Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)
Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)
Cuối cùng, sự tồn tại hữu hình của Guy đã được chứng minh, nhưng mặc cho những nỗ lực ấy, anh vẫn cứ là một người thất lạc, với không một cái tên hay một lịch sử đích xác. Anh ta có thể là Jimmy Pedro Stern hoặc có thể là Pedro McEvoy. Hoặc anh có thể chẳng là ai trong số hai người họ cả. Hoặc, có lẽ, như anh đã nói từ thời điểm bắt đầu cuốn sách, rằng anh chẳng là gì cả.

Năm 2014, nhà văn Pháp Patrick Modiano trở thành chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học vì thứ nghệ thuật của quá khứ, thứ nghệ thuật ông đã gợi lên trong cái khó có thể cắt nghĩa của số phận con người và gỡ mở thế giới những cuộc đời thời Chiếm đóng. Kỷ niệm một năm cho giải thưởng ấy vừa trôi qua, có lẽ đã tới lúc để nhìn lại một khối lượng lớn sách giả tưởng của ông và bàn luận về đôi ba chủ đề dựng hình những gì ông viết, những thứ rõ ràng xứng đáng đón nhận một lượng độc giả lớn hơn tại Hoa Kỳ.

Modiano là một cây bút giàu sức viết. Ông đã viết trên 20 tiểu thuyết giả tưởng và cả kịch bản (Lacombe, Lucien, đồng sáng tác với Louis Malle) cùng với sách dành cho trẻ nhỏ và hồi kí. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, La Place de l’étoile (Quảng trường Ngôi Sao), ra mắt vào năm 1968, mang về cho ông giải thưởng Fenéon [1] và Roger Nimier [2]. Cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt nhất, hoặc có lẽ là cuốn sách được biết tới rộng rãi nhất, Missing Person (Phố những cửa hiệu u tối), chiến thắng giải thưởng Goncourt [3] vào năm 1978, ngay trong năm mà nó được phát hành. Nhiều năm trôi qua, Modiano trở thành chủ nhân của nhiều giải thưởng khác của Pháp Văn, trong đó bao gồm Grand Prix National des Lettres, giải thưởng cho tất thảy tác phẩm của ông nói chung.

Tác giả Patrick Modiano ngày trẻ

Nhìn chung, Modiano chắp bút những tiểu thuyết ngắn, dễ đọc (phần lớn chỉ xung quanh con số 200 trang, đôi tác phẩm ngắn hơn nữa) với những chủ đề phổ quát: ký ức, nỗi mất mát, nhân dạng, nỗ lực kiếm tìm. Vào thời điểm ông nhận được giải Nobel vào tháng Mười năm ngoái, khá nhiều những cuốn sách của ông hẵng còn chưa có ấn bản tiếng Anh và, Phố những cửa hiệu u tối, cuốn sách mang về cho ông giải Goncourt vào năm 1978, mới chỉ bán được 2425 bản tại Mỹ. Sự sẵn có những tác phẩm của ông bằng tiếng Anh hiện tại đã được đảm bảo rộng rãi hơn, nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của một số dịch giả tài năng, và ngày càng nhiều tiểu thuyết của ông trở nên sẵn sàng trên kệ gần như hàng tháng.

Modiano nhận được sự công nhận trên văn đàn tương đối sớm trong sự nghiệp của ông, ít nhất là tại Pháp, nhưng hành trình dựng hình chính con người ông với tư cách một người cầm bút chẳng dễ dàng, do những tác động của giai đoạn đầu cuộc đời đầy cùng quẫn và bấp bênh. Ông được sinh ra vào năm 1945, chỉ tại ngoại thành Paris, nhưng cha mẹ ông đã không ở xứ rượu vang ấy trong thời gian rất dài. Mẹ của ông là người Bỉ, được sinh ra tại Antwerp. Gia đình của người cha Do Thái của ông có gốc gác từ Hy Lạp và tới Pháp bằng con đường qua Ý. Cha mẹ ông gặp gỡ trong Thế chiến thứ hai, có với nhau hai người con (em trai của Modiano, Rudy, qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi lên 10), và chia ly một thời gian sau đó. Rơi vào những mối hoài nghi vì cảnh ngộ xung quanh và địa vị hèn kém, thường gần như thiếu thốn luôn, đôi khi họ bị lèo lái đến tội ác. Bản thân Modiano thừa nhận từng ăn trộm sách từ một ai đó hoặc từ thư viện rồi bán cho những kẻ giao dịch sách second-hand, và công việc của mẹ ông không vượt quá ăn cắp vặt tại các cửa hàng.

