Khám phá
Khám phá "Câu chuyện nghệ thuật" qua lời tự sự của tác giả
Bài viết dưới đây chính là lời tự sự của tác giả E.H. Gombrich cho ấn bản đầu tiên "Câu chuyện nghệ thuật" đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn tám triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới trong vòng 70 năm qua

Cuốn sách này được viết ra với mong muốn dành tặng những ai muốn bắt đầu khám phá một lĩnh vực cực kỳ lạ lẫm và vô cùng lôi cuốn. Cuốn sách sẽ giúp những người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của câu chuyện mà không bối rối với vô vàn tiểu tiết, bằng việc đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với những cái tên, những thời kỳ và phong cách vốn ngập tràn trong các tác phẩm đầy tham vọng, trang bị cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn.

Khi viết cuốn sách này, tôi nghĩ đến trước hết là lứa độc giả thanh thiếu niên vừa mới tìm tòi và khám phá thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, bản thân tôi chưa từng nghĩ rằng cần có sự khác biệt trong sách dành cho người trẻ tuổi với người trưởng thành, ngoại trừ việc các bạn trẻ cần để tâm đến những nhà phê bình có nhiều đòi hỏi, những người nhanh chóng phản bác hoặc bực bội với bất kể dấu vết của những thuật ngữ chuyên ngành thể hiện thái độ tự phụ hay những ngụ ý tình cảm giả dối.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đó là thói xấu khiến nhiều độc giả phải hoài nghi mọi bài viết về nghệ thuật trong suốt cuộc đời họ. Do đó, không chỉ cố gắng hết sức để tránh sa vào những lỗi này, mà tôi còn sử dụng thứ ngôn ngữ giản dị, bất chấp rủi ro giọng văn của mình có thể bị đánh giá là bình dân và thiếu chuyên nghiệp.

Việc hạn chế tối đa sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của giới sử học nghệ thuật không phải do tôi né tránh khó khăn trong tư duy, nên tôi hy vọng các bạn không nhầm tưởng quyết định này với thái độ “coi thường” độc giả. Bởi chẳng phải sao, chính những ai lạm dụng ngôn ngữ “khoa học” không phải để khai sáng mà để lòe mắt độc giả của mình mới là những kẻ thực sự hợm hĩnh, như thể đang đứng ở vị trí ảo tưởng trên cao?

Cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật"

Ngoài quyết định hạn chế việc sử dụng thuật ngữ chuyên môn, tôi còn tự đặt ra một số quy tắc cho bản thân trong quá trình viết sách – những quy tắc khiến công việc của tôi ở vai trò là một tác giả gian nan hơn nhưng lại giúp ích cho bạn đọc.

Quy tắc đầu tiên là tôi sẽ không bàn luận đến một tác phẩm nếu không có hình minh họa kèm theo. Tôi không muốn cuốn sách này bị suy biến thành một bản liệt kê dài ngoằng những tên tác phẩm vô thưởng vô phạt với bạn đọc, bởi điều ấy là vô nghĩa cho những ai chưa biết đến tác phẩm và thừa thãi đối với người đã nghe qua chúng.

Quy tắc này khiến cho việc lựa chọn tác giả và tác phẩm để thảo luận bị giới hạn bằng số lượng minh họa có trong sách. Công việc chọn lọc sẽ được thực hiện nghiêm ngặt trong việc đề cập hay loại ra những tác phẩm nào.

Điều này dẫn tới quy tắc thứ hai của tôi, đó là chỉ tập trung vào những tác phẩm nghệ thuật thực sự, bỏ qua những gì có thể chỉ hấp dẫn như một ví dụ chạy theo thị hiếu hay xu hướng nhất thời. Quy tắc này kéo theo sự hy sinh đáng kể về mặt hiệu quả văn học. Lời khen ngợi tất nhiên nghe không thú vị bằng lời phê bình, và việc bao gồm một số những tác phẩm dị biệt gợi hứng thú đã có thể mang lại chút gì đó vui hơn.

Dù vậy, độc giả có thể sẽ tranh luận tại sao một thứ mà tôi cho là chướng mắt lại được đưa vào cuốn sách như một tác phẩm nghệ thuật thay vì phi nghệ thuật, đặc biệt nếu việc thêm vào một tác phẩm kiểu ấy đồng nghĩa với không còn chỗ cho một kiệt tác khác. Vì lẽ đó, dù không dám tuyên bố rằng mọi tác phẩm được minh họa trong cuốn sách đều tuyệt đối hoàn hảo, tôi sẽ không đưa vào những tác phẩm mà tôi thấy không có cá tính.

Tác giả cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật" E. H. Gombrich

Quy tắc thứ ba cũng đòi hỏi ở tôi một sự tự-phủ-nhận-mình nhất định. Tôi đã nguyện với lòng mình là phải từ chối cám dỗ tỏ ra độc đáo trong việc lựa chọn các tác phẩm, e ngại thiên kiến chủ quan của mình có thể khiến nhiều kiệt tác nổi tiếng không được nhắc tới.

Sau cùng thì, cuốn sách này không phải là tuyển tập những thứ đẹp đẽ; nó dành cho những ai muốn khám phá một lĩnh vực mới, và với họ, những ví dụ đã xuất hiện nhiều lần đến “quen mắt và nhàm tai” vẫn có thể là những điểm khởi đầu thú vị. Hơn nữa, các tác phẩm nổi tiếng nhất cũng thường xuất sắc theo nhiều tiêu chí, và nếu cuốn sách này có thể giúp độc giả nhìn chúng với con mắt mới mẻ thì nó sẽ hữu ích hơn nhiều, thay vì phớt lờ chúng để tìm hiểu những kiệt tác ít được biết đến hơn.

Số lượng các tác phẩm và danh họa nổi tiếng phải bỏ qua dù sao vẫn khá nhiều. Tôi xin thú nhận rằng cuốn sách không đủ chỗ cho nghệ thuật Hindu và Etrusca, cho những bậc thầy như Quercia, Signorelli, Carpaccio, Peter Vischer, Brouwer, Canaletto, Corot và nhiều tên tuổi khác mà tôi yêu thích. Nếu đề cập tất cả, độ dày cuốn sách có thể tăng lên gấp hai, ba lần và điều ấy, tôi tin là, sẽ làm giảm giá trị của cuốn sách với vai trò như cuốn cẩm nang nghệ thuật đầu tiên.

Công việc chọn lọc khó khăn này chính là quy tắc thứ tư mà tôi áp dụng. Trong quá trình còn lưỡng lự, tôi sẽ luôn ưu tiên thảo luận về tác phẩm nào chính tôi đã thấy tận mắt thay vì thấy qua hình chụp lại. Tôi mong muốn thực hiện quy tắc này một cách tuyệt đối, tuy nhiên, tôi không muốn độc giả phải chịu đựng rủi ro của những hạn chế trong việc di chuyển giữa các quốc gia mà đôi khi việc này kìm kẹp những người yêu nghệ thuật. Ngoài ra nguyên tắc cuối cùng của tôi là sẽ không có một nguyên tắc tuyệt đối khắt khe nào cả, mà sẽ thi thoảng phá vỡ, thay đổi một chút, để độc giả có thể thưởng thức sự thú vị khi khám phá chúng.

Đó là một số quy tắc không được vui vẻ lắm mà tôi tự đặt ra. Những mục đích chính tích cực hơn của tôi sẽ được thể hiện từ chính bản thân cuốn sách. Qua việc kể lại câu chuyện nghệ thuật bằng ngôn ngữ thông thường, độc giả sẽ có thể dễ dàng hình dung cách câu chuyện được kết nối và giúp cho sự đánh giá đúng đắn của họ không bị lấn át bởi quá nhiều miêu tả về tác phẩm, mà thay vào đó là được cung cấp những gợi ý để thấu hiểu hơn về ý đồ của các họa sĩ.

Phương pháp này hạn chế những hiểu nhầm có thể xảy ra cũng như đoán trước kiểu phê bình đi lệch trọng tâm tác phẩm. Ngoài ra, cuốn sách còn có một mục tiêu tham vọng hơn nữa. Cuốn sách đặt tác phẩm vào góc nhìn lịch sử để qua đó, độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới.

Mỗi thế hệ nghệ sĩ, ở mức độ nào đó, đều thực hiện “cuộc cách mạng” chống lại các tiêu chuẩn mà những bậc tiền bối đã đặt ra; mỗi tác phẩm nghệ thuật đều cuốn hút người đương thời không chỉ với những gì nó đã đạt được, mà cả với những gì nó chưa chạm tới.

Khi chàng trai trẻ Mozart đến Paris, anh nhận thấy một điều – như trong bức thư anh viết cho cha mình – là mọi bản giao hưởng được ưa thích nhất ở đó đều kết thúc bằng một chương cuối quá vội, nên anh đã quyết định gây bất ngờ cho khán thính giả bằng một chương cuối thật chậm rãi. Đây là một ví dụ bình thường, nhưng nó cho thấy chúng ta nên đánh giá nghệ thuật dưới góc độ lịch sử với thái độ như thế nào.

Cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật"

Ham muốn trở nên khác biệt có thể không phải là ham muốn tột bậc nhất ở một nghệ sĩ, nhưng không có nghĩa là không có. Và thái độ trân trọng sự khác biệt trong ý đồ của các nghệ sĩ sẽ giúp chúng ta tiếp cận nghệ thuật của quá khứ một cách dễ dàng nhất.

Tôi tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại.

Dù mạo hiểm với việc có thể trở nên tẻ nhạt, nhưng mục đích tôi hướng đến vẫn là so sánh các tác phẩm để chỉ ra sự cách biệt mà các nghệ sĩ được đặt vào [so sánh] giữa họ với thế hệ tiền bối. Phương pháp này dẫn đến một cạm bẫy trong việc thể hiện [nội dung] mà dù muốn tránh, tôi cũng không thể không nhắc đến. Đó là nhận định ngây thơ và sai lầm rằng: các biến chuyển liên tục trong nghệ thuật là một quá trình không có ngắt nghỉ.

Đúng là mỗi nghệ sĩ đều cảm thấy anh ta vượt qua thế hệ đi trước và từ điểm nhìn của mình, anh ta thấy bản thân đã đạt được sự tiến bộ so với những gì có sẵn. Chính chúng ta cũng khó lòng thấu hiểu trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật nếu không đặt mình vào cảm giác đầy hân hoan và tự do mà người họa sĩ cảm thấy khi nhìn vào thành quả của mình.

Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra rằng mỗi sự gặt hái hay sự tiến bộ về một hướng sẽ kéo theo sự mất mát tổn hại ở một khía cạnh khác; và sự tiến bộ chủ quan này, dù có đóng góp quan trọng ra sao, cũng không tương đương với một sự tăng tiến khách quan về giá trị nghệ thuật. Điều này nghe hơi trừu tượng một chút trong lời tóm tắt này. Tôi hy vọng rằng cuốn sách sẽ làm sáng tỏ cho các bạn.

Vài dòng nữa về không gian phân bổ các tác phẩm sẽ được giới thiệu trong sách. Một số người có thể sẽ phàn nàn rằng lĩnh vực hội họa được thiên vị quá mức so với điêu khắc và kiến trúc. Một lý do cho sự chênh lệch này là ảnh minh họa một bức tranh truyền tải được nhiều hơn so với ảnh minh họa một tác phẩm điêu khắc khá lớn, không kể đến một công trình kiến trúc đồ sộ. Hơn nữa, tôi không có ý định tranh đua với lịch sử tuyệt vời của rất nhiều phong cách kiến trúc đã tồn tại.

Mặt khác, câu chuyện về nghệ thuật được bàn đến ở đây sẽ không thể được kể lại nếu không dựa trên nền tảng liên quan đến kiến trúc. Trong khi phải tự hạn chế bản thân bàn luận về phong cách của một hoặc hai công trình trong mỗi thời kỳ, tôi đã cố gắng phục hồi sự cân bằng ưu tiên về mặt kiến trúc bằng cách nêu lên những ví dụ là những công trình vô cùng xuất sắc ở từng chương. Độc giả qua đó có thể sắp xếp tổng hợp kiến thức về mỗi giai đoạn và có được cái nhìn tổng quan.

Ở cuối mỗi chương, một hình ảnh minh họa đặc trưng cho giai đoạn sẽ được chọn, sao cho nó có thể nói lên số phận chung và thế giới của người nghệ sĩ trong thời kỳ đó. Những bức tranh này tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng. Dù tính nghệ thuật của chúng không thực sự xuất sắc, những tư liệu hình ảnh này có thể giúp cho chúng ta trau dồi trong chính tâm trí mình một bức tranh kiên cố về thế giới xung quanh nơi mà nghệ thuật của quá khứ trỗi dậy bừng sống.

Cuốn sách này có thể đã không bao giờ thành hình nếu thiếu đi sự động viên từ nhà sử học nghệ thuật Elizabeth Senior, người đã không may qua đời trong một cuộc không kích tại London, một mất mát to lớn cho những ai biết tới bà. Tôi cũng vô cùng biết ơn Tiến sĩ Leopold Ettlinger, Tiến sĩ Edith Hoffmann, Tiến sĩ Otto Kurz, Olive Renier, Edna Sweetman, cùng vợ và con trai Richard của tôi vì những lời khuyên và sự hỗ trợ quý giá, cũng như Nhà xuất bản Phaidon đã góp phần tạo nên cuốn sách này.

Độc giả có thể đọc thêm tóm tắt về cuốn sách "Câu chuyện nghệ thuật" tại link này: http://tramdoc.vn/doc-tom-tat-sach/cau-chuyen-nghe-thuat-e-h-grombich-tnO3WW.html

Mua tại Tiki

Mua tại Shopee

 Trạm đọc

Tags: