vali đầy những tiền, để rồi họ có thể bỏ trốn tới Paris. Chìm đắm trong suy nghĩ có được Jacqueline cho riêng mình, anh đã phạm tội. Sau đó, trong khi chờ gặp lại nàng, anh mơ mình viết lên những mẩu giấy những cái tên và địa điểm của những người đã trở thành một phần đời anh. Việc ấy khiến anh như ngã gục bởi bản chất độc đoán trong sự tồn tại của chính mình:
Vậy ấy chính là cuộc đời tôi ư? Vậy tất thảy sự tồn tại của tôi trong khoảnh khắc này đặt lại giữa khoảng hai mươi cái tên lẫn địa chỉ chẳng có chút kết nối nào và chẳng có gì chung ngoài tôi ra? Và tại sao lại là những cái tên ấy, mà không phải những cái tên khác? Tôi đã phải làm gì với chừng ấy địa chỉ và nơi chốn ấy?
Như một phần thưởng cho tội lỗi mà anh đã phạm phải, Jacqueline đưa anh rời khỏi Paris, thành phố mà anh đã phiêu bạt không mục đích, nằm giữa những dùng dằng móc nối tên và địa chỉ.
Trong khi một vài nhà phê bình gọi ấy là một chuyện tình, tôi lại chẳng ngả theo hướng ấy. Niềm hạnh phúc của người dẫn truyện (chút uỷ mị hiếm hoi và bất thường trong Modiano) ít có điểm liên quan tới tình yêu mà anh có với Jacqueline và, tôi nghĩ, thiên nhiều hơn về sự chạy trốn khỏi những tháng năm mờ xám đầy lung lay tôi đã sống tới tận lúc này. Bằng việc đưa anh tới London, nàng đã thả anh tự do khỏi chính bản thân anh. Những gì anh cảm thấy, anh nói ra, không phải tình yêu, mà là một niềm khoái cảm thoáng qua:
Khi chiếc taxi trờ tới siêu thị và cái con đường phủ bóng hàng cây dài mở ra trước mắt tôi, ngoài hai mươi năm đầu đời tôi tan thành cát bụi, như một thứ sức nặng, một còng tay hay một dây cương toả mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt thoát khỏi được. Chỉ như thế, chẳng còn gì sót lại sau chừng ấy năm. Và nếu hạnh phúc chính là niềm khoái cảm thoảng qua tôi cảm thấy vào chiều ngày hôm ấy, thì đó chính là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy hạnh phúc.
Tại London, người dẫn truyện và Jacqueline gần như túng bấn, từ khi họ biết rằng có rất ít tiền trong chiếc vali ấy. Cuộc đời họ vẫn y hệt tấm gương chiếu cuộc đời khi còn ở Paris, chỉ khác là lần này họ đã là một cặp. Họ gặp một người phụ nữ tại quán cà phê, Linda Jacobsen, người giới thiệu họ cho một người đàn ông lớn tuổi hơn, Peter Rachman, người hứng thú với những người trẻ. Gã ta sớm có một niềm thích thú với Jacqueline. Rất sớm thôi, Jacqueline chấp nhận nhận tiền từ Rachman, như đã làm với Cartaud, và chàng kể chuyện nhận ra rằng nàng đã tìm được cách biểu lộ lòng biết ơn của mình với Rachman, như những gì đã có với Cartaud. Khi chàng bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết (về hai người trẻ), và phó mặc cho tình cảnh xảy ra, như Van Bever đã làm, Jacqueline bắt đầu ra ngoài vào đêm khuya với Linda và về nhà khi trời đã tảng sáng. Một ngày nọ nàng biến mất không một dấu vết, rời khỏi người dẫn truyện, như cách nàng đã làm với Van Bever.
Số lượng người mất tích hoặc biến mất một cách không thể lý giải hay đã tự sát trong những tác phẩm của Modiano là một con số đáng ngạc nhiên. Trong Honeymoon, người dẫn truyện bỏ lại vợ mình, để điều tra về cuộc tự sát của một người phụ nữ đã bỏ rơi cha; trong Phố những cửa hiệu u tối, Guy Roland bị bỏ rơi bởi sếp của mình, nhưng cũng là thả tự do để anh tìm kiếm chính mình (và trước đó, anh đã bị bỏ rơi trên một vùng núi và trong cơn bão tuyết, cho tới chết); với Từ thăm thẳm lãng quên, Jacqueline rời bỏ Van Bever và rồi là người dẫn truyện; trong Dora Bruder, Dora rời khỏi trường và gia đình mình, và rồi bị giết bởi Phát xít; trong Những đại lộ ngoại vi, người cha của người dẫn truyện bỏ rơi anh; trong Hoa của phế tích, một cặp đôi trẻ tuổi tự sát và Philippe de Pacheco, người mà sau này lộ ra cái tên thật Charles Lombard, người duy nhất có khả năng giúp đỡ người dẫn truyện hiểu được lý do của sự tự sát ấy, biến mất; trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Jacqueline Choreau (một Jacqueline khác với Jacqueline của Từ thăm thẳm lãng quên), người có cái tên thời con gái là Delanque nhưng thường được biết tới bằng Louki, bỏ rơi chồng mình và biến mất không dấu vết rồi, cuối cùng, tự sát; trong Pedigree: A Memoir, bản thân Modiano tự mình kể rằng chính mình đã bị bỏ rơi, với tất cả sự cố ý, bởi cả cha và mẹ mình, và rồi là cả cậu em trai Rudy, người đã chết khi mới lên 10.
Sự bỏ rơi, những bóng hình dần biến mất, với hay không với một nguyên nhân nào, là một điều gì Modiano nhận ra nhưng không muốn tin vào: Tôi từ chối việc chấp nhận rằng những hình bóng và sự vật có thể biến mất mà không để lại một dấu hiệu nào, ông mượn lời nói của người dẫn truyện trong Afterimage, một tiếng vọng yếu ớt từ nhiều những nhân vật chính khác của ông. Nhưng tiểu thuyết này tiếp nối tiểu thuyết khác, những con người chỉ đơn giản là biến mất, và không chỉ biến mất mà còn, như người giữ cửa trong Honeymoon nói với người dẫn truyện, họ chẳng bao giờ quay về nữa. Ngài có để ý điều đó không, Monsieur? Nói theo một cách khác, họ hoàn toàn tan biến.
Có lẽ ví dụ nên thơ nhất của sự biến mất, hay tan đi của một ai đó, nằm trong cuốn Hoa của phế tích. Người dẫn truyện và người bạn gái cuộn mình trong phòng nàng, chờ đợi người tình đầy chán ghét của nàng ngưng ánh mắt dõi theo từ bên ngoài: gã đàn ông già cỗi, như cái cách nàng nói về hắn, đang đứng trên con đường, trong cơn mưa. Người dẫn truyện nhìn hắn bên ngoài khung cửa sổ:
Từng chút từng chút một, gã đàn ông nọ dần tan lẫn vào bức tường. Hoặc là cơn mưa rơi xuống quá nặng đã tan trôi gã, theo cái cách nước làm nhoè một bức bích hoạ chưa kịp ráo hẳn. Khi tôi tì trán mình vào khung cửa kính và nhìn chăm chú vào bức tường xám ngắt nọ, chẳng còn một dấu hiệu nào của gã nữa. Gã đã đường đột biến mất, theo cái cách mà về sau này tôi mới để ý ở những người khác nữa, như là cha tôi; cái kiểu biến mất để lại ta trong nỗi bối rối không nguôi rằng chẳng còn cách nào khác ngoài kiếm tìm những bằng chứng để tự thuyết phục chính mình rằng những bóng hình ấy từng thật sự tồn tại.
Bởi lẽ này, những nhân vật trung tâm của Modiano sống trong một thế giới của những cơn khủng hoảng hiện sinh triền miên, nơi họ tuyệt vọng đoạt lại trạng thái cân bằng bên trong mình. Họ dựa vào hồi ức của mình và của những người khác để làm được điều đó. Ấy là lý do vì sao những người dẫn truyện của Modiano cứ triền miên lục lọi qua những mẩu báo, những tài liệu của sở cẩm, sổ trích lục, kiếm tìm một sự xác nhận, một bằng chứng, một thứ gì đó có thể gọi là vài minh chứng hữu hình, người dẫn truyện của Suspended Sentences nói, mà không phải lúc nào cũng nằm trong tâm trí ta.
Bi kịch là ở chỗ ký ức mang trong nó sự chết vào một ngày nào đó; chúng mủn đi theo thời gian và rồi tan biến, rồi, cũng giống như con người, bỏ rơi chúng ta. Và Modiano gợi ra rằng sự mất mát đó, sự bỏ rơi đó, và cả mối nguy của sự tan biến đó, là số phận mà tất cả chúng ta đều phải chịu đựng, rằng mỗi một ngày chúng ta cũng đều đang bị bỏ rơi. Những người ta thương yêu chết đi, những đứa trẻ rời khỏi nhà, những người khác có kết nối với đời ta rời khỏi, hoặc ta rời khỏi họ, ký ức trượt khỏi ta, những người bạn không còn là bạn của ta nữa. Những câu chuyện của ông, được kể lại mà chẳng lộ ra lấy một chút yếu lòng hay cảm động (sự thiếu vắng khiến đôi người đọc khó chịu), phác hoạ cuộc đấu tranh mà tất cả chúng ta bị đặt vào khi vật lộn để giữ đời mình thăng bằng trước những mất mát không ngừng lại.
Những kinh nghiệm từ việc đọc Modiano đưa chúng ta dần tới trạng thái đắng cay chấp nhận sự thật rằng con người và sự vật có thể chỉ giản đơn là biến mất, rằng ký ức sẽ mờ đi và rồi chết, và rằng tới cuối cùng chính cuộc đời sẽ bỏ rơi ta.
Một nơi nào đó trong Hoa của phế tích, người dẫn truyện tự hỏi chính mình:
Tại sao phải bận tậm đuổi theo những bóng ma và cố gắng giải quyết những bí ẩn vốn không thể giải quyết được, khi cuộc đời vẫn bày ra đó, với tất cả sự giản đơn của nó, dưới ánh mặt trời.
Có vẻ như là, với Modiano, câu trả lời đã xuất hiện rằng: ông phải làm thế.
Thu Hà / theo LARB
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
[Trạm Nghiền Ngẫm] Put yourself in someone’s shoes: Đã tới lúc ngừng tích cực độc hại
Patrick Modiano - Gột Rửa Ký Ức Qua Những Trang Viết Về Paris
10 tác phẩm kinh điển từ giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt