Tôi đã hẹn hò Shannon được vài tháng, và tôi biết mình cần phải thổ lộ tình cảm với em. Nhưng tôi không thể. Không phải như bạn nghĩ đâu, tôi thực sự chẳng hồi hộp hay do dự về cảm xúc của mình. Chỉ là, tôi không nói được.
Thực tế là vậy. Phổi và thanh quản của tôi không tạo ra đủ áp lực và độ rung cần thiết để nói ra mớ suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu. Tôi không thể nói với Shannon về bất cứ chuyện gì – từ thời tiết hôm nay thế nào cho đến việc tôi muốn thú nhận rằng em trông đẹp ra sao. Tệ nhất là không thể nói ra 3 từ, 8 chữ ngắn ngủi: “Anh yêu em”.
Tôi chưa bao giờ gặp khó khăn đến thế trong những mối quan hệ trước đây, với những người phụ nữ tôi yêu tha thiết (hoặc không). Các cô ấy nghe thấy giọng nói của tôi mỗi ngày, nhưng sẽ không bao giờ biết được tôi đang thực sự nghĩ gì. Họ sẽ chẳng ngờ rằng phía sau vẻ tràn đầy sinh lực, cơ thể tôi đang phải vật lộn khốn khổ ra sao để hoạt động một cách bình thường. Đó là những ngày mà tôi vẫn có thể đi hẹn hò, cùng tám chuyện qua điện thoại hay lái xe qua nhà bạn gái để làm một giấc ngủ đêm.
Nhưng qua thời gian, sức khỏe của tôi dần giảm sút. Căn bệnh Lyme quái ác đã làm trầm trọng thêm Hội chứng mệt mỏi kinh niên mà tôi đang mắc – một căn bệnh viêm đa cơ có thể khiến người bệnh mất khả năng nói hoặc ăn trong hàng năm trời.
Giờ tôi 29 tuổi và đã phải chống chọi với chứng bệnh này trong gần một thập kỷ. Ba năm nay tôi nằm liệt giường, dành phần lớn thời gian là câm lặng và không thể ăn thực phẩm dạng rắn. Dù từng là một vận động viên thể hình dành hàng tiếng đồng hồ để tập luyện mỗi ngày, cuối cùng tôi cũng không chống chọi lại được thực tế rằng sức khỏe của mình đã bị suy giảm đến mức khủng khiếp. Không thể chăm sóc được cho bản thân, tôi buộc phải gác lại mọi kế hoạch yêu đương, cưới xin và hàng trăm thứ khác trong khi chờ sức khỏe ổn định hơn.
Và ngay lúc ấy, Shannon đã bước vào đời tôi.
Em sống tại Ottawa, cách nhà tôi đến 2.000 dặm. Chúng tôi gặp gỡ nhau qua mạng – một chuyện thường tình trong xã hội ngày nay, nhưng không ai trong hai đứa có thể tiên liệu được mối quan hệ này rồi sẽ ra sao. Chúng tôi chỉ đơn thuần là hai kẻ yêu nhau, chỉ đặc biệt ở chỗ, đang cùng bị ốm nặng.
Shannon cũng ở hoàn cảnh giống như tôi. Thậm chí cô ấy còn bị mắc chứng này từ khi còn nhỏ. Dù vẫn có khả năng nói chuyện, nhưng đổi lại Shannon phải vật lộn với chứng buồn nôn và gặp vấn đề với việc tiêu hóa thức ăn. Em thường xuyên bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng chưa đầy 45 kg dù cao gần 170 cm. Căn bệnh còn làm cả hai chúng tôi bị giảm lưu lượng máu, dẫn đến việc Shannon hầu như rất khó đi lại mà không bị ngất xỉu, còn tôi luôn cảm thấy đau đớn và mệt mỏi mỗi khi ngồi dậy từ giường ngủ.