Người mẹ của ông, như ông ghi chú trong Pedigree, “một người con gái tuyệt mỹ với trái tim cằn cỗi.” Bà bỏ rơi gia đình lại để theo đuổi sự nghiệp phim ảnh, đảm nhiệm vài phân đoạn nhỏ trong những vở kịch ngắn khắp châu Âu, thường phó mặc Modiano cho sự săn sóc của bạn bè hay họ hàng. Người cha của ông, người mà Modiano chưa từng thực sự dựng xây được một mối nối nào, liên tục sắp xếp cho ông theo học tại các trường trong và ngoài Paris bất kỳ khi nào có thể chi trả, và kiếm sống qua những giao dịch ẩn ngầm dưới bóng tối với những kẻ dơ bẩn, một vài trong số đó còn được cho rằng có thể là gangster. Nhấn chìm và cuộn xoáy bởi thói trộm cắp mà mẹ và con sa vào, người cha và những giao dịch bất hợp pháp đáng ngờ, cùng với những cơn hoang tưởng theo sau khi tội ác ẩn tàng trỗi dậy, cũng là không khó hiểu khi người kể chuyện của Những đại lộ ngoại vi (một cuốn tiểu thuyết bán tự truyện về người cha và con trai) nhấn mạnh rằng tại Paris, đối với những con người như họ,

Nỗi đe doạ chờn vờn khắp nơi.

Người ta cũng cáo buộc rằng, chuỗi những sáng tác của Modiano hẹp lòng và lặp đi lặp lại. Chính ông cũng từng nói rằng qua 45 năm ông chỉ viết một cuốn tiểu thuyết mà thôi (on fait toujours le même roman). Nhưng kể cả khi những tác phẩm của ông chỉ đối diện với một chuỗi rất hẹp những chủ đề và xoay vòng trong chúng, thì ấy cũng phải là lối xoay vòng của Boléro của Ravel: một giai điệu giản đơn với lối phối khí nhất quán, phức tạp và dần tăng tiến nhịp độ, cuốn lấy sự chú ý của ta từ điểm bắt đầu cho tới tận cùng.

Những tác phẩm được điểm lại trong bài luận này, như phần lớn những tác phẩm của Modiano, xoay quanh những bi kịch, nhưng lại không ráp với cấu trúc kinh điển của bi kịch, nơi mà ai đó - sở hữu một địa vị xã hội đáng ngưỡng vọng, hay hết sức giàu có, thông minh hoặc đầy sức mạnh hay vẻ yêu kiều - phải chịu đựng một cú đảo ngược của số phận do một vài lầm lỗi. Thay vì thế, những tiểu thuyết ông viết được truyền một cảm thức về bi kịch sống trên đời, như được định nghĩa bởi nhà triết học Miguel de Unamuno, người đã gọi tên trạng thái tồn tại ấy: cái cảm thức của bi kịch đến từ chính ta, những tạo vật có ý thức và cảm tính, qua việc sống ở đời này, chịu cảnh bị đưa vào thế đối diện với sự yếu đuối và giới hạn của chính mình, và đáng sợ nhất trong số ấy là sự hữu hạn của kiếp người.

