Nghịch lý của sự lựa chọn - Tại sao có nhiều lựa chọn thực chất lại làm giảm đi cơ hội của chúng ta?
Nghịch lý của sự lựa chọn - Tại sao có nhiều lựa chọn thực chất lại làm giảm đi cơ hội của chúng ta?
Con người ta thường có xu hướng để ngỏ nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn nhằm quyết định sau này. Ta sợ việc mất đi một lựa chọn nào đó sẽ đồng thời khiến ta đánh mất những cơ hội tốt.
Phi Lý Trí
(335 lượt)

Điều này dẫn đến bố mẹ cho con cái đi học nào là thể dục dụng cụ, nào là tiếng Pháp, nào là chơi dương cầm; với hy vọng một trong những hoạt động đó sẽ trở thành đam mê của chúng. Hay khách hàng mua những loại máy tính tích hợp nhiều chức năng chỉ để đề phòng một lúc nào đó họ sẽ cần đến những tính năng này. 

Những hành động này có thực sự mang lại lợi ích? Có nhiều lựa chọn có giúp chúng ta mở rộng cơ hội?

Khi ta sợ mất cơ hội và không lựa chọn, thật ra ta đang đánh mất những cơ hội khác

Trong những ví dụ trên, khi bố mẹ cho con đi học quá nhiều thứ mà không chuyên sâu cái gì, họ đang đánh mất cơ hội để con họ có thể trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể, và khiến chúng ở trong tình trạng cái gì cũng biết nhưng thực chất không biết cái gì. Khi khách hàng mua một cái máy tính có những chức năng họ chưa cần dùng, họ đang đánh mất cơ hội mua được chiếc máy khác với giá cả phải chăng hơn, mà hữu dụng hơn. 

Thậm chí, chỉ riêng việc suy nghĩ nên lựa chọn cái gì đã khiến chúng ta mất đi bao công sức và trí lực. Thế nên sẽ hợp lý hơn nếu ta loại đi những lựa chọn không cần thiết và tập trung cho điều thực sự ý nghĩa. 

Không quyết định thật ra cũng là một quyết định 

Ta chần chừ đưa ra quyết định nhưng ta quên mất rằng, khi ta không quyết định, thực chất ta đã quyết định rồi. Bản thân việc không quyết định cũng là một sự lựa chọn và nó cũng có cái giá của nó. 

Một con lừa đang đói bụng tìm đến một kho thóc và phát hiện có hai đống cỏ khô to bằng nhau ở hai bên. Con lừa không thể quyết định chọn đống cỏ nào để ăn. Hàng giờ trôi qua, nó vẫn lưỡng lự giữa hai đống cỏ. Cuối cùng, nó lăn đùng ra chết vì đói. 

Trong câu chuyện trên, con lừa (trong trường hợp nó thực sự biết suy nghĩ) đã không tính đến hậu quả của việc không quyết định. nó đã không tính đến việc nó sẽ bị chết đói nếu không ăn. 

Bài học rút ra là hãy suy nghĩ đến những hậu quả của việc không quyết định, từ đó đưa ra những quyết định xác đáng hơn. 

Cuộc đời này có rất nhiều cánh cửa để lựa chọn, nhưng không ai có thể giữ và bước qua tất cả các cánh cửa. Điều quan trọng là ta phải biết cánh cửa nào quan trọng với mình, cánh cửa nào lớn cần phải giữ, và cánh cửa nhỏ có thể đóng lại; từ đó tìm ra những cánh cửa sẽ dẫn ta đến thành công. 

—------------

Tất cả những nội dung trên được luận ra từ cuốn sách “Phi Lý Trí” của tác giả Dan Ariely. Cuốn sách nói về những động lực vô hình ẩn sau các quyết định theo bản năng của con người, từ đó giúp ta trở nên lý trí, để đưa ra những lựa chọn xác đáng hơn.

Trạm mời các bạn tìm đọc./.

 

Tags: