Chỉ nghĩ mình giỏi giao tiếp thôi thì thật dễ dàng, vì bạn có thể nghĩ việc nói chuyện với người lạ và có thể làm tất cả mọi người bật cười là chuyện nhỏ.
Nhưng bạn sẽ phải giật mình nghĩ lại sau khi làm bài kiểm tra nghiêm khắc sau: đơn giản hãy chơi với một đứa trẻ mà bạn không quen. Trên lí thuyết thì điều này quá dễ dàng. Chúng ta đều từng là trẻ con, hiểu biết rộng hơn chúng bao nhiêu, lại còn – theo chúng thì – nắm trong tay quyền lực để mua một đống bánh quy và chui lên giường ngủ bất cứ khi nào muốn.
Nhưng trên thực tế, rất khó để thoải mái khi ở cạnh những đứa trẻ chúng ta chưa từng quen biết. Hãy tưởng tượng ta được mời đến nhà sếp ăn cơm và bị bỏ lại một mình ở căn bếp với bé trai mười tuổi đang ủ rũ; hay được giới thiệu vào một phòng chơi với hai cô bé năm tuổi nhút nhát là con của một người bạn. Chúng ta sẽ nhanh chóng bối rối, chẳng biết phải nói gì và cảm thấy ngốc ngếch.
Nguyên nhân nằm ở chỗ, trẻ em không có khả năng xã giao giống như người lớn với nhau. Chúng không lịch sự hỏi ta “dạo này thế nào”, và không có hứng thú gì với cuộc sống hay những điều quan trọng với ta. Chúng không quan tâm đến thời sự hay thời tiết và cũng chưa ý thức được về bản thân và những mối bận tâm của mình. Nếu hỏi chúng tại sao lại thích đồ chơi này, thích bộ phim kia thì chúng thường sẽ đần mặt ra, và chỉ đơn giản trả lời là “con thích thì con chơi thôi”.
Cùng với sự đáng yêu, trẻ em là hiện thân của rào cản cực lớn với tính lưu động xã hội. Đó là lí do tại sao trẻ em chính là bài kiểm tra về nghệ thuật thu hút và lòng tử tế của người lớn.
Qua những trang văn hóa lịch sử, chúng ta có một vài tấm gương về những người vĩ nhân có khả năng vui đùa cùng trẻ con. Montaigne không thể tìm ra điều gì nổi bật trong cuộc sống của Socrates (cha đẻ của triết học phương Tây) hơn là năng khiếu đặc biệt của ông trong việc chơi đùa với trẻ con. Những năm sau này, Socrates dành rất nhiều thời gian chơi đùa và cõng bọn trẻ trên lưng. Montaigne cũng nói thêm rằng “ Điều này hoàn toàn phù hợp với con người ông. Triết học cho rằng tất cả những hành động đó đã giúp hình thành và tôn vinh một nhà thông thái.”
Henri IV, vị vua người Pháp trị vì từ năm 1589 đến 1610, được nhớ tới với tư cách là một quốc vương nhân từ nhất, cũng luôn rất dịu dàng với trẻ em. Trong một dịp đặc biệt, đại sứ Tây Ban Nha đến thăm quốc vương và thấy người đang giả làm ngựa cho đứa con cưỡi. Thay vì dừng trò chơi ngay lập tức, Henri để ngài đại sứ chờ một lúc, ám chỉ rằng thỉnh thoảng cũng hợp lý khi trì hoãn sự ưu tiên dành cho người lớn.
Điều chạm đến lòng người trong những câu chuyện trên, là người lớn không cố gắng thể hiện quyền năng của mình trước mặt con trẻ. Socrates không chọn truyền tải những bài giảng về siêu hình học, Henri IV cũng không bình thản trên ngai vàng và tranh luận cách cai trị một vương quốc.
Họ đặt đức hạnh và uy thế của mình sang một bên để sống với bản chất dễ bị tổn thương, điều cần làm khi tình bạn bị nguy hại. Họ dám để bản thân mình bị công kích bởi những người có thể coi họ như kẻ “ngốc nghếch” và “chẳng ra sao”và tự ngầm hiểu rằng tình bạn chỉ có thể xuất hiện khi những tâm hồn đồng điệu gặp nhau, mỏng manh, chân thật nhất và không chút giả tạo.
Hơn nữa, hai người đàn ông xuất chúng này còn biết cách tìm ra điểm chung với những người hoàn toàn xa lạ trong nhiều lĩnh vực. Những người hiểu biết rộng về thế giới luôn tìm kiếm cách thống nhất chứ không chia rẽ mọi người, và luôn có khả năng tạo ra niềm vui thích và hứng khởi trong một đứa trẻ chỉ mới vài tuổi.
Những người thạo đời biết rằng chúng ta (thậm chí từ trong hình hài phôi thai) đã chứa tất cả năng lực của loài người trong mình, từ đó họ có thể đồng cảm với quan điểm và nhu cầu của người khác. Vì vậy dù trở nên tự tin thì những người đó vẫn biết cách kết nối với phiên bản nhút nhát của mình. Thậm chí khi đã ổn định về tài chính, họ vẫn đồng cảm được với mối lo của những người mang gánh nặng cơm áo gạo tiền. Hay khi sự nghiệp không tiến triển tốt, họ vẫn không hề cay cú mà có thể tìm ra một phần khao khát thịnh vượng làm động lực cho bản thân, và dùng nó để kết nối chân tình với người có sự nghiệp thật sự phát đạt.
Cách ứng xử với trẻ em của những người xuất chúng là những hành động mà chúng ta nên học hỏi để cư xử với bất cứ ai, không kể tuổi tác, khi bạn muốn gắn kết hơn với họ. Vì đó là lúc những con người vĩ đại nhất cũng cúi đầu cong lưng làm ngựa cho trẻ con cưỡi lên, nên nó có sức ảnh hưởng đặc biệt. Lẽ thường, ta luôn thầm tha thiết được gần gũi với những người xung quanh, nhưng nỗi sợ đánh mất tự trọng đã khiến ta trở nên lạnh lùng xa cách. Tình bạn bắt đầu và nỗi cô đơn chấm dứt khi chúng ngừng cố gắng gây ấn tượng, có can đảm để bước ra ngoài vùng an toàn và thỉnh thoảng dám cư xử ngốc nghếch một chút.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The book of life