Ví dụ như bản thân tôi có những bất an ở một vài lĩnh vực nhất định trong cuộc sống, nên mục tiêu hiện tại của tôi là cảm thấy an toàn với chính mình trong bất cứ cuộc phiêu lưu mới mẻ nào và tập trung tận hưởng hành trình ấy. Chẳng hạn, ngay khi đang viết cuốn sách này, tôi đã vài lần trải qua cảm giác bất an. Ngày xưa tôi học hành chẳng mấy giỏi giang, đặc biệt là trong môn tiếng Anh. Các bài luận rõ ràng không phải sở trường của tôi, nên bạn hoàn toàn có thể tưởng tượng được rằng ý tưởng viết cả một cuốn sách khiến tôi cảm thấy ra sao khi mới bắt đầu! Tôi bắt đầu lo lắng về những gì mà người khác sẽ nghĩ về cách tôi viết, rồi tôi tự chất vấn rất nhiều rằng liệu mình đã đủ giỏi chưa. Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc xuất hiện trên truyền hình – một nỗ lực khá mới mẻ đối với tôi. Tôi suy nghĩ quá nhiều về việc nhà sản xuất và người xem cảm nhận ra sao về mình, đến nỗi lòng tự tin của tôi bắt đầu bị ảnh hưởng. Tất cả đều là do nỗi sợ hãi chi phối và tôi nhận thấy rằng những bất an trong tôi thực sự xuất hiện khi tôi suy nghĩ quá nhiều về việc mọi người có thích tôi hay tác phẩm của tôi hay không.
Nhưng khi Merlin (Con Người Tối Ưu của tôi) xuất hiện thì tôi không còn cảm thấy bất an chút nào nữa. Tôi hình dung khi Con Người Phản Diện cố gắng phá hoại chúng ta, nó làm mọi việc để ngăn chúng ta sống đúng với bản thân, và vì vậy, nó cũng ngăn ta tận hưởng hành trình cuộc sống.
Trước hết, hãy viết ra những đặc điểm mà bạn cho là khuyết điểm trong tính cách của mình. Một số câu hỏi gợi ý giúp bạn nghĩ về những đặc điểm này bao gồm:
Tôi muốn bạn nghĩ đến lần gần nhất bạn hành xử tiêu cực, khi mà sau đó bạn nghĩ rằng: Ôi trời ơi, mình đã thực sự không là mình vào lúc ấy. Mình đã không xử lý tốt việc đó.
Cũng có thể mọi việc không quá rõ ràng như thế, có thể nó giống như một cảm giác tồi tệ cứ kéo dài dai dẳng. Đó thậm chí có thể là việc bạn không thích con người của bạn khi nói chuyện với một thành viên nào đó trong gia đình. Chuyện gì đó xảy ra, bạn bị kích động và bất thình lình bạn dập điện thoại.
Một ví dụ khác là trong một mối quan hệ, ai đó bắt đầu dựng nên một câu chuyện sai lầm dựa theo hành vi của người bạn đời. Như khi người chồng đi làm về và muốn thư giãn trước tivi tầm một tiếng, thì vợ của anh ấy có thể vin vào đó và bắt đầu suy diễn rằng chồng không thích dành thời gian ở bên cô, hoặc cô đã hết sức hấp dẫn đối với anh. Cô ấy có thể ngày càng đi sâu hơn vào câu chuyện do mình tự tạo ra và bắt đầu tin rằng mình không đáng được yêu thương. Đó chính là lúc Con Người Phản Diện nắm quyền kiểm soát.
Bất cứ điều gì bạn không thích về bản thân đều nên được đưa vào danh sách này. Thật hay là tôi phát hiện ra rằng các thân chủ của tôi thường thấy rằng lập danh sách này dễ dàng hơn nhiều so với lập danh sách về Con Người Tối Ưu. Nhưng đó chính là lý do tại sao tôi hết sức hào hứng với hành trình đi qua cuốn sách này của bạn, bởi vì dần dần chúng ta sẽ đảo ngược tình thế và cải thiện được cuộc sống của bạn.
Danh sách này chỉ có bạn thấy thôi, thế nên hãy dẹp đi cảm giác tội lỗi hay xấu hổ. Việc bưng tai bịt mắt và tiếp tục phủ nhận một số khía cạnh nhất định của bản thân thực sự sẽ khiến những khía cạnh ấy càng có sức mạnh nắm quyền kiểm soát. Hãy nhớ rằng mọi thứ sẽ trông đáng sợ hơn khi chúng bị che phủ bởi bóng tối, vì vậy hãy thắp lên chút ánh sáng.
Dưới đây là danh sách những đặc điểm của Con Người Phản Diện để cân nhắc. Bạn có thể khoanh tròn những đặc điểm đúng với bạn hoặc thêm chúng vào danh sách của riêng bạn.
Bất cứ điều gì về bản thân mà bạn cho là thuộc tính tiêu cực nhưng lại chưa thấy ở trên thì hãy viết ra đây. Những đặc điểm của Con Người Phản Diện:
ĐỊNH HÌNH CON NGƯỜI PHẢN DIỆN CỦA BẠN
Dựa theo những đặc điểm tiêu cực mà bạn đã viết ra ở trên, giờ chúng ta hãy bắt đầu định hình Con Người Phản Diện của bạn. Khi bạn đi sâu vào trí tưởng tượng của mình trong bài tập này, hãy nhớ rằng mục đích của nó là cường điệu hóa phiên bản này của bạn. Tôi tin rằng có thể cười cợt chính mình đôi chút cũng rất tốt. Nếu chúng ta đang bỏ buộc bản thân đến mức không thể thỉnh thoảng tự cợt nhả chính mình, thì tức là ta đang quá xem trọng bản thân. Bên cạnh đó, việc cường điệu quá mức những đặc tính đó giúp chúng ta nhớ được chúng tốt hơn. Vì vậy, khi thấy bản thân đang suy nghĩ hoặc hành xử theo một khuynh hướng nhất định, chúng ta có thể dừng lại và đánh giá “Liệu mình đang hành động bằng Con Người Tối Ưu hay Con Người Phản Diện đây?”. Và chúng ta có những hình tượng mạnh mẽ gắn với cả hai.
Một trong những nhân vật Con Người Phản Diện của tôi có tên là “Angelos”. Anh ta thích khiêu khích người khác, anh ta thiếu kiên nhẫn và thường xuất đầu lộ diện khi cảm thấy như mọi người đang thiếu chân thật. Anh ta thiếu lòng trắc ẩn và không chịu chấp nhận rằng một số người có thể nói ra những lời nói dối vô hại vì nỗi sợ của chính họ. Anh ta bốc đồng, không ưa những cuộc trò chuyện về thời sự, thời tiết và thể thao. Anh ta không đáng tin. Bạn bè của tôi biết về nhân vật này và họ đã từng chỉ cho tôi thấy về anh ta, nhưng giờ đây tôi có thể thành thực nói rằng tầm ảnh hưởng của Angelos gần như không còn tồn tại.
Khi bạn bỏ công sức để tạo hình cho Con Người Phản Diện của mình, hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể tạo ra vài phiên bản khác nhau. Bạn có thể tạo cho mỗi nhân vật những phẩm chất và ngoại hình riêng biệt.
Cũng giống như cách mà giới biên kịch dùng để tạo hình cho các nhân vật của họ trước khi viết lời thoại trong một kịch bản phim, tôi muốn bạn có một bức tranh đầy đủ, toàn diện và hiểu nhân vật Con Người Phản Diện của bạn là ai. Hình ảnh đó càng rõ ràng thì bạn sẽ càng dễ đoán được điều gì kích thích Con Người Phản Diện trong bạn phản ứng hoặc tác động đến hành vi của bạn. Đồng thời nó cũng giúp Con Người Tối Ưu của bạn ngăn Con Người Phản Diện xuất hiện. Đây là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn bắt đầu phác thảo được Con Người Phản Diện của mình:
SỰ TIẾN HÓA CON NGƯỜI PHẢN DIỆN
Giờ thì bạn đã hiểu rất rõ về các phiên bản khác nhau của Con Người Phản Diện, lần sau khi phải đối mặt với một tình huống khiến Con Người Phản Diện ấy trỗi dậy, bạn có thể thực sự lựa chọn để cho Con Người Tối Ưu của mình xử lý tình huống. Đó có thể là một quyết định được cân nhắc và theo thời gian nó sẽ trở thành phản xạ tự động. Bạn sẽ bắt đầu vô thức triệu hồi Con Người Tối Ưu chứ không phải Con Người Phản Diện khi cần xử lý bất cứ thử thách hay trở ngại nào cản đường mình.
Cuộc sống không tĩnh tại mà luôn vận động và thay đổi. Con Người Phản Diện của bạn cũng thế. Những trải nghiệm cá nhân định hình thế giới tinh thần và cảm xúc của chúng ta, nên rất có thể một phiên bản mới của Con Người Phản Diện sẽ xuất hiện. Tôi khuyến khích bạn hãy thường xuyên kết nối với bản thân và thực hiện bài tập này từ đầu đến cuối nhiều lần nữa. Bạn có thể rất ngạc nhiên trước những gì mình khám phá được.
Bất cứ lúc nào bạn trải qua một sự thay đổi trong cuộc sống cá nhân – một công việc mới, một thay đổi trong sự nghiệp, chuyển chỗ ở, mất đi một người thân yêu,... – thì đó chính là những cơ hội tốt để bạn nhận thức rõ hơn về Con Người Phản Diện của mình. Điều đó có thể giúp bạn duy trì được sự cân bằng trong mọi lĩnh vực.
Bài viết được trích lược từ cuốn Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn của tác giả Mike Bayer do First News chuyển ngữ phát hành.