Những người thích đọc sách thường là những người cô đơn: Phỏng vấn tác giả Nguyễn Mai Chi
Những người thích đọc sách thường là những người cô đơn: Phỏng vấn tác giả Nguyễn Mai Chi
Bài phỏng vấn độc quyền của Trạm Đọc với Nguyễn Mai Chi, tác giả cuốn Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố
1. Lí do nào khiến chị lựa chọn xuất bản cuốn sách này?

Truyện ngắn và truyện dài luôn là hai thể loại mà tôi đặc biệt yêu thích. Tôi bắt đầu viết các truyện ngắn trong "Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố" từ đầu năm 2016 tới khoảng một năm sau thì hoàn thành. Việc xuất bản cuốn sách đến với tôi như một lẽ tự nhiên, vì tôi luôn muốn được chia sẻ những gì mình viết ra với mọi người, hi vọng những câu chuyện này sẽ trở nên có ý nghĩa khi được viết ra và được đọc.

2. Được biết chị có quản trị fanpage "Life through her fisheye lens", liệu có phải fanpage này là nguồn cảm hứng sáng tác cho cuốn sách của chị?

Nói rằng trang Life through her fisheye lens là nguồn cảm hứng thì không đúng, mà là nơi cho tôi động lực viết thì đúng hơn. Vì mỗi khi tôi đăng và chia sẻ những bài viết ngắn của mình ở đây, tôi đều nhận được sự đồng cảm và rất nhiều những tin nhắn của bạn đọc. Điều đó đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui và thêm một chút tự tin.

3. Trong giai đoạn sách của các tác giả trẻ hầu hết là tản văn/tùy bút và du kí, liệu chị có nghĩ rằng tập truyện ngắn của chị là một bước đi mạo hiểm trong sự nghiệp viết của mình?

Mỗi người đều bằng cách này hay cách khác cố gắng tìm ra được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Có lẽ nhiều cây viết trẻ tuổi hiện nay cho rằng tản văn/ tuỳ bút và du kí là những mảng mà họ nắm vững, họ có thể làm tốt và nhận được sự ủng hộ của bạn đọc. Riêng bản thân tôi không có được sự tự tin này, nên sau cuốn sách đầu tay "5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi" có thể được coi như một cuốn tản văn, dù nhận được nhiều tình cảm từ độc giả, nhưng tôi vẫn quyết định sẽ chọn truyện ngắn và truyện dài. Sự lựa chọn này bao gồm trong đó cả phần nhiều là sở thích cá nhân.

 

 

4. Các nhân vật trong cuốn sách của chị đều là những người bình thường, những nhân viên làm công ăn lương, những nam nữ thanh niên "dở dở ương ương" sống một cuộc đời nhàn nhạt. Tại sao chị không lựa chọn nhân vật của mình là những người anh hùng, những kẻ phản diện độc ác hay những người có kì vọng lớn lao?

Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ tới những gì mà nhà văn Y Ban đã nói trong buổi họp báo công bố khởi động giải thưởng Chạm 2018. Dù rất đáng tiếc, do lí do cá nhân mà tôi đã không được trực tiếp có mặt tại buổi lễ, nhưng khi xem video livestream, tôi cứ nhớ mãi những chia sẻ của cô Y Ban. Cô nói rằng việc đọc các tác phẩm của người viết trẻ hiện nay khiến cô nhận thấy điểm khác biệt giữa thế hệ trẻ và các thế hệ đi trước: nếu ví tác phẩm của các nhà văn thuộc thế hệ trước như những chiếc xe tải chở trên mình rất nặng, đầm xe, thì tác phẩm của các bạn trẻ hiện nay là những chiếc xe nhẹ tênh, có khi không chở một trọng lượng nào nhưng vẫn đến được cái đích mà họ muốn.