Vì mất khả năng di chuyển, cách duy nhất giúp chúng tôi có thể gặp gỡ là Shannon phải đi xuyên lục địa để đến tận California này. Mặc dù em luôn sẵn sàng mạo hiểm với sức khỏe của mình để đến thăm tôi, chúng tôi thường chỉ có thể gặp nhau vài lần mỗi năm. Mỗi khi có cơ hội bên nhau, chúng tôi thường dành hàng tuần nằm trên giường, ôm lấy nhau, như thể hai mảnh đĩa vỡ đang cố ghép lại cho lành lặn. Và vì tôi không thể nói, nên tin nhắn vẫn là hình thức liên lạc của hai đứa, dù chỉ cách nhau chưa đầy 5cm.
Quãng thời gian đó giống như một giấc ngủ dài - mộng mị và siêu thực - khi tôi và em cùng ở trong một tình cảnh khốn khổ đến mức có thể làm nhiều người nổi da gà, nhưng lại thật bình yên khi nhận ra đối phương luôn ở bên cạnh và đang cùng mình vượt qua điều đó.
Nhưng mỗi chúng tôi lại có những trải nghiệm khác nhau về căn bệnh. Shannon có thể nhanh chóng thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, và trong một ngày đẹp trời nào đó còn nấu cả đồ ăn sáng. Còn tôi, trái ngược hoàn toàn, phải thực hiện mọi công đoạn đó trên giường: đánh răng, tắm rửa, đi tiểu vào một cái túi nhựa và trong nhiều ngày nào đó, đi cầu với một cái thùng nhựa kỳ dị được nối với xô chất thải dưới sàn. Đó là những khoảnh khắc không mấy lãng mạn, nhưng không thể tránh khỏi trong cuộc đời – của tôi và của Shannon khi bên nhau.
Ban đầu, tôi xấu hổ đến mức bắt Shannon phải quay mặt đi và bảo em đừng nghĩ đến việc tôi đang đi tiểu chỉ cách em vài xăng-ti-mét, trong khi chỉ vài giây trước đó chúng tôi còn đang ôm hôn đắm đuối. Nó chẳng thể đẹp như những phút giây nũng nịu trên giường – điều mà cả hai chúng tôi từng trải nghiệm khi còn khỏe mạnh, nhưng sự thật rằng Shannon chưa bao giờ buồn phiền về tình trạng của tôi đã khiến tôi yêu thương và trân trọng cô ấy nhiều hơn.
Tôi nhớ lại những cuộc tình ngày xưa, khi các cô bạn gái luôn tỏ ra khó chịu ngay từ những điều bất tiện nhỏ nhặt nhất: Một người dọa sẽ chia tay vì râu tôi cạo làm tắc bồn rửa mặt của cô ấy; một người khác đổ lỗi cho chứng mất ngủ của tôi khi yêu đương không thành. Những cuộc tình dở dang ấy nhắc tôi nhớ rằng giữa hai con người sẽ chẳng bao giờ có sự hòa hợp tuyệt đối, nhưng tình yêu cũng có thể vượt qua mọi trở ngại khó khăn một khi bạn đã tìm được người tri kỷ.
Khi tôi và Shannon mới quen nhau như những người bạn đồng cảnh ngộ, tôi từng hỏi em rằng: “Em có nghĩ hai người bệnh có thể ở bên nhau không?”
“Có chứ” - cô đáp lời. “Em nghĩ khi ấy hai người sẽ vừa gặp lợi thế, lại vừa gặp khó khăn”.
“Anh nghĩ khó khăn là không người nào có thể chăm sóc cho em, vì họ cũng chịu bệnh tật”.
“Nhưng những lúc cô đơn cũng có ai chăm sóc anh đâu mà” - Shannon phản hồi ngay sau đó.
Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ về việc ấy – rằng hai kẻ ốm yếu có thể đến với nhau một cách hạnh phúc. Nhưng Shannon và tôi đã chăm sóc cho nhau, ở hai đầu lục địa, theo cái cách mà tôi chưa từng thấy trong đời. Tôi gọi đồ ăn về cho em khi tôi không thể cùng em nấu nướng. Và em không thể chăm sóc cho tôi, nhưng có thể tìm giúp tôi một người thông qua quảng cáo online. Chúng tôi chia sẻ sự đồng cảm giữa hai người bệnh, biết hôm nay người kia đã trải qua những đau đớn nào, hay thấy mệt mỏi ra sao khi cứ phải giải thích mãi cho bác sỹ về những triệu chứng vô hình, để lại đối mặt với sự hoài nghi. Và hiểu thật rõ cảm giác khi mình là kẻ bất động, tồn tại trong một thế giới vận động không ngừng.
