Điều gì kìm hãm chúng ta?
Điều gì kìm hãm chúng ta?
Từ chốn công sở truyền thống đến các công ty khởi nghiệp hiện đại, những người giỏi nhất sẽ nhận được phần thưởng khổng lồ, trong khi những người chỉ kém họ một chút thì nhận phần tầm thường hơn nhiều.
Think Big - Bước Chuyển Thần Kỳ Trong Sự Nghiệp Bắt Đầu Từ Nghĩ Lớn
(4 lượt)
Mơ lớn thì dễ, nhưng biến chúng thành hiện thực thì lại khó. Định hướng công việc ngày nay rất phức tạp, và các kỹ năng chúng ta cần có thì luôn thay đổi chóng mặt. Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ và quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng đang định hình những loại công việc đặc thù trong từng giai đoạn nào đó. Ngày càng nhiều người trong chúng ta nhận thấy nơi mình làm việc giống như một đấu trường mà “người thắng được tất”. Từ chốn công sở truyền thống đến các công ty khởi nghiệp hiện đại, những người giỏi nhất sẽ nhận được phần thưởng khổng lồ, trong khi những người chỉ kém họ một chút thì nhận phần tầm thường hơn nhiều.

Phấn đấu đến vạch đích cụ thể nào đó là một hành trình mệt mỏi, tuy nhiên mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn làm việc chăm chỉ nhưng không có phương hướng hoặc mục tiêu trong đầu. Để thành công, nhiều người trong chúng ta hy sinh cả việc chăm lo cho bản thân. Chúng ta bỏ lỡ các sự kiện gia đình, lờ đi các buổi khám sức khỏe, quên béng các dịp đặc biệt và nhiều điều khác nữa. Nếu chấp nhận đánh liều với sức khỏe và hạnh phúc, vậy chắc hẳn chúng ta phải được khen thưởng tương xứng với tầm ảnh hưởng, kỹ năng, năng lực và tài năng của mình chứ? Nếu không, những rủi ro mà chúng ta đang gánh đâu có được đền bù xứng đáng.

Thế là chúng ta nỗ lực và nâng cao kỹ năng của mình. Những kỹ năng mới này tạo ra một điều tuyệt vời nào đó: Nghiên cứu đột phá, chiến lược sáng tạo hoặc một sản phẩm giúp mọi người đều được hưởng lợi. Và rồi chúng ta cũng được tưởng thưởng hậu hĩnh. Đúng chứ?

Thật không may, quá trình xác định ai nhận phần thưởng gì, và tại sao lại thế lại không mấy chính xác và thường không công bằng. Những sản phẩm mới mẻ tuyệt vời vẫn thất bại hằng ngày, những tài năng thực sự không được chú ý, những đổi mới có giá trị bị gạt sang một bên. Những thiên kiến nhận thức thường là lý do khiến ý tưởng của chúng ta lung lay và sự nghiệp bị đình trệ. Chúng có thể ảnh hưởng đến bạn và sự nghiệp của bạn hết lần này đến lần khác, hay thậm chí tác động trắng trợn đến mức khiến bạn phát khóc. Thật khó chịu khi những người có ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn lại bộc lộ những điểm mù khiến tiến trình ấy thêm dài hơn – thậm chí là tệ hơn – và kém thú vị hơn. Bạn thấy nản chí khi những câu chuyện kiểu “ở đây thì phải làm thế” cản trở những ý tưởng đổi mới của mình, hoặc lãng phí thời gian vào những cuộc thảo luận liên tu bất tận nảy sinh bởi tệ quan liêu, cứng nhắc, và thói vận động hành lang. Bạn cảm thấy bực bội khi chứng kiến thiên kiến cản trở tiến trình sự nghiệp của những người thông minh phi thường chỉ vì họ không học ở những ngôi trường hàng đầu, không có mạng lưới quan hệ phù hợp hoặc không có ngoại hình hợp nhãn.

Nhưng thiên kiến nhận thức không chỉ liên quan đến các đối tượng xung quanh – ảnh hưởng của những thiên kiến đó không gói gọn trong hành động (hay hành vi thụ động) của người khác. Tự chúng ta cũng có những thiên kiến nhận thức kìm hãm chính mình.

Bạn nghĩ mình là người ra quyết định tốt. Bạn luôn suy nghĩ kỹ lưỡng về những lựa chọn đưa ra. Bạn không cho phép cảm xúc lấn lướt lý trí. Bạn khá logic, đúng chứ?

Sai rồi.

Khoa học hành vi khẳng định rằng, trong hầu hết thời gian, việc ra quyết định của chúng ta thường xuyên bị cản trở bởi thiên kiến và điểm mù nhận thức, bất kể chúng ta đã cân nhắc thấu đáo đến đâu. Chúng ta tin rằng bản thân đang hành động có mục đích trong khi sự thực không phải như vậy. Chúng ta không lý trí như mình tưởng đâu.

Làm thế nào mà những thiên kiến nhận thức lại kìm hãm chúng ta trong công việc? Để tôi lấy ví dụ nhé, với những ai đang làm việc trong công ty lớn, hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn không định tự đề bạt mình vào năm tới. Có phải vì bạn không đáp ứng được hết các yêu cầu đề ra, hay vì (trong hầu hết các trường hợp) các tiêu chí thăng chức không rõ ràng và bạn muốn đảm bảo rằng mình vượt trội hơn hẳn những tiêu chí đó?

Thử lùi lại một bước nào. Quyết định lý trí lúc này là gì đây?

