Giai đoạn Cổ Điển từ nửa đầu thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 là một giai đoạn quan trọng, đã đặt ra và định nghĩa nhiều tiêu chuẩn cũng như phong cách cho âm nhạc cổ điển. Khi ấy các quý tộc hào hứng bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật, các nhà hát được xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, những nhà soạn nhạc tài giỏi trở thành niềm tự hào của cả đất nước. Mozart đã được sinh ra, lớn lên và thành danh chính trong giai đoạn ấy. Tài năng bùng nổ khi mới là đứa trẻ 7 tuổi, ông đã khiến đời sống nghệ thuật đang sôi động ở Châu Âu trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ông cùng cha và chị gái đi lưu diễn khắp Châu Âu, mang về tiền bạc và danh tiếng, cũng từ đây những thanh âm trong trẻo và tươi sáng đã viết nên một huyền thoại Mozart.
Mozart chỉ sống 35 năm ngắn ngủi nhưng những bàn tán và sách vở viết về ông vẫn nhiều thêm mãi dù đã hơn ba thế kỷ trôi qua. Thật khó để tiếp cận cuộc đời ông một cách toàn diện và ghi chép về cuộc đời ấy một cách mới lạ, nhưng Maynard Solomon đã làm được điều ấy. Mozart của Solomon có lối dẫn chuyện cuốn hút, lời văn nhẹ nhàng và uyển chuyển, có lẽ từ trong vần đã chứa điệu, như sự hòa quyện của ngôn từ và âm nhạc.
Solomon bám sát cuộc đời Mozart từ khi trên phím đàn là bàn tay một đứa trẻ đang tập làm quen với những nốt nhạc đến ngày những ngón tay ấy sưng tấy vì làm việc quá nhiều, đến tận ngày không còn phím đàn nào được rung lên nữa. Solomon dùng những chi tiết cuộc đời của Mozart qua từng thời kỳ để phân tích âm nhạc của ông. Từ ngày đầu, khi tài năng của Mozart được cha phát hiện, ông nhanh chóng được công nhận như một món quà của Chúa. Người được Thiên Chúa lựa chọn để tạo nên âm nhạc thuần khiết và mãi mãi bị đóng khung trong hình ảnh một đứa trẻ vĩnh cửu. Một đứa trẻ tài năng, một thần đồng, một tượng đài dường như không có cảm xúc, không được lớn lên. Tuổi thơ của ông là danh vọng, là ngợi ca, là những tung hô không ngớt nhưng thiếu vắng một tình yêu vô điều kiện. Người đời muốn gặp Mozart để nhìn thấy đứa trẻ của Chúa, người ta không yêu mến cậu bé Mozart chỉ đơn thuần vì cậu đáng yêu, người ta không yêu mến cậu khi cậu không vâng lời. Và để thoát khỏi danh xưng thần đồng nhỏ tuổi, để khẳng định bản thân là một nhà soạn nhạc đầy nội lực, để quyến rũ người nghe bằng cái đẹp của âm điệu chứ không phải sự hiếu kỳ, Mozart đã phải trả cái giá rất đắt cho những nhạc phẩm của tự do.
“Cuối cùng, Mozart đã học được ngôn ngữ súc tích mang tên Sự Khước từ Vĩ đại, học cách nói không với sự thống trị gia trưởng, bất công thứ bậc, với sự thiên vị, bóc lột và quy phục.”
Solomon đưa người đọc trở lại không khí nghệ thuật của Châu Âu nửa đầu thế kỷ 18, với những nhà quý tộc, những học giả và nghệ sĩ. Từ bối cảnh rộng lớn ấy, ông đến mở cửa căn nhà của gia đình Mozart ở Salzburg, theo cha con Mozart lên xe ngựa đi lưu diễn khắp Châu Âu, mở cả cánh cửa cô đơn của cậu thanh niên một mình vật lộn với cuộc sống và tìm kiếm con đường âm nhạc của riêng mình. Solomon đã phân tích cuộc đời ấy bằng những lý luận phân tâm học, đi sâu vào ẩn ức tuổi thơ, làm rõ mối quan hệ gia đình đã ảnh hưởng thế nào đến tính cách và cả âm nhạc của Mozart. Ở đấy có một mối quan hệ cha con phức tạp, từ một đứa trẻ được học mọi thứ từ cha, yêu quý và vâng lời cha vô điều kiện đến một thanh niên kháng cự và một người đàn ông trung niên muốn trốn chạy quá khứ, từ bỏ cái bóng lớn của cha. Leopold Mozart, người đã dìu dắt con trai lên đỉnh cao vinh quang cũng là người đã dìm Mozart xuống hố trũng của cảm xúc, nơi Mozart vùng vẫy và dường như không có cách thoát ra.
Chương sách về Leopold Mozart chỉ chiếm vài chục trang sách ngắn ngủi nhưng không chương nào trong đời Mozart thiếu vắng hình ảnh người cha, ngay cả khi ông đã qua đời. Đối với cha, Mozart không chỉ có xúc cảm mà còn là phức cảm, nơi yêu – hận, nhớ thương – xa cách, mong muốn thuộc về - khát khao chối bỏ, nơi những hỗn độn ghì chặt lấy tâm hồn nhà soạn nhạc. Và có thể từ cả những khổ đau lẫn tình yêu gắn chặt ông với mặt đất, những bản nhạc đậm “chất Mozart” đã ra đời như sóng nước, dồn dập và chưa bao giờ cạn nguồn.
“Khi âm nhạc Mozart ngày càng trở thành đại diện cho chuẩn mực cổ điển để mọi thứ âm nhạc khác noi theo, thật khó để nghĩ rằng các tác phẩm của ông là sản phẩm của tính chủ quan, vì dường như chúng luôn tồn tại, là thành phẩm được sinh ra từ một vũ trụ lý tưởng.”
Công trình Mozart của Solomon vì thế tuy đồ sộ nhưng lôi cuốn, khi những vấn đề phức tạp được lý giải đến tận cùng gốc rễ thì bất kỳ ai, dẫu có am hiểu về âm nhạc hay không vẫn có thể hiểu và đồng cảm. Dù đặt nặng khía cạnh con người, Solomon đã không sa đà vào lối tự sự chủ quan mà vẫn mang đến kiến thức âm nhạc chuyên sâu, trích dẫn nhiều tài liệu và thư từ để chứng minh cho ý kiến của mình. Mozart vì thế là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của Solomon, một nhà sản xuất âm nhạc và một nhà tiểu sử lỗi lạc.
Lam Vy
Cuốn sách gối đầu giường về ban nhạc huyền thoại nhất thế kỷ XX
Khám phá "Câu chuyện nghệ thuật" qua lời tự sự của tác giả
Tiểu sử 'hay nhất' về Beethoven: Thiên tài bất hảo quyết không đầu hàng nghịch cảnh
Mỹ học của vẻ đẹp tột cùng trong MICHELANGELO - Sáu kiệt tác cuộc đời