Một cuốn sách của Modiano, "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối"

Những dòng viết của Modiano cũng khác với cấu trúc bi kịch kinh điển ở chỗ, xét phần lớn những gì ông viết, những người ông hướng ngòi bút về xuất phát từ những  tầng thấp trong xã hội - những kẻ chuyên cờ bạc, mấy gã lang thang, phường lừa đảo, gái mại dâm, bọn xuất phát từ khu ổ chuột và những tay đua ngựa. Modiano thừa nhận trong Những đại lộ ngoại vi rằng:

Tôi biết chuyện đời của những mảng bóng tối ấy chẳng gợi lên một niềm ham thích đặc biệt trong ai, nhưng nếu tôi chẳng viết chúng xuống, chẳng ai sẽ làm như thế cả. Ấy là nghĩa vụ của tôi, từ khi tôi biết tới họ, để kéo họ - dù chỉ trong một quãng tạm - khỏi bóng tối bao trùm. Ấy là một nghĩa vụ, nhưng với tôi ấy cũng là một điều khẩn thiết

Ký ức chiếm cứ một vùng thật lạ lùng trong tiềm thức, đâu đó giữa thực và mộng. Nút giao giữa hai ngả ấy là vùng giao cảm của Modiano, và ông nhận thức một cách sâu sắc về sự đan xem không liên tục của những hình thái khác biệt của ý thức ấy và cái cách, giả dụ như,  sự lan truyền của những giấc mơ vào hiện thực tác động tới sự tồn tại của ta.

Quán cà phê Les Deux Magots trên đại lộ Saint-Germain năm 1962: Ảnh Roger-Viollet / REX Shutterstock

Hồi ức của ta cất giữ những gì, làm sao để ta duy trì chúng hay kiếm tìm khi chúng có dấu hiệu tan biến đi, và làm thế nào để khẳng định rằng chúng là đích xác một khi ta đã tìm ra chúng, là những chủ đề chính mà Modiano viết ra. Bằng cách chụp bắt lấy những ký ức về những người và những chốn rồi viết thành con chữ, dưới dạng một tiểu thuyết hay hồi kí, ông ép chính mình, và cả chúng ta, ghi nhớ chúng. Ấy là bởi, như ông viết trong Afterimage,

Tôi từ chối việc chấp nhận rằng con người hay điều gì đó có thể biến tan không một dấu vết nào. Làm thế nào mà một ai đó có thể chối bỏ chính bản thân mình nhường ấy?

Một vài cây bút khác cũng dành trọn cả nghệ thuật của họ để chụp bắt lấy những tầng ký ức, đáng chú ý trong đó có Proust, người mà Modiano vẫn thường được so sánh với. Dẫu vậy, trong văn của Proust, ký ức dậy lên từ những cảm giác hoặc những ấn tượng cảm quan, và trong Đi tìm thời gian đã mất, Marcel, người dẫn truyện, chẳng băn khoăn độ thực hư của những ký ức mà mình có. Mối quan tâm của anh ta là liệu một ký ức sẽ tột cùng chạm tới mặt thoáng của nhận thức tôi, ký ức ấy, khoảnh khắc đã chết đi ấy.

Modiano không ái ngại việc mang những gì ông gọi là khoảnh khắc đã chết đi về với nhận thức, cũng chẳng ái ngại với khung hình của ký ức hay cách nó vận hành, như Proust cảm thấy. Một người dẫn truyện trong một tác phẩm của Modiano hoặc sở hữu một ký ức về một sự kiện: Tôi còn nhớ một chiếc xe phóng đi, năm năm sau đó, từ Pigalle tới Champs-Elysées; hoặc chẳng có ký ức nào về một sự kiện như thế. Hoặc, như một nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết của Beckett, anh ta chẳng có lấy chút ký ức về chính mình, như người kể chuyện tìm kiếm chính mình trong Phố những cửa hiệu u tối đã nghĩ: Tôi đã chẳng còn nhớ được liệu rằng, vào đêm ấy, tên của tôi là Jimmy hay Pedro, Stern hay McEvory. Nhân vật trong văn Modiano thường tìm thấy chính mình trong một trạng thái mà hiện thực, ký ức và những cơn mơ quyện lại làm một, như người dẫn truyện viết trong Từ thăm thẳm lãng quên:

Tôi đã ở trong một giấc mơ, và tôi phải cựa mình tỉnh giấc. Những mối nối kết tôi với thực tại đang kéo giãn ra.

Những vai chính của Modiano khai quật những cái tên, ngày tháng, những địa chỉ liên lạc cũ, địa chỉ, những tấm ảnh, xấp tài liệu trong sở cẩm và làm giả một quá khứ (thực hay chỉ là ảo tưởng?) từ những tầng ký ức họ đào xới được. Công việc của Modiano là giữa những mối đe doạ ở xa tầm với càng lâu càng tốt để anh ta có thể tiếp tục cuộc lùng tìm của mình. Cấu trúc và nhịp độ quá đỗi tinh tế trong kỹ năng kể chuyện cho phép ông tự kết thành, như Proust, một thế giới của ảo giác với thực tại xúc cảm đầy mãnh liệt.

¤

Modiano được trao giải thưởng Goncourt cho Phố những cửa hiệu u tối hơn 30 năm về trước, nhưng cuốn tiểu thuyết ấy vẫn còn tươi còn mới như thể được viết ngày hôm qua. Nó bắt đầu với một câu tựa như điềm báo:

Tôi chẳng là gì cả.

Tác phẩm đầu tay của ông được kết cấu như một câu chuyện trinh thám, và người dẫn truyện là một thám tử. Guy Roland, có thể hoặc có thể không là tên thật của người dẫn truyện nọ, đã làm việc tại một văn phòng thám tử dưới sự chỉ dẫn của sếp mình, Hutte, qua tám năm. Guy phải trải qua chứng mất trí nhớ và khi anh tới làm việc tại văn phòng, Hutte đưa cho anh những giấy tờ để hợp lệ một cái tên mới và nhân dạng mới. Chỉ tới khi sếp của anh nghỉ hưu và anh được giải phóng khỏi công việc, anh mới có thể tiến vào nhiệm vụ tìm kiếm chính mình.

Trang bìa một ấn bản "Phố những cửa hiệu u tối"

Hẳn nhiên, điều ấy kéo theo một cuộc điều tra. Ban đầu, Guy được điều hướng để tin vào, một cách sai lầm, rằng anh có thể là một người đàn ông mang tên Freddie Howard de Luz. Tuy vậy, sau thời gian, những nghiên cứu dẫn anh tới niềm tin rằng cái tên thật của anh có thể là Jimmy Pedro Stern, và anh có thể được sinh ra tại Hy Lạp. Nhưng một đôi bằng chứng khác lại chỉ ra rằng tên thật và nhân dạng thật của anh có thể là Pedro McEvoy và anh có thể đến từ Cộng hoà Dominic. Nếu anh ta là Stern, anh biến mất vào năm 1940. Nếu anh là McEvoy, anh đã rời Pháp trước cuộc chiến.

Giữa hành trình định vị mình là ai, Guy dò tìm bằng trực giác, linh cảm, giả định và cả những mường tượng như những giấc mơ. Anh liên miên đưa ra những giả thiết về nguyên cớ và xử sự của mỗi người. Những tiểu tiết rời rạc mà anh gỡ mở trở thành sợi chỉ Ariadne trong tay anh - một thứ anh hy vọng sẽ dẫn anh về với chính mình. Nhưng thậm chí ngay cả khi cảm thấy mình đã đạt được thêm gì đó, anh vẫn thừa nhận rằng mình cảm thấy bị chặn đứng và vây bủa:

Từng mảnh từng mảnh một dần phơi bày ra ánh sáng sau những nỗ lực kiếm tìm của tôi… Nhưng rồi ấy là, có lẽ, những gì mà một cuộc đời khác sở hữu… Có thật ấy là cuộc đời của tôi không? Hay là cuộc đời của ai khác mà tôi bằng một cách nào đó đã thâm nhập vào?

Guy tin rằng những nơi chốn lưu giữ lại chuỗi dấu hiệu của những cuộc đời từng sống tại nơi ấy.