Tất nhiên, chúng tôi chẳng thể hiểu hết về nhau. Chúng tôi không biết về con người trước kia của đối phương khi chưa bệnh tật. Cũng như không thể biết về con người mà hai đứa đáng lẽ sẽ trở thành nếu còn khỏe mạnh. Và quan trọng nhất, chúng tôi sẽ không bao giờ có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa – bằng lời.
Shannon chưa từng nghe thấy giọng nói của tôi. Em sẽ chẳng biết tôi đã chọc tức bao nhiêu gã nhân viên telesale hay bị quở trách bao nhiêu lần khi nâng ly và nói những lời chúc tụng chẳng ra hồn. Em chẳng thể cười khúc khích khi nghe tôi thì thầm bên tai, nói một câu đùa dí dỏm. Em chưa hề nghe thấy tôi thắc mắc, hay chia sẻ, hay thể hiện ý kiến của mình – với em, hay với bất cứ ai.
Và có thể em sẽ mãi mãi không bao giờ nghe được những điều đó. Em là người con gái đã chấp nhận yêu thương tôi vô điều kiện, chỉ bằng những ngôn từ ngắn ngủi tôi gõ trên điện thoại.
Tôi chưa từng yêu ai theo cái cách tôi say đắm Shannon. Tôi muốn nói rằng sự có mặt của em trong cuộc đời tôi quan trọng đến nhường nào. Tôi đã thử, và thử, dù chưa bao giờ thành công. Nhưng tôi không từ bỏ. Tôi cần phải nói cho em biết, trực tiếp, vì không hình thức diễn đạt nào có thể lột tả hết được tình cảm của tôi. Tôi từng nghĩ đến việc dùng ký hiệu bằng tay, nhưng trộm nghĩ biểu tượng trái tim có phần quá sến súa.
Vậy là tôi mở miệng và cố vận dụng hết sức lực. Thật ngạc nhiên, lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng ròng, tôi có thể nghe thấy những âm thanh phát ra từ trong miệng mình. Với quai hàm cứng đờ, tôi thì thầm qua hàm răng nghiến chặt: “Anh… yêu… em”.
“Gì cơ?” - em giật mình trả lời.
Tôi hít một hơi dài và cố quên đi cơn đau đớn khủng khiếp đang lan khắp hàm và cổ họng của mình. Nước bắt đầu trào ra trong khóe mắt tôi. Tôi lại thì thầm, bằng tất cả sức lực còn lại: “Anh… yêu… em”.
“Ôi, anh yêu” – Cô thở dài – “Em xin lỗi, em không hiểu anh nói gì”.
Tôi không dám chắc điều gì tệ hơn: cơn đau trong khoang miệng hay cảm xúc bất lực vì không thể nói nổi một tiếng yêu đơn giản. Sau bao khó khăn đã vượt qua để tìm được tình yêu của cuộc đời mình, vậy mà tôi chẳng thể nói với Shannon những điều mà em xứng đáng.
Nhưng may mắn đến bất ngờ, tôi đã không cần phải làm điều đó. Y như một cảnh bước ra từ bộ phim “Love Story”, em nắm lấy tay tôi, hôn tôi thật nhẹ nhàng và nói: “Anh không cần phải nói gì cả đâu. Em yêu anh!”
Nhiều tháng đã trôi qua, chúng tôi vẫn bên nhau hạnh phúc. Và tôi biết mình đã hiểu được vẻ đẹp của tình yêu đích thực, là khi mình cùng im lặng, để yêu nhau.
Theo The New York Times
Minh họa: Raphaëlle Martin
Vân Anh (biên dịch)