Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam – từ chỗ là một trong năm quốc gia nghèo nhất thế giới năm 1985 thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường: các dòng sông chết vì ô nhiễm công nghiệp, suy giảm đa dạng sinh học và vấn đề ngày càng nghiêm trọng về chất lượng không khí không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở Hà Nội. Kết quả là ngày càng có nhiều người trẻ được truyền cảm hứng từ mạng xã hội và thành lập các tổ chức như “Be the Change Agents” để vận động sự ủng hộ dành cho các nỗ lực làm sạch môi trường.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hơn 277 loài san hô, 270 loài cá sống trong rạn san hô, 4 loài tôm hùm và 97 loài nhuyễn thể. Dù đa dạng sinh học biển nơi đây không sánh bằng hệ thống rạn san hô Great Barrier hay quần thể Tam giác San hô ở Biển Đông, nhưng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giờ đây đã được công nhận là mô hình du lịch sinh thái xuất sắc, không có các vấn đề ô nhiễm điển hình hoặc có liên quan đến ô nhiễm như: nạn khai thác tận diệt gia tăng; nước thải không được xử lý; san hô bị thu hoạch để sử dụng trong xây dựng phục vụ thủy cung hoặc để mua bán; du khách có hành vi thiếu ý tứ; và chung chung hơn là dân số trên đảo gia tăng.
Một số nhà khoa học biển sẽ nhanh chóng bổ sung rằng có những trở ngại trong việc thành lập các khu bảo tồn biển, chẳng hạn như sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế, dân số ngày càng tăng trong khi nhận thức về môi trường còn thấp, giới hạn về mặt tài chính trong vấn đề ngân sách của chính phủ, sự phản đối của những người sợ mất sinh kế, sự hạn chế về dữ liệu kinh tế xã hội, và đôi khi là một bộ máy quan chức thờ ơ và thiếu chuyên môn.
[...] Cư dân trên đảo chưa bao giờ ngừng tôn vinh văn hóa, lịch sử và những câu chuyện của họ. Một số câu chuyện đầy màu sắc của họ có thể dễ dàng được nhận ra ngay, giống như chúng ta có thể nhìn thấy loài cá vẹt nghiến răng xé những mảnh nhỏ từ rạn san hô. Những ngư dân khác cần có thời gian tâm tình thì mới biết được những câu chuyện về biển của họ.
[...] Từng chứng kiến việc cá voi bị săn bắt cũng như mắc cạn, Biển Đông là nơi sinh sống của hơn 1/3 số cá voi ở biển, tất cả đều có tên trong Phụ lục của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - CITES).
Dữ liệu có được gần đây dựa trên hiểu biết của ngư dân địa phương về sinh thái đã bổ sung bằng chứng cho thấy một phần hoặc toàn bộ Biển Đông là khu vực cư trú quan trọng của các loài động vật có vú thủy sinh với sự đa dạng loài ở mức cao, xứng đáng được quan tâm bảo tồn đặc biệt, nhưng trước giờ lại bị xem nhẹ. Đó chính là lý do tôi nói chuyện với những ngư dân này về các loài động vật có vú ở biển.
Người Chăm cực kỳ tin vào những câu chuyện thần thoại về cá voi, loài vật đã bảo vệ ngư dân và tổ tiên của họ qua nhiều thế hệ. Trong quyển sách Whale Worship in Vietnam (tạm dịch: Tín ngưỡng thờ cá voi ở Việt Nam), học giả Sandra Lantz cho biết khi phát hiện cá voi chết ở biển, ngư dân sẽ kéo con vật vào bờ và đảm bảo nó được chôn cất đàng hoàng. Nghi lễ hay tín ngưỡng này được gọi là “tục thờ cá Ông”.
Người dân ở Cù Lao Chàm cũng như ở các địa phương khác tổ chức những nghi lễ đặc biệt này không chỉ dành cho cá voi, mà còn cho cá heo và cá heo chuột vì chúng đều thuộc Bộ Cá voi.
Ông Nguyễn Toàn Hoàng, một ngư dân sáu mươi tuổi sinh ra trên Cù Lao Chàm, đã nói về niềm tin của mình như sau: “Việc đánh bắt của chúng tôi vẫn tốt không chỉ vì chúng tôi bảo vệ các rạn san hô và cá voi. Chúng không thể bị tổn hại; nếu điều đó xảy ra, việc đánh bắt của chúng tôi sẽ gặp vấn đề”.
Có gần 20 loài động vật có vú thủy sinh khác nhau được tìm thấy ở Biển Đông và ven biển Việt Nam, chẳng hạn như: cá voi lưng gù, cá nhà táng nhỏ, cá nhà táng lùn, cá heo răng nhám, cá heo lưng gù An Độ Dương, cá heo mũi chai Ấn Độ Dương cá heo đốm nhiệt đới, cá heo quay, cá heo sọc, cá heo thông thường, cá voi đầu dưa, cá voi sát thủ lùn, cá voi hoa tiêu vây ngắn, cá heo sông Irrawaddy, cá heo không vây. Thật không may, nghề săn bắt cá voi vẫn tồn tại, và kết quả là cá voi có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điều này đặc biệt đúng đối với cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương loài hiếm nhất trên thế giới với số lượng chỉ còn khoảng 500 cá thể. Khi trưởng thành, chúng có chiều dài lên tới 15 mét và có thể nặng 70 tấn.
[...] Điều rõ ràng là tất cả cư dân trên đảo đều thể hiện lòng kính trọng sâu sắc đối với cá voi. Dường như trong tính cách dân tộc Việt Nam, nước – hay đúng hơn là Biển Đông – là thứ thiêng liêng và là một phần trong nhận thức về tự nhiên của họ. Điều này được phản ánh trong truyền thống đi biển có lịch sử lâu đời của người dân nước này. Điều này cũng lý giải tại sao cuộc sống gắn liền với biển cả của tổ tiên họ lại chứa đầy truyền thuyết và thần thoại.
Tôi được biết rằng ngư dân Việt Nam xem trọng tất cả các loài cá voi, nhưng chỉ thờ cá Chuông hay cá nhà táng. Nếu một con cá voi dạt vào bờ và bị mắc cạn, dân chài sẽ làm mọi cách có thể để giải cứu nó. Nếu cá chết, dân làng sẽ đối xử với cái xác hết sức tôn kính và sau đó sử dụng bộ xương của nó để lập đền thờ. Nói chung, ngư dân sẽ tổ chức tang lễ cho con cá voi đó, đặt xác nó trong một tấm vải liệm và chôn cất nó một cách thành kính. Sau này, bộ xương sẽ được đào lên, làm sạch cẩn thận và đặt trong đền hoặc miếu để thờ cúng.
Đối với người Việt Nam, nếu không làm như vậy thì họ có thể gặp phải những điều xui rủi như lưới rách, đánh bắt không được, tàu thuyền hỏng máy, bão, thậm chí là bệnh tật.
Nghiên cứu đáng tin cậy của Lantz tiết lộ rằng cá Ông là biểu tượng của nỗi khiếp sợ lẫn lòng tôn kính. Dĩ nhiên, những con cá voi sống cũng được kính trọng. Những người theo tục thờ cá Ông chưa bao giờ săn bắt các sinh vật biển to lớn này – những động vật thuộc lớp thú mà họ xem là những con cá khổng lồ. Xác của những con cá voi chết tự nhiên được chôn cất với lòng thành kính cùng nhiều nghi lễ. Sau ba đến năm năm, xương của những con cá voi đó sẽ được khai quật khâm liệm và đem về đền hoặc miếu để thờ phụng như thế những sinh vật này là một phần của cộng đồng.
Tang lễ cho cá voi luôn thu hút đông đảo người dân. Hiến pháp Việt Nam bài trừ “mê tín dị đoan” nhưng tục thờ cúng cá voi đã ăn sâu vào văn hóa nước này.
Sự tôn sùng này dẫn đến việc nhiều đền chùa ra đời, trong đó có chùa Hải Tạng trên Cù Lao Chàm, một ngôi chùa nhỏ tuyệt đẹp được xây dựng cách nay hơn 250 năm tại một thung lũng nhỏ yên bình với những cánh đồng lúa và nhiều loại rau được trồng gần đó. Trên cả nước, có hàng chục đền chùa miếu mạo đã được xây dựng riêng cho việc thờ cúng những con cá voi chết vì nguyên nhân tự nhiên và bị trôi dạt vào bờ biển.
Các ngư dân kể lại bằng giọng điệu từ tốn và thái độ tôn kính những câu chuyện thần thoại đậm chất văn hóa của họ, cũng như những câu chuyện về những lần cá voi hoặc cá heo lớn cứu mạng họ khi họ đánh bắt xa hòn đảo quê hương thậm chí là đẩy thuyền của họ về nơi an toàn trong một cơn bão di chuyển nhanh. Vì cá voi không bao giờ bị săn bắt ở Việt Nam nên nhiều giai thoại đã ra đời, ví dụ như chuyện vua Gia Long (trị vì từ năm 1802 đến năm 1820) sắc phong cá voi là “Nam Hải Đại tướng quân”. Trong lịch sử gần đây, các nghi lễ đã được tổ chức trên bãi biển để mang lại niềm vui cho cư dân địa phương và để cầu mong một mùa đánh bắt thành công.
Dọc theo bờ biển Việt Nam, việc các làng chài thờ cúng Cá voi khổng lồ và xem chúng như thần hộ mệnh của họ là một hiện tượng mang tính tôn giáo gần như chỉ có ở đất nước này. Tuy nhiên, một số chuyên gia chính sách đã nỗ lực chính trị hóa những huyền thoại này cũng như những nghiên cứu lịch sử mới nhằm chứng minh yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Các học giả như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng lập luận rằng quá trình dựng nước của Việt Nam từ “thuở đã gắn bó mật thiết với nước. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy lịch sử liên quan đến nước trong thần thoại, các câu chuyện lịch sử, chuyện cá nhân và truyền miệng dân gian về thời kỳ này".