 

Trở lại với câu hỏi của bạn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta gặp họ hàng ngày: những người anh hùng hay những người có kì vọng lớn lao. Ít ra là bản thân tôi không gặp họ hàng ngày. "Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố" không phải là một cuốn truyện giả tưởng, nên tôi viết về những gì tôi được biết. Tôi và bạn bè là những nhân viên làm công ăn lương, chúng tôi dở dở ương ương và đôi khi sợ hãi với ý nghĩ rằng dù có cố gắng đến thế nào thì người khác cũng sẽ xếp mình vào tuýp người nhàn nhạt. Nếu chúng tôi và thế hệ chúng tôi là như vậy thì tại sao lại phải tránh viết về sự thật này? Tại sao lại phải cố gắng nhào nặn một thế giới khác nơi người đọc khó có thể tìm thấy mình trong đó? Và nói về những điều nhỏ nhặt xung quanh các nhân vật không có nghĩa rằng họ là những người không có ước mơ. Ở xã hội ngày nay, đôi khi sống một cách tử tế cũng cần đến rất nhiều can đảm.
Còn một ý trong câu hỏi của bạn, về những kẻ phản diện độc ác, tôi nghĩ rằng không ai trong số chúng ta là người tốt hoàn hảo.

5. Được biết chị là người thích đọc, chị có thể chia sẻ là loại sách nào chị thích đọc và những cuốn nào chị tâm đắc và nghĩ là người trẻ Việt nên đọc?

Tôi thích đọc những cuốn sách khiến bạn hoài nghi về thế giới xung quanh và những gì bạn vẫn tin tưởng, khiến bạn đặt lại câu hỏi về những gì mình đang làm, về cuộc sống bạn đang sống và những giá trị bạn gìn giữ, những cuốn sách cảm động khiến bạn phải khóc khi đọc chúng, những cuốn sách mà bạn không thể giữ nổi chúng cho riêng mình, bạn buộc phải nói về chúng với bạn bè và người thân bởi bạn nghĩ rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu ai cũng đọc và hiểu được phần nào những câu chữ này.

 

Một số những cuốn sách khiến tôi có cảm xúc đó là 1984 của George Orwell, Vào trong hoang dã của John Krakauer, Giết con chim nhại của Harper Lee, Mối tình đầu của Sándor Márai và Hãy chăm sóc cho mẹ của Shin Kyung Sook. Đặt những cuốn sách này cạnh nhau có thể có chút gì đó không được đồng nhất, nhưng tôi tin rằng đọc là một việc không chỉ đòi hỏi trí óc mà cần đến cả cảm xúc. Một cuốn sách hay không nhất thiết phải đem đến cho bạn những kiến thức hàn lâm, mà có khi chỉ đơn giản là khiến bạn cảm thấy thực sự xúc động bởi ngôn từ và những điều bình dị trong đó. Có rất nhiều sự lựa chọn cho việc đọc: hoặc là bạn có thể ra hiệu sách và tìm mua cho đủ danh sách 100 cuốn sách nên đọc ở mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn, hoặc cũng có thể đơn giản là nghe theo lời nhận xét của bất cứ người nào mà bạn yêu mến và tin tưởng để chọn mua cuốn sách mà họ thấy hay. Việc cùng đọc và cùng bàn luận về một cuốn sách mà bạn và bạn bè đã đọc cũng là một cách để chúng ta không cảm thấy lạc lõng. Vì không biết bạn có cùng suy nghĩ với tôi không, nhưng những người thích đọc sách thường là những người thực ra hơi cô đơn một chút.

Cảm ơn Trạm Đọc đã cho tôi có cơ hội được gặp gỡ bạn đọc qua những câu hỏi phỏng vấn rất thú vị này. Chúc mọi người một ngày nhiều niềm vui.

Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.

Cuốn sách "Harpocrates và bông hồng phía trên thành phố của tác giả Nguyễn Mai Chi đã lọt vào top 10 giải thưởng Chạm 2018. Cùng bình chọn cho Nguyễn Mai Chi tại https://giaithuongcham.tramdoc.vn/. Các bạn có thể đọc bài review sách tại đây: http://tramdoc.vn/tin-tuc/co-dieu-gi-sao-khong-noi-cung-nhau-harpocrates-va-bong-hong-phia-tren-thanh-pho-nvmRaW.html
Tags: