Câu chuyện nghệ thuật- Nếu bạn chỉ có một cuốn sách về nghệ thuật thì đây là cuốn sách bạn nên có

Câu chuyện nghệ thuật (The story of art- E.H. Grombrich) là một công trình nghiên cứu kinh điển về nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật châu Âu, được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc…song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.

Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật và cách viết mạch lạc, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với nền tảng kiến thức đa dạng.

Đọc thêm: Khám phá "Câu chuyện nghệ thuật" qua lời tự sự của tác giả

 

NỘI DUNG CỦA "CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT"

 

Thay vì tập hợp các tác phẩm theo cách đơn thuần, cuốn sách đặt chúng vào góc nhìn lịch sử, qua đó giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các nghệ sĩ muốn nhắm đến. 

 

Cuốn sách được chia thành 3 phần: Lời giới thiệu, 27 chương (mỗi chương đề cập đến một khoảng thời gian xác định của lịch sử nghệ thuật trong một hoặc một số bối cảnh văn hóa / địa lý) và một chương kết luận cuối cùng để tóm tắt và cập nhật những phát triển mới nhất của nghệ thuật thị giác. 

  • Chương đầu tiên bắt đầu với những xem xét về sự khởi đầu nghệ thuật, với những nét vẽ và sản phẩm đầu tiên thời tiền sử và các nền văn hóa bản địa.
  • Bốn chương tiếp theo dành riêng để nói về nghệ thuật ở các nền văn hóa cổ đại lớn hơn, đặc biệt là Hy Lạp và La Mã
  • Chương 6, 7 dùng để nói về những ngã rẽ của nghệ thuật và điểm khác biệt trong sự tiếp thu nghệ thuật cổ đại ở các nơi trên thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ…
  • Bắt đầu với chương 8 cho đến hết chương 23, Gombrich tập trung vào nghệ thuật Trung Âu với những câu chuyện và chuyển biến lịch sử trong từng giai đoạn, sự ảnh hưởng của chúng tới quan niệm và thói quen sáng tác của các nghệ sĩ. Từ đó, định hình nên các trường phái nghệ thuật khác nhau và sản sinh ra các nghệ sĩ tiêu biểu đi đầu trong từng phong cách.
  • Từ chương 24, tác giả quay trở lại một cái nhìn toàn cầu hơn, đề cập đến những chuyển biến nghệ thuật cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 ở Anh, Pháp và Mỹ.

CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Đây là cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhất về nghệ thuật từng được viết, được dịch ra gần 30 thứ tiếng và bán ra hơn 8 triệu bản trên toàn thế giới. Trở thành cuốn sách nghệ thuật bán chạy nhất thế giới trong hơn bốn thập kỷ.

  • Khối lượng hình minh họa đồ sộ, với hơn 50% số trang của cuốn sách dành cho các bức tranh, bản vẽ, kiến ​​trúc và tác phẩm điêu khắc. Mỗi hình ảnh minh họa đều được in màu rõ nét, các tác phẩm đặc trưng cho giai đoạn sẽ được chọn, sao cho nó có thể nói lên số phận chung và thế giới của người nghệ sĩ trong thời kỳ đó, tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng.
  • Tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác cho vô số thế hệ độc giả. Với cách viết đơn giản và rõ ràng, độc giả ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh đều nhận thấy ở Giáo sư Gombrich một bậc thầy thực sự, và một người kết hợp kiến ​​thức và trí tuệ với một món quà độc đáo để truyền đạt tình yêu sâu sắc của ông về chủ đề này

TÁC GIẢ CUỐN SÁCH "CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT"

Giáo sư Ernst Gombrich, O.M. C.B.E., F.B.A. (1909 – 2001)

Sinh ra ở Vienna vào năm 1909. Ông trở thành thành viên của Viện Warburg ở London vào năm 1936, và giữ chức vụ Giám đốc từ năm 1959 đến năm 1976. Ông là giáo sư chuyên về Lịch sử Truyền thống Cổ điển ở Đại học (Liên hợp) London. Ông được phong hàm Hiệp sĩ năm 1972; được trao Huân chương Công trạng năm 1988, cùng rất nhiều những giải thưởng và danh hiệu khác bao gồm The Goeth Prize (1994) và the Gold Medal of the City of Vienna (1994).

Tác phẩm tiêu biểu:

  • Art and Illusion: A Study in the Psychology of Pictorial Representation (Nghệ thuật và Ảo ảnh: Một nghiên cứu về tâm lý học của sự tái hiện hình ảnh) (1960)
  • The Sense of Order: A Study in the Psychology of Decorative Art (Ý thức về trật tự: Một nghiên cứu về tâm lý học của nghệ thuật trang trí) (1979)
  • Cùng 11 các tuyển tập chuyên luận và bài phê bình nổi tiếng, tất cả đều được xuất bản bởi Nhà xuất bản Phaidon.

 

CHUYÊN GIA NÓI VỀ "CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT"

“Đây là một tác phẩm, vốn được đón nhận rộng rãi một cách xứng đáng, có thể tác động sâu sắc đến tư tưởng của một thế hệ. Gombrich viết như đang trò chuyện, một cách gần gũi và thân mật. Dù đã có chút hao mòn, xong tri thức của ông rất dễ được lĩnh hội bởi bất kỳ cô cậu sinh viên nào của lĩnh vực này, ông luôn có chút gì đó mới mẻ để nói về hầu như mọi đề tài của nó. Chỉ với một vài từ, Gombrich có thể rọi sáng toàn bộ bầu không khí của cả một thời kỳ.”

- The Time Literary Supplement, bài bình luận cho ấn bản đầu tiên, 27/01/1950 -

“Giống như mọi sử gia nghệ thuật khác cùng thời với mình, cách mà tôi tư duy về hình ảnh, ở một chừng mực nhất định, được định hình bởi Ernst Gombrich. Tôi 15 tuổi khi bắt đầu đọc cuốn Câu chuyện Nghệ thuật và cũng giống như hàng triệu độc giả khác, tôi nhận thấy mình như được trao cho tấm bản đồ của một vùng đất vĩ đại, cùng với đó là sự tự tin để dấn thân vào hành trình khám phá này mà không hề sợ hãi rằng mình sẽ bị choáng ngợp.”

- Neil MacGregor, Giám đốc Phòng tranh Quốc gia, London, 1995 -

“Khó mà cho rằng sự hứng khởi của tôi dành cho ấn bản mới của cuốn sách này là phóng đại khoa trương, nhất là tác phẩm này nằm trong số những cuốn sách trọng tâm của sự nghiệp vĩ đại nhằm mục tiêu mang con người và nghệ thuật đến gần nhau. Cách thiết kế mới tao nhã, mang lại sự tương thích trực quan giữa hình ảnh minh họa và nội dung; cùng sắc màu rực rỡ của các hình ảnh, nhiều trong số đó hoàn toàn mới; và lối diễn đạt sáng sủa đậm tính lan tỏa, đã được cập nhật bổ sung, tất cả kết hợp làm vang danh cho ấn bản này. Một cuốn sách để đọc, đọc đi đọc lại, và, với thiết kế lần này, để thưởng thức một cách đầy nâng niu như một tác phẩm xuất sắc kinh điển.”

- J. Carter Brown, Giám đốc Danh dự, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC, Chủ tịch, Ủy ban Mỹ thuật Mỹ, 1995 -

“Trong suốt 45 năm qua, ngày càng có nhiều người – họa sĩ, sinh viên và các học giả – được giới thiệu về thế giới mỹ thuật, nhờ vào cuốn Câu chuyện Nghệ thuật của Ernst Gombrich hơn bất kỳ tác phẩm đơn lẻ nào khác. Đây là một câu chuyện tuyệt vời, được viết nên bởi một nhà sử học vĩ đại mà tính thẳng thắn, sự ngờ vực về cách sử dụng thuật ngữ chuyên môn, cùng lòng nhiệt thành của ông vẫn luôn được lan tỏa. Ấn bản mới là một tin tức tuyệt hay đối với chúng tôi, những người đã trưởng thành cùng cuốn sách của Gombrich – và còn là một tin tuyệt vời cho những độc giả sẽ sớm đồng hành cùng nó.” 

- Christopher Frayling, Giáo sư Lịch sử Văn hóa, Trường Nghệ thuật Hoàng gia, London, 1995 -

“Cuốn sách về đề tài nghệ thuật được bán chạy nhất nước Anh, không bao giờ bị tuyệt bản, luôn luôn được đặt hàng.”

- The Times -