Nếu bạn chỉ sống một lần trong đời THÌ SAO?
Nếu bạn chỉ sống một lần trong đời THÌ SAO?
Chúng tôi xin giới thiệu phần cuối của loạt bài "Vì sao ta cần sống hiện sinh" của Cameron Shingleton – Tiến sĩ Triết học tốt nghiệp tại Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây. Anh là tác giả của cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt và là một cộng tác viên thân thiết của Trạm Đọc.

Việc chúng ta có mặt trên cuộc đời này là bị động; còn việc sống thế nào thì còn tùy, chủ động với nó hay vẫn tiếp tục với sự bị động? Sống hiện sinh có phải là một giải pháp cho những ai đang muốn chủ động “nhảy múa” trên cuộc sống đã trót bị, hoặc được trao cho này?

Ở bài viết trước, TS Cameron đã đưa ra một cảnh toàn về chủ nghĩa hiện sinh: http://bit.ly/2Yef3J6 Nhưng để trả lời câu hỏi đặt ra một cách sâu sắc hơn và cũng để não bận rộn hơn chút đỉnh, chúng ta có thể đi vào từng cảnh cận đã được Cameron zoom vào: Chủ nghĩa hiện sinh và cơ thể, thời khắc hiện tại, tình yêu, cái chết, văn hoá VN… Nhạc đã nổi lên rồi. Hãy bắt đầu nhảy vào cảnh cận đầu tiên.

Bài 1: Cơ thể

Bài 2: Thời khắc hiện tại

Bài 3: Tình yêu

Bài 4: Cái chết

Cuối cùng, vài ba từ về chủ nghĩa hiện sinh từ góc nhìn Việt Nam. Bạn chắc đã đoán trước được - tư tưởng này mâu thuẫn với đa số cách suy nghĩ truyền thống của người Việt, với nhiều xu hướng trong xã hội Việt Nam hiện đại nữa. Một mặt, nó không hoà hợp được với đạo ông bà. Mặt khác, nó đi ngược chiều chủ nghĩa lãng mạn có thể coi là tư tưởng không chính thức của nhiều người Việt Nam trẻ. Rõ ràng không kém, nó hoàn toàn trái nghĩa với việc sùng bái đồng tiền quyền năng, xu hướng đặt sự thành công vật chất trên tất cả các giá trị căn bản khác; chắc trong mắt một người theo chủ nghĩa hiện sinh, cái “chủ nghĩa" trái ngược nó hoàn toàn là chủ nghĩa tiêu thụ - theo đó giá trị của một con người được xác định theo những gì họ có khả năng mua - là đặc điểm của kiểu người có nhiều sự tự do lựa chọn mà chỉ biết thể hiện sự tự do đó bằng cách mua vật dụng tiêu dùng càng đắt tiền càng tốt.

Chủ nghĩa hiện sinh trên nhiều khía cạnh trái ngược với bản sắc văn hoá Việt Nam là đúng, nhưng không thể nói mỗi một sắc thái của văn hoá người Việt đều không hoà hợp được với nó.

Lý tưởng sống của nhiều người theo đạo Phật, cả Phật Giáo nguyên thuỷ lẫn hiện đại, cũng là cuộc sống quy mô nhỏ, không quá gắn bó, nhất là không tham đắm tiền tài, danh vọng, dục lạc. Một ví dụ có thể gây ngạc nhiên là những tác phẩm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh; sư thầy này thậm chí đề ra một PHƯƠNG PHÁP để ăn ở với thời khắc hiện tại khá trong tinh thần chủ nghĩa hiện sinh.

Bài tập luyện hít thở trong chánh niệm của tác giả không khác gì một chiến lược để giúp ta để qua một bên tất cả nỗi lo vô ích về quá khứ và tương lai, tất cả những ý kiến vặt vãnh của người khác về ta. Nhưng cũng có sự khác biệt giữa hai lối suy nghĩ rõ ràng: khó mà tưởng tượng một người coi trọng cách hành xử tự do, sự liên kết tự do trong cảm xúc của mình, có thể chấp nhận sự nghiêm khắc trong việc tập trung vào thời khắc hiện tại như Thích Nhất Hạnh đề nghị.

Bạn muốn tìm những dẫn chứng liên kết của chủ nghĩa hiện sinh với lịch sử văn hóa Việt thì có thể đọc lại những bài thơ của mấy vua nhà Trần thoái vị về già để thực thiền. Những tác phẩm “quy mô nhỏ" này thường tái hiện một, hai hình ảnh từ góc độ khác lạ, chúng vẽ trước mắt người đọc những cảnh tự nhiên mơ hồ. Nhưng thông điệp tác giả tự nhắc nhở vẫn rõ ràng: ta phải đắm chìm trong thời khắc hiện tại, bất chấp tính chất trống rỗng, mong manh, phù du của nó.

