Điều mà ít người biết là nhiều người bị mù bởi bức xạ từ Mặt trời ngay cả khi không nhìn chằm chằm vào nó. Đốt cháy võng mạc không phải là cách duy nhất Mặt trời có thể làm hỏng đôi mắt của chúng ta.
Theo khảo sát của Tổ chức Vision Council, thế hệ Millennials (phần lớn những người sinh từ năm 1911 đến 1996) là những người ít khi “luôn luôn hoặc thường xuyên” đeo kính râm nhất. Trong báo cáo về những phát hiện này, Vision Council tiếp tục khiển trách thế hệ Millennials, và bất kỳ ai không bảo vệ mắt của mình trước ánh nắng mặt trời. Vision Council là một tổ chức phi lợi nhuận và họ lập các bản đồ về các thành phố ở Mỹ có bức xạ tia cực tím (UV) mạnh nhất (số một là San Juan, hai là Honolulu, ba là Miami - không có gì ngạc nhiên; mặc dù vậy, hãy nhớ là bạn vẫn có thể bị thiêu đốt ở Seattle).
Năm 2015, Vision Council đã công bố một “Báo cáo Chống UV” hào nhoáng có tựa đề “Bảo vệ mắt: Kính râm là một nhu cầu sức khỏe.” Báo cáo này cũng có một con số thú vị: “Dù 65% người Mỹ trưởng thành xem một cặp kính râm là phụ kiện thời trang khi ra ngoài, chúng cũng là một vật dụng thiết yếu cho sức khỏe.” Tổ chức đó cũng kêu gọi tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế Kính râm (ngày 27 tháng Sáu, có thể bạn đã biết rồi).
Đến lúc này, thật không ngạc nhiên khi thấy nội dung sau được in với cỡ chữ nhỏ xíu: sứ mệnh của tổ chức là “đại diện cho các nhà sản xuất và cung cấp của ngành công nghiệp quang học”.
Vì vậy, Vision Council, dù nghe giống như một hội đồng các chuyên gia sức khỏe, thực chất là một tổ chức thương mại. Các nguồn thông tin sức khỏe dường như dành cho cộng đồng và có căn cứ (và không mang tính tiếp thị hoặc tuyên truyền) của nó đứng hàng đầu trong các kết quả tìm kiếm Google về bức xạ UV và bảo vệ mắt. Tìm câu trả lời khách quan cho những vấn đề sức khỏe bằng Google giống như nhặt một tờ rơi quảng cáo ở ga tàu điện ngầm. (“Tại sao bạn lại dọn dẹp như vậy?” “Tôi đã đọc về nó trong một tờ rơi tìm thấy trên sàn tàu điện ngầm.”)
Tất nhiên, mặc dù cách tiếp cận với mục đích hàng đầu là bán kính làm cho Vision Council khác biệt cơ bản với một tổ chức có mục đích hàng đầu là cung cấp sự thật, thông tin của họ không hẳn là không chính xác. Ví dụ, đúng là khi các vết cháy nắng xuất hiện trên bề mặt của mắt, chúng được gọi là viêm giác mạc ánh sáng (ánh sáng gây viêm keratin, thành phần tạo nên giác mạc). Bức xạ UV cũng có thể gây ra các mảng đổi màu, được gọi là mộng mắt, xuất hiện trên bề mặt mắt của một người.
Đặc biệt, tia UV gây đục thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới. WHO, một nguồn thông tin y tế tốt hơn, ước tính mỗi năm đục thủy tinh thể khiến 12 đến 15 triệu người trở nên mù lòa. Theo WHO, chỉ có 20% trong số này “có nguyên nhân hoặc bị tăng nặng lên” do ánh nắng mặt trời. Nhưng khi tầng ozone mỏng dần, mỗi năm lại có nhiều bức xạ cực tím hơn tác động tới da và mắt của chúng ta. Theo ước tính của Vision Council, suy giảm tầng ozone 10% có thể làm gia tăng 1,75 triệu người mắc đục thủy tinh thể mỗi năm. Vì vậy, ngay cả khi con số này ít hơn một triệu, hãy kỷ niệm Ngày Kính râm vui vẻ.
- Trích cuốn sách “Lắng nghe cơ thể - Những câu hỏi về sức khỏe bạn chưa hề nghĩ đến” - James Hamblin -