Trên thực tế, chế ngự xúc cảm tiêu cực chính là chìa khóa đem lại hạnh phúc và sự cân bằng, những xúc cảm bị đẩy lên mức cực đoan hoặc kéo dài quá lâu sẽ hủy hoại sự ổn định về tinh thần của ta. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ nên có một loại xúc cảm duy nhất; luôn cười vui vẻ mọi lúc mọi nơi sẽ gợi nhắc đến những tấm huy hiệu mặt cười nhạt nhẽo thịnh hành hồi thập niên 1970. Vui sướng hay buồn rầu đều đem lại hương vị riêng cho cuộc sống. Một mặt, đau khổ cũng góp phần xây dựng đời sống sáng tạo và tinh thần; mặt khác, đau khổ có thể xoa dịu tâm hồn.
Ngay cả việc ghét bỏ điều gì đó cũng mang thêm gia vị cho cuộc sống. Trong phép toán của trái tim, tỷ lệ giữa xúc cảm tích cực và tiêu cực quyết định cảm giác hạnh phúc. Đó là kết luận của những nghiên cứu tâm lý được thực hiện trên hàng trăm người, họ mang theo một thiết bị nhỏ để ghi lại xúc cảm trong những thời điểm ngẫu nhiên. Hạnh phúc không có nghĩa là ta cần tránh những cảm giác khó chịu để cảm thấy hài lòng, mà chính là chế ngự những xúc cảm tiêu cực, ngăn không cho chúng chiếm chỗ của tâm trạng vui vẻ. Những người từng trải qua trạng thái giận dữ hay phiền muộn vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc, nếu họ biết bù lại bằng những niềm vui và giây phút tuyệt vời. Những nghiên cứu này cũng cho thấy sự độc lập của trí tuệ xúc cảm với trí thông minh học thuật và kết luận gần như không có mối liên hệ nào giữa điểm số hay chỉ số IQ với cảm giác hạnh phúc của con người.
Giống như được sắp đặt sẵn trong tâm trí, có những xúc cảm đánh thức ta mỗi ngày và định hướng ta vào một tâm trạng nào đó. Tất nhiên, ta có thể có những tâm trạng khác nhau vào những ngày khác nhau; nhưng khi đánh giá tâm trạng chung nhiều tuần hoặc nhiều tháng, những tâm trạng này có xu hướng phản ánh mức độ hạnh phúc của người đó. Điều này cho thấy đối với hầu hết mọi người, xúc cảm cực kỳ mãnh liệt là tương đối hiếm; hầu hết chúng ta rơi vào khoảng giữa, với những biên độ thay đổi xúc cảm tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, việc chế ngự xúc cảm cũng không khác nào một công việc toàn thời gian. Thực vậy, phần lớn những gì chúng ta làm, đặc biệt trong thời gian rảnh rỗi, chính là nỗ lực điều khiển tâm trạng. Tất cả mọi việc từ đọc tiểu thuyết, xem tivi đến các hoạt động thể chất hay kết bạn mà chúng ta lựa chọn đều là một trong những cách giúp bản thân thoải mái hơn. Nghệ thuật xoa dịu bản thân là một kỹ năng sống cơ bản; một số nhà tư tưởng phân tâm học, như John Bowlby và D. W. Winnicott, coi đây là một trong những công cụ ngoại cảm thiết yếu nhất. Theo lý thuyết này, trẻ sơ sinh học cách tự xoa dịu bằng việc đối xử với bản thân giống như những gì người chăm sóc đối xử với mình, khiến trẻ ít bị tổn thương trước những biến động của bộ não xúc cảm.
Như chúng ta thấy, cấu tạo của não bộ khiến chúng ta thường không thể hoặc hiếm khi làm chủ được khi nào bản thân bị xúc cảm lấn át hay xác định xúc cảm ấy là gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết được xúc cảm sẽ kéo dài bao lâu. Xúc cảm buồn bã, lo âu hay giận dữ thoáng qua không phải là vấn đề đáng nói; thông thường chúng sẽ qua đi theo thời gian và nhờ sự kiên nhẫn. Nhưng khi những xúc cảm này vượt quá mức độ nào đó, chúng sẽ trở thành những nỗi đau khổ cùng cực như lo sợ thường trực, cuồng nộ hay trầm cảm. Khi đến mức độ nghiêm trọng khó chữa nhất, ta buộc phải dùng thuốc hoặc trị liệu tâm lý, hay thậm chí là cả hai cách này để nâng đỡ xúc cảm.
Trong những thời khắc ấy, biểu hiệu của năng lực tự điều chỉnh xúc cảm chính là việc nhận thức khi nào xung động xúc cảm trong não bộ nằm ngoài tầm kiểm soát mà không cần trợ giúp y tế. Ví dụ, 2/3 số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực chưa bao giờ được điều trị, nhưng lithium hoặc các loại thuốc mới có thể cản trở tiến triển của hội chứng rối loạn lưỡng cực. Khi bệnh nhân trong cơn hưng cảm, họ cảm thấy mình đủ tự tin đến mức không cần đến sự giúp đỡ dưới bất kỳ hình thức nào, bất kể rằng họ đã đưa ra những quyết định tai hại. Đối với những bệnh lý rối loạn xúc cảm nghiêm trọng, việc chữa trị bằng thuốc là biện pháp giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Với những xúc cảm tiêu cực thông thường, chúng ta có thể tự xoay sở. Nhưng việc đó không phải lúc nào cũng hữu hiệu, đó là kết luận của nhà tâm lý học Diane Tice sau khi điều tra hơn 400 người về phương pháp thoát khỏi tâm trạng xấu cũng như kết quả mà họ đạt được.
Không phải ai cũng đồng ý với giả thuyết nên thay đổi tâm trạng xấu; nhà tâm lý học Diane Tice phát hiện “những người theo chủ nghĩa tâm trạng”, chiếm khoảng 5% số người được khảo sát, nói rằng họ không bao giờ cố gắng thay đổi tâm trạng vì theo quan điểm của họ, tất cả xúc cảm đều “tự nhiên” và chúng ta cần phải trải nghiệm trọn vẹn, cho dù chúng khiến ta nản chí đến mức nào. Bên cạnh đó, cũng có những người phải cố tạo ra tâm trạng tiêu cực, ví dụ như các bác sĩ tỏ vẻ buồn rầu khi thông báo tin xấu cho bệnh nhân; các nhà hoạt động xã hội nuôi dưỡng sự phẫn nộ trước sự bất công; thậm chí một thanh niên cố thúc đẩy cơn giận dữ để giúp đỡ em trai chống lại những đứa bắt nạt ở sân chơi. Ngoài ra, một số người còn biến xúc cảm thành thủ đoạn nhằm mục đích nào đó, như những nhân viên hành pháp cố ý giận dữ với người không chịu nộp tiền phạt. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp hiếm gặp này, phần lớn mọi người than phiền rằng họ phó mặc mình cho tâm trạng định đoạt. Các ghi chép cũng cho thấy cách họ điều chỉnh tâm trạng rất khác nhau.
Trích cuốn sách “Trí tuệ xúc cảm” của tác giả Daniel Goleman