Patrick Modiano - Gột Rửa Ký Ức Qua Những Trang Viết Về Paris
Patrick Modiano - Gột Rửa Ký Ức Qua Những Trang Viết Về Paris
Patrick Modiano - Nhà văn yêu Paris một cách sâu sắc. Yêu trong từng làn sương nhàn nhạt, từng tán cây ngả vàng và từng góc phố quanh con sông thưa người. Yêu Paris không phải từ sự hùng tráng của những công trình kiến trúc vĩ đại hay vì sự diễm lệ của “kinh đô ánh sáng” ấy. Patrick yêu những góc nhỏ hoang vắng, lạc lõng giữa phố thị sầm uất và bao trùm vẻ ảm đạm của những bản ngã tuổi trẻ mất phương hướng; yêu Paris nhuốm màu quá khứ bi ai - khắc khoải.
 
 

Có lẽ vì sự yêu thương đặc biệt đó mà Paris hiện ra với một góc nhìn rất khác so với điều người ta thường biết đến; để rồi bạn đọc khắc ghi một nỗi niềm man mác, tiếc nuối và khôn nguôi.

Và cũng không ai biết rằng, Patrick Modiano dù gặt hái rất nhiều thành công nhưng ông chưa bao giờ “gột rửa được” quá khứ về xuất thân của mình. Điều mà ông đã luôn đau đáu rồi gửi gắm qua những tác phẩm để rồi nỗi buồn vẫn chẳng thể vơi.

PATRICK MODIANO - NGƯỜI CON DO THÁI

Patrick Modiano sinh ngày 30 tháng 7 năm 1945 tại Boulogne-Billancourt, một khu ngoại ô thành phố Paris. Cha ông là Albert Modiano - người Pháp gốc Do Thái và mẹ là Louisa Colpeyn - người Bỉ. Ông Albert Modiano từng là một kẻ lang bạt kỳ hồ, không nghề nghiệp và từng trốn đi lính trong Chiến tranh thế giới thứ hai; dù là người gốc Do Thái nhưng nhờ những mối làm ăn bí mật với Đức quốc xã mà sống sót qua Thế chiến thứ 2. Trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng, Albert gặp Louisa, một nhà văn - diễn viên và họ kết đôi với nhau. Sau này, do bố mẹ đều bận bịu với công việc nên tuổi thơ Patrick thiếu vắng tình thương của gia đình. Cho đến khi, người em trai Rudy ra đời, đã mang đến cho Patrick những cảm giác ấm áp đầu tiên. Tuy nhiên không lâu sau đó, em trai ông mất vì bệnh bạch cầu.

PATRICK MODIANO - NGƯỜI NẶNG LÒNG VỀ QUÁ KHỨ IN DẤU LÊN TRANG VĂN


Xuyên suốt các phẩm của Patrick Modiano đều bắt gặp những con người đi tìm bản ngã của mình và sự bất lực trước thực tại hỗn mang. Các nhân vật đều không có quá khứ và luôn muốn đi tìm quá khứ của mình như cách xác định căn cước bản thân.

Mạch truyện của Patrick thường trầm buồn và chậm rãi, giống như hành trình lần về quá khứ, sơ sẩy sẽ trượt khỏi dòng thời gian. Đa phần các tác phẩm lấy bối cảnh thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng Pháp, nó phản ánh nỗi niềm đau đáu về quá khứ “bất hảo” của gia đình. Trong một bài phỏng vấn năm 2007, ông chia sẻ rằng mình “đau khổ vì được ra đời” và bản thân như một “sản phẩm của một thời kỳ quái đản, khi những người lẽ ra không nên gặp nhau lại gặp và có con một cách tình cờ”

Ông từng hy vọng, viết về Paris là cách để ông gột rửa quá khứ, thanh tẩy tâm hồn nhưng “Cứ sau mỗi tác phẩm, tôi tưởng mình sẽ xóa đi được những ám ảnh quá khứ. Nhưng tôi biết mình lại quay về với từng chi tiết, từng thứ nhỏ đã làm nên bản thân tôi. Xét cho cùng thì chính địa điểm và thời gian chúng ta ra đời đã định hình bản chất con người chúng ta”.

“Có người nói Paris chính là ký ức và lương tâm của Patrick Modiano. Người khác nhận định cả đời ông chỉ viết một cuốn tiểu thuyết duy nhất. Đó là Paris” - Tuoitre.vn

PATRICK MODIANO - TUỔI TRẺ TÀI CAO

Ở tuổi 74, Patrick Modiano vẫn miệt mài dâng hiến cuộc đời cho văn học: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một nghề gì khác. Tôi không có bằng cấp, chẳng có mục tiêu nào cụ thể cả”. Và sự cống hiến này được đền đáp xứng đáng.

Trong văn đàn Pháp, Patrick được đánh giá là một tuổi trẻ tài cao. Năm 1968, khi mới chỉ 23 tuổi, Patrick giành được cú đúp của hai giải thưởng Roger Nimier và Fenéon cho cuốn tiểu thuyết đầu tay Quảng Trường Ngôi sao. Đến năm 1970, với tác phẩm Phố những cửa hiệu u tối (Rue des boutiques obscures - cuốn sách được NXB Nhã Nam chuyển ngữ) giành giải Goncourt. Năm 2000, ông được vinh danh tại giải thưởng Paul-Morand ở hạng mục “Thành tự trọn đời”.


Vào năm 2014, Patrick đánh bật hai cái tên nổi bật lúc đó là Haruki Murakami và Ngugi Wa Thiong'o trên đường đua Nobel Văn học để nhận về giải thưởng cao quý này.

Viện hàn lâm Thụy Điển đã nhận xét Patrick Modiano được vinh danh nhờ “nghệ thuật ký ức đã giúp mô tả những phận người khó nhận thức nhất và phơi bày cuộc sống trong thời Đức quốc xã chiếm đóng”. Ông Peter Englund, đại diện viện hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Ông ấy là Marcel Proust của thời đại chúng ta”.

Đã có khá nhiều đầu sách của ông đã được Việt ngữ có thể kể đến như: Quảng trường ngôi sao, Những đại lộ ngoại vi, Phố những cửa hiệu u tối và Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.


Bài viết tham khảo Zing.vn tại: http://bit.ly/2MXjm9i

Tags: