Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng, nhà văn đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 72 tuổi.

Sinh lão bệnh tử
Luật trời đã ban
Thì đành chấp nhận
Với nụ cười thôi…
Nói chỉ nói vậy thôi
Lòng buồn không tả nổi…

 

 
Đó là những dòng thơ cuối cùng được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết trên giường bệnh.
 
16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng, nhà văn đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 72 tuổi.
 
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
 
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn với một loạt tác phẩm như Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết... Ông được đánh giá cao bởi những góc nhìn mới, táo bạo, mạnh mẽ. Hơn 50 năm cầm bút, ông có 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
 
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nằm một chỗ nhiều năm nay sau một cơn tai biến. Lần gần nhất ông xuất hiện ở một buổi ra mắt sách là năm 2018, khi giới thiệu tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu. Hồi đó, ông còn khỏe, nói năng lưu loát trước vài trăm độc giả ở hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Nhà văn vẫn mong khỏe lại để dự ra mắt sách mới, gặp lại bạn văn, độc giả.
 
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...
 
Năm 2004, bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" đăng trên Tạp chí Ngày này của ông tạo ra những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương trong một thời gian dài trên Báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam.
 
Nguyễn Huy Thiệp cũng là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn Tướng về hưuNhững ngọn gió Hua Tát.
 
Nhà văn đã ra đi trong một ngày mưa đầy u ám, để lại nỗi tiếc thương và mất mát vô cùng lớn cho văn đàn Việt Nam và cả những người luôn yêu mến những tác phẩm của ông.
 
Trong những dòng cuối cho Nguyễn Huy Thiệp, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ngậm ngùi:
 
Bản chất của Nguyễn Huy Thiệp là một nghệ sĩ. Anh ấy viết văn, đào sâu suy nghĩ là vậy nhưng tâm hồn lại rất yếu đuối, dễ vỡ. Đó cũng là duyên kiếp, rồi cũng đến lúc, anh ấy cũng buông tay để ra đi.

Đánh giá về văn chương Nguyễn Huy Thiệp, người bạn văn của ông chia sẻ: "Nguyễn Huy Thiệp có hai điều đặc biệt nhất". Thứ nhất, giọng văn lạ, chẳng giống ai từ trước tới nay. Ông có biệt tài trong việc đối thoại (phải nói là số một của văn học Việt Nam), cũng như dựng không khí, cấu trúc, xây dựng nhân vật.

Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, vào cái ác, lẫn chiều sâu của thân phận mỗi cá nhân trong chiều dài thân phận đất nước, dân tộc. So với thứ văn chương một màu trước đó, văn Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt. Ta có thể thấy rõ trong Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi…

Muốn đổi mới văn học, phải đổi mới nhận thức, phải dấn thân. Nguyễn Huy Thiệp là một người dấn thân trong bút pháp và cả trong nhận thức. Muốn trở thành nhà văn tử tế, có công chúng, phải biết hi sinh, phải biết cống hiến, dấn thân vào đời sống lầm than, đồng cam cộng khổ với người dân... thì mới có những tác phẩm lớn. Đó là những điều mà một đời văn "huy hoàng" Nguyễn Huy Thiệp để lại cho tất cả chúng ta.

Trạm Đọc tổng hợp / theo Trạm Đọc, Báo Tuổi Trẻ

Tags: