Đúng đấy, chuyên gia đào tạo cách học, tiến sĩ Barbara Oakley đã khẳng định như vậy.
Não bộ chúng ta hoạt động ngay cả khi ta đang ngủ và không nhận thức được bất cứ điều gì. Bí quyết là, hãy tập trung nghiên cứu hay học tập chuyên cần một môn nào đó một thời gian, sau đó nên nghỉ ngơi, vui chơi hoặc … đi ngủ. Não bộ sẽ giúp ta giải quyết nó.
Bạn có muốn biết cách “lừa bộ não” và chiến thắng đàn zombie bên trong mình?
Dưới đây là vài bí kíp bỏ túi trước mùa thi:
“Tắt – Bật” công tắc não
Học chẳng khác gì tập thể hình cho não đâu, nên nếu bạn cứ bắt não tập trung học với cường độ cao liên tục thì nó sẽ quá tải và mệt mỏi. Vì thế, nên học hỏi từ các chuyên gia huấn luyện thể hình – và ứng dụng nó vào học bài.
Các chuyên gia thể hình luôn có bài tập luân phiên các nhóm cơ, giữa các bài tập nặng là các khoảng nghỉ ngắn, họ hiểu rất rõ là cứ tập liên tục áp lực cao vào một khu vực sẽ không bao giờ đạt kết quả.
Vậy nên, học tập chính là một buổi nâng tạ trí óc vừa nặng vừa lâu vậy. Nên đầu tiên, hãy tập kích hoạt chế độ nghỉ ngơi xen kẽ với học. Sau một vài giờ học, cần tập thể thao, chạy bộ, nhảy nhót, đi chơi, vẽ, chơi nhạc … để cho não nghỉ và tái nạp năng lượng.
Chế độ nghỉ tốt nhất là “lăn ra ngủ” thật ngon sau giờ học căng thẳng.
Bắt não học thay bạn trong lúc bạn ngủ
Bạn có biết là trạng thái thức đơn thuần cũng sinh ra chất độc trong não không? Khi ta ngủ, các tế bào co lại và làm không gian giữa chúng tăng đáng kể - điều này cũng giống như vặn vòi nước, nó giúp rửa sạch và thải chất độc ra ngoài. Việc dọn dẹp hàng đêm này giúp não bộ bạn khỏe mạnh, suy nghĩ rõ ràng hơn (và tránh rất nhiều bệnh nguy hiểm như trầm cảm, mất trí nhớ).
Y hệt như máy tính, khi ngủ, não chạy chế độ cleaner, xóa bỏ những ký ức vụn vặt và củng cố những gì quan trọng. Khi ta ngủ, não ta duyệt qua những phần khó trong những gì ta đang học, giúp chúng sâu sắc và vững vàng hơn.
Trước khi đi ngủ, tốt nhất là bảo với não bạn rằng: tối nay tao muốn mơ thấy lời giải bài này – thì khả năng bạn có thể có lời giải đó hôm sau tăng lên gấp bội. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn đã nạp đủ thông tin cho nó vào ban ngày.
Hồi tưởng tốt hơn học vẹt
Bạn có thấy là ngày nào cũng gặp cô người yêu mười mấy tiếng chưa chắc làm bạn yêu cô ấy bằng việc gặp nhau vài tiếng, sau đó trong ngày thỉnh thoảng nhớ lại xem cô ấy đáng yêu, thú vị như thế nào?
Học cũng thế. Cầm quyển sách cắm cúi nhai nhải học vẹt là phí thời gian, vì não sẽ nhàm chán và từ chối ghi nhận. Tốt nhất là học vài lần, sau đó bỏ sách đi và dành thời gian hồi tưởng lại cái mình học. Não thích thế đấy. Nó được chủ động quyết định việc xử lý thông tin, nên nó sẽ linh hoạt và sáng tạo hơn, ghi nhớ nhiều dữ liệu hơn.
Chiến đấu với Zombies
Zombies cả đống ở trong chúng ta. Đó chính là vô số thói quen ta đã tạo lập. Thói quen có cái tốt là làm ta tiết kiệm năng lượng, bớt phải suy nghĩ nhiều – nhưng cứ sống theo thói quen thì bộ não sẽ lập trình kiểu zombies, nghĩa là nó chẳng nhận thức được tất cả những điều nó đang thực hiện.
Đám zombies này quấy rầy hơn bạn tưởng. Muốn học bài, nhưng lại lười, trì hoãn, ngủ trễ … Cái tệ nhất của zombies là dần dần làm bạn mất đi hứng thú học tập, hứng thú sống. Nó tự ám thị bạn thành kẻ sống không có ý chí, hoặc tệ hơn là bảo bạn là “sinh ra đã là kẻ thua cuộc”
Kiểu thường gặp nhất là: tôi muốn người đẹp (nhưng tôi lười tập thể thao lắm); tôi muốn có người yêu (nhưng tôi chẳng muốn thay đổi mình cho đáng yêu hơn) … Trong học cũng vậy. Tôi thấy học giỏi, hiểu biết nhiều cũng tốt (nhưng tôi dốt lắm, học không vào).
Bạn có muốn học cách chăn dắt đàn zombies của bạn không? Đọc sách nhé.
Đừng nghĩ bạn là “đỉnh của đỉnh”
Nguyên tắc đầu tiên là không được tự lừa dối mình. Nói chung là ai cũng tự ảo tưởng sức mạnh ở góc độ nào đó, nên khi học, phải trung thực với bản thân để có thể nhìn thấy điểm yếu của mình.
Cuối cùng: Nữ thần may mắn luôn phù trợ những ai thật sự cố gắng!
Để hiểu thêm về kỹ năng "làm chủ não bộ", bạn nên đọc cuốn sách "Hãy chinh phục Toán và Khoa học" của tác giả Barbara Oakley. Bà là một nhà đào tạo kỹ năng học nổi tiếng toàn cầu.