Tại Hoa Kỳ vào giữa những năm 1980, Stanley Cromie đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với 35 nam doanh nhân và 34 nữ doanh nhân để tìm hiểu lý do tại sao họ chọn tự kinh doanh. “Sự tự chủ”, “thành tựu”, “sự không hài lòng trong công việc” và “tiền bạc” là những động lực chi phối; tất cả các lý do khác kém quan trọng hơn nhiều. Động cơ kiếm được nhiều tiền xuất hiện rất rõ ràng trong các cuộc phỏng vấn và được trình bày chi tiết. “Nhiều đối tượng phỏng vấn đã công khai thể hiện nhu cầu này. Họ đưa ra những ý kiến như... ‘anh sẽ không bao giờ thực sự kiếm được tiền khi làm việc cho người khác’ hoặc ‘Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền’.”
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện vào những năm 1980 về các doanh nhân và những người đang nghiêm túc cân nhắc việc chuyển sang kinh doanh tự do cho thấy “phần thưởng tài chính lớn hơn” (25%) là lý do số một, tiếp theo là “mong muốn được tự làm chủ” (20%), “thử thách cá nhân” (18%), “mong muốn xây dựng một thứ gì đó của riêng mình” (16%), và “thất vọng với môi trường công ty” (13%).
Vào giữa những năm 1980, Gerhard Plaschka đã phỏng vấn 299 doanh nhân thành công và 63 doanh nhân thất bại ở Áo để làm luận án tiến sĩ Entrepreneurial Success: A Comparative, Empirical Study of Successful and Unsuccessful Company Founders (tạm dịch: Thành công của doanh nhân: Nghiên cứu so sánh thực nghiệm về những người sáng lập công ty thành công và không thành công). Đối với các doanh nhân thành công, “chứng tỏ năng lực của bản thân” là động lực quan trọng nhất, tiếp theo là “thực hiện ý tưởng của riêng mình” và “đạt được quyền tự do quyết định và hành động”. Các động lực tài chính, chẳng hạn như đạt được “thu nhập theo kết quả”, phấn đấu để “độc lập về kinh tế” và đạt được “thu nhập cao hơn” nằm ở vị trí thứ 6, 9 và 11 trên tổng số 22 động lực trong bảng xếp hạng.
[...]
Vào đầu những năm 1990, Sue Birley và Paul Westhead đã phỏng vấn 405 chủ sở hữu-quản lý về lý do họ chuyển sang tự kinh doanh. Một trong những lý do chính là sự độc lập – ví dụ: “có quyền tự do điều chỉnh phương pháp riêng cho phù hợp với công việc”. Tiếp theo là những động cơ về tài chính như “đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn đời và con cái” hay “mong muốn có thu nhập cao”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng tiết lộ các động cơ đằng sau quyết định tự kinh doanh của một cá nhân không ảnh hưởng đến việc họ có thật sự thành công với doanh nghiệp của mình không.
[...]
Tuy nhiên, các nghiên cứu điều tra động cơ khởi nghiệp đã đem lại những kết quả rất khác nhau. Năm 2003, Nancy M. Carter, William B. Gartner, Kelly G. Shaver và Elizabeth J. Gatewood đã báo cáo kết quả so sánh động cơ của nhóm người tự kinh doanh với 179 nam giới và 205 nữ giới với một nhóm người làm thuê gồm 89 nữ giới và 85 nam giới. Động cơ chính của các nam và nữ doanh nhân là “mong muốn độc lập”, tiếp theo là “mong muốn thành công về tài chính”. Tuy nhiên, kết quả đáng ngạc nhiên của nghiên cứu là lý do lựa chọn nghề nghiệp của các doanh nhân và nhân viên không khác biệt đáng kể. “Các doanh nhân cũng giống như những người không phải là doanh nhân khi xét đến lý do họ đưa ra để lựa chọn nghề nghiệp, bao gồm tự hoàn thiện bản thân, thành công về tài chính, đổi mới và độc lập... Nhìn chung, những phát hiện này đi ngược lại quan niệm cho rằng doanh nhân có sự khác biệt về chất so với những người có lựa chọn nghề nghiệp khác.”
Sau khi đánh giá một số nghiên cứu, Locke và Baum kết luận rằng sự độc lập có thể là một yếu tố dự báo cho việc tự kinh doanh. Tuy nhiên, động cơ này có ý nghĩa ít hơn đối với khả năng thành công thật sự của các doanh nhân.329 Nathalie Galais đã đưa ra một góc nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu cho đến năm 1998. Bà đánh giá 19 bài báo khoa học nêu ra các động cơ khác nhau, bao gồm:
- Trích từ cuốn sách "Đọc vị tâm lý hành vi giới giàu và siêu giàu" -