Giáo sư Vượng muốn xác định một hình mẫu tư duy liên quan đến biển đã mang đến cho người Việt thứ bản sắc đa sắc tộc tuy dựa trên văn hóa cổ xưa nhưng vẫn có ý nghĩa và sức ảnh hưởng đối với toàn thể người Việt ngày nay, và đó chính là tình yêu của họ đối với Biển Đông cũng như đối với ngư dân.
Song, bất kỳ kết luận nào mà học giả này rút ra từ các chính sách hướng biển của Việt Nam liên quan đến giao thương hàng hải thời xưa đều có vẻ xa rời cuộc sống của ngư dân nơi đây.
Một số ngư dân lớn tuổi đang ngồi trong quán cà phê gần đó, bên cạnh khu chợ của người địa phương và trông ra bến tàu nguyên sơ của Cù Lao Chàm, nơi có những rạn san hô nhiều màu sắc dưới mặt nước. Họ kể cho tôi nghe về việc cá voi sống trong bóng tối đen đặc phần lớn cuộc đời nó, nhưng đồng thời cũng quả quyết với tôi rằng những sinh vật vĩ đại này đã cung cấp cho họ nhiều kiến thức về dòng chảy của sự sống ở đại dương. Tuy nhiên, như Herman Melville từng nói rõ thông qua nhân vật Ishmael ở chương “Cetology” (tạm dịch: Cá voi học) trong tác phẩm Moby Dick, những người dân đảo này cũng biết rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải thích thế giới một cách chắc chắn và súc tích đều là sự nỗ lực vô ích.
Qua nhiều thế kỷ, đại dương đã sản sinh ra nhiều huyền thoại, truyền thuyết và sự kiện mà con người vẫn chưa hiểu rõ. Thậm chí, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Plutarch từng viết: “Đối với riêng cá heo, vượt xa tất cả những loài khác, thiên nhiên đã ban tặng cho chúng thứ mà các nhà triết học lẫy lừng nhất tìm kiếm: tình bạn không vụ lợi. Mặc dù nó không cần con người, nó vẫn là bạn của mọi người và thường xuyên giúp đỡ họ rất nhiều”.
Biển Đông có hơn 73.000 hòn đảo với các quần đảo xa bờ như Hoàng Sa và Trường Sa, nơi có môi trường biển đặc thù với các rạn san hô vòng (atoll) ngập nước. Các rạn san hô vòng này đôi khi có một số phần nổi lên, nhưng luôn đi liền với một đầm nước lặng gọi là vụng biển và những cấu trúc sâu trong lòng đại dương kết nối các rạn san hô nằm rải rác thông qua các dòng hải lưu. Các vụng biển này chính là nơi chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sản xuất sinh học cũng như là nơi cư trú của các loài sinh vật biển.
Trong quyển Biển Việt Nam và các mối giao thương biển, Giáo sư Nguyễn Văn Kim - giám đốc Trung tâm Biển và Hải đảo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội – đã viết rằng biển là điểm xuất phát, cũng là nhà của nhiều nhân vật huyền thoại trong ký ức của người Việt Nam. Trong công trình của ông có một nghiên cứu về tác phẩm bán hư cấu Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, ra đời ở Việt Nam vào thế kỷ 14. Theo tuyển tập truyện này, thần biển Lạc Long Quân đã giúp đỡ ngư dân và thuyền buôn trên biến chống lại thủy quái (Ngư Tinh) - loài thủy quái trông như một con cá khổng lồ ở Biển Đông. Tương truyền, khi có thuyền chở hàng hoặc thuyền đánh cá đi ngang qua, con quái vật sẽ quẫy đuôi tạo nên những đợt sóng lớn và khiến thuyền bị lật úp. Lạc Long Quân hóa thân thành thuyền buôn và đến nơi Ngư Tinh thường lui tới. Khi Ngư Tinh định nuốt lấy con thuyền, Lạc Long Quân đã dùng thanh sắt đang cháy và gươm thần để tiêu diệt nó.
Người Việt Nam sống ở các vùng duyên hải biết ơn biển đã cho họ nguồn sống. Chính niềm tin của họ về sức mạnh của đại dương đã dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo. Một tài liệu viết bằng tiếng Chăm vào thế kỷ 17 ở miền Trung Việt Nam ghi lại rằng trong hành trình trở về từ vùng Kelantan' sau một thời gian nghiên cứu phép thuật Mã Lai, một người đàn ông địa phương đã chết đuối khi thuyền của anh ta bị đắm trong một trận bão. Phát hiện ra thi thể trôi dạt, một con cá voi đã đưa xác anh ta vào bờ và được dân làng sùng kính.
Các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông cần học hỏi ít nhiều từ lịch sử, huyền thoại và việc áp dụng khoa học của Cù Lao Chàm, vì mối quan hệ có giá trị giữa họ với đại dương sẽ được kết nối với tín ngưỡng xa xưa, huyền thoại và hệ sinh thái biển bền vững. Những cư dân trên đảo thực chất đã thực hành điều mà Tiến sĩ Sylvia Earle, nhà khoa học biển huyền thoại từng là khoa học gia trưởng của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA), tin tưởng: “Với mỗi giọt nước ta uống, mỗi hơi thở ta hít vào, ta đều kết nối với biển cả”.