Tôi tin chắc rằng sảnh chính của những toà nhà ấy hẵng còn lưu lại tiếng vọng bước chân của những người đã từng bước qua đó và từ lâu đã tan biến mất. Thứ gì đó vẫn tiếp tục rung lên sau khi họ đã rời đi, những làn sóng tan dần, nhưng vẫn có thể bắt lấy nếu lắng nghe thật kỹ. 

Tuy thế, mặc những cố gắng không ngừng nghỉ để gợi lên những chứng cứ từ những nơi anh ta đã ghé thăm, thực tại hữu hình kháng cự lại những nỗ lực ấy. Khi Guy khám phá ra rằng anh ta và người tình khi đó, Denise Coudreuse, có thể từng sống tại cùng một toà nhà nơi Blue Rider đã giết chết Scouffi, anh day dứt: Một sự kiện đầy bi kịch như thế hẳn phải để lại gì đó, nếu chúng tôi đã sống qua nó, ngay tại tầng dưới thôi. Nhưng, anh buộc phải thừa nhận sau một lần phủ nhận: Chẳng còn một tín hiệu nào tồn tại trong ký ức tôi.

"Chẳng còn một tín hiệu nào tồn tại trong ký ức tôi."

Cuối cùng, cuộc truy lùng dẫn anh tới kết luận rằng anh và Denise có lẽ đã từng là nạn nhân của một vụ lật mặt mà, trong nỗ lực vượt biên Pháp và Thuỵ Điển giữa mùa đông, vào quãng tàn của cuộc chiến, Denise mất tích. Anh ta, có lẽ, cũng đã mất tích. Sang chấn của việc bị lừa đảo và bỏ rơi trên một vùng núi hoang trong cái lạnh và bị bỏ rơi đến chết, có lẽ, anh nhận định, là sự kiện chấn động gây ra chứng mất trí nhớ của anh, nhưng anh chẳng bao giờ có thể chứng thực điều ấy. Vị trí thực của Denise vẫn là một điều bí ẩn, nhưng nhờ công cuộc ấy mà nàng có được một cái tên và một gốc tích. Cuối cùng, sự tồn tại hữu hình của Guy đã được chứng minh, nhưng mặc cho những nỗ lực ấy, anh vẫn cứ là một người thất lạc, với không một cái tên hay một lịch sử đích xác. Anh ta có thể là Jimmy Pedro Stern hoặc có thể là Pedro McEvoy. Hoặc anh có thể chẳng là ai trong số hai người họ cả. Hoặc, có lẽ, như anh đã nói từ thời điểm bắt đầu cuốn sách, rằng anh chẳng là gì cả.

Phần 2

Theo LARB / dịch bởi Thu Hà

 

[1] Giải thưởng Fénéon (Prix Fénéon), được thành lập vào năm 1949, được trao hàng năm cho một nhà văn Pháp ngữ và một nghệ sĩ trong lĩnh vực hình hoạ.

[2] Giải thưởng Roger Nimier (tiếng Pháp: 'Prix Roger-Nimier') là một giải thưởng văn học Pháp. Nó được trao cho "một tác giả trẻ có tinh thần phù hợp với các tác phẩm văn học của Roger Nimier". Trong đó, Nimier (1925–1962) là một tiểu thuyết gia và là thành viên hàng đầu của phong trào Hussards.

[3] Giải thưởng Goncourt (tiếng Pháp: Le prix Goncourt) là một giải thưởng về văn học Pháp, do Viện Goncourt trao cho tác giả của "tác phẩm văn xuôi hay nhất và giàu trí tưởng tượng nhất trong năm"

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người dịch văn chương là kẻ đầy tớ của nguyên tác, hay là một nghệ sĩ sáng tạo thực thụ

Lạc lối trong cảm thức về những khu phố đã đi vào dĩ vãng cùng Patrick Modiano

“Người truyền ký ức”: Đâu là phần người nhất của loài người?

Haruki Murakami: Tôi không mơ. Tôi viết.