Nàng Vũ Công: Tuyển tập 3 truyện ngắn trữ tình kinh điển của Nhật Bản
Nàng Vũ Công: Tuyển tập 3 truyện ngắn trữ tình kinh điển của Nhật Bản

Mori Ôgai là một bác sĩ từng hoạt động trong quân đội Nhật Bản, ông là dịch giả các tác phẩm của những nhà văn lỗi lạc thời bấy giờ (như Goethe), nhà thơ và nhà văn nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị. Những tiểu thuyết của ông thường chứa đựng các câu chuyện buồn nhưng ngọt ngào, đầy thi vị. Trong đó ba truyện ngắn Nàng Vũ Công (1890), Truyện Người Phù Du (1890), và Người Đưa Thư (1891) là tam bộ tác trữ tình về nước Đức nổi tiếng, khẳng định mạnh mẽ cho khuynh hướng lãng mạn phương Tây trong sự nghiệp sáng tác của Mori nói riêng, và nền văn học Nhật Bản cận đại nói chung.

Mới đây 3 tác phẩm nổi bật này đã được Sakurabooks tập hợp gửi tới độc giả thông qua cuốn sách Nàng Vũ Công, tên sách cũng là tên truyện ngắn đầu tay làm nên tên tuổi Mori Ôgai. Không có bằng chứng xác thực chỉ ra đây là cuốn tự truyện về cuộc đời ông, nhưng chắc chắn đó là những miêu tả chân thực, lấy bối cảnh từ những người tác giả đã từng gặp, những nơi ông từng đi qua trong quãng thời gian sinh sống và làm việc tại nước Đức khi Tây du.

Nàng Vũ Công kể về chuyện tình xảy ra giữa chàng du học sinh Ôta Toyotarô và nàng ba-lê-ri-na Elise Weigert trong bối cảnh của thành phố Berlin cuối thế kỷ 19. Toyotarô bắt buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và tình yêu, một được một mất. Chàng đã hy sinh tình yêu để đuổi theo danh vọng, về nước rồi sau đó tiếc hận khôn nguôi vì khi vừa khám phá được bản ngã, tìm được tự do ở nước ngoài thì đã bị ràng buộc vì những quy luật của xã hội cũ ở quê hương.

Dưới ngòi bút lãng mạn nhưng không kém phần chân thực của Mori Ôgai trong Nàng Vũ Công, người ta đứng giữa ranh giới của sự cảm thông cho niềm mong muốn nắm lấy cơ hội trở về Tổ Quốc của người con Ota Toyotaro, đồng thời cũng căm ghét anh vô cùng bởi sự che đậy khéo léo bản tính ham danh vọng, và sự ruồng bỏ tàn nhẫn người vợ điên dại đang mang trong mình giọt máu của anh, một cảm xúc rõ ràng thật khó để gọi tên.

Sự day dứt mà tác giả muốn gửi gắm chưa chấm dứt ở đó. Người ta tìm thấy ở truyện Người Phù Du một sự tiếc nuối sâu sắc cho cuộc tái ngộ tình cờ định mệnh giữa hai nhân vật chính Kose và Marie. Việc khắc họa tuổi thơ đầy sóng gió của Marie khi còn là cô gái nhỏ rao bán những bó hoa violet, và kể từ khi được gã thợ may ra tay cứu giúp, như một sự lên tiếng cho số phận ai oán của những người dân nghèo bị khinh thường và lạm dụng ở xã hội phương Tây, ngay cả khi đó là những đứa trẻ vẫn còn trong trắng và ngây thơ. 

Tình cảm của Kose dành cho Marie thuần khiết biết bao, nó khởi nguồn từ tình thương khi cô còn là một bé gái, những rung động và đồng cảm qua câu chuyện đời cô, cho tới sự nỗ lực cứu sống Marie và những giọt nước mắt cùng sự tiếc thương khi những nỗ lực đã chìm vào vô vọng. Bên cạnh việc đưa người đọc trải qua những giây phút lãng mạn của hai nhân vật chính, Mori rõ ràng đã thành công trong việc xây dựng những cung bậc cảm xúc khác nhau thông qua truyện Người Phù Du, trong đó có cả một mối tình đáng thương đến giận hờn.

Hai câu chuyện phảng phất những nỗi buồn riêng, thứ mà người ta tiếp tục tìm thấy ở Người Đưa Thư. Nàng tiểu thư Ida thuộc tầng lớp thượng lưu, tưởng như nắm giữ cuộc sống lý tưởng trong tay, với xuất thân quyền quý, nhan sắc xinh đẹp bí ẩn, tài chơi đàn dương cầm được so sánh với khả năng làm tĩnh mịch dòng chảy của sông Mulde để thưởng thức, lại được Nam tước Meerheim cưng chiều đến xiêu lòng, nhưng lại cô đơn trong thế giới của riêng mình.

Chuyện tình cảm nam nữ đời thường vốn rất đơn giản và tự nhiên, với cô lại là một ước mơ xa xỉ. Cô có lý tưởng sống của riêng mình, lại chẳng được cha thấu hiểu cho. Nhưng không vì vậy mà Ida trở nên nhạt nhòa và yếu đuối theo thời gian. Cô được Mori khắc họa là hình tượng một người phụ nữ độc lập về tình cảm, biết chủ động đấu tranh cho ước muốn của riêng mình, thể hiện ngay trong việc cô chủ động nhận dẫn Kobayashi lên đỉnh tòa tháp để ngắm đầu tàu nhả khói từ phía xa, mặc dù mục đích sâu xa là muốn nhờ cậy anh giúp đỡ. Cùng với Ida khao khát được yêu thương một cách trần tục, Kobayashi, Meerheim, hay cậu bé chăn cừu, đều là những kẻ si tình đáng thương.

Mori Ôgai

“Ngoài tính độc đáo của đề tài và nội dung câu chuyện, các nhà phê bình thường đồng ý với nhau về sự thanh nhã trong bút pháp của Mori Ôgai khi đem so sánh ông với những cây bút khác của văn đàn đương thời, lúc đó hầu như có khuynh hướng viết theo văn nói và dĩ nhiên vẫn còn lắm vụng về.

Văn chương Nàng Vũ Công thật ra hơi khó hiểu với độc giả hiện đại. Phải mường tượng tiếng Nhật trong Nàng Vũ Công như văn quốc ngữ cổ phong hồi mới lưu hành ở Việt Nam (thời các cụ Hoàng Ngọc Phách, Phan Kế Bính ngoài Bắc, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh trong Nam), vốn còn chêm nhiều chữ Hán Việt, ngân nga và đối xứng như văn biền ngẫu, thì mới có thể đánh giá được một cách trung thực văn phong Ôgai. Đây là một lối hành văn hỗn hợp giữa Wabun (Hòa văn hay cổ điển Nhật Bản) và từ cú hoa lệ của Kanshi (Hán thi) mà ông cố ý sử dụng vì nghĩ rằng chỉ với cách đó, nhà văn Nhật Bản mới diễn đạt được đầy đủ lối thuật sự kiểu Tây phương.” (dịch chú Nguyễn Nam Trân)

Dẫu vậy, không thể phủ nhận cả 3 tác phẩm trong cuốn sách Nàng Vũ Công đều nhuốm màu tình cảm lãng mạn cá nhân này đã làm toát lên hương vị trữ tình của Tây Âu cận đại, thổi một luồng gió mới vào văn đàn thời Minh Trị và để lại những dư âm day dứt, khắc khoải cho người đọc về những truyện tình buồn, nhiều trắc trở.                                                                                              

Hà Thu - Trạm Đọc

Tags: