Nếu một đêm đông có người lữ khách
Nếu một đêm đông có người lữ khách
Đây là một tác phẩm của những sự khởi đầu, là một tập hợp bao gồm mười sự khởi đầu của mười cuốn tiểu thuyết khác nhau mà bạn không bao giờ biết được phần kết.

“Nếu một đêm đông có người lữ khách” là tác phẩm mới nhất của Italo Calvino được chuyển ngữ sang tiếng Việt, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ tác phẩm này từ bản tiếng Anh (của William Weaver), và là tác phẩm thứ ba của Italo Calvino có văn bản bằng tiếng Việt, sau hai cuốn “Palomar” và “Nam tước trên cây”.

 

Italo Calvino đã mở đầu tác phẩm bằng một câu mang tính chế giễu: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách’ của Italo Calvino.” Một lời mở đầu khá lạ thường được tiếp sau đó bằng một màn trình bày ấn tượng về những thể loại sách được Calvino phân loại dựa trên góc nhìn của độc giả. Bạn sẽ không khỏi bật cười trước những tên gọi hài hước về các dạng sách, như dạng Sách Bạn Không Cần Đọc, Sách Bạn Chưa Mở Ra Thì Cũng Đã Đọc Rồi Bởi Vì Chúng Thuộc Loại Sách Chưa Viết Ra Thì Người Ta Đã Đọc Rồi, Sách Bạn Cũng Có Ý Đọc Nhưng Có Những Sách Khác Bạn Phải Đọc Trước Đã, hoặc là dạng Sách Hiện Giờ Quá Đắt Nên Bạn Sẽ Chờ Đến Khi Nào Chúng Được Bán Hạ Giá, v.v.. Một đoạn mở đầu thú vị, và rồi bạn cũng tới được phần bạn mong muốn, cuốn tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” hiện ra ở chương tiếp. Khi đọc được một lúc, bạn đang băn khoăn chưa kịp hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp thì đùng một cái, thế giới của những con chữ lôi bạn đến một vùng không gian khác, cái không gian của chương đầu tiên mà bạn, một người đọc, là nhân vật chính. Tới đây, nhân vật chính, tức là người đọc, cũng tức là bạn, phải đi làm một chuyện rất đỗi thường tình là chạy ù ra nhà sách để mà đổi lại cuốn khác, rồi bạn nhận ra rằng cuốn “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này bị nhầm lẫn với một cuốn khác, và bạn sau đó bị lôi vào một cuốn khác, cuốn “Ở ngoại vi thành Malbork”. Bằng lối dẫn chuyện tương tác, Italo Calvino đã lôi độc giả từ vùng không gian này sang vùng không gian khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện nọ, từ “Nếu một đêm đông có người lữ khách” sang “Ở ngoại vi thành Malbork”, rồi đến “Cúi mình trên triền dốc”, v.v. làm bạn có phần hoang mang, tự hỏi rằng chuyện này bao giờ mới kết thúc, và cái cuốn Sách Bạn Cần Đọc Mà Nó Chả Bao Giờ Hiện Ra đến khi nào nó mới hiện ra.

 

Tác giả Italo Calvino

Đây là một tác phẩm của những sự khởi đầu, là một tập hợp bao gồm mười sự khởi đầu của mười cuốn tiểu thuyết khác nhau mà bạn không bao giờ biết được phần kết. Mười mảnh rời này được nối lại với nhau thông qua một câu chuyện mà trong đó bạn như là một người lữ khách đang làm cái công cuộc đi tìm một tác phẩm hoàn chỉnh, một văn bản thực thụ mà nó có vẻ như đang lẩn khuất đâu đó. Bằng phong cách hậu hiện đại, Italo Calvino đã phá vỡ mọi quy củ, mọi nét quen thuộc có được trong một cuốn tiểu thuyết truyền thống. Bên trong cuốn tiểu thuyết này lại xuất hiện những cuốn tiểu thuyết khác, rồi lần lượt mỗi cuốn tiểu thuyết xuất hiện bên trong đó lại bị ngắt quãng, việc ngắt quãng đó có chức năng như là một lối ẩn dụ mở rộng cho cái mỏng manh của sự bỏ lửng trong giao tiếp văn chương.

 

“Nếu một đêm đông có người lữ khách” là một tác phẩm hư cấu, nhưng lại có lối hành văn như thể nó là tập hợp của những bài tiểu luận. Thông qua một câu chuyện hư cấu về những câu chuyện hư cấu khác, Italo Calvino còn lồng vào đó những đoạn triết lí thâm trầm về sự đọc, sự viết, về vai trò của độc giả, của tác giả, và của sách. Ở đây, cái lằn ranh phân chia giữa độc giả, tác giả, nhân vật gần như bị xoá bỏ, người đọc cũng chính là nhân vật chính, còn tác giả cũng chính là người đọc. Có thể nói tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này của Italo Calvino là một ví dụ tiêu biểu cho ý niệm “tác phẩm mở” mà Umberto Eco đã nêu ra vào năm 1962 trong tác phẩm Opera aperta (Tác phẩm mở) của mình, rằng những thông điệp trong những tác phẩm hoàn toàn mập mờ và những người thưởng thức tác phẩm, tức những người đọc, phải tham gia một cách chủ động hơn vào quá trình diễn giải và sáng tạo.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Blog Chiếc Nón

Tags: