Những cuốn sách chuyển thể từ kịch bản phim
Những cuốn sách chuyển thể từ kịch bản phim
“Lặng yên dưới vực sâu”, “Từ Dụ thái hậu”, “Mẹ chồng” là những tác phẩm văn chương được chuyển thể từ kịch bản phim.

Tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn chương là chuyện phổ biến trong giới nghệ thuật. Nhưng cũng có những tác phẩm sau khi có kịch bản phim mới được chuyển thể thành tiểu thuyết, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu. Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Lặng yên dưới vực sâu

Lặng yên dưới vực sâu là bộ phim truyền hình dài 32 tập, phát sóng trên VTV năm 2017. Phim của đạo diễn Đào Duy Phúc có sự tham gia của các diễn viên Đình Tú, Phương Oanh, Doãn Quốc Đam đã lấy nước mắt của nhiều khán giả.

Cũng trong năm 2017, tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam) ra mắt. Đây là cuốn sách thứ 17 của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Tác phẩm vốn là một truyện vừa, sau đó được dựng trên sân khấu, thành kịch bản phim truyền hình, rồi được chính tác giả viết thành tiểu thuyết.

Tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật nên khi sách phát hành, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã chia sẻ: “Giàng Thị Súa, Giàng Sếnh Vừ và Tráng A Phống - bộ ba nhân vật này trở đi trở lại có lẽ là nhiều lần nhất trong máy tính của Thúy”.

Tác giả cho biết lần chuyển thể nào cũng "lấy mất một ít nước mắt, một ít sức khỏe và luôn để lại một khoảng thời gian dài trống rỗng, tuyệt đối" với chị.

Lặng yên dưới vực sâu kể về mối tình của Vừ - chàng trai tài giỏi, tốt bụng và Súa - cô gái đẹp, mạnh mẽ. Tình yêu của họ bị ngăn cấm bởi gia đình nhà Súa do Vừ nghèo, không có tiền cưới vợ, còn Súa bị Phống - một thanh niên nhà giàu - cướp về làm vợ. Không đến được với nhau, Súa đành trao duyên lại cho cô bạn thân của mình là Xí…

Từ Chuyện của Pao (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá) tới Lặng yên dưới vực sâu, tác phẩm của Đỗ Bích Thúy luôn là những mối tình day dứt khôn nguôi. Tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy là nỗi trăn trở về thân phận, cuộc sống với biết bao bi kịch, ngang trái.

Một tập trong bộ Từ Dụ thái hậu. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam

Từ Dụ thái hậu

Trần Thùy Mai là cây bút viết truyện ngắn nổi tiếng. Bà được biết tới từ khi còn là học sinh trường Đồng Khánh. Phải đến năm 2019, tiểu thuyết đầu tay của bà mới ra mắt. Từ Dụ thái hậu (Nhà xuất bản Phụ Nữ) là bộ tiểu thuyết hai tập viết về người phụ nữ có thật trong lịch sử.

Ban đầu, Trần Thùy Mai viết kịch bản phim Từ Dụ thái hậu, sau đó bà chuyển thể thành bộ tiểu thuyết gần nghìn trang. Tác phẩm ra mắt trở thành hiện tượng văn chương được chú ý năm 2019, được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ Dụ thái hậu viết về nhân vật Phạm Thị Hằng, từ cô tiểu thư vùng đất phương Nam tới kinh đô, trải bao éo le, thăng trầm dâu bể, trở thành người phụ nữ quan trọng bậc nhất triều Nguyễn. Lấy điểm nhìn hậu cung, tác phẩm mở ra cánh cửa soi vào chính trường, lịch sử triều Nguyễn qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị.

Tác phẩm có sự hấp dẫn của những câu chuyện cấm cung, phận đời, bi kịch chốn cung đình. Mưu mô, thủ đoạn tàn độc trong hậu cung đôi khi làm khuynh đảo cả triều chính. Giữa những rối ren ấy, tiểu thư họ Phạm vẫn đứng thẳng bằng trí thông minh, lòng nhân hậu.

Không chỉ kể câu chuyện tình chốn cung đình, những đấu đá hậu cung hay các biến chuyển lịch sử, Từ Dụ thái hậu còn tái hiện sinh động bức tranh lịch sử, văn hóa Việt một thời.

 

Mẹ chồng

Mẹ chồng là phim điện ảnh ra mắt năm 2017 của đạo diễn Lý Minh Thắng, có sự tham gia của các diễn viên như Thanh Hằng, Diễm My 6X, Lan Khuê, Midu, Lâm Vinh Hải, Song Luân.

Ảnh: Zing News

Cuối năm 2021, tiểu thuyết Mẹ chồng (Nhà xuất bản Đà Nẵng) ra mắt, do Kim, biên kịch phim chuyển thể.

Tác phẩm bắt đầu bằng sự kiện nhà hội đồng Huỳnh Văn Lịnh, ở vùng Đại Điền, cưới vợ cho cậu Hai (con trai duy nhất của ông bà hội đồng). Người con dâu tên Ba Trân, một cô gái đẹp, chuẩn mực gia phong được ông hội đồng và cậu Hai Nhứt yêu thích. Nhưng cô không giành được thiện cảm từ bà hội đồng.

Bảy ngày trước đám cưới, bà hội đồng nhìn thấy một con bạch xà trong vườn, với bà đây là điềm dữ về con dâu. Trung thành với nội dung phim, tiểu thuyết viết về những thân phận phụ nữ trong phong kiến.

Tác giả kịch bản, tiểu thuyết là đồng biên kịch của những bộ phim như: Lô tô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, Quỳnh hoa nhất dạ. Năm 2019, chị nhận giải thưởng Cánh diều vàng ở hạng mục Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh với phim Hạnh phúc của mẹ.

Theo Zing News

Tags: