[...]
CÙNG TẦM ĐÓ, Geoffrey và tôi bắt đầu tháo rời một số radio hỏng để xem bên trong có gì và tìm hiểu cách chúng vận hành để sửa. Ở Malawi và phần lớn các khu vực ở châu Phi chưa có điện cho ti vi, radio là kết nối duy nhất của chúng tôi với thế giới bên ngoài ngôi làng. Dù trong rừng sâu hay phố thị tấp nập, bạn đều thấy có người đang nghe những chiếc radio cầm tay. Bạn sẽ nghe thấy nhạc reggae Malawi hay R&B Mỹ từ kênh Radio Two ở Blantyre, hoặc đồng ca phúc âm Chichewa và các bài giảng đạo từ Lilongwe. Từ khi Malawi Broadcasting Corporation (Tổng công ty Phát sóng Malawi, tức MBC) được thành lập, cùng thời điểm với khi đất nước giành được độc lập, người Malawi luôn coi radio như thành viên gia đình. Bố kể về những ngày đầu của MBC, về nhạc của Dolly Parton và Kenny Rogers từ Mỹ và thứ âm nhạc tuyệt diệu của Robert Fumulani. Hồi ấy các chương trình nông nghiệp rất được ưa chuộng và bố vẫn nhớ Tổng thống Banda – Đệ Nhất Nông Dân – nhắc nhở toàn dân nếu muốn no ấm phải phát đất, lên luống, trồng cây trước mùa mưa. Ông còn nhắc nhở mọi người bón phân! Tuổi thơ tôi thì nhớ mãi những bài giảng đạo sáng chủ nhật của Shadreck Wame thuộc Nhà thờ Hội thánh Trưởng lão Trung Phi ở Lilongwe, nối tiếp bằng chương trình âm nhạc Top 20 Chủ nhật.
Thật không may là tính đến mấy năm trước thôi, chúng tôi vẫn chỉ có hai kênh – Radio One và Radio Two – đều thuộc chính phủ, nên cửa sổ nhìn ra thế giới của chúng tôi khá hạn hẹp. Lần đầu tiên nghe âm thanh từ radio, tôi đã tò mò về cơ chế vận hành bên trong. Tôi nhìn chăm chăm vào bảng mạch đã được dỡ ra và băn khoăn về công dụng của những sợi dây, vì sao chúng có màu khác nhau, và chúng nối đến đâu. Làm sao mà đám dây và nhựa ấy lại cho phép một DJ ở Blantyre cất tiếng ở nhà tôi? Làm sao mà vặn núm sang một bên là âm nhạc mà vặn sang bên kia lại là bài giảng đạo? Ai đã lắp ghép tất cả các bộ phận này và sao người đó có được những hiểu biết diệu kỳ đến thế? Qua các thử nghiệm, chúng tôi khám phá ra nguồn gốc tiếng ồn trắng là bảng mạch tích hợp – bộ phận lớn nhất, chứa tất cả các dây và miếng nhựa. Kết nối với mạch tích hợp là những thứ nho nhỏ trông như hạt đậu. Chúng là các bóng bán dẫn, có tác dụng kiểm soát công suất đi qua radio vào loa. Geoffrey và tôi phát hiện điều này khi ngắt kết nối một bóng bán dẫn và thấy âm lượng bé hẳn đi. Chúng tôi không có mỏ hàn tử tế nào để sửa bảng mạch. Thay vào đó, chúng tôi nung đỏ một dây kim loại lớn trên bếp rồi dùng nó để nối hai khớp kim loại. Chúng tôi còn phát hiện cách radio thu các băng tần như FM, AM, sóng ngắn. Để thu AM, radio có ăng ten bên trong do sóng AM dài, nhưng để thu FM, ăng ten phải ở bên ngoài và vươn lên trong không trung vì sóng FM ngắn và hẹp hơn. Tương tự như ánh sáng, sóng FM dễ dàng bị chặn bởi chướng ngại như cây cối hay tòa nhà.
Do chúng tôi phải tự mày mò, rất nhiều radio đã hy sinh cho sự nghiệp nghiên cứu. Tôi nghĩ mỗi cô dì chú bác và hàng xóm cho chúng tôi một chiếc radio, toàn bộ được cuốn trong một mớ dây chằng chịt và đựng trong chiếc hộp chúng tôi để ở phòng Geoffrey. Nhưng sau khi chúng tôi học được từ những sai lầm, mọi người bắt đầu mang radio hỏng tới nhờ chúng tôi sửa. Không lâu sau chúng tôi đã có một cơ sở kinh doanh nho nhỏ của riêng mình. Xưởng của chúng tôi là phòng ngủ của Geoffrey nằm ngay đằng sau gian nhà của mẹ anh. Ở đó chúng tôi đợi khách, dưới sàn là những đống dây nhợ, bảng mạch, mô tơ, vỏ radio vỡ cùng những mẩu kim loại và nhựa không rõ nguồn gốc. Cuộc đối thoại của chúng tôi với khách hàng đại khái như sau:
“Odi, odi,” ai đó đứng ở cửa gọi. Đó là một ông
bác từ làng bên, nách kẹp radio như kẹp gà.
“Mời bác vào ạ!” Tôi nói.
“Nghe nói ở đây sửa radio hả?”
“Đúng rồi, cháu và cộng sự là anh Geoffrey đây. Máy bị hỏng làm sao ạ?”
“Nhưng hai đứa còn nhỏ thế, sao sửa được?”
“Bác cứ tin chúng cháu. Cứ nói chỗ hỏng cho chúng cháu.”
“Bác không dò được kênh. Không nghe được kênh nào cả.”
“Để cháu xem… hừm… đây rồi, bên cháu sửa được. Bác sẽ nhận lại radio trước giờ ăn tối.”
“Trước sáu giờ đi! Hôm nay là thứ bảy và bác phải nghe kịch.”
“Vâng, vâng.”
Để tìm chỗ hỏng, chúng tôi cần nguồn điện. Không có lưới điện đồng nghĩa với việc chúng tôi phải dùng pin. Nhưng pin rất đắt đỏ và tiền công sửa chữa không đủ để cứ mua pin mãi. Tay vào đó, chúng tôi sẽ đến khu chợ trung tâm và tìm các cục pin vứt đi trong thùng rác. Mỗi lần chúng tôi kiếm được năm sáu cục cùng với vỏ hộp Lắc Lắc rỗng. Sau bao nhiêu năm, những vỏ các tông bốc mùi ấy vẫn thật có ích. Trước tiên chúng tôi sẽ kiểm tra xem pin còn bao nhiêu. Chúng tôi nối hai sợi dây từ các cực âm và cực dương vào bóng đèn pin. Đèn càng sáng, pin càng còn nhiều. Tiếp đến chúng tôi ép phẳng hộp Lắc Lắc và cuộn thành ống, xếp các cục pin bên trong, đảm bảo các cực âm và cực dương quay về cùng một hướng. Sau đó chúng tôi nối dây từ mỗi đầu của chồng pin tới cực âm và cực dương trong ngăn lắp pin của radio, nơi thường vẫn dùng để lắp pin. Tông thường chồng pin cũ nối với nhau kiểu này sẽ đủ để chạy radio. Tất nhiên là tỷ lệ thành công phụ thuộc vào pin đó thuộc nhãn gì và trước đây được sử dụng ra sao. Radio cầm tay tiêu tốn ít điện năng đến mức chúng có thể dùng pin đến cạn kiệt, trong khi đài cát-xét ngốn điện hơn nhiều nên pin không tải nổi, tuy bên trong vẫn còn một chút điện. Tứ pin lởm nhất (nhưng không may cũng là phổ biến nhất) là pin Đầu Hổ của Trung Quốc. Loại này cho vào máy nào cũng chỉ chạy được dăm tiếng. Thế nên chúng tôi sẽ rất phấn khích nếu vớ được pin Mặt trời Malawi, so về công suất thì loại khác chỉ có hít khói. “Ngài Geoffrey ạ, vớ được một chiếc Mặt trời Malawi tốt thế này là may mắn lắm đó.” “Đúng vậy, cục này sẽ cho mình chạy dài dài.”
Trong khi chúng tôi đang sửa đài, mọi người sẽ đến bàn tán: “Nhìn các nhà khoa học nhí này! Cố lên các chàng trai, tương lai các cháu sẽ kiếm được nghề nghiệp tốt.” Tôi trở nên đặc biệt hứng thú với cách mọi thứ vận hành, nhưng chưa bao giờ nghĩ việc tôi làm là khoa học. Ngoài radio, tôi còn bị hấp dẫn bởi xe hơi, đặc biệt là cách xăng làm động cơ chạy. Việc đó diễn ra thế nào nhỉ? Tôi băn khoăn. Hừm, đơn giản thôi: cứ hỏi ai đó có xe. Tôi tiếp cận các tài xế xe tải ở khu chợ trung tâm và hỏi họ: “Cái gì làm xe chạy ạ? Động cơ của chú hoạt động ra sao?” Nhưng không ai trả lời được. Họ chỉ mỉm cười và lắc đầu. Lạ thật, làm sao bạn có thể lái một chiếc xe tải mà không biết nó hoạt động như thế nào chứ? Ngay cả người tôi vẫn ngỡ là biết mọi thứ như bố cũng nói: “Nhiên liệu được đốt và tạo ra lửa và… hừm, bố không chắc nữa.” Đầu đĩa CD cũng đang thành mốt ở khu chợ trung tâm và chúng còn gây tò mò hơn cả xe. Tôi cứ nhìn người ta đút những đĩa óng ánh vào đài, thế là có nhạc.
“Sao người ta cho âm thanh vào trong đó được?” Tôi sẽ hỏi.
“Ai quan tâm chứ?” Đa số mọi người sẽ đáp.
Nếu như mọi người ở khu chợ trung tâm hài lòng với việc sử dụng những thứ ấy mà không biết vì sao chúng hoạt động, đầu tôi luôn thường trực những băn khoăn. Nếu giải đáp những bí ẩn ấy là việc của một nhà khoa học, thì trở thành nhà khoa học đích thị là mục tiêu của tôi. Tời gian ấy tôi đang theo học ở Trường tiểu học Wimbe, cách nhà Gilbert một cây số theo đường rừng. Năm sau tôi sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Nếu qua, tôi sẽ lên trung học. Nghe nói học sinh trung học sẽ có nhiều tiết học về khoa học hơn và thậm chí còn được làm thí nghiệm. Với tôi, làm khoa học hay hơn vạn lần việc làm nông vốn đang ngốn quá nhiều thời gian trong ngày của tôi...
Trích đoạn bạn vừa đọc nằm trong cuốn Người Thu Gió - một tiểu sử hấp dẫn về hành trình chế ngự gió của chàng trai nghèo tại một vùng đất nam Châu Phi, nơi mà điện là thứ xa xỉ chỉ dành cho 2% người trong nước. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách thú vị này tại đây: https://bit.ly/2XDBBFJ
Trạm đọc tặng bạn mã giảm giá "doccungtram" giảm giá thêm 10% khi đặt mua sách tại link sau: https://etsdata.vn/products/nguoi-thu-gio-cau-be-malawi-va-su-ky-dieu-cua-khoa-hoc
Trạm Đọc trích dẫn