Nếu là người lý trí, tôi muốn nhận được những lợi ích từ việc thăng chức càng sớm càng tốt. Tôi muốn có thêm thu nhập, địa vị, và không muốn mất thì giờ vào những việc lặt vặt nữa. Trong trường hợp các tiêu chí không rõ ràng, vậy chẳng phải tôi càng nên nhắm đến việc thăng chức sớm hơn sao? Tôi nên nắm lấy cơ hội mới phải chứ?

Nhưng có lẽ tôi đang quá áp lực với cái giá phải trả khi bị từ chối.

Nếu bạn thấy chuyện này giống với tình huống của mình thì đó là vì thiên kiến nhận thức đang kìm hãm bạn đấy. Bạn đang đánh giá quá cao cái giá của việc bị từ chối (cảm giác đau đớn, xấu hổ, v.v.) và đánh giá quá thấp lợi ích của khả năng thành công.

Đối với hầu hết mọi người, nỗi lo sợ bị từ chối khủng khiếp đến nỗi chúng ta không dám ra quyết định thường xuyên, điều đáng lẽ chúng ta nên làm. Chúng ta lo mình bị chối bỏ, lo đến mức không dám nghĩ đến việc đối mặt với điều đó. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của việc bị từ chối không tệ như chúng ta nghĩ. Và chưa kể sau cơn mưa trời còn sáng hơn nữa mà. Với tôi, sau mỗi lần bị từ chối, thường tôi sẽ ngồi nhấm nháp một ly vang đỏ thượng hạng cùng một ít sôcôla để động viên bản thân trước khi thử lại lần nữa. Điều quan trọng hơn cả là, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ việc cố gắng và thất bại. Đó chính là kinh nghiệm sống, không chỉ từ bản thân việc cố gắng và thất bại, mà còn là việc rút kinh nghiệm từ đó.

Để tôi nêu một ví dụ khác nhé. Bạn ghét công việc hiện tại và mơ ước thành lập một doanh nghiệp? Có thể bạn đang ấp ủ ý tưởng về một sản phẩm tuyệt vời, nhưng lại toát mồ hôi lạnh khi nghĩ đến viễn cảnh không còn nhận được khoản lương tháng đều đặn nữa. Thế là bạn tiếp tục ngày ngày đi làm, và mơ hồ lo lắng niềm đam mê thực sự đang lướt qua mình.

Đây có phải là suy nghĩ lý trí? Bạn có nhìn nhận quyết định này theo kiểu được ăn cả ngã về không? Bạn có đánh giá thấp cái giá phải trả của sự hối tiếc? Bạn có tính đến cái giá của những câu “giá mà” khi đã 80 tuổi mà vẫn chưa theo đuổi ước mơ của mình? Bạn thấy không, tự chúng ta cũng có những thiên kiến nhận thức kìm hãm chính mình. Trên thực tế, với hầu hết mọi người, đây là vấn đề mấu chốt. Nếu soi xét bản thân công bằng, tôi sẽ đặt cược ở tỉ lệ 80 (do tôi): 20 (do người khác). Tôi bị mắc kẹt với các dự án quá lâu khi đáng lý tôi phải dẹp bỏ chúng đi. Điều này khiến tôi trở thành nạn nhân của ảo tưởng chi phí chìm, đó là xu hướng tiếp tục thực hiện dự án chỉ vì tiếc các nguồn lực đã đầu tư trước đó. Tôi cũng đã đánh giá thấp thời gian cần thiết để thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản và trở thành nạn nhân của ảo tưởng lên kế hoạch, thứ sẽ ngóc đầu vùng dậy khi chúng ta tin rằng các mục tiêu mình theo đuổi sẽ luôn diễn ra trong tình huống khả quan nhất. Ở nhiều giai đoạn trong sự nghiệp, tôi còn cảm thấy mình hệt một kẻ giả tạo khi cố gắng thể hiện bản thân, mặc dù tôi có đủ bằng cấp và kinh nghiệm để có thể tự tin nêu ra quan điểm. Điều đó nói lên một điều là, ngay cả những người nhận thức được hội chứng kẻ mạo nhận cũng dễ dàng rơi vào cái bẫy này. Tôi cũng đã trì hoãn rất nhiều lần (kể cả việc viết cuốn sách này), để tránh cảm giác đau thấu tâm can khi thất bại hoặc bị từ chối.

Bản thân chúng ta là một phần nguyên nhân khiến cho tiến trình sự nghiệp bị kéo dài, bị va vấp, chững lại, đảo ngược và thậm chí lao tới mép vực rất nhiều lần. Khi nhận ra thực tế đó, chúng ta sẽ cảm thấy như được giải phóng. Việc thừa nhận nhiều khả năng chính những thiên kiến của bản thân đang kìm hãm chúng ta sẽ cho phép chúng ta trở nên chủ động hơn. Nếu nhìn vào tỉ lệ ở trên, tôi có thể kiểm soát đến 80% những thiên kiến nhận thức đó, điều ấy sẽ tác động rất lớn đến việc sự nghiệp của tôi tiến triển như thế nào. Và điều ấy cũng đúng với bạn – mặc dù tỉ lệ của bạn có thể khác hơn chút.

Kể từ hôm nay, tôi muốn bạn kiểm soát hành trình sự nghiệp của mình và áp dụng những hiểu biết khoa học hành vi để xác định và theo đuổi mục tiêu mới tương ứng với việc nghĩ lớn, hoặc vượt qua vạch đích và hiện thực hóa giấc mơ đã ấp ủ lâu nay.

Bài viết được trích lược từ cuốn Think Big - Bước Chuyển Thần Kỳ Trong Sự Nghiệp Bắt Đầu Từ Nghĩ Lớn của tác giả Grace Lordan do Phương Nam Books phát hành tại Việt Nam.

Tags: