Việc chúng ta có mặt trên cuộc đời này là bị động; còn việc sống thế nào thì còn tùy, chủ động với nó hay vẫn tiếp tục với sự bị động? Sống hiện sinh có phải là một giải pháp cho những ai đang muốn chủ động “nhảy múa” trên cuộc sống đã trót bị, hoặc được trao cho này?
Ở bài viết trước, TS Cameron đã đưa ra một cảnh toàn về chủ nghĩa hiện sinh: http://bit.ly/2Yef3J6 Nhưng để trả lời câu hỏi đặt ra một cách sâu sắc hơn và cũng để não bận rộn hơn chút đỉnh, chúng ta có thể đi vào từng cảnh cận đã được Cameron zoom vào: Chủ nghĩa hiện sinh và cơ thể, thời khắc hiện tại, tình yêu, cái chết, văn hoá VN… Nhạc đã nổi lên rồi. Hãy bắt đầu nhảy vào cảnh cận đầu tiên.
Người theo chủ nghĩa hiện sinh có thể tiếc nuối vì phải chết, nhưng vẫn không sợ chết và nhất định không nghĩ rằng cái chết có ý nghĩa gì đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà câu phức tạp của Wittgenstein tôi trích dẫn trong phần thứ 2 về thời khắc hiện tại có câu đơn giản đi trước về cái chết: “Cái chết không phải là một sự kiện của cuộc đời, không phải điều chúng ta sẽ có trải nghiệm.”
Một mặt việc tôi (và những người tôi thương, tất cả mỗi người) phải chết là sự thật tôi phải công nhận rõ ràng: cái chết là điểm chấm dứt tuyệt đối của đời tôi. (Có thể nói một cách rất Việt Nam là “nghĩa tử là nghĩa tận" CHỈ CÓ NGHĨA ĐEN đối với người theo chủ nghĩa hiện sinh.) Mặt khác, cái chết không nên được quan trọng hoá. Tôi còn sống trên đời, còn thưởng thức thời khắc hiện tại, thì trong một ý nghĩa nào đó cái chết không dính dáng gì đến tôi: đời tôi chỉ có vẻ “quay về phía cái chết” khi tôi bắt đầu coi nó từ góc nhìn của tương lai.
Như trong trường hợp tình yêu, cái chết cũng là nguồn gốc của rất nhiều huyền thoại mà con người có xu hướng hiểu sai. Lý do những câu chuyện thần tiên này xuất hiện và được truyền ra là vì chúng giúp con người giảm bớt nỗi sợ chết. Chúng truyền thêm ý nghĩa vào một sự thật đối với người bình thường thật khó chịu (chuyện ta không sớm thì muộn phải chết), cũng có thể nói giúp ta giải quyết một điều nghịch lý trong cuộc đời con người: nếu ta coi cuộc đời từ góc nhìn của một cá thể hữu hạn thì khó có thể không khiếp sợ, còn nếu chỉ coi nó từ góc nhìn những niềm khát khao của mình thì tưởng mình có bản chất bất tử.
Thiên đường và địa ngục đều là hình ảnh đặt ý nghĩa cho cái chết; chúng bắt nguồn từ trí tưởng tượng của dân tộc có thể có nền văn hoá tinh tế, cổ kính, nhưng trình độ kiến thức sở nghiệm thấp. Chúng thể hiện một nhu cầu về công lý siêu hình - hình thức điển hình là quyền lực siêu nhân đứng bên ngoài cõi đời này, đủ khôn ngoan và quyền năng để bảo đảm là đau khổ bất công được bù lại trong một tương lai xa nào đó sau cái chết.
Nhưng để tôn giáo qua một bên đã, còn nhiều cách đa màu để truyền ý nghĩa “con người” hơn vào cái chết mà theo chủ nghĩa hiện sinh cũng không chấp nhận được. Việc sùng bái người vĩ đại đã mất hay chỉ thương nhớ ở “hương hồn" người thân đều truyền ý nghĩa nhất định vào cái chết, nhưng vẫn là cách đối mặt mà người theo chủ nghĩa hiện sinh từ chối. Đối với người này, không thể trông mong ai đó có giấc ngủ an yên trước cái nhìn kính cẩn của con cháu sau khi chết, vì sau khi chết cả cơ thể lẫn (cái hay gọi là) linh hồn bị loại trừ hoàn toàn. Cố gắng để có những hành động đủ xuất sắc để sống tiếp trong trí nhớ của những thế hệ tương lai cũng có gì đó yếu đuối với người theo chủ nghĩa hiện sinh vì lí do tương tự.
Đúng là mỗi cá nhân được sống tiếp bằng cách di truyền gen sang những thế hệ tiếp theo. (Chủ nghĩa hiện sinh tất nhiên sẽ không bác bỏ khám phá khá mới này của khoa học sinh học.) Nhưng sự thật được khoa học chứng minh này không thể lấy làm căn cứ cho giả thuyết nào về tâm hồn hay linh hồn bất tử. “Tâm hồn" theo chủ nghĩa hiện sinh là tên, mặc dù chính đáng nhưng mang tính ẩn dụ, người ta đặt cho một cái “chiều sâu" của ý thức về bản thân và nó chấm dứt khi từng cá nhân qua đời. Nó dứt khoát không phải tên của thực thể nào sống sót sau khi chết.
Bài học ở đây có thể tóm tắt lại thế này: cái chết là điểm chấm dứt hoàn toàn của mỗi một kinh nghiệm chủ quan và việc đối mặt với sự thật khó chịu này là một điểm đặc trưng của người sống táo bạo và tỉnh táo theo chủ nghĩa hiện sinh. Trái lại, việc đặt niềm tin vào giả thuyết hay câu chuyện nào khác là thiếu bản lĩnh, là một sự "nhắm mắt bịt tai" về mặt trí tuệ. Có thể nói những giả thuyết và câu chuyện này cũng là loại thanh chắn giúp ta chống lại chính sự bồn chồn do sự tồn tại hữu hạn của chúng ta gây ra.
Quan điểm khó nuốt là cái chết không có ý nghĩa siêu hình hay đạo đức được ẩn dụ đầy đủ trong tiểu thuyết Người Xa Lạ của Camus. Mersault, người xa lạ, gây xôn xao với thiên hạ (cũng có thể với đọc giả) vì không tỏ ra đau buồn sau khi mẹ già qua đời; khi bị thẩm vấn về sau, anh ta có vẻ miễn cưỡng công nhận là anh ta ước mẹ anh ta còn sống, vẫn không che giấu anh ta với mẹ không hiểu lòng nhau đã lâu rồi nên việc bà ấy mất không khiến anh ta than khóc nhiều.
Còn chuyện anh ta đối đầu với viễn cảnh mờ mịt anh sắp chết vào cuối câu chuyện thì khác hẳn, vừa xúc động vừa giản dị. Anh tá hỏa nhận ra cảm giác sầu muộn vì biết cái chết đã tới gần sẽ chấm dứt những giây phút vui thú của cuộc đời mà vẫn còn đang có sức hấp dẫn với anh. Nhưng anh không sợ, và nhất định không kinh hoàng. Khác với những tù nhân bị kết án tử hình khác, anh không cải đạo Thiên Chúa vào phút chót với hy vọng được tha thứ trong kiếp sau cho hành động liều lĩnh mà gây ra cái chết cho kẻ khác.
Cameron Shingleton