Đi sâu hơn nữa vào lịch sử văn hoá Việt thì có thể quay lại với Lão Giáo là một cách suy nghĩ nhấn mạnh sự tự do cá nhân, tính vui vẻ vô tư và trước hết tầm quan trọng của việc phá cách với những mẫu suy nghĩ thông thường. Thậm chí có thể nhận ra sự giống nhau mờ nhạt giữa chủ nghĩa hiện sinh và một nhân vật mà thoạt nhìn có vẻ như không có điểm chung nào với mấy anh hùng phản diện của Camus và Nietzsche. Mới đây tôi đọc lại bản tóm tắt Luận Ngữ của Khổng Tử thì thấy có điểm so sánh không nhầm lẫn được:

“Khổng Tử tránh nói trực tiếp về những vấn đề có tầm siêu hình. Vì thế theo ý ông cái chết là chủ đề không cần thiết gây xúc động hay bất an, nó không nằm trong trục tham chiếu có ý nghĩa đặc biệt nào. Tuyệt nhiên không phải Khổng Tử không thương xót người chết sớm: ‘Lúa thì có những loại tươi tốt nhưng không có bông; có những loại có bông nhưng không ăn được, thực tế vẫn có những điều như vậy.’ Nhưng: ‘Sớm mai nghe được đạo, đến chiều chết cũng vui.’ Cái chết không phải điều chúng ta phải kinh hoàng: Con chim sắp chết hót lời đau buồn; con người sắp chết nói lời thật lòng.’ Việc đặt câu hỏi về cái chết thật hoài công: ‘Việc của người còn chưa rõ, sao lại đi tìm hiểu việc ma quỷ?’”

Đến mức Khổng Tử đặt nền tảng cho một trật tự xã hội đẳng cấp, định nghĩa các mối quan hệ xã hội theo bổn phận nhất định (như mối quan hệ vợ chồng hay giữa nhà vua và thần dân) thì có thể được coi là ông tổ của tư tưởng phong kiến chính thống. Nhưng hình như cách suy nghĩ của ông ấy có “mặt trái” cũng phù hợp với một số phong trào tri thức, và ngay cả một số phong cách sống, rất hiện đại như chủ nghĩa hiện sinh. Cách ông ấy quyết tâm từ chối “tô điểm” cuộc sống hay cái chết với màu sắc những ý nghĩa siêu hình là một ví dụ quan trọng.

Nhưng cũng có một xu hướng trong cách suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam có điểm chung với chủ nghĩa hiện sinh. Công nhận từ YOLO (tức “you only live once" - bạn chỉ sống một lần trong đời) giống khẩu hiệu hơn nguyên tắc sống, nhưng nó vẫn nắm bắt một khía cạnh quan trọng của “nhân sinh quan hiện sinh".

YOLO được coi như là phương châm của những người muốn duy trì cảm giác tự do, cởi mở, vui tính đến vô tư, bất chấp tất cả các áp lực từ phía xã hội. Và chính chủ nghĩa hiện sinh cũng vậy.

Cuối cùng có thể nói chủ nghĩa hiện sinh không chỉ là hệ thống triết học mà còn là sự quyết tâm làm hai điều: Một là yêu đời bất chấp (hay chính vì) cái vô lý, gò bó của nó. Hai là dẹp bỏ những quy định, sự ép buộc tập thể giúp chúng ta tự che giấu cái bản chất đáng bồn chồn của cuộc sống, sau đó tự tạo ra ý nghĩa hiện thời của chính mình.

Hay nói cách nên thơ hơn một chút là nhảy múa với một đôi chân nhẹ nhàng mặc cho nỗi muộn phiền khôn kham của cuộc sống với sự vô nghĩa bủa vây quanh nó.

Bạn thực sự (theo chủ nghĩa hiện sinh) chỉ sống một lần trong đời. Vậy thì phải sống táo bạo, quyết tâm, theo những quy tắc của riêng bạn, chân thành với những sự thật đúng với riêng bạn, khỏi đòi hỏi người khác phải tuân theo, khỏi yêu cầu cuộc đời phải có ý nghĩa cao cả hay cuối cùng. Bạn phải can đảm theo kiểu của những người mà công nhận cuộc sống của con người là phù du, tựa như việc xây ngôi nhà trên cát những giá trị con người thôi.

Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây

Cameron Shingleton

Tags: