Bộ VH-TT-DL ngày 16-3 cho biết vừa công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Văn học để lấy ý kiến của nhân dân.
Theo đó, danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có 9 tác giả, gồm Kim Lân (Nguyễn Văn Tài), Ca Văn Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Khoa Điềm, Phong Lê (Lê Phong Sử), Thanh Thảo (Hồ Thành Công), Mai Quốc Liên (Vũ Hồng Ngự), Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), Bùi Hiển.
Danh sách 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật đợt này trong đó có các tác giả Nguyễn Huy Thiệp (Truyện ngắn: Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát), Trần Anh Thái, Nguyễn Văn Thọ, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Phan Hách, Bùi Bình Thi, Vũ Duy Thông, Trần Quang Huy,
Truyện Tướng về hưu là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Huy Thiệp. Ông sáng tác truyện năm 36 tuổi, lần đầu in trên tuần báo Văn Nghệ số ngày 20/6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng đánh giá: "Bằng lối kể thâm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời, trong Tướng về hưu, tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác về sự lì lợm của chính mình...". Tác phẩm được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi dựng thành phim, ra mắt năm 1988.
Nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gác bút. Tác phẩm gần nhất của ông là vở chèo cổ Vong bướm, sáng tác năm 2012. Năm 2018, ông ra mắt tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu, lấy cảm hứng từ con trai, hoàn thành từ năm 2003. Tuổi già, ông mắc nhiều bệnh như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa. Đầu năm 2020, ông bị tai biến, đang trị liệu.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, là một trong những cây bút nổi bật nhất của nền văn học Việt Nam đương đại. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn. Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008).
Ngoài Nguyễn Huy Thiệp, nhiều tên tuổi khác trong danh sách xét tặng giải Nhà nước gồm: Phạm Đình Ân (tập thơ Phấn hoa bay), Nguyễn Văn Thọ (tập truyện ngắn Vàng xưa, tiểu thuyết Quyên), Trần Viết Linh (tiểu thuyết Goòng, truyện phim Tiểu đoàn 2), Vũ Duy Thông (truyện ngắn Về thăm bà nội, tập truyện dài Chiếc nôi trên vách đá)...
Ngoài giải Nhà nước, danh sách xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh gồm chín tác giả, với các gương mặt như: Kim Lân (truyện ngắn Con chó xấu xí, Ông lão hàng xóm, Ông Cả ngũ), Nguyễn Khoa Điềm (tập thơ Cõi lặng, tuyển thơ Đất nước), Lê Phong Sừ (bút ký tiểu luận Thơ văn Hồ Chí Minh những giá trị vĩnh cửu)...
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm. Giải thưởng được 15 Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước họp xét.
Trạm Đọc tổng hợp / theo VN Express, Báo Người Lao động
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Độc giả Việt đón đọc ấn bản tiếng Việt cuốn sách của mẹ tỷ phú Elon Musk